Thực trạng và một số giải pháp để phát triển lâm nghiệp bền vững tại Nghệ An

Thứ ba - 23/04/2019 22:38 2.867 0
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT Nghệ An, đến cuối năm 2016 tỉnh Nghệ An có 942.508,5 ha rừng; trong đó rừng tự nhiên 825.992,6 ha, rừng trồng 116.516,9 ha; độ che phủ rừng đạt 57,2%, tăng 4,9% so với năm 2010.
Thực trạng và một số giải pháp để phát triển lâm nghiệp bền vững tại Nghệ An
Những năm qua tỉnh Nghệ An đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển vốn rừng, thực hiện có hiệu quả các nguồn vốn được Nhà nước giao, tạo việc làm tăng thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho người dân làm nghề rừng, gắn với xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an ninh, quốc phòng; diện tích rừng trồng hàng năm bình quân đạt 16.000 ha (đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh Nghệ An giao); năng suất rừng trồng được cải thiện - bình quân 20 m3/ha/năm, sản lượng khai thác đạt 150 m3/ha; giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ đạt trên 100 triệu USD/năm; nhiều quần thể cây di sản được công nhận. UBND Tỉnh có nhiều chính sách thu hút đầu tư, một số dự án lớn về công nghiệp chế biến gỗ hoạt động tốt, cơ bản tiêu thụ hết nguyên liệu rừng trồng cho người dân. Công tác bảo vệ và phát triển rừng được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị. Giai đoạn 2011-2015 đã huy động 1.899.903,6 triệu đồng đầu tư cho hoạt động sản xuất lâm nghiệp, đặc biệt chính sách “Chi trả dịch vụ môi trường rừng” phát huy tác dụng có đóng góp quan trọng trọng việc phát huy sức mạnh cộng đồng người dân tham gia bảo vệ phát triển rừng. 
Tuy nhiên, công tác bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng vẫn còn những điểm nóng về phá rừng. Xét về chất lượng rừng tại Nghệ An cũng như các tỉnh khác ở Việt nam theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp PTNT đánh giá là chưa cao, đa dạng sinh học của rừng tự nhiên tiếp tục bị suy giảm (80% rừng tự nhiên là rừng nghèo), một số diện tích rừng tự nhiên trước đây được thay thế bằng rừng trồng keo nguyên liệu có chu kỳ kinh doanh ngắn ảnh hưởng đến tính bền vững của rừng và kết cấu bề mặt đất; giá trị thu nhập trên 1 ha rừng sản xuất là rừng trồng bình quân chỉ đạt 7-8 triệu đồng/ha/năm. Đời sống người dân làm nghề rừng còn nhiều khó khăn. Diện tích trồng cây bản địa, cây gỗ lớn còn ít và chậm phát triển so với tiềm năng. Tình trạng cháy rừng trong mùa nắng nóng vẫn xảy ra, năm 2016 xảy ra 46 vụ (tăng 9 vụ so với 2015), diện tích bị cháy 170,3 ha, một số vùng (tại Nam Đàn) liên tục xảy ra nhưng chưa điều tra truy tìm được thủ phạm để xử lý nghiêm túc theo qui định của pháp luật. Số vụ vi phạm lâm luật (buôn bán, khai thác, kinh doanh) trái phép vẫn còn nhiều (năm 2016 phát hiện và bắt giữ 976 vụ, tịch thu 1.726 m3 gỗ các loại, thu nộp ngân sách 13.427 triệu đồng). Tình trạng khai thác rừng trái phép vẫn còn xảy ra tại các khu vực có rừng đặc dụng, rừng phòng hộ (Khu BTTN Pù Huống, Pù Hoạt, BQL rừng phòng hộ Tương Dương, Quỳ Châu, Kỳ Sơn, Quế Phong), việc nắm bắt thông tin chưa kịp thời, một số vụ chậm phát hiện. 
 Trước thực trạng các ngành, các lĩnh vực có nhiều nội dung cần phải thay đổi cho phù hợp với tiến trình phát triển, Chính Phủ đã ban hành Nghị quyết số 73/2016/NQ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2016 về việc phê duyệt chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu (CTMT) giai đoạn 2016-2020. Trong 21 CTMT có "CTMT Phát triển Lâm nghiệp bền vững" với mục tiêu tổng quát là: “Nâng cao năng suất, chất lượng và phát huy giá trị của từng loại rừng, tăng giá trị rừng sản xuất trên đơn vị diện tích, góp phần đáp ứng các yêu cầu về giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Tạo việc tăng thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho người dân làm nghề rừng, gắn với tiến trình xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an ninh, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội”. 
 Phát triển lâm nghiệp bền vững sẽ đáp ứng được 3 vấn đề: Kinh tế, môi trường và xã hội. Phát triển lâm nghiệp bền vững phải gắn với quản lý rừng bền vững (QLRBV), đáp ứng yêu cầu quản lý, sử dụng rừng và đất rừng sao cho duy trì tính đa dạng sinh học, sức sản xuất, khả năng tái sinh cả hiện tại và trong tương lai, đảm bảo các tiêu chí: Rừng luôn có độ che phủ cao, loài cây chủ yếu là cây bản địa phù hợp với điều kiện lập địa, rừng nhiều tầng, các loài cây trong rừng nhiều cấp tuổi, chiều cao, đường kính khác nhau, cây được khai thác theo phương pháp chọn lọc theo chất lượng. Rừng được quản lý bền vững sẽ có điều kiện để được cấp Chứng chỉ rừng, đồng nghĩa với nâng cao giá trị rừng. 
Thực tế cho thấy công tác Quản lý rừng bền vững đang gặp những khó khăn: Cần một thời gian dài (hàng chục năm) để khôi phục lại rừng do đặc điểm cây bản địa hầu hết thuộc nhóm sinh trưởng chậm. Sản phẩm tận thu (lâm sản ngoài gỗ) từ những khu rừng nghèo kiệt không đủ để nuôi sống người dân làm nghề rừng. Tại Nghệ An cũng như các tỉnh, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã đóng góp một phần quan trọng giải quyết khó khăn cho công tác bảo vệ những diện tích rừng trong các lưu vực cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên phần diện tích rừng tự nhiên thuộc đối tượng rừng sản xuất không thuộc diện được hưởng chính sách chi trả DVMTR đang chưa được bố trí kinh phí để giữ rừng, cũng không được phép khai thác gỗ rừng tự nhiên từ nhiều năm nay - những khu rừng này đang làm tốt chức năng là bể chứa, hấp thụ CO2 và tích lũy sinh khối để phục vụ cho xã hội (điển hình là Công ty TNHH Lâm nghiệp Con Cuông được giao quản lý 6000 ha - trước đây được đồng chí nguyên là Giám đốc - Anh hùng lao động Nguyễn Ngọc Lài chỉ đạo bảo vệ, khoanh nuôi, tu bổ, nuôi dưỡng và làm giàu rất tốt từ thời kỳ trước những năm 2000 và Công ty đã duy trì cho đến nay. Đây là thực tế đang rất khó khăn tại các Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp mà không có nguồn thu từ rừng.  
 Để Lâm nghiệp Nghệ An phát triển bền vững cần phải có các giải pháp sát đúng giải quyết đồng bộ các vấn đề liên quan, bài viết này xin đề xuất một số giải pháp sau:   
          - Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò, giá trị của rừng, trách nhiệm của mỗi cá nhân, tổ chức về công tác bảo vệ phát triển rừng và cây rừng; giáo dục pháp luật về bảo vệ phát triển rừng, phòng chống cháy rừng.
- Rà soát, đánh giá khả năng thích nghi của các loài cây lâm nghiệp bản địa đã trồng tại Nghệ An trong 25 năm qua (từ khi có chương trình 327) để lựa chọn bộ cây trồng phù hợp cho các tiểu vùng sinh thái. 
- Rà soát, bổ sung qui hoạch các diện tích phù hợp để trồng cây bản địa, cây gỗ lớn và nghiêm túc chỉ đạo thực hiện quy hoạch, kế hoạch. 
- Đẩy mạnh giao đất lâm nghiệp, giao rừng, khoán bảo vệ rừng cho các hộ gia đình, cộng đồng dân cư sống gần rừng. 
- Ngoài các chính sách phát triển rừng đã có, cần bổ sung chính sách trợ giá các giống cây bản địa để trồng trên tất cả các loại rừng và tinh giản các thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia phục hồi rừng trên diện tích đã được giao khoán. 
- Về giống cây bản địa: Thực hiện các chủ trương đã có của Chính phủ  và UBND tỉnh, sớm xây dựng rừng giống cây bản địa, trước mắt tiến hành tuyển chọn và chuyển hóa các rừng giống phù hợp tại địa phương và cấp chứng chỉ, tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất kinh doanh giống và người trồng rừng có giống đảm bảo chất lượng và thực hiện đúng quy định quản lý của nhà nước.  
 - Nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao công nghệ cải thiện giống cây trồng và thâm canh rừng; gắn nghiên cứu với khuyến lâm phục vụ sản xuất. Tăng cường tập huấn kỹ thuật, nâng cao trình độ về quản lý rừng bền vững, về kỹ thuật lâm sinh trong phục hồi rừng (trồng rừng, khoanh nuôi, làm giàu, nuôi dưỡng, cải tạo rừng…) cho cán bộ và người dân có diện tích rừng và đất rừng; hướng dẫn người sản xuất kiến thức tổng hợp để lựa chọn phương thức sản xuất phù hợp với điều kiện hiện có nhằm mang lại hiệu quả cao nhất như: Canh tác nông lâm kết hợp bằng trồng cây bản địa, cây gỗ lớn xen cây hàng năm, chăn nuôi và dịch vụ để lấy ngắn nuôi dài để phát triển sản xuất theo hướng bền vững, an toàn. 
- Thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân miền núi phát triển sản xuất ổn định kinh tế đời sống, giảm áp lực vào rừng.   
- Tiếp tục hoàn thiện chính sách Chi trả dịch vụ môi trường rừng.
- Đồng thời với chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên (không khai thác gỗ), Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ kinh phí để bảo vệ những diện tích rừng tự nhiên thuộc đối tượng quy hoạch là rừng sản xuất để các tổ chức, cá nhân được giao khoán rừng được bù đắp một phần thù lao đảm bảo đời sống thực hiện nhiệm vụ bảo vệ phát triển rừng.  
- Chính quyền các cấp tiếp tục có chính sách thu hút các nhà đầu tư, tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, liên kết trồng rừng, phát triển lâm sản ngoài gỗ và bao tiêu sản phẩm, sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao giá trị của rừng; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường thúc đẩy sản xuất lâm nghiệp phát triển.  
Rừng có giá trị to lớn về kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh và đặc biệt có chức năng bảo vệ môi trường sinh thái, điều hòa khí hậu cho trái đất là không thể có gì thay thể được. Phát triển lâm nghiệp bền vững là bảo vệ cuộc sống của chúng ta hiện tại và cả tương lai./. 
                                         

                                               Nguyễn Thị Hà - Nguồn TSKN
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
anh-nam-1.jpg Lon-ban-dia-Ho-Ong-Dieu-tai-huyen-Que-phong-2.jpg rau-thom-2.jpg a1-5.jpg a7-6.jpg a1-4.jpg a8-6.jpg a4.jpg a5-3.jpg a6-4.jpg a2-3.jpg a12-3.jpg Nam-Nghia-1.jpg a8-2.jpg a9-1.jpg
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây