Mô hình đầu tiên là gia trại chăn nuôi thỏ NewZeland của gia đình anh Nguyễn Thái Nhân ở xóm 4, xã Nghĩa Hòa. Lăn lội với nghề chăn nuôi gia súc gia cầm từ khá sớm nhưng phải đến gần 35 tuổi, anh Nhân mới tìm được vật hiệu quả là con thỏ. Thành công đến với anh cũng khá tình cờ khi năm 2016, anh Nhân đầu tư trên 800 triệu đồng làm trang trại, trong đó 1 khu trại để nuôi thỏ và 1 khu trại chăn nuôi lợn rừng. Lúc đầu, anh chỉ thả vài chục con thỏ mẹ và 5 con lợn nái rừng để nuôi. Tuy nhiên, trong khi chăn nuôi thỏ có đầu ra nên ngày càng phát triển thì mô hình lợn rừng khá long đong vì liên tục lo dịch bệnh. Chính vì thế, sau 4 năm, anh quyết định tăng quy mô đàn thỏ và giảm dần đàn lợn và từ năm 2019 chỉ nuôi thỏ.
Anh Nhân cho hay: ban đầu nuôi thỏ, gia đình cũng lo nhưng được cán bộ khuyến nông thường xuyên kiểm tra, hỗ trợ. Nay nuôi quen nên đã đỡ vất vả và không phải chịu áp lực hơn vì chi phí thức ăn thấp và đầu ra khá ổn định. Hiện tại, gia trại có đàn thỏ trên 2.000 con, trong đó 400 thỏ mẹ và khoảng 1.500 thỏ con.
Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết, sở dĩ mô hình nuôi thỏ của anh Nhân thành công là anh tận dụng được 2 ha vườn đồi để trồng cỏ, cây lá và rau xanh làm thức ăn cho thỏ. Hàng ngày chăm sóc thỏ, gia đình thuê 2 cán bộ kỹ thuật theo dõi và dọn dẹp hàng ngày. Với 400 thỏ mẹ, bình quân mỗi con đẻ 6 lứa/năm và mỗi lứa từ 6-8 con, mỗi năm anh Nhân cung cấp ra thị trường khoảng 1.500 con thỏ thịt. Với giá bán bình quân khoảng 200 ngàn/con, mỗi năm gia trại cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng. Ngoài nuôi thỏ thịt, hiện tại, anh Nhân còn nhân bán thỏ giống cho bà con, nuôi gà và làm rau má hàng hóa, thu nhập khoảng 500 triệu đồng/năm.
Điều đáng mừng là quy mô nuôi lớn nhưng do gia trại anh Nhân đã ký hợp đồng liên kết với một Công ty thực phẩm Hà Nội nên rất yên tâm và không khi nào lo đầu ra. Hiện tại, với kinh nghiệm của mình, vợ chồng anh Nhân đang là cộng tác viên khuyến nông tích cực tìm các hộ để đầu tư mở rộng đàn thỏ cho Thị xã.
Mô hình tiếp theo là của anh Phan Chí Dũng ở khối Quang Minh, phường Quang Phong. Tận dụng khoảng 1,5 ha đất đồi bạc màu của gia đình, từ năm 2012, Dũng đầu tư để làm trang trại lợn siêu nạc rồi lợn nái và gà đồi nhưng đều chưa thành công. Năm 2015, sau khi tham quan mô hình nuôi lợn rừng nít ở Quỳnh Lưu về, Dũng mạnh dạn cải tạo gia trại và mua 5 con lợn nái giống mẹo bản địa lai với lợn rừng. Sau 5 năm vừa đầu tư vừa mỏ rộng đàn, đến nay trang trại lợn của Dũng đã có 15 con nái, 1 con đực và hàng trăm lợn con gồm nhiều lứa.
Anh Dũng cho biết: trước đây nuôi lợn siêu nạc hay lợn nái, mỗi lần lợn đẻ hay đến kỳ xuất bán, vợ chồng anh khá vất vả và rất áp lực vì chi phí thức ăn lớn mà giá bán thì phập phù. Mặc dù thời gian nuôi lợn rừng dài hơn (từ 8-12 tháng) nhưng chi phí thức ăn ít (lợn rừng chủ yếu là ngô, cỏ và cám) nhưng bán giá ổn định, không bị ép. Từ ngày chuyển sang nuôi lợn nít rừng, việc chăn nuôi được giao hẳn cho vợ và anh chỉ tập trung làm khuyến nông, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi cho bà con.
Cũng nhờ kỹ thuật chăm sóc tốt nên bình quân 2 năm đàn lợn nái 15 con của Dũng sinh được 3 lứa, mỗi lứa từ 8-10 con/mẹ. Do giá lợn năm nay cao, với giá từ 160-180 ngàn đồng/kg hơi, mỗi con từ 20-25 kg tương đương giá trên 3,2 triệu đồng/con; sau khi trừ chi phí, năm 2019, lãi khoảng 500 triệu đồng.
Để nhân rộng mô hình, năm 2019, Hội Nông dân thị xã Thái Hòa đã tạo điều kiện để trang trại vay 200 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ Nông dân để đầu tư, mở rộng quy mô đàn. Hiện tại, ngoài mô hình của Dũng, còn có 6 mô hình nuôi lợn nít rừng, quy mô mỗi hộ từ 5-7 con trên địa bàn. Hội Nông dân phường Quang Phong mong muốn xây dựng mô hình ổn định để tạo được một sản phẩm hàng hóa riêng, khai thác hiệu quả lợi thế đất đai và qua đó tạo thêm việc làm cho lao động địa phương.
Mô hình mới tiếp theo được hình thành vài năm lại đây là mô hình nuôi bò thịt của anh Trần Duy Đức ở xóm Đông Hưng, xã Nghĩa Mỹ. Từng là một trong những mô hình nuôi bò sữa đầu tiên của Thị xã Thái Hòa khi anh Đức vay gần 1 tỷ đồng nuôi bò sữa cho Công ty Vinamilk. Tuy nhiên, cùng với thời gian, do đàn bò sữa bị thoái hóa nên chất lượng sữa không đảm bảo và giá mua sữa ngày càng giảm, không đủ bù đắp chi phí nên 2 năm lại đây anh quyết định chuyển nghề. Tận dụng cơ sở chuồng trại sẵn có, anh Đức tìm mua các loại bò, bê gầy yếu hoặc bò nái thải về chăm sóc, vỗ béo từ 2-3 tháng sau đó bán lại.
Anh Đức cho biết: trước đây nuôi bò sữa rất áp lực và yêu cầu kỹ thuật cao thì nay an nhàn và chắc ăn hơn. Ngoài hướng dẫn công nhân chăm sóc, anh có thời gian để đi khắp nơi chọn bê, nghé; bê, nghé càng xấu thì giá rẻ và lời càng lớn. Nuôi bò vỗ béo và chuồng trại rộng rãi, chi phí thức ăn thấp nên lúc nào thấy có lời là bán; chu kỳ vỗ béo bình thường khoảng 3 tháng và có thể để lâu hơn nhưng không phải áp lực và lãi tối thiếu khoảng 2 triệu đồng/con.
Với điều kiện chuồng trại khá rộng rãi nên cứ 3 tháng, anh Đức chăm sóc được từ 40- 50 con. Trâu bò mua chủ yếu ăn cỏ voi hoặc rơm chế biến với mật mía có sẵn quanh nhà để vỗ béo nên khá rẻ. Để tận dụng chuồng trại, từ đầu năm 2019, anh Đức còn mạnh dạn nhập bò và trâu từ Thái Lan, Miama, Úc về vỗ béo để xuất bán đi Trung Quốc hoặc ngoại tỉnh.
Đại diện Hội Nông dân xã Nghĩa Mỹ cho biết: nhận thấy mô hình trâu bò ngoại vỗ béo mang lại hiệu quả kinh tế cao và tận dụng được nguồn thức ăn tại chỗ, lãi chắc ăn nên Trạm khuyến nông Thị xã đang có kế hoạch hội thảo mở rộng mô hình trong vùng. Bản thân anh Đức, với kinh nghiệm nhiều năm trên lĩnh vực chọn giống vật nuôi nên được chọn là khuyến nông viên tích cực hỗ trợ bà con nông dân. Ngoài mô hình của anh Đức, địa bàn xã Nghĩa Mỹ và Đông Hiếu đã có hàng chục mô hình nuôi bò vỗ béo, quy mô từ 5-7 con/hộ, lãi từ 70-100 triệu đồng/năm.
Với sự năng động và sáng tạo trên, trong vài năm lại đây, địa bàn Thái Hòa đã có hàng chục mô hình hộ sản xuất kinh doanh giỏi ra đời. Hiện trên địa bàn Thị xã Thái Hòa khoảng trên 400 trăm mô hình gia trại, trang trại có doanh thu trên 500 triệu mỗi năm và gần 350 hộ có thu nhập từ 100-150 triệu đồng/năm.
Ông Lê Hợp Huyên- Chủ tịch Hội Nông dân Thị xã Thái Hòa đánh giá: trong bối cảnh quỹ đất Thị xã ít và nếu có thì chủ yếu ở các phường xã vùng ben nên các mô hình chăn nuôi vườn trên thực sư là hướng đi mới, khá hiệu quả về kinh tế và khai thác, tận dụng được lợi thế đất đai và thực phẩm tại chỗ nên giảm được cho phí đầu vào. Yếu tố trên đảm bảo kết hợp với đầu ra khá ổn định nên mô hình thực sự vững chắc. Thời gian sắp tới, Hội sẽ kết hợp với Trạm khuyến nông Thị xã và đề xuất với Thị xã để mở các lớp để tập huấn đầu bờ nhằm hỗ trợ bà con nông dân học hỏi, tiếp tục đầu tư vào sản xuất kinh doanh, làm giàu chính đáng; từ đó tạo nguồn sản phẩm hàng hóa đặc trưng, ổn định để phát triển kinh tế địa phương.
Nguyễn Hải - nguồn TSKN