Thứ tư, 23/07/2025, 06:43

Một số giải pháp chăn nuôi nhằm kiểm soát bệnh dịch tả lợn Châu Phi

Thứ ba - 22/07/2025 22:14 18 0
Hiện nay, bệnh dịch tả lợn Châu Phi đang tái xuất hiện trở lại tại một số địa phương. Đây là bệnh có nguy cơ lây lan cao và gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi lợn. Để hạn chế nguy cơ dịch bệnh xảy ra và giảm thiểu thiệt hại về kinh tế trong quá trình đầu tư, người chăn nuôi cần chủ động thực hiện tốt một số công việc sau đây:
Một số giải pháp chăn nuôi nhằm kiểm soát bệnh dịch tả lợn Châu Phi
- Đối với chuồng trại chăn nuôi:  Khu vực chăn nuôi lợn cần phải có tường bao, hàng rào ngăn cách, có cửa khóa và biển báo, có hố khử trùng trước cổng trại, tại cửa ra vào bằng vôi bột, nước khử trùng nhằm kiểm soát người và động vật, xe cộ qua lại. Mọi người và phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi cần phải thực hiện việc khử trùng nghiêm ngặt. Tại cửa ra vào cần có nơi để quần áo, đồ bảo hộ dành riêng cho người làm việc tại khu chăn nuôi; không đưa dụng cụ, ủng, giày dép, quần áo ra khỏi chuồng nuôi để dùng vào việc khác ngoài khu vực chăn nuôi lợn. Hàng ngày, cần thực hiện vệ sinh làm sạch khu vực chuồng nuôi lợn, thu gom và xử lý chất thải đảm bảo bằng hệ thống biogas, ủ phân hữu cơ vi sinh bằng chế phẩm sinh học để hạn chế nguy cơ ô nhiễm môi trường. Đồng thời vào thời điểm này, người chăn nuôi cần tăng cường việc tiêu độc khử trùng chuồng trại bằng thuốc khử trùng 1 - 2 lần/tuần nhằm tiêu diệt các loại mầm bệnh, hạn chế phát tán và lây lan trong các dãy chuồng nuôi và các hộ chăn nuôi với nhau. Thực hiện các giải pháp để tiêu diệt và hạn chế sự phát triển của ruồi, muỗi, chuột…nhằm giảm nguy cơ phát tán, lây lan các loại mầm bệnh trong chăn nuôi.
Kiểm tra sức khoẻ đàn lợn hàng ngày
-  Đối với người chăn nuôi:  Đối với người chăn nuôi trước khi ra khỏi khu vực chăn nuôi lợn cần phải rửa sạch tay chân, ủng, giày dép và thay quần áo. Những người thường xuyên làm việc trong khu chăn nuôi, cần phải tránh tiếp xúc với gia súc ở các trại chăn nuôi khác, phải rửa và khử trùng chân tay, giày dép sau khi tiếp xúc với gia súc ốm hoặc chết. Đối với người đến từ nơi có dịch, không được phép vào trong khu chuồng nuôi. Đối với khách thông thường khi vào khu chuồng nuôi phải thực hiện các biện pháp vệ sinh và khử trùng. Không đưa xe cộ của khách vào trong khu chuồng nuôi, hạn chế khách tiếp xúc với gia súc và thức ăn chăn nuôi.
- Tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin: Người chăn nuôi cần chủ động thực hiện việc tiêm phòng các loại vắc xin cho đàn lợn nuôi như: Dịch tả lợn, suyễn, Circo, lở mồm long móng, phó thương hàn, tụ huyết trùng…Đối với vắc xin Dịch tả lợn Châu Phi cần thực hiện việc tiêm phòng theo đúng hướng dẫn của cơ quan thú y.
- Chăm sóc, nuôi dưỡng tốt đàn lợn nuôi: Thực hiện chế độ chăm sóc nuôi dưỡng tốt bằng khẩu phần ăn đầy đủ và cân đối về dinh dưỡng và phù hợp với từng loại lợn ở từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển khác nhau. Hàng ngày, cần theo dõi tình trạng sức khỏe đàn lợn như: Khả năng ăn vào, vận động, tiêu hóa để kịp thời phát hiện sớm những con có dấu hiệu bất thường để cách ly và theo dõi, bổ sung thêm men tiêu hoá, chế phẩm vi sinh, Vitamin C, khoáng chất cho đàn lợn trong những ngày nắng nóng để tăng cường khả năng tiêu hoá, tăng sức đề kháng cho đàn lợn. Không tận dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt để nuôi lợn.
- Quản lý tốt đàn vật nuôi: Khi mua lợn giống cần chọn những cơ sở có uy tín, có địa chỉ và nguồn gốc con giống rõ ràng. Người chăn nuôi cần tránh mua giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc, hay từ vùng xảy ra dịch bệnh. Thực hiện chế độ nuôi tân đáo đúng quy định và nên ghi chép đầy đủ thông tin về việc mua giống như: ngày mua, giống lợn, địa chỉ nơi bán, tình trạng tiêm phòng vắc xin và sức khỏe đàn lợn để theo dõi. Khi xuất bán lợn người chăn nuôi cần phải thực hiện tốt việc kiểm soát phương tiện, dụng cụ vận chuyển lợn, khử trùng các phương tiện, dụng cụ và khu vực đi lại, chuồng nuôi trước và sau khi xuất bán lợn. Trong chăn nuôi lợn, tốt nhất người chăn nuôi cần chủ động phát triển chăn nuôi lợn nái sinh sản để tạo con giống cho cho trang trại và thực hiện quy trình “cùng vào - cùng ra”
Nuôi dưỡng và chăm sóc tốt đàn lợn

- Xử lý xác lợn chết: Khi có lợn ốm hoặc chết cần báo ngay cho thú y hoặc chính quyền để được hướng dẫn hỗ trợ kỹ thuật, kiểm tra giám sát dịch và có biện pháp xử lý phù hợp theo quy định. Mặc đồ bảo hộ khi tiếp xúc với xác lợn, sau đó giặt sạch khử trùng. Khử trùng khu vực có lợn ốm/chết,  ghi chép thông tin về lợn chết vào sổ theo dõi. Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết. Không vứt xác lợn chết ra môi trường
Bệnh dịch tả lợn châu Phi là căn bệnh truyền nhiễm, nguy hiểm đối với đàn lợn và khi xảy ra dịch bệnh sẽ gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. Vì vậy, để đảm bảo an toàn cao nhất cho đàn lợn nuôi, giảm thiểu thiệt về hại kinh tế người chăn nuôi cần chủ động làm tốt các giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học để hạn chế nguy cơ dịch bệnh xảy ra tại trang trại./.
Văn Thắng - Trung tâm KN - nguồn TSKN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
hh1.jpg hh5-20.jpg hh2-3.jpg hh7-1.jpg hh3-5.jpg hh8.jpg hh4-2.jpg hh4-2.jpg hh1.jpg hh5-20.jpg hh2-3.jpg hh6-11.jpg hh3-5.jpg hh7-1.jpg hh12.jpg
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây