Thực trạng nuôi trồng thủy sản tỉnh Nghệ An hiện nay và một số giải pháp xử lí chất thải, bùn thải nuôi trồng thủy sản.
Thứ hai - 05/08/2019 22:122.2440
Nghệ An là tỉnh ven biển thuộc khu vực Bắc Trung bộ gồm 06 cửa lạch và có nhiều sông suối, hồ đập chứa nước phục vụ cho phát triển nuôi trồng thủy sản lớn. Trong đó, Diện tích tiềm năng có thể đưa vào nuôi trồng thủy sản của Nghệ An là 52.092 ha (nuôi ngọt: 46.920 ha; nuôi mặn, lợ: 3.872, Có 520 hồ thủy lợi, thủy điện với 9.350 ha…
1. Thực trạng sản xuất nuôi trồng thủy sản.
- Diện tích nuôi trồng thuỷ sản đạt 21.367 ha. Trong đó diện tích nuôi ngọt đạt: 18.954 ha, nuôi mặn lợ đạt 2.413 ha (diện tích nuôi tôm đạt 2.154 ha).
- Sản lượng nuôi trồng thuỷ sản đạt 52.965 tấn. Trong đó: Sản lượng nuôi ngọt đạt: 41.509 tấn, Sản lượng nuôi mặn lợ đạt 11.456 tấn (sản lượng tôm là 7.283 tấn). (Nguồn báo cáo Chi cục thủy sản năm 2018)
* Các đối tượng nuôi
Nuôi tôm mặn, lợ: Nuôi tôm thương phẩm ngày càng được đầu tư theo hướng thâm canh, tăng vụ, tăng năng suất. Công tác ứng dụng các quy trình kỹ thuật tiên tiến, ứng dụng công nghệ cao vào nuôi trồng, ngày càng quan tâm và có những bước phát triển tốt. Cơ cấu đối tượng nuôi ngày càng hợp lý và đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm.
- Diện tích nuôi tôm đạt 2.152 ha trong đó nuôi tôm Thẻ chân trắng là 2.127 ha, tôm Sú 25 ha, hình thức nuôi chủ yếu là thâm canh, bán thâm canh. Mật độ thả nuôi bình quân 80 con/m2.
- Công nghệ nuôi: Bên cạnh hình thức nuôi truyền thống trong ao đất, ao bê tông, ao lót bạt thì hiện nay công nghệ nuôi tôm siêu thâm canh hai giai đoạn trong lồng nổi và nhà kín đang được nhiều hộ nuôi lựa chọn và mang lại kết quả khả quan. Sản lượng thu hoạch đạt 7.283 tấn, tính theo mặt nước nuôi năng suất bình quân toàn tỉnh tỉnh là 4,8 tấn/ha. Năng suất giữa các địa phương có sự khác nhau huyện Quỳnh Lưu 5,53 tấn/ha, Diễn Châu 5,39 tấn/ha, Nghi Lộc 5,16 tấn/ha, TX Hoàng Mai 5,0 tấn/ha, Tp.Vinh khoảng 1,3 tấn/ha.
Nuôi ngao bãi triều:Tổng diện tích thả nuôi toàn tỉnh 163 ha, giảm 10 ha so năm 2017. Diện tích thả nuôi tập trung chủ yếu huyện Quỳnh Lưu thuộc các xã Sơn Hải, Quỳnh Thuận, Quỳnh Thọ, Quỳnh Long, An Hòa; Huyện Nghi Lộc tại xã Nghi Quang, Nghi Thiết; Phường Quỳnh Phương - TX Hoàng Mai.
Nuôi cá, cua nước lợ: Diện tích nuôi cá, cua toàn tỉnh đạt 86ha chủ yếu tập trung ở xã Diễn Vạn, Diễn Ngọc, Diễn Bích - huyện Diễn Châu; Nghi Hợp - huyện Nghi Lộc.
Về nuôi nước ngọt: Đối tượng nuôi chủ yếu là các loài cá nuôi truyền thống: cá Mè, Trắm, Trôi, Chép,… Hiện nay một số địa phương đang phát triển nuôi các đối tượng có giá trị kinh tế cao cho kết quả tốt như: nuôi cá Lăng, Leo, Chép giòn, Trắm giòn, Ba Ba, Ếch , Lươn, Cua đồng, Tôm Càng Xanh...
Nuôi cá Rô phi theo VietGAP giúp người nuôi hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, giảm thiểu hiện tượng dịch bệnh, hạn chế việc sử dụng thuốc, hóa chất trong nuôi trồng thủy sản, tạo ra các sản phẩm sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm,… Nâng cao đời sống nhân dân, góp phần cải thiệ sức khỏe cho người tiêu dùng, hiệu quả kinh tế cao hơn 15 – 20%. Do có sự liên kết với doanh nghiệp thu mua nên đầu ra sản phẩm được đảm bảo, tránh trường hợp tư thương ép giá.Từ hiệu quả kinh tế đem lại, kết hợp những tác động tích cực về môi trường, xã hội cho thấy mô hình đã mở ra một hướng đi rất mới. .
2. Thực trạng xử lí chất thải, bùn thải trong quá trình nuôi và sau khi thu hoạch.
* Nuôi trồng thủy sản nước ngọt.
- Nhìn chung do hiệu quả kinh tế mang lại của các đối tượng nuôi chưa cao cho nên mức đầu xây dựng công trình nuôi chưa đồng bộ, các loại chất thải chưa được thu gom, lượng bùn thải trong quá trình nuôi sau khi thu hoạch xong chủ yếu được đưa lên bờ phơi khô vận chuyển về trồng cây hoặc hút xả ra môi trường bên ngoài.
- Diện tích ao chứa bùn thải còn ít dẫn đến làm bồi lắng các công trình ao nuôi trồng thủy sản.
* Nuôi trồng thủy sản nước mặn lợ.
- Hàng năm lượng chất thải từ nuôi tôm, cá và nguồn chất thải tích tụ từ các vùng sản xuất nông nghiệp đã làm bồi lắng các cửa lạch làm cho việc cung cấp nguồn nước cho các vùng nuôi gặp nhiều khó khăn, đặc biết nguồn xả thải ra môi trường làm tồn dư , lưu cữu các mầm bệnh từ năm này sang năm khác như bệnh Virus đốm trắng, hội chứng Taura trên tôm… làm thiệt hại không nhỏ đến nuôi tôm.
- Trong nuôi tôm việc xử lý nước thải, bùn thải sau thu hoạch đã được người dân coi trọng, họ đã cải hoán cơ sở, tạo ao chứa bùn thải, tuy nhiên diện tích hẹp, chỉ chứa bùn thải sau thu hoạch, trong quá trình nuôi người dân thường xiphông hoặc xả nước trực tiếp ra kênh cấp, kênh thải.
- Quản lý môi trường: Người dân đã nhận thức và có nhiều kinh nghiệm để quản lý, điều chỉnh các yếu tố môi trường phù hợp cho sự tăng trưởng, phát triển của đối tượng nuôi. Các yếu tố được kiểm soát thường xuyên là pH, kiềm, Oxy, qua nhiều năm NTTS, người dân đã có những kiến thức, kinh nghiệm nhận biết sự thay đổi yếu tố môi trường thông qua đo đạc, quan sát các hiện tượng sinh, lý học của ao nuôi hay của các biểu hiện của đối tượng nuôi. Tuy vậy, với sự thay đổi ngày càng phức tạp của điều kiện thời tiết, khí hậu, môi trường thì những kinh nghiệm này chưa đủ đáp ứng trước diễn biến đó, vì vậy người dân cần trang bị đầy đủ các test đo môi trường và thực hiện quan trắc thường xuyên hơn.
Từ năm 2013 – 2017 được sự hỗ trợ của dự án CRSD đã xây dựng được 7 vùng nuôi tôm áp dụng VietGAP trên diện tích 240ha,Tại các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, TX Hoàng Mai bước đầu đã tạo sự chuyển biến của người dân trong thu gon chất thải, bùn thải bảo vệ môi trường chung, giải thiểu dịch bệnh, sản phẩm sản xuất ra đạt tiêu chuẩn VietGAP và được thị trường đánh giá cao.
Nhìn chung người nuôi trồng thủy sản chưa có trách nhiệm đến vấn đề thu gom chất thải, bùn thải để sử dụng có hiệu quả hơn và làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
3. Một số giải pháp thời gian tiếp theo.
- Việc lựa chọn, thiết kế, xây dựng và vận hành các vùng nuôi trồng thủy sản cần tuân thủ nghiêm các quy định và tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường của các Bộ, ngành liên quan.
- Tổ chức, cá nhân tham gia nuôi trồng thủy sản phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, cần tuân thủ tốt các quy định về phòng ngừa và quản lý môi trường của ngành thủy sản.
- Vùng nuôi trồng thủy sản phải phù hợp với quy hoạch và đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường.
+ Cơ sở nuôi phải được thiết kế theo quy trình kỷ thuật của các cơ quan chuyên ngành, đặc biệt là khu vực chứa các chất thải, bùn thải.
+ Cơ sở nuôi phải thu gom các chất thải rắn và bùn thải, không thải ra môi trường bên ngoài,đồng thời sử dụng bùn thải đúng mục đích.
+ Các loại chất thải dùng trong sản xuất phải được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường về chất thải.
+ Đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh thủy sản; không được sử dụng hoá chất độc hại hoặc tích tụ độc hại./. Quang Sáng –Trung tâm Khuyến nông Nghệ An