Mục tiêu và giải pháp sản xuất vụ Hè thu - mùa năm 2020

Chủ nhật - 24/05/2020 23:12 866 0
Sản xuất vụ Hè Thu - Mùa 2019 diễn ra trong điều kiện thời tiết khốc liệt, nắng nóng lịch sử trong hơn bốn chục năm qua, cuối vụ sản xuất lại chịu ảnh hưởng của cơn bão số 4 và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ), về dịch hại trên cây trồng cũng có một số đối tượng phát sinh gây hại ảnh hưởng đến sản xuất.
Mục tiêu và giải pháp sản xuất vụ Hè thu - mùa năm 2020
Tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng được sự vào cuộc kịp thời, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các cơ quan chuyên môn và sự cố gắng nỗ lực của người nông dân trong công tác chống hạn, khắc phục lụt bão và phòng trừ dịch bệnh nên hạn chế được thiệt hại và kết quả sản xuất cơ bản đạt được kế hoạch đề ra.
Sản xuất vụ Hè Thu – Mùa năm 2020, được nhận định tiếp tục chịu tác động của biến đổi khí hậu ảnh hưởng ngày càng rõ nét, thời tiết diễn biến phức tạp khó lường; theo dự báo nắng nóng có khả năng xuất hiện sớm hơn nên nguy cơ cao xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn ảnh hưởng đến sản xuất là rất lớn. Mặt khác, Dịch bệnh COVID 19 ngày càng diễn biến phúc tạp, khó lường, sẽ ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo, tổ chức sản xuất của các cấp, các ngành và bà con nông dân. Dịch hại trên cây trồng có nguy cơ tiềm ẩn phát sinh gây hại mạnh trong vụ Hè thu - Mùa năm 2020. Bên cạnh đó, việc sát nhập các Trạm Trồng trọt và BVTV, Khuyến nông và Chăn nuôi thú y thành Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện sẽ khó khăn trong công tác phối hợp chỉ đạo phòng trừ dịch hại,.... Nhưng với tinh thần quyết tâm cao, ngành nông nghiệp đang tập trung chỉ đạo, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch mà ngành đã đặt ra cho vụ hè thu - mùa năm 2020.
I. Phương hướng, mục tiêu sản xuất vụ hè thu – mùa 2020
1.1. Phương hướng
Trên cơ sở điều kiện sản xuất cụ thể từng vùng để xây dựng kế hoạch, bố trí cơ cấu giống, cây trồng, thời vụ hợp lý phù hợp với điều kiện thực tế; Quyết liệt, linh động và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc trong việc thực hiện chỉ tiêu kế hoạch, phòng chống hạn, phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng một cách có hiệu quả, trong đó đặt mục tiêu an toàn lên trên hết. Trên cơ sở ứng phó linh hoạt với dịch bệnh covid19 theo chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh; Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ ở những vùng thiếu nước hay sản xuất không an toàn, kém hiệu quả trong vụ Hè thu - Mùa và khuyến khích chuyển đổi cả 2 vụ (Xuân, Hè thu-Mùa) để thuận lợi cho việc lựa chọn cây trồng chuyển đổi, nhằm đảm bảo an toàn, nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích; Đẩy mạnh liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp trong xây dựng “Cánh đồng lớn”, sản xuất và bao tiêu sản phẩm nhằm nâng cao giá trị và ổn định sản xuất.
1.2. Mục tiêu kế hoạch
2.1. Sản xuất lương thực
- Thực hiện chỉ tiêu sản xuất lương thực tại Quyết định số 5296/QĐ-UBND ngày 20/12/2019 của UBND tỉnh Nghệ An về việc giao chỉ tiêu kế hoạch KT-XH tỉnh Nghệ An năm 2020 là 1.212.700 tấn. Căn cứ vào tình hình sản xuất vụ Đông 2019 (diện tích ngô 17.630,05 ha, sản lượng lương thực ước đạt 87.629,4tấn); ước vụ Xuân năm 2020 (cây lúa: diện tích 91.673,4 ha, sản lượng ước đạt 609.628,4 tấn; cây ngô: diện tích ước đạt 17.200 ha, sản lượng ước đạt 86.860 tấn), thì vụ Hè Thu - Mùa năm 2020 phải phấn đấu đạt 428.800 tấn lương thực.
- Để sản xuất vụ Hè Thu - Mùa 2020 an toàn, hiệu quả phù hợp với tình hình thực tế thì mục tiêu cụ thể các cây trồng phấn đấu đạt như sau:
TT Loại cây trồng Diện tích (ha) Năng suất (tạ/ha) Sản lượng (tấn)
1 Cây lúa, trong đó: 90.000 42,71 384.400
- Vụ Hè Thu 59.000 46,5 274.350
- Vụ Mùa 31.000 35,5 110.050
2 Cây ngô 12.000 37,0 44.400
  Tổng cộng 102.000   428.800
Trong đó, cơ cấu 35.000 ha lúa chất lượng và khoảng 10.000 ha lúa lai (vụ Hè Thu 5.500 ha và vụ Mùa 4.500 ha).
2.2. Các cây trồng khác
TT Loại cây trồng Diện tích (ha) Năng suất (tạ/ha) Sản lượng (tấn)
1 Cây lạc 800 18,0 1.440
2 Đậu đỗ các loại 2.800 8,5 2.380
3 Cây vừng 2.800 7,0 1.960
4 Rau các loại 11.000 150,0 165.000
  Tr/đó dưa hấu 1.100 210,0 23.100
2.3. Sản xuất cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm
Chăm sóc và bảo vệ tốt diện tích hiện có. Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để trồng mía nguyên liệu, trồng mới chè, cam theo kế hoạch.
          II. MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
          2.1. Các giải pháp kỹ thuật
2.1.1. Bố trí thời vụ và định hướng cơ cấu giống
a) Cây lúa: Thực hiện thời vụ gieo cấy lúa Hè Thu “càng sớm, càng tốt”  và đặt an toàn lên trên hết. Chỉ đưa vào cơ cấu các giống lúa đã được công nhận chính thức, công nhận lưu hành hoặc giống đã qua sản xuất thử, làm mô hình có kết quả tốt tại Nghệ An. Tiếp tục sử dụng giống có năng suất cao, ổn định, ít nhiễm sâu bệnh, đưa nhanh các giống lúa có chất lượng cao làm hàng hóa.
*Vùng Hè Thu chạy lụt: Yêu cầu lúa phải thu hoạch trước 30/8 để tránh lụt cuối vụ. Vì vậy, nên sử dụng các giống có thời gian sinh trưởng dưới 100 ngày và gieo mạ để cấy. Có thể sử dụng các giống sau:
- Lúa thuần: Khang dân đột biến; HN6; TBR279; DCG72 (Khang dân cải tiến),
- Lúa lai: LC270,…
* Vùng đất vàn: Đây là vùng Hè Thu thâm canh, cần sử dụng các giống có năng suất cao, thời gian sinh trưởng có thể dài hơn nhưng phải dưới 110 ngày để thu hoạch trước 05/9. Vùng nàycó thể sử dụng các giống sau:
- Lúa thuần: Thiên ưu 8; Vật tư - NA2; Hương thuần 8; Vật tư - NA6; TBR225; LTH31; LTH31 (SL9); Hương thơm 1;…
- Lúa lai: Nhị ưu 986; VT404; Thái xuyên 111; Kinh sở ưu 1588; Phú ưu 978,
*Vùng vàn cao ở đồng bằng, vùng ruộng lúa bán sơn địa: Có thể bố trí các giống thu hoạch sau 15/9.
Đối với vùng chủ động nước, ưu tiên sử dụng các giống có tiềm năng năng suất cao, chất lượng tốt như các giống cơ cấu ở vùng vàn và có thể sử dụng thêm một số giống dài ngày hơn như:
- Lúa thuần: Nếp 97; BC15; Nếp 87;...
- Lúa lai: Kinh sở ưu 1588; Thụy hương 308; Nhị ưu 89;…
          Đối với vùng không chủ động nước, hạn hán nên sử dụng các giống ngắn ngày như vùng thấp lụt và giống có khả năng chịu hạn.
b)  Các cây hoa màu ngắn ngày (ngô, lạc, vừng, đậu đỗ, rau các loại): Sau khi thu hoạch vụ Xuân, cần chủ động tranh thủ đất đủ độ ẩm để làm đất gieo ngay. Sử dụng các giống sau:
- Cây ngô: Sử dụng các giống như: CP888, P4199, CP511, NK7328, CP999, NK66, DK6919, LVN14, NK4300 Bt/Gt, DK 6919s, MX10, HN88 hoặc các giống có tại phụ lục 04 kèm theo. Trên cây ngô có thể ưu tiên sử dụng các giống ngô biến đổi gen để hạn chế sự gây hại của sâu keo mùa thu.
- Cây lạc: Sử dụng các giống như: Sen Nghệ An (75/23), L14, L26, L23, TB25, L20, TK10.
          - Cây vừng: Sử dụng các giống vừng đen, vừng vàng địa phương,...
          - Cây đậu đỗ các loại: Đậu xanh ĐX 135, DX 11, DX 03, ĐX 208, A801, đậu tằm hạt mốc, đậu đen,...
          - Cây rau các loại: Có thể sử dụng các giống sau:
+ Bí xanh: Bí xanh số 1, bí xanh thiên thanh 5, Nova 209, An Điền 686,...
+ Bí đỏ: An Điền 019, Én Vàng,…
+ Dưa chuột: PC4, Hoa sen 636, Hoa sen 639, Xuân Yến,...
+ Dưa hấu: Super Hoàn Châu, Super Man, Phù Đổng, Trang Nông 1096, AD779, VT448,…
+ Mướp ngọt: Hương Việt, Thanh Hoa,…
+ Mướp đắng: Hạt giống lai F1 Palee, Trái Xanh F1 TV-208, …
Ngoài ra, UBND các huyện, thành, thị có thể lựa chọn thêm các giống đã được công nhận chính thức và đã sản xuất có hiệu quả ở những vụ trước trên địa bàn để lựa chọn vào cơ cấu giống.
c) Các cây công nghiệp, cây ăn quả
Thực hiện tốt công tác chăm sóc cây giống, chuẩn bị các điều kiện để trồng mới, trồng lại chè, cam, mía, dứa, chanh leo. Các địa phương cần tiến hành rà soát kỹ quỹ đất, nguồn giống hiện có để có phương án cân đối hợp lý giữa quỹ đất và nguồn giống, tránh tình trạng thừa giống, thiếu đất hoặc thừa đất, thiếu giống. Trong trường hợp cân đối thấy thiếu giống phải có phương án mua bổ sung kịp thời và ký hợp đồng sớm để chủ động.
2.1.2. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng và xây dựng cánh đồng lớn
Rà soát, đánh giá lại nguồn nước tưới trên các hồ đập, diện tích trồng lúa kém hiệu quả cụ thể của từng vùng, từng địa phương để có phương án chuyển đổi hiệu quả. Phát huy liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp trong quá trình xây dựng mô hình “cánh đồng lớn” để mở rộng sản xuất “cánh đồng lớn”, liên kết theo chuỗi trong vụ Hè Thu - Mùa.
2.1.3. Công tác Bảo vệ thực vật
Thực hiện tốt công tác điều tra phát hiện, dự tính dự báo, theo dõi và phòng trừ kịp thời các dịch hại chính trên các cây trồng. Trong đó, cần đặc biệt lưu ý các đối tượng dịch hại như: Chuột, sâu cuốn lá nhỏ,rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh lùn sọc đen trên cây lúa; sâu keo mùa thu trên cây ngô;... Hướng dẫn nông dân áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trong phòng trừ dịch hại để đảm bảo hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường sinh thái, sức khỏe cộng đồng; Đẩy mạnh thực hiện và mở rộng ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong công tác khuyến nông bảo vệ thực vật; Thực hiện nghiêm túc Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật; các Nghị định, thông tư, …
2.2. Giải pháp quản lý và sử dụng nước tưới
Phải bảo đảm tưới đủ cho toàn bộ diện tích gieo cấy theo kế hoạch đề ra và chống hạn cho cây công nghiệp, cây ăn quả,... trong đó ưu tiên nước phục vụ tưới cho gieo cấy vụ Hè Thu (khoảng 59.000 ha). Thực hiện quy trình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước ngay từ đầu vụ (nông lộ phơi, SRI). Có kế hoạch phân phối nước hợp lý, triệt để tiết kiệm nước. Lập lịch tưới, mức tưới của từng đợt, cho từng vùng đồng theo thời kỳ sinh trưởng của cây trồng,…
2.3. Giải pháp về cơ chế chính sách
- Thực hiện đầy đủ các chính sách của Chính phủ và UBND tỉnh về hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An và các chính sách khác về hỗ trợ khắc phục thiên tai, phòng trừ dịch bệnh của UBND tỉnh.
- Các địa phương cần tích cực, chủ động trích ngân sách địa phương ngoài chính sách của Chính phủ và UBND tỉnh để giúp nông dân tăng cường đầu tư phát triển sản xuất.
2.4. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ KHCN và liên kết tiêu thụ sản phẩm
Đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, khoa học công nghệ,  các quy trình sản xuất tiên tiến, sản xuất nông sản, rau, củ, quả, chè an toàn theo SRI, IPM, VietGAP; Kết hợp chặt chẽ với các cơ quan nghiên cứu khoa học để áp dụng kết quả các công trình nghiên cứu khoa học vào sản xuất, nhất là các công trình chọn lọc, tạo giống cây trồng; Tổng kết và nhân nhanh các mô hình sản xuất đạt năng suất, chất lượng tốt và hiệu quả cao; Tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu các mô hình đạt kết quả tốt, các tiến bộ kỹ thuật đã được khẳng định, các biện pháp thâm canh phòng trừ sâu bệnh hại có hiệu quả để nông dân hiểu và thực hiện.
2.5. Giải pháp tăng cường công tác dự tính, dự báo, truyền tải thông tin về thiên tai, bão lụt đến người dân
Tăng cường công tác dự tính, dự báo và trao đổi thông tin giữa cơ quan khí tượng thủy văn và các cơ quan quản lý, phương tiện thông tin đại chúng để có thể đưa thông tin cảnh báo về hạn hán, mưa lũ đến với người dân sớm nhất; Qua đó, giúp người dân chủ động né tránh, giảm thiểu thiệt hại.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
3.1. Sở Nông nghiệp và PTNT
Thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước trên địa bàn Tỉnh về Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Phối hợp với các ngành, các địa phương, các tổ chức trong việc chỉ đạo thực hiện Đề án sản xuất vụ Hè Thu - Mùa 2020. Thành lập các đoàn kiểm tra, chỉ đạo việc sản xuất, phòng trừ thiên tai, dịch bệnh, kinh doanh vật tư nông nghiệp, nông sản phẩm theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT và UBND tỉnh; Tập trung chỉ đạo các đơn vị chuyên môn của Sở và các đơn vị ngành hàng liên quan thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đề ra.
          3.2. UBND các huyện, thành, thị 
Trên cơ sở Đề án sản xuất của Sở Nông nghiệp và PTNT, căn cứ vào đặc điểm địa hình, đất đai, khí hậu và trình độ thâm canh sản xuất,... của địa phương xây dựng Đề án sản xuất vụ Hè Thu - Mùa năm 2020 cụ thể, sát với thực tế của địa phương nhằm phát huy tối đa các lợi thế sẵn có. Đề án phải thể hiện sự phấn đấu cao, các chỉ tiêu phải vượt trội, các giải pháp tổ chức chỉ đạo thực hiện phải tích cực để đảm bảo giành thắng lợi.
        3.3. Các tổ chức đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội
Căn cứ nhiệm vụ chính trị của tổ chức, đề nghị phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và PTNT để triển khai đề án sản xuất vụ Hè Thu – Mùa 2020 xuống tận cơ sở. Động viên các cấp hội và hội viên thực hiện nghiêm túc các biện pháp, giải pháp kỹ thuật do ngành Nông nghiệp và PTNT đề ra. Quan tâm giúp nông dân thay đổi nhận thức sản xuất nông nghiệp từ sản xuất kinh nghiệm sang sản xuất đầu tư, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sản xuất hàng hoá để tăng hiệu quả kinh tế/đơn vị diện tích.
3.4. Các cơ quan thông tin đại chúng
Đài phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Nghệ An và các cơ quan thông tấn báo chí đóng trên địa bàn dành thời lượng ưu tiên đặc biệt cho công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách về nông nghiệp, nông thôn, các biện pháp kỹ thuật, biện pháp bảo vệ sản xuất trong vụ Hè Thu - Mùa năm 2020; Đặc biệt là tuyên truyền để nông dân hiểu được các giải pháp về cơ cấu giống, bố trí thời vụ để né tránh thiên tai.
Vụ Hè Thu - Mùa năm 2020 là vụ sản xuất đối mặt với rất nhiều khó khăn thách thức như thiên tai (hạn hán, bão lụt) và các loại dịch hại có nguy cơ phát sinh gây hại nặng, bên cạnh đó dịch bệnh covid 19 đang diễn biến phúc tạp, khó lường. Do đó, Sở Nông nghiệp và PTNT kính đề nghị UBND tỉnh Ban hành Chỉ thị về tăng cường sản xuất vụ Hè thu - Mùa năm 2020, để huy động các nguồn lực, tập trung chỉ đạo hoàn thành thắng lợi sản xuất Hè thu- Mùa năm 2020. Chỉ đạo các ngành, các cấp và UBND các huyện, thành, thị tăng cường công tác tuyên truyền, chỉ đạo đôn đốc và có các cơ chế chính sách hỗ trợ để khuyến khích nông dân thực hiện các biện pháp kỹ thuật đã được quy định tại Đề án để đảm bảo vụ Hè Thu - Mùa 2020 đạt kết quả thắng lợi./.
                             Cao Xuân Tuấn (
Trích ĐA tổ chức sản xuất vụ Hè Thu – Mùa năm 2020 – SNN)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
a4.jpg a8-6.jpg a5-3.jpg a2-3.jpg a6-4.jpg a1-4.jpg a7-6.jpg a13-1.jpg a9-1.jpg a15-3.jpg a10-1.jpg a7-2.jpg a11-3.jpg a12-3.jpg a8-2.jpg
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây