Thứ ba, 24/12/2024, 07:51

Hiệu quả tập huấn Khuyến nông gắn với thực hành

Thứ hai - 15/07/2024 03:18 819 0
Hoạt động chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất thông qua hoạt động xây dựng mô hình trình diễn, thông tin tuyên truyền, đào tạo, tập huấn, tư vấn dịch vụ là những nhiệm vụ trọng tâm mà được Trung tâm khuyến nông thực hiện trong những năm qua. Đặc biệt là hoạt động đào tạo, tập huấn luôn được quan tâm, đổi mới cả về phương pháp, kỹ năng và cách tiếp cận, nhất là việc áp dụng đào tạo, tập huấn gắn với thực hành tại ruộng, vườn, ao, chuồng đã mang lại kết quả khả quan, vượt trội, góp phần chuyển giao nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới để ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp, từng bước góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, giá trị gia tăng, phát triển nông nghiệp bền vững.
Hiệu quả tập huấn Khuyến nông gắn với thực hành
Hàng năm, thực hiện nhiệm vụ được Sở Nông nghiệp và PTNT giao về công tác đào tạo, tập huấn từ nguồn kinh phí khuyến nông thường xuyên do Trung tâm Khuyến nông trực tiếp thực hiện khoảng 100 - 110 lớp, trong đó đối tượng là cán bộ khuyến nông tỉnh, cán bộ Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện/Thành phố/Thị xã 3 - 4 lớp; Cán bộ không chuyên trách cấp xã 8-10 lớp; Cán bộ chủ chốt thôn/xóm/bản 60 - 90 lớp; Nông dân vùng đặc biệt khó khăn 20-30 lớp. Đặc biệt là chương trình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất lúa theo Nghị định 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa và Nghị định 62/2019/NĐ-CP ngày 11/7/2019 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 35/2015/NĐ-CP mỗi năm thực hiện từ 95 - 105 lớp nhằm mục tiêu giúp người trồng lúa canh tác đúng kỹ thuật, thực hiện luân canh, tăng vụ, cải tạo, làm tăng độ màu mỡ của đất trồng lúa, bảo vệ môi trường sinh thái, không bỏ đất hoang, không làm ô nhiễm, thoái hóa đất trồng lúa. Bên cạnh đó Trung tâm Khuyến nông còn ký kết hợp đồng với các Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện/Thành phố/Thị xã thực hiện từ 800 - 850 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật nông, lâm, ngư nghiệp cho nông dân trong tỉnh.

  
    Hình ảnh tập huấn nông dân sản xuất lúa theo Nghị định 35/2015/NĐ-CP

Một thực tế đặt ra đó là, những năm trước đây đào tạo, tập huấn chủ yếu diễn ra ở hội trường, tập huấn viên trình bày nội dung theo một chiều kết hợp với trang thiết bị, giáo cụ trực quan, tranh ảnh minh hoạ. Hạn chế của phương pháp này là chưa khuyến khích, động viên, lôi kéo được học viên tham gia, chưa thúc đẩy được sự tương tác hai chiều giữa tập huấn viên và người học, dẫn đến khả năng tiếp thu, ghi nhớ không cao và khó vận dụng đúng, đầy đủ, hiệu quả vào thực tiễn sản xuất nông nghiệp. Để khắc phục thực trạng đó, những năm gần đây Trung tâm đã thực hiện đổi mới phương pháp đào tạo, tập huấn bằng cách đưa nội dung thực hành gắn với lý thuyết từ 30 - 50% vào chương trình đào tạo, tập huấn cho đối tượng là cán bộ chủ chốt thôn/xóm/bản và nông dân trồng lúa. Học viên học nội dung lý thuyết cây, con nào sẽ được thực hành gắn liền với nội dung cây, con liên quan đó, chẳng hạn như: Nhận biết sâu bệnh hại và cách phòng trừ; Kỹ thuật xử lý hạt giống, Kỹ thuật tỉa cành tạo tán cho cây ăn quả; Kỹ thuật tỉa cành tạo tán cây keo; Thực hành tiêu độc khử trùng chuồng trại; Thực hành sử dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi; Hướng dẫn sử dụng chế phẩm sinh học, cách đo độ pH và sử dụng vôi trong ao nuôi; … Đặc biệt là đối với chương trình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất lúa theo Nghị định 35/2015/NĐ-CP thì các lớp tập huấn đều được bố trí 50% thời lượng thực hành như: Thực hành xử lý ngâm ủ hạt giống lúa; Nhận biết và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; Ủ phân hữu cơ bằng chế phẩm sinh học; Nhận biết thừa thiếu dinh dưỡng trên cây lúa; Phát hiện sâu bệnh hại, thiên địch và biện pháp quản lý trên đồng ruộng; Xử lý rơm rạ bằng chế phẩm sinh học làm phân bón;...
Việc tổ chức đào tạo, tập huấn gắn với thực hành tổ chức ngay tại ruộng, vườn, ao, chuồng cùng với những “giáo cụ” trực quan, sinh động, không chỉ “tai nghe” mà còn được “mắt thấy, tay sờ” đã tạo được hiệu ứng thích thú học tập rất cao, giúp học viên hiểu sâu, nhớ lâu. Bước đầu tập huấn viên vừa giới thiệu vừa làm mẫu, sau đó các học viên chia tổ và làm theo. Cách học này giúp học viên luôn chú ý, lắng nghe, trao đổi và tương tác lại với tập huấn viên. Đồng thời, người học không những được tập huấn viên giàu kinh nghiệm chia sẻ, phân tích, hướng dẫn cách làm, cách nhận biết, cách khắc phục trên cơ sở khoa học và thực tiễn để từ đó làm rõ nguyên nhân và đưa ra giải pháp thích hợp nhất áp dụng vào sản xuất, mà còn phát huy tính sáng tạo, khai thác và chia sẻ kinh nghiệm giữa người học với nhau. Qua đánh giá, 100% người học đều cho rằng phương pháp tập huấn lý thuyết gắn với thực hành thực sự là hữu ích, hiệu quả cao và có thể áp dụng ngay những kiến thức được học vào sản xuất.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Đài Chủ tịch UBND xã Diễn Thái huyện Diễn Châu chia sẻ: Việc đưa nội dung thực hành kết hợp với lý thuyết để tập huấn cho cán bộ chủ chốt thôn/xóm và nông dân là phương pháp rất hiệu quả, giúp người học dễ tiếp thu, dễ nhớ và có thể áp dụng ngay kiến thức sau khi học vào trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, nhất là công tác phát hiện, phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng, dịch bệnh trên vật nuôi được kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu rủi ro, thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp.
Đồng quan điểm trên, các Giám đốc Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện/Thành phố/Thị xã trong tỉnh cũng cho rằng: Để nâng cao hiệu quả, chất lượng tập huấn thì cần gắn giữa lý thuyết với thực hành, có như vậy người học mới có thể vừa nắm vững được lý thuyết, vừa thông thạo được cách làm và áp dụng quy trình đúng kỹ thuật đối với từng đối tượng cây con, từ đó mới sản xuất thành công, tăng năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích cây trồng, vật nuôi.
Có thể khẳng đình rằng, phương pháp tập huấn khuyến nông kết hợp giữa lý thuyết với thực hành hiện đang là phương pháp tối ưu, giúp người học dễ hiểu, dễ tiếp thu, dễ nhớ và có thể áp dụng ngay vào sản xuất nông nghiệp của gia đình, của địa phương một cách thành thạo, tự tin. Tuy nhiên, để tập huấn khuyến nông gắn với thực hành đạt hiệu quả, chất lượng cao thì chúng ta phải làm tốt từ việc xây dựng kế hoạch, xác định nội dung lý thuyết, thực hành phù hợp với nhu cầu từng đối tượng, từng địa phương; Bố trí tập huấn viên có đủ năng lực, trình độ, phương pháp, kỹ năng và kinh nghiệm trực tiếp giảng dạy; Chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị trợ giúp như máy chiếu, tranh ảnh minh hoạ, vật liệu thực hành và các dụng cụ hỗ trợ cần thiết khác; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số vào tập huấn. Có như vậy mới nâng cao được chất lượng, hiệu quả các buổi học thực hành nói riêng và tập huấn khuyến nông nói chung./.      

 
Thực hành tỉa, tạo tán cây keo tại xã Châu Lộc huyện Quỳ hợp 
 
Thực hành tiêu độc khử trùng chuồng trại tại xã Trung Phúc Cường huyện Nam Đàn
Cao Tuấn -Trung tâm Khuyến nông - nguồn TSKN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
hh6-2.jpg hh2.jpg hh7-1.jpg hh3-1.jpg hh4-2.jpg hh1.jpg hh5-3.jpg Nuoi-cac-long-cua-song-cua-ho-Vu-Van-Manh-xa-Nghi-Quang-huye z6098847690463-7001a19e38215bdbc3068ea76aa3cc89-1.jpg a3-7.jpg a2-9.jpg Kiem-tra-san-xuat.jpg mo-hinh-luon-4.jpg mo-hinh-buoi-1.jpg tap-huan-tinh-huyen-5.jpg
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây