Khuyến nông Nghệ An nhiệm vụ và giải pháp 6 tháng cuối năm 2019
Hoạt động khuyến nông Nghệ An trong luôn nhận được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các ban ngành và Sở Nông nghiệp và PTNT. Đặc biệt 6 tháng đầu năm 2019, sản xuất nông nghiệp đứng trước điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp cực đoan, với nhiều đợt nắng nóng kéo dài chưa từng có vào giữa và cuối tháng 6 dẫn đến hạn hán, ảnh hưởng rất lớn đến cây trồng vật nuôi.
Mặt khác, dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi thường xuyên có diễn biến phức tạp, nhất là là dịch tả lợn Châu Phi đang lan rộng, khó kiểm soát, đang là thách thức lớn đối với ngành nông nghiệp và ảnh hướng trực tiếp đến sản xuất, thu nhập và đời sống của người nông dân, nhưng với sự nỗ lực cố gắng, quyết tâm cao của hệ thống khuyến nông đã lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai hoạt động khuyến nông cơ bản hoàn thành kế hoạch đề ra, trở thành cầu nối quan trọng không thể thiếu trong việc chuyển giao các tiến bộ khoa học đến cho nông dân. Cụ thể đó là:
- Về xây dựng mô hình trình diễn:
+ Từ nguồn kinh phí tỉnh đã xây dựng 14 dạng mô hình với 22 điểm trình diễn khuyến nông. Trong đó: Trồng trọt 9 dạng mô hình với 17 điểm trình diễn; Thủy sản 4 dạng mô hình với 4 điểm trình diễn; Lâm nghiệp 01 dạng mô hình với 01 điểm trình diễn. Các mô hình cơ bản đều thành công, cho hiệu quả kinh tế và tính nhân rộng cao, điển hình một số mô hình như Mô hình sản xuất dưa lưới công nghệ cao triển khai tại xã Kim Liên - Nam Đàn và xã Diễn Thành - Diễn Châu; Mô hình trồng hoa trong chậu triển khai tại xã Nghi Ân - Thành phố Vinh; Mô hình Trồng thâm canh Quýt ngọt có sử dụng công nghệ tưới thực hiện tại xã Xuân Sơn - Đô Lương; Nuôi cá lóc chuyên canh mật độ cao gắn với bao tiêu sản phẩm triển khai tại xã Quỳnh Hưng, huyện Quỳnh Lưu; Mô hình nuôi cá trắm chép giòn lồng nhựa trong hồ đập, quy mô 03 lồng (30 m3/lồng), triển khai tại xã Nghĩa Thuận, Thị xã Thái Hòa,…vv.
+ Từ nguồn kinh phí Trung ương tiếp tục thực hiện Dự án xây dựng mô hình và chuyển giao quy trình sản xuất cam, bưởi an toàn gắn chuỗi giá trị tại các tỉnh miền Trung với 5 mô hình: Mô hình trồng thâm canh cam đảm bảo ATVSTP (chăm sóc cam năm thứ 3) triển khai tại 2 điểm xã Đồng Thành huyện Yên Thành và xã Đỉnh Sơn, huyện Anh Sơn; Mô hình trồng thâm canh cam đảm bảo an toàn VSTP (chăm sóc năm 2) tại xã Tân An huyện Tân Kỳ; Trồng thâm canh bưởi an toàn vệ sinh thực phẩm (chăm sóc năm 2) triển khai tại xã Thanh Nho huyện Thanh Chương và xã Nghi Công Nam huyện Nghi Lộc; Thâm canh cam đảm bảo ATVSTP triển khai tại xã Đồng Thành huyện Yên Thành trên cam xã Đoài năm tứ 5; Tưới nhỏ giọt trên cam thâm canh đảm bảo ATVSTP thực hiện tại xã Thanh Nho huyện Thanh Chương.
+ Từ nguồn kinh phí theo Nghị định 35/2015/NĐ-CP về quản lý sử dụng đất trồng lúa. Có 12 Trạm khuyến nông huyện/Thành phố/Thị xã được phân khai kinh phí nguồn đất lúa trên 12 tỷ đồng để xây dựng 53 mô hình sản xuất lúa chất lượng cao vụ xuân. Hiện lúa đã thu hoạch, năng suất bình quân đạt trên 65 tạ/ha, trong đó tiêu biểu có mô hình phát triển sản xuất lúa VT505 đạt năng suất đạt 80 tạ/ha. Một số mô hình đã có sự liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm nên đem lại hiệu quả kinh tế cao như mô hình liên kết sản xuất giống lúa thuần TBR 279 tại Nam Đàn, mô hình thâm canh giống lúa QP5 tại Quỳnh Lưu, Quế Phong, Quỳ Châu,…
+ Từ nguồn kinh phí khác do các Trạm Khuyến nông phối hợp thực hiện: 6 tháng đầu năm có 10 Trạm khuyến nông đã phối hợp với các công ty, đơn vị triển khai 35 chương trình, mô hình đều thành công và cho hiệu quả kinh tế cao.
- Về công tác Thông tin tuyên truyền: Thực hiện 4 trang phát thanh, 6 trang chuyên đề, phóng sự trên truyền hình, 6 trang khuyến nông trên Báo Nghệ An với nhiều nội dung chuyên đề, kỹ thuật sát đúng với từng giai đoạn mùa vụ và tình hình sản xuất của địa phương. Biên tập và in ấn, phát hành 6 số tập san khuyến nông với 4.500 cuốn chuyển đến các xã trong tỉnh và 63 tỉnh thành trên cả nước. Duy trì trang Website khuyến nông Nghệ An với nhiều thông tin nông nghiệp kịp thời, tin cậy cho người sản xuất truy cập. Cung cấp đầy đủ các số Báo Nông nghiệp cho các xã đặc biệt khó khăn ở 6 huyện miền núi, ..
- Về công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Khuyến nông tỉnh huyện, khuyến nông xã, thôn bản và nông dân. Một trong những điểm nhấn của việc tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ khuyến nông cơ sở năm 2019 đó là nội dung thực hành chiểm 50% tổng thời gian tập huấn để tăng cường rèn luyện kỹ năng, tay nghề cho đội ngũ khuyến nông cơ sở nhằm làm tốt hơn công tác chuyển giao tiến bộ KHKT cho nông dân. Cụ thể là Tập huấn khuyến nông theo Quyết định 99/QĐ-UBND được 8/8 lớp cho cán bộ khuyến nông viên cấp xã với 402/467 học viên tham gia, lớp đạt 92,07% kế hoạch; Tập huấn nguồn đất lúa đã triển khai 25 lớp với 1.250 người tham gia; Tập huấn nguồn khuyến nông thường xuyên được 6 lớp; Tập huấn nông dân được 453/492 lớp, đạt 92,1% kế hoạch giao đợt 1năm 2019. Các lớp đều cơ bản được triển khai kịp thời vụ, đúng nội dung, sát với kế hoạch đã được Phòng Nông nghiệp và PTNT và Trung tâm khuyến nông phê duyệt, giao nhiệm vụ.
- Về Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Đã triển khai công tác tuyển sinh chương trình Dạy nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn năm 2019 với nhu cầu 21/21 đơn vị đăng ký đào tạo các nghề, bình quân 01 lớp/huyện, thành, thị..
Bên cạnh những hoạt động khuyến nông thường xuyên, Trung tâm còn tích cực thực hiện nhiệm vụ quản lý đội ngũ cộng tác viên cơ sở và bố trí công tác kịp thời đáp ứng các nhiệm vụ công tác do Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT giao theo từng năm, từng quý và đột xuất. Đặc biệt là tham gia tập huấn, hướng dẫn nông dân phòng chống sâu keo mùa thu hại ngô và điều động cán bộ khuyến nông tham gia phòng chống bệnh dịch tả lợn Châu phi.
Phải khẳng định rằng, mặc dù chịu ảnh hưởng, tác động trực tiếp bởi điều kiện thời tiết thất thường, cực đoan ngay từ giai đoạn đầu vụ sản xuất, nhưng trên tinh thần trách nhiệm cao Trung tâm khuyến nông đã cố gắng khắc phục mọi khó khăn, bám sát các chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện, cơ bản hoàn thành 100% các chỉ tiêu đề ra và của cấp trên giao. Tuy nhiên, hoạt động khuyến nông vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục như nguồn kinh phí hoạt động khuyến nông hàng năm chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế; chưa xây dựng được nhiều các mô hình áp dụng công nghệ cao, quy mô lớn; Nhiều mô hình trình diễn có hiệu quả nhưng chưa được nhân ra diện rộng nhiều; Công tác khâu nối, liên kết với các doanh nghiệp trong việc tiêu thụ sản phẩm, giải quyết việc làm sau học nghề còn nhiều hạn chế, bất cập,...vv.
Để hoàn thành kế hoạch hoạt động khuyến nông 6 tháng cuối năm và cả năm 2019, Trung tâm khuyến nông đã xác định rõ một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm cần tập trung đó là:
+ Về nhiệm vụ: Quán triệt kịp thời và tổ thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các chủ trương chính sách Đảng, pháp luật Nhà nước, chính quyền các cấp. Thực hiện tốt các nhiệm vụ khi được cấp trên và Sở nông nghiệp và PTNT giao. Làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ viên chức, đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng trong giai đoạn sắp xếp tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết Trung ương VI. Tiếp tục thực hiện công tác tổ chức cơ quan, rà soát sắp xếp cán bộ viên chức theo vị trí việc làm nhằm nâng cao hiệu quả công tác. Tập trung hoàn thành các nhiệm vụ đề ra theo kế hoạch được giao, hoàn thành tốt các mô hình, dự án, tuyên truyền, đào tạo, tập huấn từ nguồn Trung ương và địa phương, chương trình mục tiêu Quốc gia, chương trình quản lý đất lúa theo nghị định 35/NĐ-CP của Chính phủ. Tham mưu kịp thời, hiệu quả cho các địa phương lựa chọn, nhân rộng các mô hình, các chương trình khuyến nông đã có hiệu quả trên địa bàn. Thực hiện tốt các nội dung thông tin tuyên truyền, hoàn thành nhiệm vụ tập huấn cho cán bộ cơ sở và nông dân theo kế hoạch đã phê duyệt. Tổ chức dạy nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn khi được giao kinh phí. Tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra giám sát các nội dung, chương trình, dự án khuyến nông thực hiện trên địa bàn tỉnh. Xây dựng kế hoạch, nội dung hoạt động khuyến nông năm 2020 để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tổ chức hội thảo đánh giá chuyển giao giao tiến bộ KHKT và Hội nghị tổng kết hoạt động khuyến nông năm 2019.
+ Về giải pháp:
Một là; Đối với xây dựng mô hình: Tăng cường kiểm tra, theo dõi, nắm bắt đầy đủ thông tin, diễn biến của mô hình nói riêng và các hoạt động khuyến nông nói chung. Tiếp tục thực hiện các mô hình đang triển khai, nghiệm thu đánh giá các mô hình đã kết thúc theo kế hoạch đã được phê duyệt. Đánh giá hiệu quả các mô hình đã triển khai thời gian qua để rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo triển khai và nhân rộng mô hình trong thời gian tới.
Hai là; Đối với công tác thông tin tuyên truyền, huấn luyện đào tạo: Phối hợp với các đơn vị truyền thông, báo đài làm tốt công tác tuyên truyền. Tăng cường đổi mới hoạt động đào tạo huấn luyện cả về phương pháp và nội dung phù hợp với từng đối tượng. Chú trọng rèn luyện kỹ năng cho người học tại các lớp học thực hành. Đào tạo nghề gắn với mô hình sản xuất và chủ động liên kết giữa nông dân với các công ty, doanh nghiệp, .. để hỗ trợ việc làm, bao tiêu sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả sau đào tạo.
Ba là; Đối với nguồn kinh phí: Ngoài Ngân sách Nhà nước đầu tư hàng năm cho Khuyến nông, cần chủ động liên doanh, liên kết, thu hút nguồn kinh phí từ các chương trình, dự án trong và ngoài nước; Đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương huyện, xã, các tổ chức, đơn vị, cá nhân có sự liên kết để khảo nghiệm, xây dựng và nhân rộng các mô hình.
Bốn là; Cùng với Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các cấp hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống Khuyến nông đảm bảo tính năng động và hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết 19/NQ-TW và Nghị định 83/2018/NĐ-CP của Chính phủ về Khuyến nông.
Năm là; chủ động thu hút nguồn lực đầu tư, hỗ trợ trong nước và Quốc tế qua các chương trình, dự án về nông nghiệp, nông thôn; rà soát, phân loại các chương trình, dự án để có cơ chế sử dụng lồng ghép hợp lý nguồn vốn theo từng chương trình, dự án nhằm thu hút tối đa nguồn lực của xã hội vào lĩnh vực khuyến nông, tạo đà cho nông nghiệp phát triển, nâng cao giá trị gia tăng và bền vững./.
Cao Tuấn
Trung tâm Khuyến nông - nguồn TSKN