Thứ bảy, 23/11/2024, 10:44

Hướng dẫn phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục trâu, bò 

Thứ năm - 14/01/2021 04:46 1.354 0
Theo báo cáo của Cục Thú y, hiện nay dịch bệnh Viên da nổi cục (VDNC) trên gia súc xảy ra tại 09 tỉnh phía Bắc. Số trâu bò mắc bệnh: 1.100 con, trong đó có trên 140 con chết, buộc phải tiêu hủy. Tại Nghệ An, từ ngày 11/12/2020 bệnh VDNC lần đầu tiên xuất hiện trên 01 con bò tại xã Văn Lợi, huyện Quỳ Hợp.
Hướng dẫn phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục trâu, bò 
Để chủ động phòng, chống bệnh VDNC trâu, bò trên địa bàn tỉnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch bệnh như sau:
1. Đặc điểm của vi rút gây bệnh
Bệnh viêm da nổi cục (tên tiếng Anh là Lumpy Skin Disease, viết tắt là LSD, còn được gọi là bệnh da sần) là bệnh truyền nhiễm do một loại virrus thuộc họ Poxviridae chi Capripoxvirus gây ra trên trâu, bò. Virrus viêm da nổi cục không lây nhiễm và không gây bệnh trên người.
Vi rút có thể bị tiêu diệt ở nhiệt độ 55 độ C trong 2 giờ, 65 độ C trong 30 phút. Vi rút có thể được hồi phục từ những nốt sần trên da được giữ ở nhiệt độ -80 độ C trong 10 năm và dịch nuôi cấy mô nhiễm vi rút được bảo quản ở nhiệt độ 4 độ C trong 6 tháng.
Vi rút nhạy cảm với môi trường pH kiềm hoặc a xít; có thể tồn tại ở môi trường pH = 6,6 - 8,6 trong 5 ngày ở nhiệt độ 37 độ C.
Hóa chất sử dụng để diệt vi rút viêm da nổi cục bao gồm ether (20%), chloroform, formalin (1%), phenol (2% trong 15 phút), sodium hypochlorite (2 - 3%), hợp chất iodine (pha loãng 1:33), Virkon (2%), hợp chất amoni bậc bốn (0,5%) và một số chất tẩy rửa như sodium dodecyl sulphate.
Vi rút viêm da nổi cục rất ổn định, tồn tại trong thời gian dài ngoài môi trường, đặc biệt là ở dạng vảy khô; tồn tại trong các nốt da hoại tử trên 33 ngày, trong các lớp vảy khô lên đến 35 ngày và ít nhất 18 ngày trong da phơi khô. Vi rút nhạy cảm với ánh sáng mặt trời và chất tẩy rửa có chứa dung môi lipid, nhưng trong điều kiện môi trường tối và ẩm ướt, ví dụ như chuồng trại bị ô nhiễm, vi rút có thể tồn tại trong nhiều tháng.
2. Loài vật mắc bệnh
Động vật mẫn cảm với bệnh là trâu, bò. Tỷ lệ mắc bệnh khoảng 10 – 20%; tỷ lệ chết khoảng 1 – 5%. Thời gian ủ bệnh trung bình khoảng 4 – 14 ngày.
3. Đường truyền lây
Chủ yếu qua côn trùng đốt như ruồi, muỗi, ve, mòng,..; bệnh cũng có thể lây truyền do vận chuyển trâu, bò mang mầm bệnh, sử dụng chung máng uống, khu vực cho ăn, sữa, tinh dịch và qua tiếp xúc trực tiếp.
 
Sơ đồ minh họa đường truyền lây của virus gây bệnh viêm da nổi cục
4. Chất chứa mầm bệnh
Các nốt sần và vảy da chứa một lượng virus tương đối cao. Virus có thể được phân lập từ những bệnh phẩm này trong 35 ngày và có thể lâu hơn. Ngoài ra, Virus có thể được phân lập từ máu, nước bọt, dịch tiết ở mắt và mũi và tinh dịch.
Virus được tìm thấy trong máu trong khoảng từ 7 - 21 ngày sau khi nhiễm bệnh, với mức độ thấp hơn so với trong các nốt sần ở da tại cùng thời điểm lấy mẫu.
Sự bài thải của virus trong tinh dịch có thể kéo dài tới 42 ngày. Cũng có bằng chứng về sự lây truyền virus qua nhau thai.
5. Mùa phát bệnh
Bệnh thường xảy ra theo mùa, chủ yếu vào những tháng có thời tiết ấm, khi côn trùng hoạt động mạnh và phong phú nhất, gây thiệt hại về năng suất do sản lượng sữa giảm mạnh, giảm khả năng sinh sản, sảy thai, tổn thương da, giảm tăng trọng, gia súc có thể chết, gây tổn thất về kinh tế do hạn chế vận chuyển và thương mại.
6. Triệu chứng
Trâu, bò mắc bệnh thường có những dấu hiệu : Sốt cao, có thể trên 41oC, bỏ ăn, suy nhược và gầy yếu. Giảm khả năng tiết sữa rõ rệt ở gia súc đang cho con bú; viêm mũi, viêm kết mạc và tiết nhiều nước bọt; sưng hạch bạch huyết bề mặt (hạch trước vai, hạch sau đùi).
Hình thành các nốt sần có đường kính từ 2 - 5 cm, đặc biệt là ở da đầu, cổ, chân, bầu vú, cơ quan sinh dục và đáy chậu trong vòng 48 giờ sau khi bắt đầu phản ứng sốt. Các nốt sần này có hình tròn, chắc và nhô cao trên da, mô dưới da và đôi khi cả các cơ bên dưới.
Các nốt sần lớn có thể bị hoại tử và cuối cùng là xơ hóa và tồn tại trong vài tháng; để lại các vết sẹo có thể tồn tại vĩnh viễn.
Các mụn nước, vết hoại tử và vết loét có thể xuất hiện ở màng nhầy của miệng và đường tiêu hóa cũng như trong khí quản và phổi.
Chân và các bộ phận vùng bụng khác của cơ thể, như bao da, ức, bìu và âm hộ, có thể bị tiết dịch, khiến con vật không muốn di chuyển.
Bò đực có thể bị vô sinh vĩnh viễn hoặc tạm thời; bò mang thai có thể sảy thai
Một số động vật bị bệnh không biểu hiện triệu chứng nhưng mang virus trong máu và có thể truyền bệnh cho động vật khỏe thông qua côn trùng hút máu.


7. Chẩn đoán bệnh
Chẩn đoán lâm sàng dựa trên những biểu hiện như sốt và các nốt sần đặc trưng trên da trâu, bò mắc bệnh.
Chẩn đoán lâm sàng cần được xác nhận bằng xét nghiệm trong phòng thí nghiệm; lấy mẫu xét nghiệm gửi về phòng Quản lý dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An khi trâu, bò có các triệu chứng trên; cách lấy mẫu:
+ Các nốt sần, vảy da (là nơi chứa lượng virus cao): Cạo sạch lông xung quanh nốt sần, vảy da, dùng panh kẹp cả nốt sần kéo ra, cắt nốt sần, vảy da bỏ vào lọ chứa dung dịch đệm bảo quản hoặc nước muối sinh lý;
+ Dịch mắt, mũi, miệng, sữa, tinh dịch: Dùng panh kẹp gạc y tế ngoáy vào các vị trí chứa dịch cho vào lọ chứa dung dịch đệm bảo quản;
+ Mẫu máu: lấy mẫu máu cho vào ống chống đông (có thể sử dụng ống chống đông lấy mẫu máu xét nghiệm bệnh DTLCP);
Đối với các phát hiện các ổ dịch mới đề nghị lấy cả 3 mẫu trên gửi về Chi cục, ưu tiên lấy các nốt sần, vảy da (là nơi chứa lượng virus cao).
8. Phòng bệnh VDNC
- Triển khai các biện pháp kiểm soát, phòng bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò theo Luật Thú y, Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT, Công điện khẩn số 7575/CĐ-BNN-TY ngày 31/10/2020 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Công điện khẩn số 42/CĐ-UBND ngày 10/11/2020 của UBND tỉnh Nghệ An;
- Rà soát, thống kê số lượng trâu, bò trên địa bàn; tăng cường kiểm soát vận chuyển trâu bò từ vùng này sang vùng khác; chủ động theo dõi giám sát kịp thời, phát hiện sớm các trường hợp trâu bò mắc bệnh, nghi mắc bệnh, tiêm phòng cho trâu bò trên địa bàn
- Tổ chức tiêu độc khử trùng chuồng trại, nơi tập trung buôn bán, chăn thả trâu, bò, vùng nguy cơ cao, chú trọng sử dụng các thuốc đặc hiệu để tiêu diệt côn trùng, ruồi, muỗi, ve, mòng...;
- Tăng cường sức đề kháng cho con vật bằng cách cung cấp thức ăn đảm bảo đủ chất dinh dưỡng và đủ nguồn nước sạch cho trâu bò. Hàng ngày chú ý quan sát con vật, khi thấy biểu hiện không bình thường như các triệu chứng trên cần báo cáo chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn gần nhất;
9. Xử lý dịch bệnh VDNC, chống dịch
- Phong tỏa: Khi cần thiết, UBND cấp huyện nơi xảy ra dịch bệnh chỉ đạo UBND cấp xã để tiến hành phong tỏa vùng dịch, ổ dịch. Dựng biển báo, lập chốt kiểm dịch tạm thời tại các vị trí giao thông ra vào vùng dịch và thực hiện các nhiệm vụ giám sát, kiểm tra; nghiêm cấm vận chuyển trâu, bò ra vào vùng dịch; thực hiện công tác chống dịch theo hướng dẫn của Chi cục Chăn nuôi và Thú y.
- Tiến hành tiêu hủy đối với sản phẩm của trâu, bò bị bệnh, trâu, bò bị chết do bệnh VDNC;
- Trường hợp không tiêu hủy, tổ chức ký cam kết với người chăn nuôi tự chăm sóc, nuôi dưỡng cách ly tại hộ gia đình, không bán chạy, giết mổ trâu bò mắc bệnh, nghi mắc bênh;
- Tiến hành xử lý đối với chất thải của bò, thức ăn hoặc chất độn chuồng bị nhiễm bệnh hoặc có khả năng nhiễm bệnh. Khử trùng tiêu độc nghiêm ngặt đối với vật phẩm, phương tiện giao thông, khu vực để dụng cụ, nền chuồng… người, xe cộ và các thiết bị liên quan.
- Tổ chức vệ sinh sát trùng tiêu độc môi trường thường xuyên (bao gồm sử dụng các thuốc đặc hiệu để tiêu diệt côn trùng, ruồi, muỗi, ve, mòng như Deltox, Hantox, thuốc diệt côn trùng ...), đặc biệt tại hộ chăn nuôi trâu, bò trên địa bàn có gia súc bệnh, nghi mắc bệnh. Ở bãi chăn thả và quanh khu vực chuồng nuôi cần phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, thoát nước ở chỗ có vũng nước tù để hạn chế sự tồn tại của mầm bệnh trong tự nhiên;
- Tiến hành giám sát, kiểm tra, rà soát và đánh giá rủi ro lây nhiễm đối với trại nuôi bò, nơi chăn thả, chợ mua bán, lò giết mổ, kịp thời nắm vững tình hình dịch bệnh.
- Tiêm phòng khẩn cấp: Đối với huyện có dịch bệnh và các huyện lân cận, vùng nguy cơ cao sử dụng vắc xin VDNC đã được cơ quan nhà nước cấp đăng ký lưu hành để tạo miễn dịch khẩn cấp cho toàn bộ đàn bò./.
                                               Phòng QLDB- Chi cục CN&TY Nghệ An - nguồn nnptnt.nghean.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
mo-hinh-che-huu-co.jpg hoi-nghi-thang-9-6.jpg mo-hinh-ga-2.jpg mo-hinh-luon-4.jpg Kiem-tra-san-xuat.jpg tap-huan-tinh-huyen-5.jpg mo-hinh-buoi-1.jpg a12-6.jpg a26-4.jpg a23-1.jpg image-20240813150406-1-6.png a24-2.jpg a11-3.jpg a25-4.jpg h3-13.jpg
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây