Thứ sáu, 22/11/2024, 09:06

Sản xuất vụ Đông cần hiệu quả và chắc ăn

Chủ nhật - 12/12/2021 21:34 1.241 0
Cách đây gần vài chục năm, vụ Đông là một trong những vụ sản xuất chính của bà con nông dân. Thế nhưng từ khoảng 5 năm lại đây, do sản xuất khó khăn và đầu ra sản phẩm hạn chế nên nông dân cũng không mặn mà canh tác vì thế diện tích sản xuất cây vụ đông giảm mạnh. Thực tế trên đã ảnh hưởng giá trị sản xuất nông nghiệp hàng năm và lãng phí nguồn lực đất đai khi đồng đất để hoang hóa…
Sản xuất vụ Đông cần hiệu quả và chắc ăn
Những khó khăn trong sản xuất vụ Đông 2021
          Theo thông tin tại hội nghị triển khai sản xuất cây vụ đông của Tổng cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp PTNT cho biết, vụ Đông năm nay, mặc dù dự báo nhiều khó khăn nhưng 31 tỉnh phía Bắc phấn đấu giữ vững 400 ngàn ha sản xuất cây vụ đông (trong đó riêng vùng Bắc Trung bộ là 100.000 ha), tăng 25 ngàn ha so với vụ Đông năm 2020; sản lượng quy đạt 4,6 triệu tấn, tổng giá trị sản xuất đạt từ 34 đến 35.000 tỷ đồng, giá trị sản xuất trung bình đạt 85 triệu đồng/ha.
Tại Nghệ An, vụ Đông năm nay, tỉnh đặt mục tiêu sản xuất 35.545 ha, tăng gần 1.500 ha so với kết quả thực hiện vụ Đông năm 2020, trong đó diện tích ngô lớn nhất với 20.000 ha, rau và đậu các loại 12.400 ha, lạc 1.500 ha, khoai lang 1.500 ha và 150 ha khoai tây. Theo đại diện Sở Nông nghiệp & PTNT, vụ Đông năm nay, mặc dù điều kiện sản xuất khó khăn hơn nhưng ngành nông nghiệp phấn đấu tăng diện tích cây vụ đông là để bù vào sản lượng và giá trị cây trồng các vụ trước đã bị suy giảm. Nguyên nhân là do ảnh hưởng bởi dịch Covid nên sản xuất gặp khó khăn, sản phẩm sản xuất ra không tiêu thụ được...
Trên thực tế, mặc dù nông nghiệp vẫn là trụ đỡ cho nền kinh tế, đảm bảo an sinh cho người dân nhưng đại dịch Covid cũng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến lĩnh vực nông nghiệp khi giá trị các mặt hàng nông lâm thủy sản giảm mạnh, nhiều mặt hàng không xuất khẩu được nên ế đọng, giá giảm mạnh...  Đơn cử, Trung Quốc là thị trường truyền thống và tiêu thụ lượng hàng lớn nhất nước ta buộc phải dựng các hàng rào kỹ thuật và việc xuất khẩu rất khó khăn khiến hàng loạt các mặt hàng chủ lực và là thế mạnh xuất khẩu của nông nghiệp nước ta bị ế đọng. Các sản phẩm chủ lực xuất khẩu như tôm he, tôm hùm, cá ngừ, trứng, thịt trâu bò đều giảm giá mạnh. Tương tự, các nước Châu Âu, Nhật Bản hay Mỹ vì yêu cầu phòng dịch nên cũng hạn chế nhập khẩu các hàng đông lạnh từ Châu Á và nước ta nên sản xuất trong nước vô cùng khó khăn. Mặc dù đã nỗ lực tìm kiếm thị trường khác như Lào hay Châu Phi để thay thế nhưng do quy mô khá nhỏ nên nông sản nước ta vẫn ế đọng và giá rẻ mạt.
          Bên cạnh các cây con vụ đông, đại diện Bộ Nông nghiệp & PTNT cũng nhấn mạnh cần quan tâm giữ chăm sóc đàn gia súc, gia cầm trong vụ đông để bù vào sản lượng đã bị thiếu hụt do các đợt dịch bệnh trên đàn gia súc gây ra trong thời gian như dịch tả lợn châu Phi, dịch viêm da nổi u cục trên đàn bò…
          Tại Nghệ An, dịch tả lợn châu Phi trong gần 2 năm lại đây đã làm hàng trăm ngàn con lợn bị bệnh buộc tiêu hủy, trong đó có những giống lợn quý bản địa tại các vùng miền núi như Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong… gần như bị xóa sổ. Tiếp sau dịch tả lợn châu Phi, dịch viêm da nổi cục trên đàn bò cũng làm hàng chục vùng nuôi bò của tỉnh ra điêu đứng, nghề nuôi bò vỗ béo của tỉnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Do ảnh hưởng của dịch nên vài năm lại đây, tổng đàn gia súc của Nghệ An đã giảm mạnh, hiện toàn tỉnh có khoảng 760 ngàn con, trong đó đàn trâu là 268 ngàn con, đàn bò 485 ngàn con, đàn bò dê, hươu khoảng 80 ngàn con; tổng đàn lợn khoảng 905 ngàn con; sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước 266,6 ngàn tấn năm 2020.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Duy Hải- Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Nghệ An cho biết thêm: so với các năm trước, năm nay kết quả triển khai vụ Hè Thu của tỉnh có khá hơn khi diện tích sản xuất lúa tại một số huyện đã tăng lên, tình trạng bỏ hoang đã giảm. Tuy nhiên, bước vào vụ Đông là vụ sản xuất khó khăn nhất trong năm, mặc dù tỉnh và các huyện đã tích cực triển khai quán triệt cho bà con tính chất và yêu cầu của sản xuất vụ Đông nhưng do tín hiệu đầu ra và giá cả không khả quan nên bà con chưa thực sự hào hứng.
Sản xuất vụ đông phải hiệu quả và chắc ăn
         Để tìm hiểu tình hình triển khai vụ Đông năm nay, chúng tôi đã tiến hành khảo sát một số huyện có thế mạnh về sản xuất vụ Đông lâu nay như Nam Đàn, Đô Lương, Diễn Châu hay Quỳnh Lưu. Qua trao đổi, chúng tôi nhận thấy so với trước đây, tinh thần làm vụ đông của bà con đã có sự thay đổi, chỉ cần cây trồng nào phù hợp với đồng đất và có lợi thì không cần nhà nước hỗ trợ, bà con vẫn làm và ngược lại, nếu điều kiện thời tiết thuận lợi, ở đâu cũng có thể sản xuất được thì nên tránh xuống giống vào lứa đại trà, sản xuất ra rất khó tiêu thụ, giá rẻ.
Tại huyện Đô Lương, ông Trần Ngọc Thuận – Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện cho biết: xuất phát từ thực tế làm vụ Đông phải thiết thực, hiệu quả nên năm nay huyện dành sự chủ động cho bà con nông dân và các địa phương. Thay vì giao chỉ tiêu diện tích cho các địa phương, triển khai vụ Đông, huyện dành sự chủ động cho các địa phương rà soát và tự đăng ký làm. Điều này xuất phát từ thực tế là những năm trước giao chỉ tiêu nên triển khai khá cứng nhắc, gây thiệt hại cho bà con khi xuống giống. Điển hình là các xã Lạc Sơn, Đặng Sơn hay Lưu Sơn, dù huyện không có chính sách hỗ trợ nào nhưng chỉ cần điều kiện thời tiết tốt là bà con xuống giống và sản xuất khá thành công nên bà con khá phấn khởi.
        Trong khi đó, tại huyện Tân Kỳ, do phần lớn diện tích trông lúa thường bị ngập vào mùa mua nên gần như huyện không thể triển khai vụ Đông trên đất hai lúa. Mặc dù vậy, với một số diện tích bãi bồi và vùng cao, huyện chỉ đạo bà con tranh thủ thời tiết làm các cây màu vụ Đông như ngô, khoai… Ông Nguyễn Công Trung – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện chia sẻ: tháng 10 là thời điểm trên địa bàn huyện có dự báo mưa nhiều và mưa to nên theo kinh nghiệm bà con nông dân huyện chưa xuống giống và phải chờ đến giữa tháng 11 khi mới triển khai.
Theo Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh, vài năm lại đây do ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, thời điểm tháng 10 và tháng 11 trên địa bàn tỉnh thường có lượng mưa lớn, dễ gây ra ngập úng nên tinh thần chỉ đạo của tỉnh khi triển khai vụ đông là sản xuất vụ Đông phải an toàn, chỉ đạo làm vụ Đông ở vùng nào phải chắc ăn vùng đó. Sản xuất vụ Đông dù khó khăn nhưng bà con nên làm vì để tăng sản lượng các phụ phẩm nông nghiệp (ngô, khoai) làm thức ăn cho chăn nuôi vì hiện thức ăn chăn nuôi công nghiệp quá đắt, chiếm tới 70% chi phí chăn nuôi. Mặt khác, sản xuất nông nghiệp phải chắc ăn là vì chi phí giống hiện nay khá cao nên cần tính toán phù hợp để khuyến cáo bà con. Khác vói trước đây, do khuyến cáo không đầy đủ nên có vụ đông, bà con xuống giống đến 3- 4 lần vẫn bị mưa lụt làm bị thiệt hại khiến chi phí giống tăng cao làm ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất và tâm lý bà con.
           Chính vì thế, bước vào vụ Đông năm nay, thay vì tích cực làm đất và vội xuống giống, bà con nông dân các huyện Nam Đàn, Đô Lương, Diễn Châu đang theo sát các dự báo thời tiết nông vụ cuối tháng 10 và đầu tháng 11 (được dự báo mưa nhiều, dễ gây úng ngập) để chọn thời điểm quyết định xuống giống.
Mặt khác, theo Phòng quản lý Khoa học công nghệ, Sở Nông nghiệp & PTNT, trên cơ sở khảo sát, năm nay tỉnh chỉ đạo vụ Đông cũng sát hơn, phù hợp với từng tiểu vùng khí hậu, thời tiết từng huyện và né thiên tai. Quá trình sản xuất nên đi theo hướng tăng giá trị thay vì chạy số lượng, sản lượng; ưu tiên chọn các giống mới năng suất và giá trị kinh tế cao như Xu hào, cải bắp và cải ngồng của Nhật; khoai Tây có nguồn gốc ôn đới phù hợp với điều kiện khí hậu lạnh miền Bắc và dễ bảo quản.
         Cuối cùng, xuất phát từ thực tiễn chỉ đạo của mình, đại diện Phòng Nông nghiệp huyện Đô Lương kiến nghị: hiện nay một số cây trồng vụ đông và giống mới, tỉnh có chính sách hỗ trợ để sản xuất, nhân rộng. Tuy nhiên, thủ tục ban hành chính sách hỗ trơ thường khá chậm. Ví dụ như vụ Đông, từ tháng 10 bà con nông dân đã triển khai sản xuất nhưng tháng 11 mới ban hành quyết định hỗ trợ; tương tự, chính sách hỗ trợ lúa giống mới của vụ Xuân triển khai từ tháng 1 nhưng mãi tháng 2 mới có quyết định hỗ trợ của Sở Tài chính nên cấp huyện triển khai khó và không khuyến khích được bà con. Vì lý do này nên 2 năm lại đây, Đô Lương không làm thủ tục hỗ trợ cây giống vụ đông làm bà con nông dân khá thiệt thòi.
                                                    Nguyễn Hải - nguồn TSKN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
mo-hinh-che-huu-co.jpg hoi-nghi-thang-9-6.jpg mo-hinh-ga-2.jpg mo-hinh-luon-4.jpg Kiem-tra-san-xuat.jpg tap-huan-tinh-huyen-5.jpg mo-hinh-buoi-1.jpg a12-6.jpg a26-4.jpg a23-1.jpg image-20240813150406-1-6.png a24-2.jpg a11-3.jpg a25-4.jpg h3-13.jpg
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây