Dự thảo: Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản đặc sản nội địa trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2020-2025.
Thứ tư - 16/09/2020 04:508670
Sáng 16/9, dưới sự chủ trì của đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu – Uỷ viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, UBND tỉnh đã họp để nghe và cho ý kiến về Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản đặc sản nội địa trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2020-2025.
Tham gia cuộc họp có đại diện các Sở, ngành: Nông nghiệp và PTNT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và môi trường, Công Thương, Văn phòng UBND tỉnh; Lãnh đạo và cán bộ có liên quan các Phòng, đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT; Đại diện lãnh đạo UBND các huyện: Tương Dương, Anh Sơn, Diễn Châu, Đô Lương. Nghệ An là tỉnh ven biển Bắc Trung Bộ, có 6 của lạch và nhiều ao hồ, sông, suối, hồ đập chứa nước phục vụ cho phát triển nuôi trồng thủy sản. Diện tích tiềm năng có thể đưa vào nuôi trồng thủy sản là 52.092 ha; có 1.249 hồ đập các loại( 1.234 hồ thủy lợi, 6 hồ thủy điển), trong đó có 674 hồ sử dụng để nuôi trồng thủy sản. Trong những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh đã và đang thực hiện nuôi với nhiều đối tượng thủy sản đặc sản nội địa có giá trị kinh tế như: Cá Lăng, cá Leo, cá Chình, Trắm đen, Lươn…được nuôi trong nhiều loại hình mặt nước như ao hồ, nuôi lồng trên sông, hồ đập và nuôi bể… với hình thức nuôi thâm canh, bán thâm canh và quảng canh cải tiến. Năm 2019, giá trị sản xuất đạt 149 tỷ 165 triệu đồng, đã xây dựng được một số mô hình thủy sản đặc sản có giá trị kinh tế; góp phần quan trọng thực hiện đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Trong điều kiện dịch bệnh trên tôm nuôi và động vật trên cạn vẫn còn tiếp diễn thì nhu cầu về thủy sản đặc sản nội địa được dự báo sẽ tăng do ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh trên diện rộng và đáp ứng nhu cầu thực phẩm với giá cả hợp lý cho đại bộ phận người tiêu dùng. Đê án xác định khai thác tiềm năng, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, diện tích mặt nước hồ, sông, suối, hồ đập. Tập trung phát triển và đa dạng hóa các đối tượng thủy sản nội địa có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện khí hậu, nguồn nước…như cá Lăng, cá Leo, cá Chình, Trắm đen, Lươn… Áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật công nghệ tiên tiến, tổ chức sản xuất hợp lý, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, nâng cao thu nhập và mức sống của nông, ngư dân đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái, nguồn lợi thủy sản và góp phần bảo vệ quốc phòng, an ninh. Phấn đấu đến năm 2025, giá trị nuôi trồng thủy sản đặc sản nội địa đạt 250-300 tỷ đồng, chiếm 6,25 - 6,6% tỷ trọng giá trị sản xuất ngành nuôi trồng thủy sản; tổng diện tích nuôi trồng khoảng 160 ha, 1.200 lồng, nuôi bể 30 nghìn m2. Sản lượng đạt 4.900-5.000 tấn; tạo việc làm cho khoảng 10 nghìn lao động thường xuyên và thời vụ. Dự thảo cũng đã đưa ra các nhóm giải pháp về khoa học- kỹ thuật- công nghệ; giải pháp về đầu tư; giải pháp về cơ chế chính sách; giải pháp về thị trường và xúc tiến đầu tư; giải pháp về bảo vệ môi trường sinh thái.
Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu – Uỷ viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại cuộc họp
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu yêu cầu ngành nông nghiệp tiếp thu góp ý của các sở, ngành; tiếp tục hoàn chỉnh đề án, đưa ra các giải pháp thực hiện cụ thể để trình UBND tỉnh phê duyệt thời gian tới. Phát triển NTTS đặc sản nội địa bên cạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh xã hội, còn góp phần quan trọng bảo vệ môi trường, giảm đánh bắt tự nhiên.