TRUNG TÂM KHUYẾN NÔNG NGHỆ AN

https://khuyennongnghean.com.vn


Chủ động bảo vệ đàn vật nuôi trong mùa mưa bão

Nghệ An là tỉnh thuộc bắc Trung bộ với 82 km bờ biển, nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa.; hàng năm luôn chịu ảnh hưởng của những đợt gió Tây nam khô nóng và mưa bão lụt lớn.
Mỗi năm trung bình có khoảng 6-8 cơn bão lớn nhỏ khác nhau hưởng trực tiếp đến Nghệ An và gây thiệt hại về nhiều mặt trong đó đối mặt với rủi ro và thiệt hại nhất là ngành nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng. Mưa bão tác động không những làm ngập chết, cuốn trôi gia súc gia cầm, làm tốc mái, hư hại chuồng trại mà còn gây khan hiếm nguồn thức ăn, làm giảm sức đề kháng con vật và ô nhiễm môi trường, dễ phát sinh các dịch bệnh dẫn đến vật nuôi mắc bệnh chết, phát triển kém, chậm lớn…Để góp phần giảm thiểu thiệt hại, bảo vệ đàn vật nuôi  trong mùa mưa bão nguời chăn nuôi cần phải lưu ý một số biện pháp như sau:
1. Thường xuyên cập nhật, theo dõi dự báo thời tiết, diễn biến của mưa bão hàng ngày để có kế hoạch chủ động ứng phó trước khi có mưa bão xuất hiện. Đối với những cơn bão lớn cần theo dõi tin tức hàng giờ và đề phòng mưa lớn ngập lụt.
2. Chuồng trại:
- Kiểm tra, gia cố lại chuồng trại cho chắc chắn nhất là phần mái, rèm che, tường chuồng. Mái chuồng cần gia cố bằng cách chằng néo, đặt các bao cát lên để hạn chế tốc mái khi có gió bão, đề phòng mưa tạt, gió lùa vào chuồng nuôi. Đối với hệ thống thoát nước thải, nơi chứa chất thải cần làm sạch toàn bộ hoặc dọn bớt phân rác thải trong bể chứa và xử lý theo quy định để tránh bị tràn, vỡ chất thải gây ô nhiễm khi bị ngập lụt.  Khơi thông cống rãnh, hạn chế ngập khi mưa to.
- Kiểm tra hệ thống điện, bóng đèn trong chuồng trại, thay thế các bóng đèn hoặc dây điện bị hỏng. Mưa lớn, gió bão, lũ lụt nguy cơ mất điện hoặc chập điện rất cao. Người chăn nuôi cần chuẩn bị máy phát điện, than, củi…để thắp sáng và sưởi ấm vật nuôi nhất là con non tuyệt đối không để bị lạnh. Vùng có nguy cơ ngập lụt cần nâng cao nền chuồng hoặc làm sàn kê cao và có phương án di dời vật nuôi khi cần.
-Trong khi mưa bão phải thường xuyên kiểm tra chuồng trại, kịp thời gia cố khắc phục khi có vị trí bị hư hỏng do mưa bão, gió lốc. Nếu có nguy cơ bị ngập lụt cần đưa gia súc lên chỗ cao ráo hơn hoặc di dời ngay. Sau mưa bão nhanh chóng tu sửa lại những chỗ chuồng  bị hư hỏng, thu gom dọn dẹp vệ sinh phân rác vệ sinh tiêu độc chuồng trại; thay mới hoặc bổ sung lớp đệm lót khô sạch trước khi đưa vật nuôi vào.
2. Thức ăn, nước uống và thuốc thú y:
- Về thức ăn: Trước mưa bão cần phải tính toán dự trữ số lượng, loại thức ăn đảm bảo phù hợp với số lượng, loài vật nuôi. Đối với gia cầm và lợn dự trữ thức ăn tinh, thức ăn công nghiệp. Đối với trâu bò, dê  cần dự trữ thức ăn tinh, cỏ tươi, và thức ăn thô khô như rơm, cỏ khô hoặc ủ chua/ ủ urê và tảng đá liếm. Lưu ý bảo quản thức ăn ở kho hoặc nơi cao ráo, không bị ngập và mưa tạt ướt. Trong khi mưa bão thường xuyên kiểm tra lại nơi chứa thức ăn dự trữ, che chắn cẩn thận không để mưa tạt, ngập nước dẫn đến hỏng, mốc. Nếu thức ăn bị hỏng, ôi mốc phải vứt bỏ ngay, tuyệt đối không cho vật nuôi ăn. Sau khi hết mưa bão, cần kiểm tra, vệ sinh và sắp xếp lại kho thức ăn, loại bỏ thức ăn bị hư hỏng không đảm bảo chất lượng.
              Kiểm tra chuồng trại  cho đàn dê tại hộ ông Vũ Văn Hà- xã Nghĩa Dũng- Tân Kỳ
- Về nước uống: Thời tiết mưa bão kéo dài có thể gây ngập lụt làm ô nhiễm nguồn nước bởi vậy phải có phương án dự trữ nước sạch cho vật nuôi. Di dời bồn dự trữ nước lên chỗ cao ráo; chuẩn bị thuốc khử trùng nước như  cloramin B, phèn chua… để sử dụng làm sạch nước uông cho vật nuôi khi cần. Sau mưa bão vệ sinh lại toàn bộ hệ thống ống dẫn, máng uống nước; thau rửa và khử trùng bể chứa nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước. Không sử dụng nước bẩn, nước bị ô nhiễm cho vật nuôi uống.
- Về thuốc thú y và vaccin tiêm phòng: Mưa bão làm giảm sức đề kháng vật nuôi hơn nữa mưa ngập lụt cũng tạo điều kiện cho mầm bệnh có sẵn trong môi trường sinh sôi và phát tán gây bệnh, chủ yếu là các bệnh về về hô hấp và tiêu hóa. Cần chuẩn bị một số thuốc thú y, vitamin, premix tăng đề kháng, thuốc bổ, men tiêu hóa, men vi sinh… Ngoài ra cần chuẩn bị dung dịch tiêu độc khử trùng chuồng trại, vaccin . Cất giữ thuốc đúng nơi quy định, nơi cao ráo tránh bị mưa tạt, ngập lụt làm hỏng thuốc. Sau mưa bão cần kiểm tra và sắp xếp lại toàn bộ số lượng, chất lượng từng loại thuốc thú y, vaccin.
3. Nuôi dưỡng, chăm sóc, quản lý:
- Nuôi dưỡng: Trước, trong và sau mưa bão cho vật nuôi ăn uống đầy đủ khẩu phần, đúng loại thức ăn cho từng giai đoạn, từng loài vật nuôi; uống nước sạch và bổ sung vitamin, premix khoáng, B-complex, men tiêu hóa để đảm bảo sức khỏe cũng như tăng cường sức đề kháng cho con vật.
- Chăm sóc, quản lý: Trước mưa bão thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, bảo vệ đàn vật nuôi không để mầm bệnh xâm nhập. Đối với đàn vật nuôi lớn đã có thể xuất bán nên xuất bán nhanh hạn chế khả năng rủi ro do bão lụt, giảm thiểu áp lực cho người chăn nuôi.  Trước và sau mưa bão thường xuyên theo dõi, kiểm tra đàn vật nuôi. Nếu con vật ủ rũ bỏ ăn hoặc có triệu chứng bất thường cần phát hiện kịp thời và tách riêng, theo dõi điều trị. Khi nghi các dịch bệnh nguy hiểm như dịch tả lợn, viêm da nổi cục trâu bò, cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh… phải báo ngay cho chính quyền địa phương để xử lý.
4. Vệ sinh phòng bệnh:
- Trước mùa mưa bão: Phát quang bụi rậm, cỏ dại, cây cối xung quanh chuồng nuôi. Quét dọn, thu gom phân rác, vệ sinh sach sẽ chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi. Định kỳ phun tiêu độc khử trùng chuồng trại bằng các thuốc khử trùng có hoạt phổ rộng và tác dụng kéo dài như vôi bột, BKA, bencocid...
- Trong điều kiện thời tiết xấu mưa bão, lũ lụt nếu có vật nuôi bị chết chưa rõ nguyên nhân hoặc nghi bệnh phải báo cơ quan thú y và xử lý theo quy định.Tuyệt đối không vứt ra môi trường.
- Sau mưa bão người chăn nuôi thực hiện phương châm “nước rút tới đâu vệ sinh tẩy uế môi trường, chuồng trại tới đó”.  Đưa vật nuôi đến nơi khô ráo. Tách riêng những con vật bị ốm để chăm sóc điều trị. Tiêm phòng vaccin bổ sung ngay cho đàn nhất là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như lở mồm long móng, cúm gia cầm, viêm da nổi cục... Nạo vét bùn đất, thu gom phân rác, xác chết động vật; tiến hành rắc vôi, đào hố chôn lấp cẩn thận tránh nguy cơ làm lây lan dịch bệnh. Vệ sinh chùi rửa toàn bộ chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi. Sau khi vệ sinh sạch sẽ,  quét vôi tường chuồng và tiến hành phun tiêu độc khử trùng chuồng trại.
Trên đây là một số lưu ý để chủ động bảo vệ đàn vật nuôi trong mùa mưa bão mà người chăn nuôi cần lưu ý và thực hiện, không được chủ quan, lơ là. Trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay để giảm thiểu thiệt hại do mưa bão, ngập lụt  người chăn nuôi càng phải chủ động đối phó, thích ứng trước biến đổi khí hậu. Thiên tai là bất khả kháng, nhưng những thiệt hại do thiên tai gây ra có thể giảm thiểu một cách đáng kể nếu chúng ta chủ động và có giải pháp phòng tránh phù hợp. Ngoài ra cần có sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của các cấp các ngành nhất là tinh thần trách nhiệm ứng phó, thực  hiện đồng bộ các giải pháp của người chăn nuôi mới hạn chế được thấp nhất rủi ro đem lại thành công trong chăn nuôi./.

                                                                                                    Kim Dung- TTKN
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây