Dự và chỉ đạo hội nghị tại điểm cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp -PTNT Lê Minh Hoan, cùng đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương. Dự tại đầu cầu các địa phương có Bí thư, Chủ tịch UBND, Phó chủ tịch một số tỉnh, thành phố và lãnh đạo ngành NN&PTNT 63 tỉnh, thành phố.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đồng chủ trì hội nghị
Tại điểm cầu Nghệ An có Đồng chí Nguyễn Văn Đệ - uỷ viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đồng chí Phùng Thành Vinh - Bí thư Đảng uỷ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT đồng chủ trì. Đại biểu Sở Nông nghiệp và PTNT: Các đồng chí Lãnh đạo Sở, Thường trực Công đoàn ngành, Văn phòng Đảng uỷ Sở, Trưởng các phòng Sở, Chi cục trưởng các chi cục thuộc Sở, Phó chánh Văn phòng điều phối chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, Quỹ bảo vệ và phát triển rừng và các chuyên viên liên quan. Đại biểu đại diện lãnh đạo các Công ty CP: Thực phẩm sữa TH, Vật tư Nông nghiệp Nghệ An, Vinamilk Nghệ An, Lâm nghiệp Tháng 5, Tập đoàn Thiên Minh Đức; Đại biểu đại diện các Hợp tác xã: Nông nghiệp dịch vụ tổng hợp Thọ Thành (Yên Thành), Nông nghiệp Sen quê Bác (Kim Liên, Nam Đàn).
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Nghệ An
Ngành nông nghiệp, nông thôn thực hiện kế hoạch năm 2023 trong điều kiện có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; trong đó, đặc biệt khó khăn về thị trường xuất khẩu lâm sản và thuỷ sản. Trong bốicảnh đó, Ngành luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao, thường xuyên của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ, sự hỗ trợ của các cấp, các ngành và địa phương; sự chung sức, vượt khó, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, bà con nông dân và đồng hành của các cơ quan truyền thông tạo sự đồng thuận của cả xã hội vượt qua khó khăn, thách thức để chuyển đổi tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn; duy trì đà tăng trưởng và đạt mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, góp phần vào tăng trưởng, phát triển kinh tế cả nước, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh lương thực Quốc gia.
Năm 2023, toàn Ngành thống nhất từ nhận thức đến hành động, tổ chức thực hiện chuyển đổi mạnh từ Tư duy sản xuất sang Tư duy kinh tế nông nghiệp, từ phát triển đơn ngành sang hợp tác, phát triển đa ngành; thúc đẩy tích hợp đa giá trị trong sản phẩm NLTS; chuyển từ chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển các chuỗi ngành hàng theo đúng định hướng tại Nghị quyết "Tam nông" và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững; nỗ lực vươn lên với phương châm“Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả”. Vì vậy, giá trị gia tăng toàn ngành (GDP) tăng cao, đạt 3,83% (nông nghiệp tăng 3,88%; thủy sản tăng 3,71%, lâm nghiệp tăng 3,74%); tỷ lệ che phủ rừng 42,02%; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới khoảng 78%; tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành 53,01 tỷ USD.
Năm 2024 có ý nghĩa quan trọng, là năm thứ ba thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; năm thứ tư thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và là năm bứt phá để hoàn thành Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025; bám sát quan điểm, mục tiêu, định hướng chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước theo Kết luận số 64-KL/TW của Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII và Nghị quyết số 103/2023/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; toàn ngành tập trung thực hiện Chiến lược phát triển Nông nghiệp và NT bền vững; kế hoạch cơ cấu lại ngành, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới; một số chỉ tiêu chủ yếu như sau: Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3,0 - 3,5%; Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản khoảng 54 - 55 tỷ USD; Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 80%; có 290 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; Tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định 42,02%, nâng cao chất lượng rừng; Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn 58%; Tỷ lệ số xã đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm trong xây dựng nông thôn mới 82%.
Tại Nghệ An báo cáo tại hội nghị đồng chí Nguyễn Văn Đệ – Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh nêu rõ: Nông nghiệp Nghệ An đã thắng lợi toàn diện trên tất cả mọi lĩnh vực, tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 5 năm trở lại đây, làm tốt vai trò là trụ đỡ chắc chắn cho phát triển nền kinh tế và ổn định đời sống cho đông đảo người dân. Toàn Ngành Nông nghiệp &PTNT hoàn thành và vượt Kế hoạch 04 chỉ tiêu cơ bản: (1) Tốc độ phát triển tổng sản phẩm (GRDP) nông, lâm, ngư nghiệp ước đạt 41.559 tỷ đồng, tăng 4,54% so với cùng kỳ năm trước, trong đó nông nghiệp tăng 4,2%; lâm nghiệp tăng 6,67% và thủy sản tăng 5,3%; (2) số xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM): 10/KH10 xã, đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao 35/KH20 xã, đạt nông thôn mới kiểu mẫu 06/KH06 xã và 01/KH01 huyện đạt chuẩn MTM; lũy kế đến 31/12/2023 ước đạt 319/411 xã, chiếm 77,62% tổng số xã; 88/319 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, chiếm 27,59%; 12/319 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu, chiếm 3,76%; Số tiêu chí bình quân các xã đạt 17/KH 17 tiêu chí/xã. Có 10 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ, đạt chuẩn NTM; (3) tỷ lệ số dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh (theo tiêu chuẩn 4826/QĐ-BNN) đạt 88/KH88%; (4) tỷ lệ che phủ rừng đạt 58,36/KH58,0%. Cơ cấu kinh tế nội ngành chuyển dịch đúng hướng: Nông nghiệp 77,03%, (trong đó tỷ trọng chăn nuôi trong nghiệp nghiệp ước đạt 48%) lâm nghiệp 6,92%, ngư nghiệp: 16,03%.
Đồng chí Nguyễn Văn Đệ – Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị
Tại hội nghị đại biểu ở các điểm cầu Trung ương và địa phương đã tập trung thảo luận các giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả.Chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; từ phát triển đơn ngành sang hợp tác, phát triển đa ngành; thúc đẩy tích hợp đa giá trị trong sản phẩm NLTS; chuyển từ chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển các chuỗi ngành hàng.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận và đánh giá cao Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cả nước đã nỗ lực vượt qua những khó khăn để đạt được những kết quả quan trọng, góp phần cùng cả nước thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong năm 2024, toàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục đoàn kết, thống nhất cả về nhận thức và hành động trong triển khai nhiệm vụ; nắm chắc tình hình, điều hành sáng tạo, linh hoạt phù hợp với điều kiện thực tiễn; tăng cường phân cấp, phân quyền, đi đôi với phân bổ quyền lực, giám sát, kiểm tra; xác định có trọng tâm, trọng điểm trong thực hiện nhiệm vụ; phối hợp chặt chẽ và có hiệu quả với các đơn vị liên quan; đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu phù hợp, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn; gắn phát triển nông nghiệp với văn hóa du lịch; đáp ứng nguồn vốn cho phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân, nhất là cho xuất khẩu; đa dạng hóa sản phẩm, thị trường và cung ứng, nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu; nhân rộng các mô hình hay, cách làm mới có hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp của các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp…
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tham quan các gian trưng bày tại Hội nghị
Bộ trưởng Lê Minh Hoan tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Để đạt được những mục tiêu đề ra như trên, toàn Ngành tiếp tục thực hiện hiệu quả, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 19/NQ-TW ngày 16/6/2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; thực hiện các luật, chiến lược, chương trình, đề án, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, nhất là Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025.
Tạ Quang Sáng
Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nghệ An
Ý kiến bạn đọc