TRUNG TÂM KHUYẾN NÔNG NGHỆ AN

https://khuyennongnghean.com.vn


Để nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Hủa Na phát triển

Vừa qua Đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và PTNT và sở Khoa học Công nghệ, Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Thú y và Trung tâm Giống Thuỷ sản Nghệ An đã có chuyến thăm và làm việc tại Huyện Quế phong
Để nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Hủa Na phát triển
Tại đây Đoàn đã thăm làm việc với một số Công ty sản xuất Lâm nghiệp và khảo sát vùng nuôi cá lồng trên hồ Thuỷ điện Hủa na. Công trình được xây dựng trên dòng sông Chu, phía thượng nguồn công trình Cửa Đạt (Thanh Hóa), thuộc địa bàn xã Đồng Văn, huyện miền núi Quế Phong của tỉnh Nghệ An. Diện tích lưu vực: 5.345 km2, từ khi Đập đi vào hoạt động, cũng là lúc nghề nuôi cá lồng bè ở đây phát triển mạnh, số hộ nuôi cá lồng liên tục tăng, trong đó tập trung ở các xã Thông Thụ, Đồng Văn. Đến nay, có khoảng trên 600 lồng cá với gần 100 hộ tham gia, đối tượng nuôi chủ yếu vẫn là cá trắm cỏ, cá rô phi, diêu hồng, một số đối tượng đặc sản khác như cá lăng, cá leo....  Một số địa phương đã xem nuôi cá lồng là mũi nhọn phát triển kinh tế. Có được thành quả bước đầu đó theo ông Ông Phan Trọng Dũng, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quế Phong cho biết, từ nhiều năm trở lại đây, nuôi cá lồng hồ thủy điện đã giúp người dân vùng lòng hồ phát triển kinh tế, góp phần ổn định cuộc sống. Hằng năm, huyện đều rà soát và hỗ trợ người dân cá giống, lồng cá theo Nghị quyết 14/2017/NQ-HĐND của tỉnh; trong đó, hỗ trợ từ 5-15 triệu đồng/lồng cá và trợ giá cá giống từ mức 50-70% đối với hộ nuôi tùy thuộc khu vực. Ngoài ra, huyện cũng đã lồng ghép một số chương trình như Chương trình giảm nghèo 30A, Chương trình 135, chương trình Khuyến nông qua đó mở các lớp tập huấn kỹ thuật giúp người dân nâng cao kiến thức, nắm rõ quy trình chăm sóc cũng như nhận biết và chữa bệnh cho cá.
Thăm mô hình cá lồng của ông Trần Văn Thuận, Bản Na Chảo- Piềng Văn xã Đồng Văn, huyện Quế Phong. Được biết anh là giám đốc HTX Nông nghiệp Dịch vụ Hủa Na với 24 thành viên tham gia (thời điểm hiện tại), có số lồng gần 300 cái, riêng gia đình anh có 70 lồng đã được anh thả nuôi cá trắm, cá Diêu hồng, cá bọp, cá leo mỗi năm thu về khoảng 300 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Theo anh Thuận, trước đây người dân nuôi tự phát, không có trình độ kỹ thuật nên cá hay bị bệnh, lúc bị bệnh cũng không biết xử lý nên hiệu quả kinh tế thấp. Được cán bộ khuyến nông của huyện mở các lớp tập huấn, bà con đã biết cách bố trí lồng phù hợp, cách chăm sóc cũng khoa học hơn, nhờ đó mà cá ít bệnh. Nuôi cá lồng thực sự đã và đang trở thành một sinh kế ổn định cho người dân nơi đây.
Trao đổi với chúng tôi, anh cho biết thêm Năm 2021 được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ xây dựng mô hình nuôi cá Diêu hồng, đến thời điểm hiện tại cá sinh trưởng phát triển rất tốt, đây cũng là đối tượng dễ nuôi, khả năng tiêu thụ tốt, Trung tâm Khuyến nông đang phối hợp với các Doanh nghiệp để kết nối đầu ra cho sản phẩm cá Diêu hồng cũng như các đối tượng nuôi hiện nay trên hồ thủy điện.
Tuy nhiên, nuôi cá lồng ở đây cũng đang gặp phải một số khó khăn như: Lượng nước thay đổi thường xuyên khiến việc chăm sóc gặp nhiều khó khăn (di dời lồng nhiều lần trong năm). Đặc biệt, kiểu nuôi manh mún, nhỏ lẻ chưa gắn kết được với chuỗi tiêu thụ sản phẩm nên cá thương phẩm nuôi ra đôi lúc bán không được và giá, sản lượng không ổn định. Anh Thuận cho biết thêm đầu ra hiện tại vẫn đang phụ thuốc vào thương lái bỏ mối cho các nhà hàng khu vực lân cận Quế Phong, Quỳnh Châu, Quỳnh Hợp ...một số thương lái tỉnh Thanh hoá.
Vì vậy để nghề nuôi cá ở đây phát triển một cách bền vững cần xây dựng một số mô hình theo chuỗi giá trị có bao tiêu sản phẩm để người dân an tâm sản xuất mà không sợ tư thương ép giá khi thu hoạch đồng loạt, tăng cường công tác tập huấn chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới gắn với xây dựng các mô hình trình diễn, việc lựa chọn đối tượng nuôi cũng cần phải có định hướng lại, trên cơ sở tận dụng được điều kiện tự nhiên sẵn có như: Nguồn nước, nguồn thức ăn sẵn có (cá mương, cỏ...), chọn lựa một số đối tượng cá phân bố tự nhiên tại lòng hồ như: Cá lăng, cá leo, Trắm cỏ, Rô phi và cuối cùng là cần tổ chức lại sản xuất để ngoài HTX hiện có cần thêm một số HTX, tổ hợp tác sản xuất mới để có thể đủ điều kiện tham gia xây dựng thương hiệu cho cá lồng hồ, và hỗ trợ nhau trong phát triển chuỗi (cung ứng con giống, thức ăn, ký bao tiêu sản phẩm,...). Trong tương lai không xa nghề nuôi cá lồng ở đay không chỉ tạo sinh kế cho người dân vùng lòng hồ mà còn là một mũi nhọn phát triển kinh tế của địa phương./.

                                              Niềm vui nông dân nuôi cá lồng

                                                     Bài và ảnh: Trần Trung Thành
                                                     Trung tâm KN - nguồn TSKN
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây