Nuôi dế mèn cho hiệu quả kinh tế cao

Chủ nhật - 03/11/2019 20:02 3.651 0
Dế mèn (tên khoa học Gryllidae) là một loại côn trùng có thân dẹt, râu dài. Chiều dài cơ thể trung bình khoảng 2cm. Dế đẻ mỗi lần rất nhiều trứng và sau đẻ sẽ chết dần. Tuổi thọ trung bình của dế từ 2 - 3 tháng tùy từng loại. Trong tự nhiên, dế sinh trưởng và phát triển quanh năm. Dù có bản tính hung hãn nhưng chúng lại thích sống tập trung theo bầy đàn.
Nuôi dế mèn cho hiệu quả kinh tế cao
Môi trường sống không quá phức tạp, có thể ở hang hay trong nhưng đám cỏ khô đều có thể nuôi tập trung được. Có 2 loại là Dế đen và Dế trắng vàng đều sinh trưởng phát triển tốt.
Trong y học dế được sử dụng cho việc lợi tiểu và chữa bí đái. Theo Thọ y Tuệ Tĩnh thì Dế mèn (5 con) sấy khô, tán nhỏ, rây bột mịn, uống với nước bìm bịp sắc lên, uống vào lúc đói có thể chữa bệnh cổ trướng, thở dốc. Còn theo các tài liệu nước ngoài thì Dế mèn là loại giàu protit, ít chất béo sẽ làm giảm colestoron trong máu. Thịt dế mèn còn được dùng trong việc chữa nhiễm độc nước tiểu, sỏi thận. Không những vậy dế mèn còn có đầy đủ protit, lipit, glucid, nhiều khoáng chất như calci, photpho, kali, mangan, natri, sắt, và các vitamin khác. Những chất này rất cần cho sự phát triển cơ thể và não bộ của cả trẻ em và người lớn.
Dế mèn hiện nay đang được nhiều người nuôi tại nhà vì dễ nuôi và cho giá trị kinh tế  rất cao. Do vậy để nuôi Dế mèn thành công, người nuôi cần quan tâm đến một số vấn đề sau:
1. Chuẩn bị môi trường nuôi
+ Chuồng nuôi: Không cần quá cầu kỳ, chuồng nuôi của dế mèn có thể là xô, thau hay chậu cũ có nắp đậy là được. Nhưng bạn cần đảm bảo chúng yên tĩnh và thoáng mát. Nắp đậy có thể là lồng bát hoặc nắp xô cũ có đục nhiều lỗ để tạo sự thông thoáng. Cứ ban ngày mở ra, buổi tối thì đóng lại để tránh dế bay đi cũng như mèo hay chuột bắt dế.
Trước khi thả dế thì chuồng cần được rửa sạch và phơi khô để phục vụ việc nuôi. Tùy theo điều kiện và phương tiện nuôi mà bạn bố trí sao cho phù hợp. Nuối dế giống bố mẹ (loại này là ép đẻ) trong thùng có dung tích từ 40 - 50 lít thì thả được 10 dế đực và 20 dế cái. Còn thùng 70 – 80 lít thì nuôi được 30 dế cái và 15 dế đực.
+ Thiết bị chăn nuôi
Rế tre, máng đẻ hay máng thức ăn, nước uống cho dế cần đơn giản. Ta có thể dùng vỏ nghê cũng được hoặc làm bằng xi măng, đồ sành sứ. Kích thước các thiết bị không cần quá lớn để phòng tránh dế con bị ngã chết (đường kính khoảng 10 - 15cm, dày 1,5 - 2cm và sâu 0,5 - 1cm)
Trong chuồng nuôi ta đặt rế tre có đường kính từ 15 - 20cm (loại rế đựng xoong nồi). Rế phải là loại có lỗ nhỏ và dày nuôi dế con mới nở đến 25 ngày tuổi. Còn loại thưa dùng để nuôi đến khi trưởng thành, thu hoạch. Xô 45 lít thì xếp được 10 rế, 40 lít là 15 rế.
Các rế xếp chồng lên nhau đủ tạo khoảng trống đặt máng đẻ, máng thức ăn hay nước uống cho dế. Đất đặt trong máng đẻ phải là đất sạch, tơi xốp và có độ ẩm vừa phải. Độ dày lý tưởng là từ 3 - 4 cm. Đất có thể trộn với xơ dừa xay. Tuyệt đối không được dùng đất có kiến, đất bị nhiễm hóa chất. Trên cùng phủ thêm 1 lớp cỏ cho dế ăn ở, sinh trưởng, sinh sản.
2. Giống Dế
Chọn những con Dế to khỏe, đủ râu, cánh và chân. Ghép dế theo tỷ lệ 1 đực và 2 cái. Tùy vào hình thức nuôi mà quyết định số lượng dế giống. Trong chậu bạn nên đặt 1 khay nước, 1 khay đất (cho dế đẻ), 2 khay thức ăn và 3 cái rế cho dế đậu và trèo. Để phân biệt theo kinh nghiệm: dế đực sẽ có cánh màu nâu pha đen, không bóng mượt, bụng nhỏ, không có máng đẻ trứng, kêu được (để ve vãn con cái). Dề cái có cánh màu đen, bóng mượt (nhìn trơn láng), bụng to hơn vì có trứng, có máng đẻ trứng ở phần đuôi. Máng  giống cái kim khâu quần áo để dế có thể cắm xuống đất và đẻ trứng, không kêu.
3. Thức ăn cho Dế
Có thể tận dụng nhiều loại thực vật như các loại cỏ, lá rau thừa, rau lang, rau sắn, lá đu đủ, cùi dưa hấu, dưa leo,… Chỉ miễn sao các loại thức ăn ấy được rửa sạch và không có thuốc bảo vệ thực vật là được. Cỏ cũng phải là có sạch và không nhiễm hóa chất. Ngoài ra có thể bổ sung cho dế các loại cám đã nghiền mịn, đồng thời phải đảm bảo dế luôn có nước sạch để uống. Dùng bình xịt nước tưới hoa để xịt để đảm bảo đủ ẩm. Nếu nuôi quy mô lớn thì dùng bình có dung tích lớn, ngày phun 2, 3 lần tùy vào thời tiết.
4. Nuôi dưỡng chăm sóc Dế
Thả giống: Áp dụng tỷ lệ 1 đực 2 cái. Xô nhỏ thả 15 đực, 30 cái vừa mới trưởng thành. Xô lớn (80 lít) thả được 25 đực và 50 cái.
Dấu hiệu dế sắp đẻ: Dế mái thường thụt lùi và thường xuyên chọn cây kim ở đuôi xuống đáy xô. Lúc này chỉ cần đặt máng đẻ vào là dế sẽ đẻ ngay. Đương nhiên trong máng phải có sẵn đất sạch và đủ ẩm. Khi thấy dế có dấu hiệu sắp đẻ thì đặt máng đẻ vào để hàng đêm dế đẻ.
Đẻ trứng: Sau 2, 3 ngày đẻ dế bắt đầu đẻ trứng vào máng đẻ. Cứ sau mỗi đêm lại mang máng đẻ đi ấp và tối lại mang máng mới vào xô cho đẻ tiếp. Cứ 30 con mái, mỗi đêm sẽ đẻ hàng nghìn trứng vào máng đẻ. Dế đẻ trong vòng 2 tháng thì bị thải. Do bản tính dế rất nhát nên để máng đẻ vào buổi tối. Mỗi tối đặt vào một máng đẻ và sáng hôm sau lấy máng đó để vào xô ấp trứng ở khu vực khác.
Xô ấp trứng được thiết kế như sau: Đáy xô xếp 1 lớp đất xốp dày khoảng 1cm, rộng 3cm. Tiếp tục đặt 3 cái máng trứng vào giữa xô và phủ lên đó 1 lớp cỏ mỏng. Mỗi ngày phun nước 1 - 2 lần để giữ độ ẩm hoặc trước khi cho máng trứng vào ô ấp trứng. Chuẩn bị 2 khăn lau mặt vuông, nhúng ướt rồi đặt dưới đáy thùng ấp rồi mới đặt máng trứng lên. Tiếp tục nhúng khăn thứ 2 và đậy lên máng để giữ độ ẩm. Sau đó đậy nắp thùng lại và khoảng 3, 4 ngày lại thay khăn 1 lần để giữ độ ẩm. Trứng nở cần nhiệt độ từ 25 - 300C. Sau 8 - 12 ngày dế nở, nếu thấy dế nở hết thì lấy khay trứng ra và chuyển dế con vào xô ương để nuôi riêng.
Để dế đẻ nhiều và dế con khỏe mạnh, yếu tố cần lưu ý đó là chuồng nuôi, thiết bị nuôi phải được vệ sinh sạch sẽ, khô ráo; Máng thức ăn phải che đậy, tránh nước làm ẩm mốc,…. Khi để máng đẻ vào đáy xô cần lệch sang 1 bên, còn bên kia để máng thức ăn, máng nước và úp chồng rế lên. Phía trên rế phủ ít cỏ tươi, hàng ngày phun nước (phun sương) lên cỏ tươi 1 - 2 lần.
 Sau khi dế đẻ 1 ngày, chuyển máng trứng sang thùng ấp và đặt máng đẻ khác vào xô. Có thể dùng thùng cát tông loại dày hoặc khay nhựa có kích thước 60 x 40 x 20cm để ấp trứng. Mỗi thùng chỉ nên để 8 - 10 máng trứng, thùng ấp phải kín, có nắp đậy (có thể dùng lưới muỗi làm nắp đậy), theo dõi hàng ngày để tránh kiến gây hại,….
+ Giai đoạn mới nở đến 15 ngày tuổi: Từ 2 khay trứng, dế nở được khoảng 2000 con. Nên xếp 1 - 2 cái rế, đặt xoong trong thùng để dế có chỗ đậu, leo trèo, trú ẩn. Trong chậu đặt 2 tới 3 khay thức ăn loại nhỏ. Do lúc này dế còn nhỏ nên không được đặt khay nước vào mà chỉ cho dế uống nước bằng cách phun nước vào búi cỏ hoặc lá rau để dế ăn hoặc có thể dùng miếng vải tẩm nước cho dế hút nước.
+ Giai đoạn Dế từ 15 đến 45 ngày tuổi: Lúc này có thể đặt khay nước vào cho dế uống, không lo chết đuối. Thông thường nên đặt 1 khay nước và 2 khay thức ăn cho dế. Chú ý cần cho thêm rế để dế đậu, nếu nhiều dế quá thì tách sang chậu nuôi khác để đảm bảo 1000 con/1 chậu. Thay khay nước cho dế 1 ngày/lần và thay khay thức ăn 2 ngày/lần. Thức ăn của dế thường là cám ngô, có thể thêm lá rau hoặc cỏ sạch cho dế ăn. Tùy  theo tốc độ dế ăn để bổ sung thức ăn cho phù hợp, cứ 5 - 7 ngày nuôi thì vệ sinh chậu 1 lần. Lưu ý dế trường thành thường đến đêm bay đi kiếm thức ăn và hoạt động tình dục, nên chiều tối phải đóng nắp xô lại và đến sáng mở ra cho thoáng mát.
5. Phòng trị bệnh và thu hoạch Dế
          Phòng bệnh cho dế cần thực hiện theo phương châm 3 sạch: ở sạch, ăn sạch, uống sạch nhất là khi thay đổi môi trường sống hay thời tiết thì càng cần phải chú ý vệ sinh và chăm nuôi cho tốt để tăng cường sức đề kháng và chống căng thẳng cho dế.
Dế nuôi thường hay bị một số bệnh nhất là bệnh đường ruột: Nguyên nhân có thể do mật độ nhiều, chuồng nuôi nóng ẩm hoặc nước uống có lẫn phân, thức ăn; hoặc thức ăn bị ôi mốc, nước uống mất vệ sinh. Triệu chứng thường thấy là dế đang ăn uống, khỏe mạnh bình thường nhưng đột ngột bỏ ăn uống rồi yếu dần, râu bị gãy ngang, đi phân nước, trắng đục và sau 7 - 10 ngày dế sẽ chết.
Bệnh này rất dễ lây lan và rất khó điều trị nên phòng bệnh hơn chữa bệnh. Tốt nhất nên giữ vệ sinh môi trường sống của chúng và thức ăn, nước uống phải đảm bảo vệ sinh, thay rửa hàng ngày.
6. Thu hoạch Dế
Dùng vợt nilon để thu hoạch, sau đó cho vào thùng giấy cùng với rế tre, cỏ tươi để khi di chuyển không bị chết. Có thể đông lạnh sau khi rửa dế bằng nước sạch hoặc nước muối 2% và cho vào khay đông lạnh.
Cần khẳng định rằng, dế mèn là đối tượng nuôi mới nhưng dễ nuôi, cho thu nhập kinh tế cao. Tuy nhiên, người nuôi dế cần phải nắm vững kiến thức và áp dụng kỹ thuật một cách đồng bộ mới đem lại hiệu quả, thành công cao./.
                                                                          
Hồ Hữu Sơn
Trung tâm KN

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
anh-nam-1.jpg Lon-ban-dia-Ho-Ong-Dieu-tai-huyen-Que-phong-2.jpg rau-thom-2.jpg a1-5.jpg a7-6.jpg a1-4.jpg a8-6.jpg a4.jpg a5-3.jpg a6-4.jpg a2-3.jpg a12-3.jpg Nam-Nghia-1.jpg a8-2.jpg a9-1.jpg
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây