UBND tỉnh Nghệ An làm việc với Sở Nông nghiệp và PTNT
Thứ tư - 10/04/2024 20:273950
Chiều ngày 10/4/2024 tại Văn phòng Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và PTNT về kết quả thực hiện nhiệm vụ của ngành trong thời gian qua, phương hướng nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Thành phần tham dự có đồng chí Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Đại diện lãnh đạo Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh; Đảng uỷ Khối cơ quan tỉnh, Hội Nông dân tỉnh; Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ngành, đơn vị: Văn phòng UBND tỉnh, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Tài nguyên và Môi trường, Công thương, Khoa học và Công nghệ, Lao động Thương binh và Xã hội, Xây dựng, Giao thông Vận tải, Thông tin và Truyền thông, Ngoại vụ, Du lịch, Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch, Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam, Ban Dân tộc, Cục Thống kê tỉnh, Liên minh Hợp tác xã tỉnh; Giám đốc, Phó Giám đốc và Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT; Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Nghệ An, Báo Nông nghiệp thường trú tại Nghệ An dự và đưa tin. Đồng chí Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi làm việc
Ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2023, sản xuất nông lâm ngư nghiệp vẫn duy trì ổn định và đạt mức tăng trưởng ở mức cao, cơ cấu kinh tế nội ngành chuyển dịch tích cực theo hướng giảm dần tỷ trọng trồng trọt, tăng dần tỷ trọng chăn nuôi và dịch vụ, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp bình quân 3 năm 2021-2023 ước đạt 4,73%; dự kiến cả giai đoạn 2021-2025 đạt khoảng 4,7-4,8% (đảm bảo đạt chỉ tiêu kế hoạch 5 năm từ 4,5-5,0%). Tổng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thuỷ hải sản cả năm 2022 ước đạt trên 487,5 triệu USD, năm 2023 ước đạt trên 562/KH399 triệu USD đạt 140,78%, tăng 15,28% so với năm 2022. Số xã đạt chuẩn nông thôn mới 317/411 xã chiếm 77,13% tổng số xã, 67/317 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao chiếm 21,14%, 10 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu; 09 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ, đạt chuẩn nông thôn mới. Về sản phẩm OCOP có 567 sản phẩm, trong đó có 1 sản phẩm đạt 5 sao, 37 sản phẩm đạt 4 sao và 529 sản phẩm đạt 3 sao, có 9 điểm du lịch nông thôn, là tỉnh đứng thứ 2 cả nước về số lượng sản phẩm OCOP được công nhận. Nhìn chung, trong 3 năm thực hiện, các nhiệm vụ, chỉ tiêu, kế hoạch thuộc lĩnh vực nông nghiệp và PTNT chủ yếu đều đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch được giao hàng năm. Các chương trình, đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tiếp tục được triển khai tạo phong trào, động lực thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển. Nhiều tiến bộ KHCN, nhất là công nghệ cao được áp dụng nhanh vào sản xuất, góp phần nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân. Chỉ đạo và kết luận buổi làm việc đồng chí Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những kết quả, thành tích mà ngành nông nghiệp đạt được trong thời gian qua. Với tính chất đa ngành, đa nghề, đa lĩnh vực nhưng với tinh thần đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm cao, ngành nông nghiệp đã tích cực chủ động sáng tạo thực hiện tốt các chủ trương, Nghị quyết, chương trình, đề án đề ra. Hầu hết các lĩnh vực của ngành nông nghiệp đều duy trì tăng trưởng, đạt kết quả cao và luôn khẳng định vai trò nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế. Tuy nhiên trong thời gian tới, ngành nông nghiệp cần tiếp thu các ý kiến đóng góp của các sở, ngành, đồng thời bám sát chỉ tiêu, kế hoạch của Trung ương, địa phương để tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đề ra. Nhất là cần chú trọng đẩy mạnh chiến lược phát triển nhóm các sản phẩm chủ lực; Nâng cao năng lực và hoàn thiện các mô hình sản xuất hiệu quả; Phát triển thị trường liên kết, tiêu thụ; Nghiên cứu hoàn thiện cơ chế chính sách về đất đai, KHCN; Tiếp tục chỉ đạo chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với sản phẩm OCOP; Huy động mọi nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng trong các lĩnh vực thuỷ lợi, thuỷ sản, lâm nghiệp, nước sạch và vệ sinh môi trường; Thực hiện nghiêm túc có hiệu quả phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn, bố trí tái định cư; Đẩy mạnh công tác truyền thông và chuyển đổi số trong nông nghiệp; Quan tâm sắp xếp bộ máy, đào tạo thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; Tạo chuyển biến mạnh mẽ công tác cải cách hành chính, ..vv./. Cao Tuấn – Trung tâm KNNA