Nhận biết sâu keo mùa thu, loại sâu nguy hiểm nhất hiện nay và biện pháp phòng trừ

Thứ ba - 24/09/2019 21:53 4.128 0
Sâu keo mùa thu là loại dịch hại mới gây hại chủ yếu trên cây ngô ở nhiều tỉnh từ Sơn La, Lai Châu, Yên Bái, Hòa Bình đến Nghệ An, Thanh Hóa và vào tận Đồng Nai, Tây Nguyên… Sâu gây hại trên cây ngô chủ yếu từ giai đoạn cây con đến khi ra bắp làm giảm năng suất từ 60 - 80%, thậm chí mất trắng.
Nhận biết sâu keo mùa thu, loại sâu nguy hiểm nhất hiện nay và biện pháp phòng trừ
Sâu keo mùa thu (Fall Army Worm), tên khoa học: Spodoptera frugiperda (I.E.Smith) thuộc bộ cánh vẩy: Lepidoptera, họ bướm đêm: Noctuidae.
Sâu keo mùa thu có phổ ký chủ rộng, gây hại trên 80 loài cây thực vật, thích cắn phá chủ yếu trên cây thuộc họ hòa thảo như: ngô, lúa, mỳ, mạch, mía và cả trên cây đậu nành, đậu phộng (lạc), khoai lang… Trong số các cây đó, thích nhất và phá hoại chủ yếu là cây ngô.
Đặc tính sinh học:
Trong điều kiện nóng và ẩm như vùng khí hậu Nghệ An thì vòng đời kéo dài khoảng 30-35 ngày, trung bình mỗi năm sinh sản liên tục 4-6 lứa. Nếu nhiệt độ tháp trong mùa đông xuống dưới 160C thì chỉ sinh sản 1-2 lứa. Vòng thời gian các giai đoạn như sau:
Giai đoạn trứng: Trứng dạng quả cầu, đường kính khoảng 0,4mm, cao 0,3mm, màu trắng ngà, đẻ vào chiều tối ở mặt dưới lá phía dưới, trứng đẻ thành ổ khoảng 100 - 200 quả/ổ, xếp thành 1 - 2 lớp, phía ngoài phủ một lớp tơ trắng đẻ bảo vệ trứng.
Giai đoạn sâu non (Ấu trùng): có từ 5 - 6 tuổi, khi mới nở đầu sâu có màu đen, đến tuổi 2-3 thân màu xanh lá cây, có sọc trắng điểm các đốm đen. Sâu sang tuổi 4-6 đầu màu nâu đỏ, có đốm trắng, thân có màu nâu đậm xen lẫn màu xanh lá cây, có sọc trắng, nâu chạy xen kẽ dọc thân. Trên thân có nhiều đốm đen, có gai lông. Nếu vì mật độ sâu quá nhiều hay do thiếu thức ăn sâu có thể chuyển sang màu đen và ăn thịt lẫn nhau. Đặc điểm nhận biết sâu keo mùa thu là đầu có chữ Y ngược, màu vàng, ở đốt bụng cuối có 4 chấm đen xếp thành hình vuông. Giai đoạn sâu non kéo dài khoảng 14 ngày trong mùa hè và 30 ngày trong mùa đông nếu trời rét, lạnh quá. Sâu gây hại chủ yếu vào buổi chiều tối và được di chuyển thành đàn để tìm thức ăn.
Giai đoạn nhộng: Giai đoạn nhộng trong đất, được vùi sâu khoảng 2-8 cm. Nhộng hình bầu dục, dài 1,5cm, có màu nâu đỏ, kéo dài khoảng 8-9 ngày trong mùa hè và 20-30 ngày trong mùa đông.
Giai đoạn ngài hay còn gọi là bướm: Bướm dài khoảng 1,7cm, có sải cánh dài khoảng 3,8cm, cánh trước màu nâu xám, cánh màng trong màu xám bạc có viền đậm ở rìa cánh. Bướm hoạt động mạnh vào ban đêm. Bướm cái có thể đẻ 200 trứng và có khả năng bay xa 500km đường trường để tiếp tục sinh trưởng, phát triển và phá hoại.
Giai đoạn gây hại: Sâu keo mùa thu gây hại chủ yếu ăn lá, thân. Sâu non mới nở, cắn lá phía dưới, lúc đầu chúng cạp biểu bì, để lại màng mỏng, sâu non ăn lá thành các lỗ nhỏ như lỗ kim. Sâu lớn ăn từ mép lá vào trong và ăn khuyết thành hàng dài trên phiến lá. Thông thường trên 1 cây chỉ có 1-2 con sâu do tập tính ăn thịt đồng loại khi sống gần nhau. Sâu lớn (tuổi 4-6) ăn phá mạnh, chỉ để lại gân lá và thân cây tả tơi, rách nát. Sâu lớn còn chui vào loa kèn ăn đứt đỉnh sinh trưởng (đọt ngô) của cây ngô. Sâu còn đục vào thân, vào bắp ngô, ăn hạt ngô, nhất là hạt ngô non và sẽ làm cho cả ruộng ngô, đồng ngô tan nát, gây thiệt hại rất lớn.
- Về thiên địch: Sâu keo mùa thu có nhiều loại thiên địch ký sinh như: Ong đen kén trắng (Cotesia marginivertris), ong Chelonus lexanus… Thiên dịch ăn mồi như con đuôi kim (Earwig), bọ gai (Labidura Riparia), bọ Orius, chim kiến, gậm nhấm, Virus, nấm ký sinh, tuyến trùng, vi khuẩn…
Biện pháp phòng trừ sâu keo mùa thu:
- Biện pháp tổng hợp:
* Gieo trồng luân canh, xen canh giữa ngô với các cây trồng khác.
* Sử dụng bẩy đèn để bắt bướm
- Dùng thuốc trừ sâu: Trước khi dùng thuốc trừ sâu cần lưu ý: Bướm sâu keo mùa thu đẻ trứng rải rác nhiều đợt, đẻ nhiều trứng và nở ra sâu non nhiều đợt khác nhau. Vì vậy việc phòng trừ sâu keo mùa thu phải phun thuốc 2-3 lần, mỗi lần cách nhau 7-10 ngày và chỉ phun có tác dụng khi sâu ở tuổi 1-2.
Loại thuốc có thể dùng để trừ sâu keo mùa thu hiện nay là:
+ Aquinphos 40EC: Pha 60ml vào 16 lít nước để phun.
+ Comda gold 50 WG: Pha 2 gói 15 gam vào 16 lít nước để pha
+ Hỗn hợp Aquinphos 40EC + Dầu SK 99 EC: Tỉ lệ tương ứng 40ml + 50ml pha vào trong 16 lít nước để phun.
+ Hỗn hợp comda 5WG + dầu SK99EC: tỉ lệ tương ứng 2 gói 15 gam + 50ml pha trong 16 lít nước để phun.
+ Hỗn hợp Aquinphos + Comda 50 WG + dầu SK 99 EC, tỉ lệ 40ml + 2 gói 15 gam Comda 5 WG + 50ml dầu SK 99 EC pha trong 16 lít nước để phun.
Nếu cây ngô cao lớn khó phun thuốc, thì có thể rải thuốc ở dạng hạt (không phải pha thuốc vào nước) có tính lưu dẫn hay xông hơi vào loa kèn (vào đọt cây) như loại thuốc Sago Super 3G.
Lưu ý:
- Phun đủ lượng thuốc và nước.
- Sâu tuổi nhỏ chưa chui vào loa kèn (đọt lá) phun vào tán lá nhớ phun dưới mặt lá (nơi có ổ trứng). Sâu tuổi lớn phun từ trên chót lá xuống để thuốc vào trong loa kèn (trong đọt lá).
- Tốt nhất phun vào buổi chiều mát.
- Nên tập trung phun khi sâu mới nở ở tuổi 1-2 là hiệu quả nhất  
- Có điều kiện nên phun bằng bình máy phun tốt hơn phun bằng bình bơm tay
- Nên phun luân phiên thay đổi các loại thuốc khác nhau dễ làm sâu chết nhiều và hạn chế khả năng kháng thuốc của sâu.
- Nên đặt bẩy đèn bắt bướm khi bướm ra rộ. Cách làm này có hiệu quả cao nhất, phải diệt bướm khi chưa đẻ trứng./.

                                                          Doãn Trí Tuệ - nguồn TSKN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
anh-nam-1.jpg Lon-ban-dia-Ho-Ong-Dieu-tai-huyen-Que-phong-2.jpg rau-thom-2.jpg a1-5.jpg a7-6.jpg a1-4.jpg a8-6.jpg a4.jpg a5-3.jpg a6-4.jpg a2-3.jpg a12-3.jpg Nam-Nghia-1.jpg a8-2.jpg a9-1.jpg
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây