Các loại chế phẩm sinh học được sản xuất và sử dụng hiệu quả trong nông nghiệp tại Nghệ An         

Thứ ba - 21/01/2020 04:33 6.406 0
Để phát triển nền nông nghiệp bền vững, việc sử dụng các chế phẩm sinh học đang là xu hướng tất yếu ở tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng. Việc ứng dụng các chế phẩm sinh học không chỉ giúp tăng chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, nâng cao cạnh tranh, xây dựng niềm tin cho người tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu.
Các loại chế phẩm sinh học được sản xuất và sử dụng hiệu quả trong  nông nghiệp tại Nghệ An         
Để giúp bà con hiểu rõ hơn về các loại chế phẩm sịnh học và cách sử dụng hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp chúng tôi xin giới thiệu một số loại chế phẩm sinh học sau:
1. Chế phẩm sinh học Compost maker
Chế phẩm sinh học Compost Marke là loại men ủ tổng hợp sản xuất từ các chủng vi sinh vật phân giải chất xơ, hợp chất hữu cơ và vi sinh vật phân giải lân. Có mật độ vi sinh vật tuyển chọn không nhỏ hơn 108 vsv/gam.
Trong chế phẩm số lượng các chủng vi sinh vật:
+ Vi sinh vật phân giải lân: 108 vsv/gam.
+ Vi sinh vật phân giải xelluloza: 108 vsv/gam.
+ Vi sinh vật hỗ trợ: 108 vsv/gam.
Chế phẩm có tác dụng chuyển hóa nguyên liệu giàu hợp chất cacbon (phụ phẩm nông nghiệp, rơm rạ, thân lá cây, phế thải chăn nuôi...) làm nguyên liệu sản xuất phân hữu cơ vi sinh, dùng bón cho cây trồng giúp tăng khả năng hấp thụ dinh dưỡng, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Hạn chế được phần lớn hiện tượng đốt rơm, rạ bừa bãi, phục hồi độ phì nhiêu của đất, hạn chế phân hóa học...
Hiện nay, một số huyện trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang ứng dụng có hiệu quả trong việc giải quyết vấn đề thiếu hụt phân bón hữu cơ, giảm thoái hóa, bạc màu đất trên đồng ruộng như: Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Tân Kỳ, Đô Lương, Anh Sơn,... là sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh sản xuất từ phế phụ phẩm nông nghiệp. Việc ứng dụng thành công chế phẩm Compost Maker để sản xuất phân hữu cơ vi sinh (HCVS) trên địa bàn tỉnh, do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN Nghệ An thực hiện đã tạo ra phân hữu cơ phục vụ sản xuất, tăng năng suất cây trồng từ 15 - 20%.
Ứng dụng chế phẩm sinh học Compost Maker sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ phế phụ phẩm nông nghiệp (rơm, rạ, cây phân xanh,...), phế thải nhà máy chế biến (bã, bùn mía, ...), rác thải chất hữu cơ sinh hoạt là một hướng đi mới. Quy trình sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ phế phụ phẩm trong nông nghiệp đơn giản, dễ thực hiện. Chỉ với nguồn nguyên liệu chính là phế phụ phẩm, phế thải nhà máy chế biến, chế phẩm Compost Maker với một vài phụ liệu khác là đạm, lân, kali, rỉ mật,... là có thể sản xuất được phân bón. Sản phẩm phân bón tơi xốp, đạt mật độ các chủng vi sinh vật đưa vào xử lý, kh΄ng chứa các chủng vi sinh vật gây hại, hàm lượng nitơ, kali, photpho hữu hiệu đạt tiêu chuẩn ngành về phân bón.
Một thuận lợi là trên địa bàn tỉnh có lượng phế thải nhà máy chế biến lớn (4 nhà máy đường, Nhà máy dứa, Nhà máy tinh bột sắn,...) tạo ra nguồn nguyên liệu dồi dào; giá thành chế phẩm để sản xuất phân bón thấp, lượng vốn đầu tư sản xuất thấp.
Trên thực tế đồng ruộng ở một số địa phương của tỉnh ta, các mô hình sử dụng chế phẩm Compost Maker sản xuất phân bón từ phế phụ phẩm nông nghiệp bón trên một số đối tượng cây trồng cạn cho năng suất cao, chất lượng tốt, giảm chi phí đầu tư và đặc biệt là tạo ra sản phẩm an toàn. Ví dụ như các mô hình trồng chè tại xã Hùng Sơn và trồng cam tại Công ty Nông Công nghiệp Xuân Thành cũng cho năng suất cao, chất lượng tốt. Theo số liệu thống kê của xã Hùng Sơn, năng suất chè khi sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh ủ từ chế phẩm Compost Maker tăng so với trước đây không sử dụng từ 15 - 20%; chất lượng nước thơm ngon hơn, giảm sâu bệnh hại. Sử dụng trên cây cam tại Quỳ Hợp và cây mía tại huyện Tân Kỳ đã cho kết quả rất tốt. Nâng năng suất cam và mía lên từ 10 - 15%, giảm phân bón hóa học và thuốc BVTV, làm cho đất đai tơi xốp, tăng khả năng giữ nước, chịu hạn của cây trồng. Trung tâm ƯD TBKHCN hiện có xưởng sản xuất chế phẩm Compost Maker công suất 100 tấn sản phẩm/năm, đáp ứng căn bản nhu cầu sản xuất phân HCVS từ phế phụ phẩm nông nghiệp trong tỉnh.

Hiện nay, Trung tâm đã xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ kinh phí mua chế phẩm sinh học Compost Maker để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ phế phụ phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Và tại Nghị quyết số 31/211/NQ-HĐND được Hội đồng nhân dân tỉnh khoá XVI, kỳ họp thứ ba thông qua ngày 9/12/2011 quy định chính sách hỗ trợ kinh phí mua chế phẩm sinh học Compost Maker để sản xuất phân bón hữu cơ sinh học từ phế phụ phẩm nông nghiệp sử dụng trực tiếp trong sản xuất nông nghiệp
2. Chế phẩm sinh học BioGreen
Chế phẩm Biogreen là sản phẩm vi sinh vật được tạo thành từ tổ hợp các vi khuẩn, xạ khuẩn. Chế phẩm được bổ sung vào trong đất nhằm thúc đẩy nhanh quá trình phân giải thuốc bảo vệ thực vật trong đất. Hiện nay, Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ KHCN Nghệ An đã hoàn toàn làm chủ được quy trình công nghệ sản xuất chế phẩm Biogreen với công suất 50 tấn/năm. Hằng năm, Trại NCTN&DVKHKT  Trung tâm sản xuất và cung cấp cho các huyện trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Kết quả của quá trình sử dụng chế phẩm cho thấy nông sản ở các vùng sử dụng chế phẩm Biogreen có dư lượng thuốc BVTV ở mức thấp hơn rất nhiều và năng suất rau cao hơn so với vùng khác. 
Việc phát triển sản xuất và sử dụng chế phẩm vi sinh BioGreen có chức năng xử lý tồn dư thuốc BVTV trong đất sản xuất góp phần tạo ra các sản phẩm rau an toàn cho các vùng sản xuất trên địa bàn tỉnh Nghệ An, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, qua đó thu hút thêm lao động tham gia sản xuất, góp phần phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn. Hiện nay, Trung tâm đã xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ kinh phí mua chế phẩm sinh học Biogreen xử lý tồn dư thuốc BVTV trong đất trên địa bàn tỉnh.
3. Chế phẩm sinh học valydamycin A (val-A)
Hiện nay, Trung tâm ƯDTBKH&CN Nghệ An đã sản xuất thành công chế phẩm sinh học Val-A từ chủng Streptomyces hygroscopicus DA15. Validamycin A được sử dụng để trừ bệnh đốm vằn hại lúa, bắp, bệnh đốm lá và thân lúa, bắp do Rhizoctonia solani, R. oryzaeSclerotium oryzae-sativa gây nên. Ngoài ra thuốc còn trừ bệnh thối củ, thối rễ khoai tây, bông, cà chua và nhiều loại rau do nấm R. solani gây nên mà không gây ảnh hưởng đến cây trồng và có độc tính rất thấp đối với động vật có vú, hầu như không gây độc đối với chim, cá và côn trùng, sử dụng với liều lượng thấp và hiệu quả kéo dài.
Từ năm 2016 - 2019, Trung tâm đã sản xuất được 29.450 lít chế phẩm Valydamycin A dạng lỏng, đồng nhất, chứa hàm lượng Validamycin A đạt 7.566 mg/ml; cung cấp cho bốn huyện gồm Hưng Nguyên, Quỳnh Lưu, Yên Thành và Đô Lương với tổng diện tích 50 ha (trong đó lúa 30ha, ngô 20 ha). 
4. Chế phẩm sinh học Probiotic.
Chế phẩm Probiotic là sản phẩm chứa bộ chủng vi sinh vật (01 chủng nấm men Saccharomyces boulardii hỗ trợ lên men thức ăn, 01 chủng vi khuẩn Bacillus subtilis có khả năng sản sinh nhiều enzyme và 01 chủng Lactobacillus acidophilus có khả năng tổng hợp một số chất kháng sinh) mà khi bổ sung vào thức ăn chăn nuôi với mục đích điều chỉnh quần thể sinh vật đường ruột của vật nuôi nhằm mục đích giảm đến mức tổi thiểu sự phát tán của vi sinh vật có hại trong đường ruột, tăng khả năng tiêu hoá cho vật nuôi, hạn chế các bệnh về đường tiêu hoá, hạn chế được việc sử dụng kháng sinh góp phần làm tăng chất lượng sản phẩm vật nuôi, vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao sức khoẻ cộng đồng.
Năm 2019, Trung tâm ƯDTBKH&CN Nghệ An sản xuất 01 tấn chế phẩm Probiotic và cung ứng cho các hộ chăn nuôi tại huyện Nam Đàn và Diễn Châu năm 2019. Kết quả của mô hình cho thấy việc bổ sung chế phẩm Probiotic trong khẩu phần ăn của lợn, gà giúp ổn định hệ vi sinh vật đường ruột, tăng khả năng tiêu hóa và hấp thu thức ăn, từ đó làm tăng hiệu quả sử dụng thức ăn, mô hình có sử dụng thức ăn có bổ sung chế phẩm Probiotic cho hiệu quả kinh tế cao hơn trên cùng qui mô, điều kiện chăn nuôi. 
Chế phẩm sinh học Bio - Adb được sản xuất từ một số thành phần chất mang kết hợp bộ chủng vi sinh vật có khả năng xử lý mùi và phân động vật. Khi sử dụng, chế phẩm phối hợp với chất trộn (trấu, mụn dừa hoặc trấu, mùn cưa) tạo nên đệm lót sinh học sử dụng cho chăn nuôi lợn, gà. Nhờ hoạt động của các vi sinh vật trong nền đệm lót mà phân của động vật được xử lý, không còn mùi hôi thối, hạn chế ruồi muỗi. Quá trình nuôi không cần dọn phân, không cần tắm và rửa chuồng cho vật nuôi nên giảm công lao động, nước, điện. giảm tỷ lệ bệnh cho vật nuôi. Dựa trên quy trình sử dụng chế phẩm Bio-Adb xử lý nguyên liệu hữu cơ làm đệm lót sinh học Trung tâm đã tiến hành sản xuất và ứng dụng tại 04 mô hình trình diễn của 02 huyện Nghi Lộc và Hưng Nguyên trên các gia trại chăn nuôi lợn, gà. Các mô hình trình diễn được các hộ tham gia đánh giá hiệu quả như sau:
- Đệm lót sinh học đạt yêu cầu có tính cảm quan là tơi xốp, có màu nâu đen, có mùi thơm của men vi sinh vật.
- Sau thời gian sử dụng sản phẩm đệm lót sinh học khu vực trong chuồng cũng như môi trường sống xung quanh mùi hôi thối được giảm thiểu một cách rõ rệt, nhờ vậy mật độ vật nuôi trong chuồng được tăng lên mà không ảnh hưởng tới sự sinh trưởng và phát triển của đàn vật nuôi. Nhờ có đệm lót sinh học nền kinh tế và môi trường sống của gia trại được cải thiện rõ rệt khác hẳn so trước khi chưa sử dụng đệm lót và với những nền chuồng không sử dụng đệm lót sinh học
- Việc sử dụng chế phẩm Bio-Adb làm đệm lót sinh học mang nhiều hiệu quả trong chăn nuôi:
+ Giảm thiểu mùi hôi từ chất thải và hô hấp ở vật nuôi;
+ Tăng cường phân hủy phân, nước tiểu thành phân vi sinh hữu cơ;
+ Tăng cường quá trình tiêu hóa và hấp phụ dinh dưỡng từ thức ăn;
+ Góp phần tăng sức đề kháng đối với bệnh dịch ở vật nuôi;
+ Giảm lao động, công dọn chuồng và chi phí nước, điện, thức ăn;
+ Góp phần tăng hiệu quả chăn nuôi;
+ Bảo vệ môi trường.     
Kết luận:
Tiềm năng sử dụng các chế phẩm sinh học trong phát triển NNBV rất lớn, là một hướng đi đúng đắn, hướng tới một nền nông nghiệp hữu cơ, sinh thái bền vững và thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, trên thực tế, việc sử dụng chế phẩm sinh học ở Việt nam còn rất hạn chế.
Vì vậy, Nhà nước và ngành nông nghiệp phải có chính sách khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực này. Ngòai ra, cần có sự đầu tư chuyển giao kỹ thuật, tuyên truyền, hướng dẫn người nông dân ủng hộ và ứng dụng rộng rãi các chế phẩm sinh học trong sản xuất nông nghiệp. Như vậy mới giúp cho nông dân có thể nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản phẩm, tăng thu nhập cho nông dân trong nền kinh tế hội nhập và cải thiện chất lượng môi trường.( Trích nguồn: tài liệu Sở Khoa học công nghệ Nghệ An).

                                                  Lệ Hằng: nguồn TSKN




 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
anh-nam-1.jpg Lon-ban-dia-Ho-Ong-Dieu-tai-huyen-Que-phong-2.jpg rau-thom-2.jpg a1-5.jpg a7-6.jpg a1-4.jpg a8-6.jpg a4.jpg a5-3.jpg a6-4.jpg a2-3.jpg a12-3.jpg Nam-Nghia-1.jpg a8-2.jpg a9-1.jpg
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây