TRUNG TÂM KHUYẾN NÔNG NGHỆ AN

http://khuyennongnghean.com.vn


Chú trọng phát triển chăn nuôi gắn với chế biến và tiêu thụ

Nghệ An là tỉnh có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn thuộc tốp đầu cả nước,  theo số liệu của Cục thống kê tỉnh Nghệ An, năm 2020 tổng đàn trâu bò 754.253 con (trong đó đàn trâu 268.320 con, đàn bò 485.933 con, đàn bò, bê sữa 69.062 con), tổng đàn lợn 904.874 con, đàn gia cầm 27.849 ngìn con; tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 266.619 tấn; sản lượng trứng ước đạt 641.840 ngìn quả, toàn tỉnh có 941 trang trại chăn nuôi (21 trang trại bò, 438 trang trại lợn, 482 trang trại gia cầm).
Chú trọng phát triển chăn nuôi gắn với chế biến và tiêu thụ
Tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 4-5%/năm, phấn đấu đưa ngành chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính trong sản xuất nông nghiệp. Trong những năm qua với nhiều chính sách phù hợp, kịp thời của Trung ương và địa phương đã khuyến khích, thúc đẩy chăn nuôi phát triển một cách tích cực, năng suất và chất lượng các loại sản phẩm thịt, trứng, sữa không ngừng được nâng lên, bước đầu đã hình thành được một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, tạo ra sản phẩm có hiệu quả kinh tế, sức cạnh tranh cao đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu. Đặc biệt đã hình thành nhiều trang trại quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao như tập đoàn TH, Trang trại Vinamilk, Trang trại nuôi lợn của Masan, CP, Mavin, .. và xây dựng được 12 sản phẩm OCOP chăn nuôi đạt từ 3 sao trở lên góp phần đáp ứng nhu cầu sử dụng thực phẩm thị trường, nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi. Bên cạnh đó công tác giống vật nuôi, dịch bệnh, kiểm soát giết mổ và môi trường, chất thải chăn nuôi cũng từng bước được quản lý bài bản, có hệ thống. Công tác chế biến sản phẩm chăn nuôi từng bước được chú trọng, nổi bật nhất là sản phẩm sữa của 2 tập đoàn lớn TH và Vinamilk, chế biến thịt của Công ty cổ phần Súc sản Nghệ An thực hiện với sản lượng khoảng 500-800 tấn/năm sản phẩm các loại, còn lại chủ yếu do các hộ cá thể hoặc các công ty sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ thực hiện. Thị trường tiêu thụ vẫn chủ yếu thị trường trong nước và thông qua kênh bán hàng tại các cửa hàng thực phẩm, siêu thị, bên cạnh đó công tác xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi cũng đang được thúc đẩy, hiện đã có 2 loại sản phẩm xuất khẩu đó là sữa và lợn sữa qua các thị trường Hồng Kông, Trung Quốc, Đài Loan, ..
Thực trạng ngành chăn nuôi của tỉnh đang có tiềm năng, dư địa phát triển rất lớn, nhưng luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức và còn những tồn tại hạn chế nhất định đó là: Chăn nuôi đang phát triển theo chiều rộng thay vì chiều sâu, chủ yếu nhỏ lẻ, phân tán; Năng suất vật nuôi còn thấp, giá thành cao, mô hình chăn nuôi công nghiệp, công nghệ cao còn ít, khả năng kiểm soát dịch bệnh, môi trường còn hạn chế, các dịch vụ cung ứng vật tư, giống vật nuôi, khoa học công nghệ, quy trình sản xuất và quản lý chất lượng, công tác chế biến, liên kết tiêu thụ sản phẩm chưa phát triển, chưa tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng có nguồn gốc xuất xứ, chỉ dẫn địa lý, .. nên khả năng cạnh tranh và giá trị gia tăng thấp do chủ yếu tiêu thụ ở dạng tươi sống hoặc sơ chế. Hình thức tổ chức sản xuất dưới hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã chưa nhiều, thị trường tiêu thụ thì bấp bênh, thiếu ổn định phụ thuộc quá nhiều vào thương lái, công nghiệp giết mổ, chế biến sâu chưa phát triển, chưa áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất để giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh phục vụ cho xuất khẩu. Chính vì lẽ đó, mục tiêu phát triển chăn nuôi trong thời gian tới phải chăn nuôi theo hướng tập trung trang trị, gia trại, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết sản xuất hàng hóa gắn với chế biến và tiêu thụ, có như vậy mới phát huy được tiềm năng lợi thế của tỉnh, của từng địa phương và nâng cao được chuỗi giá trị, hiệu quả kinh tế chăn nuôi. Cụ thể chúng ta cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp cơ bản đó là:
Một là; Nâng cao năng suất chất lượng giống vật nuôi thông qua chương trình cải tạo giống, cải tiến và nâng cao tầm vóc, chất lượng đàn bò thịt, bình tuyển chọn lọc đàn trâu, dê và tạo đàn nái nền, đực giống lợn tốt, sử dụng những giống gia cầm hướng thịt, trứng cao sản đáp ứng nhu cầu thực phẩm và thị trường tiêu thụ, trong đó cũng cần chú trọng đến việc bảo tồn, khai thác các giống bản địa, nguồn gen quý để tạo ra các sản phẩm giống mang thương hiệu của tỉnh. Đặc biệt, cần có các chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi phù hợp, kịp thời và thu hút đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất giống, nhất là giống gia cầm để cung cấp nguồn giống tại chỗ cho người chăn nuôi.
Hai là; Tổ chức sản xuất theo hướng phát triển liên kết giữa tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp và người chăn nuôi trong việc sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là xây dựng hình thành và phát triển các cụm liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, trong đó vai trò doanh nghiệp làm nòng cốt định hướng sản xuất, áp dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm. Khuyến khích chăn nuôi áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGahp, GlobalGahp), hữu cơ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh sản phẩm, thị trường. Đồng thời, thu hút, phát triển các nhà máy thức ăn chăn nuôi, mở rộng diện tích trồng cỏ, cây nguyên liệu thức ăn và ứng dụng công nghệ chế biến, bảo quản phù hợp, tiên tiến (ủ chua, lên men, sấy khô, ..) nhằm nâng cao giá trị dinh dưỡng, sử dụng tối đa phụ phẩm công, nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi.
Ba là; Tạo điều kiện bố trí quỹ đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất hoặc cho thuê đất gắn liền với cơ chế chính sách hỗ trợ tài chính, tín dụng để phát triển các trang trại, gia trại, sản xuất thức ăn chăn nuôi, xây dựng cơ sở giết mổ tập trung và chế biến sản phẩm chăn nuôi. Nhất là tổ chức lại hệ thống giết mổ và chế biến gia súc, gia cầm theo hướng tập trung, công nghiệp gắn với vùng chăn nuôi hàng hóa, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm bằng những công nghệ tiên tiến, hiện đại, chế biến sau nhằm đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao giá trị gia tăng.
Bốn là; Nghiên cứu và áp dụng nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, công nghệ cao, tiên tiến vào chăn nuôi, ưu tiên các mô hình chăn nuôi tuần hoàn tích hợp công nghệ thông tin, tự động hóa, mô hình xây dựng vùng an toàn dịch bệnh để chăn nuôi phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và môi trường. Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông, xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh, thương hiệu các sản phẩm chăn nuôi của tỉnh. Chủ động kết nối chuỗi, vùng, khu vực để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi.
Năm là; Năng cao năng lực, trình độ cho người chăn nuôi, chủ trang trại, gia trại, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp thông qua hoạt động khuyến nông, tập huấn, đào tạo nghề, đặc biệt là nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về giống, quy trình chăn nuôi, dịch bệnh và vệ sinh an toàn thực phẩm cho đội ngũ cán bộ chăn nuôi, thú y các cấp.
Phải khẳng định rằng, ngành chăn nuôi của tỉnh đang có tiềm năng, lợi thế sẵn có rất lớn, nhất là xu thế tất yếu muốn phát triển chăn nuôi bền vững phải gắn với liên kết, chế biến và thị trường tiêu thụ mới nâng cao được giá trị gia tăng, hiệu quả kinh tế và sức cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu. Nhằm đạt mục tiêu đó, cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành và ưu tiên đầu tư nguồn lực để triển khai đồng bộ các giải pháp mới thúc đẩy được chăn nuôi phát triển, góp phần thực hiện thành công tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Nghị quyết Đại hội đảng tỉnh đảng bộ lần thứ XIX và phát triển ngành nông nghiệp và PTNT tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2030./.
 
 
Trại vịt sinh sản anh Cao Xuân Hảo  xóm 6 xã Diễn Liên huyện Diễn Châu
          
 
            Trang trại chăn nuôi lợn thịt anh Nguyễn Văn Thông Xóm 4 xã Diễn Liên huyện Diễn Châu
Cao Tuấn
     Trung tâm Khuyến nông - nguồn TSKN
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây