Giải pháp phát huy hiệu quả mô hình nông nghiệp nhà lưới ở Diễn Châu

Chủ nhật - 04/08/2019 22:30 903 0
Trong khi mô hình nông nghiệp công nghệ cao, trồng rau, quả trong nhà lưới đang khó khăn, chật vật tại một số địa phương thì ở Diễn Châu lại phát triển khá tích cực. Chỉ trong mấy năm lại đây, người dân Diễn Châu đã đầu tư hàng tỷ đồng để làm nhà lưới trồng các loại hoa, quả có chất lượng cao…
Giải pháp phát huy hiệu quả mô hình nông nghiệp nhà lưới ở Diễn Châu
Những mô hình đầu tiên mang hiệu quả rõ nét
 Mô hình đầu tiên là của anh Hoàng Văn Hường ở xã Diễn Phúc. Là người làm mô hình nông nghiệp trong nhà lưới khá sớm khi từ năm 2016, anh Hường đã thuê đất ở xã Diễn Thành để làm dưa. Tuy nhiên, do không may nên mô hình làm nhà lưới của Hướng làm chưa lâu thì năm 2017 bị bão số 2 đập tan hoang. Thời điểm ấy, chỉ sau vài ngày, mô hình nhà lưới Hường đầu tư gần 500 triệu bỗng chốc bị thổi bay khiến ai có dự định làm nhà lưới cũng ái ngại. Tuy nhiên, với quyết tâm làm lại từ đầu, năm 2018, Hường thuê gần 3 ha đất tại xã Diễn Phúc cải tạo, quy hoạch lại để làm nhà lưới sản xuất nông nghiệp chất lượng cao. Anh Hường cho biết: ban đầu làm nhà lưới chỉ nghĩ là mùa hè trồng dưa lưới sạch, chất lượng cao (không có sâu bệnh) và sau đó chưa suy tính nhiều và tùy tình hình sẽ vừa làm vừa thử.
 Để chắc ăn, trong số 3 ha đất, Hường đầu tư dần dần, năm 2018 chỉ làm 1.100 m2 nhà lưới và mua 2.800 gốc dưa TL3 Việt Nam về trồng. Vụ đầu tiên thu hoạch, với giá bán lẻ bình quân 60-65 ngàn đồng/kg và giá bán sỉ 40- 45 ngàn đồng/kg, Hường thu gần 300 triệu đồng. Sau khi vụ dưa đầu thắng lợi, hè năm 2019 Hướng đang trồng vụ dưa thứ 2 và kết quả khá tốt, bình quân mỗi cây 1 quả khoảng 2 kg. Song song với làm vườn nhà lưới, Hướng cũng sản xuất một số loại củ quả khác, đầu tư mở chuỗi cửa hàng tại thị trấn và tiếp thị, cung cấp sản phẩm cho một số đầu mối nên hiệu quả tối đa. Với chỉ trên 1.100 m2 nhà lưới và đầu tư ban đầu chỉ khoảng 400 triệu đồng, sau khi trừ chi phí mỗi năm Hường có thu nhập trên 200 triệu đồng.
 Theo gương mô hình anh Hường, vợ chồng chị Phạm Thị Lân ở xóm 2, xã Diễn Phong sau khi được khuyến nông mời tham gia lớp tập huấn về mô hình, chính sách nhà lưới. Trên cơ sở tư vấn, hỗ trợ của các bạn bè, đầu năm 2019 này vợ chồng chị đầu tư 700 triệu đồng để làm 1.200 m2  nhà lưới tại cánh đồng xóm Dương Đoài. Vụ đầu tiên, chị Lân trồng 2 loại sản phẩm là dưa West C55 của Malaixia và dưa Inthea Hà Lan, mỗi lứa cách nhau 1 tháng. Chị Lân cho biết: theo thiết kế, mỗi gốc dưa chỉ cho 1 quả từ 2-2,5 kg, giá bình quân từ 40-45 ngàn đồng/kg, cao gấp 4 lần so với làm dưa hấu và đầu ra ổn định hơn. Nếu mọi việc thuận lợi và dưa được giá, chỉ cần 2-3 vụ anh chị sẽ thu hồi đủ vốn đầu tư. 
Mô hình của anh Hường, chị Lân là 2 trong số trên 10 mô hình nhà lưới tại Diễn Châu mới nhất được đầu tư từ năm 2018 lại đây và được sự hỗ trợ ưu đãi của tỉnh và huyện. Ngoài chính sách hỗ trợ 50.000 đồng/m2 nhà lưới theo Quyết định 15 của tỉnh, từ năm 2016, để động viên, khuyến khích người dân, HĐND huyện Diễn Châu ban hành cơ chế, theo đó mô hình nhà lưới trên 1.000 m2 được hỗ trợ 100 triệu đồng nên khích lệ được bà con. Hiện tại, ngoài mô hình nhà lưới tại xã Diễn Hồng và Diễn Thành, từ năm 2019 lại đây, bà con các xã Diễn Hải, Diễn Phong và Diễn Mỹ cũng mạnh dạn đầu tư. Đa số mô hình nhà lưới đều làm dưa chất lượng cao vào mùa hè và trồng hoa hoặc dưa chuột vào mùa đông, bình quân mỗi mô hình 1.000 m2 doanh thu khoảng 300 triệu đồng.
 Những băn khoăn, trăn trở của người dân cần được hỗ trợ
Bên cạnh thuận lợi trên, qua tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, mặc dù rất quyết tâm nhưng lo lắng lớn nhất của các hộ nông dân Diễn Châu khi đầu tư nhà lưới là điều kiện thời tiết. Nắng nóng là điều kiện tốt để dưa phát triển nhưng nhiệt độ nhà lưới luôn chênh cao hơn so với bên ngoài từ 4-5 độ nên nếu thời tiết Nghệ An quá nắng gắt là thách thức cho người sản xuất. Bên cạnh đó, vì ứng phó với bão nên đáng ra mô hình 1.000 m2 chỉ đầu tư khoảng 200-300 triệu nhưng gia đình phải đầu tư lớn hơn lên tới 700 triệu đồng để thiết kế nhằm chống chịu với bão cấp 11.
Chị Lân cũng cho biết thêm, làm nhà lưới, chi phí lớn nhất là khung sắt đã đành nhưng chi phí màng lưới cũng tốn không ít vì nguyên liệu này phải nhập ngoại. Nhà lưới có 2 loại, 1 loại bên hông đủ kín để ngăn các loại sâu bọ, ruồi vào vườn đẻ trứng thành sâu phát sinh còn nhà màng phía trên có tác dụng khuyết tán ánh nắng để dưa phát triển nhanh. Các nhà cung cấp cam kết bảo hành màng lưới 4 năm nhưng với điều hiện thời tiết khắc nghiệt như Nghệ An rất khó để nói trước điều gì.
Từ thực tế tìm hiểu mô hình nông nghiệp nhà lưới của Diễn Châu chúng tôi nhận thấy, để mô hình nhà lưới phát triển bền vững, ngoài việc hỗ trợ về kinh phí, nên chăng, tỉnh và huyện cần trang bị thêm kiến thức về trồng trọt cho bà con nông dân. Có một thực tế là phần lớn nông dân đầu tư nhà lưới là nhờ có vốn, thậm chí có hộ sẵn sàng đầu tư nhà lưới không cần nhà nước hỗ trợ kinh phí nhưng còn thiếu kiến thức cơ bản về thâm canh nhà lưới. Vì thế nên mới có chuyện nông dân đầu tư nhà lưới tức làm làm công nghệ cao mà khi hỏi có học qua trường lớp trồng trọt hay được kỹ sư hướng dẫn thì đa số đều lắc đầu và trả lời là tự mày mò.
 Vì lý do chưa nên khi dưa thụ phấn (nhà lưới không có ong bướm vào nên người làm vườn thụ phấn nhân tạo) thì khá lúng túng; hoặc thiết kế nhà lưới, nhà màng nhưng điều kiện thời tiết quá nóng thì cũng không biết cơ chế điều tiết để làm mát khiến cả vườn dưa bị héo mà không rõ nguyên nhân, hiện tượng trên kéo dài chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dưa. Không những thế, hiện tại các chủ nhà lưới thời gian đầu cây chưa có sâu bệnh và theo hướng dẫn, chủ yếu dùng chế phẩm sinh học vi sinh để phun tưới nhưng lâu dài nếu sâu bệnh phát sinh, với hiểu biết hạn chế về các loại thuốc bảo vệ thực vật thì không biết người dân sẽ ứng phó ra sao khi xuất hiện sâu bệnh và nếu dùng thuốc để xử lý thì sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn… 
Bên cạnh đó, hầu hết thiết kế nhà lưới cho đến chọn giống đều do nông dân tự tìm kiếm, mày mò trên cơ sở định hướng, cung cấp của nhà sản xuất nên mỗi mô hình làm một kiểu, chưa đảm bảo quy chuẩn an toàn cho hoa, quả nhưng phải đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất trong đó.
Thêm nữa là đầu ra cho sản phẩm. Mô hình nhà lưới là nông nghiệp công nghệ cao nên chất lượng và giá thành phải khác. Thế nhưng, tìm hiểu thực tế cho thấy, dưới tên gọi là dưa nhà lưới nhưng mỗi mô hình làm một sản phẩm, một loại giống dưa khác nhau, tất cả do chủ cơ sở tự mày mò, quảng bá sản phẩm. Trên thực tế, có chủ mô hình thì liên kết với cơ sở cung cấp giống để được bao tiêu sản phẩm nhưng lại mua thấp hơn (giá 30 ngàn đồng/kg so với thông thường là 45 ngàn) nên không được bền. Vì vậy, có chủ thì tự mở cửa hàng và tự tìm đầu mối  để giới thiệu, bán như anh Hường là ví dụ. Tuy nhiên cách làm này chỉ phù hợp khi nguồn sản phẩm ít và nếu mô hình nào cũng sản xuất thì quy luật “được mùa mất giá” sẽ ứng với mô hình nhà lưới và thiệt hại là rất lớn.
Cuối cùng là tính hiệu quả, đầu tư mô hình nông nghiệp nhà lưới đồng nghĩa với sản xuất không phụ thuộc điều kiện thời tiết và thậm chí phải làm trái vụ thì mới hiệu quả. Tuy nhiên, tìm hiểu thực tế các nhà lưới, nhà màng ở Diễn Châu nói riêng và Nghệ An nói chung, nhà lưới mới sản xuất vào mùa hè; rất ít nhà lưới làm gối vụ liên tục và nếu có thì mùa đông chỉ mới làm hoa ly. Lý do vào mùa đông, rau quả thường dễ làm và dù là rau sạch trong nhà lưới hay rau theo quy trình VietGap hay không đều có giá như nhau và khá rẻ nên không ai muốn đầu tư. Theo chị Phạm Thị Lân, chủ mô hình nhà lưới ở Diễn Phong: nhà lưới đầu tư ban đầu khá lớn, sản phẩm làm ra bán cũng được giá, nếu không làm gối vụ liên tục là rất tiếc. Thế nhưng, do giá thành và điều kiện thời tiết khó nên không phải chủ mô hình nào cũng làm được.
Ông Lê Thế Hiếu – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Diễn Châu cho rằng:  được sự đầu tư, hỗ trợ của huyện và tỉnh, thời gian qua mô hình nông nghiệp công nghệ cao của huyện phát triển khá khởi sắc, khai thác hiệu quả lợi thế đất đai, tạo giá trị mới cho nông nghiệp huyện. Tuy vậy, để mô hình nhà lưới phát huy hiệu quả, một mặt ngành khuyến nông cần tăng cường hỗ trợ kiến thức cho bà con về chăm sóc cây trong nhà lưới; mặt khác bà con cũng cần phải tư duy, học hỏi thêm trồng luân canh sản phẩm hiệu quả cao; cam kết và kiên trì nguyên tắc sản xuất sản phẩm sạch để đầu ra bền vững, từng bước xây dựng mô hình liên kết giữa các mô hình nhà lưới để cung sản phẩm chất lượng cao và tiếp cận thị trường lớn hơn./.


                                              Nguyễn Hải - nguồn TSKN
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
anh-nam-1.jpg Lon-ban-dia-Ho-Ong-Dieu-tai-huyen-Que-phong-2.jpg rau-thom-2.jpg a1-5.jpg a7-6.jpg a1-4.jpg a8-6.jpg a4.jpg a5-3.jpg a6-4.jpg a2-3.jpg a12-3.jpg Nam-Nghia-1.jpg a8-2.jpg a9-1.jpg
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây