1. UBND các huyện, thành phố, thị xã
- Triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm theo đúng quy định của Luật Thú y, các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và của tỉnh (Quyết định số 812/QĐ-UBND ngày 19/3/2019 về việc ban hành Kịch bản ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) trên địa bàn tỉnh Nghệ An, Công điện khẩn số 10/CĐ-UBND ngày 14/4/2020 về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP, CGC giai đoạn hiện nay, Chỉ thị số 06/CT-UBND ngày 18/3/2020 về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm...).
- Chủ động giám sát, lấy mẫu gửi xét nghiệm để phát hiện sớm các loại dịch bệnh nguy hiểm như CGC, DTLCP, lở mồm long móng (LMLM), tai xanh... Khi dịch bệnh xảy ra, phải tập trung các nguồn lực và áp dụng đồng bộ các giải pháp để kiểm soát, xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để dịch tái phát, lây lan ra diện rộng.
- Xây dựng kế hoạch tiêm phòng vụ thu 2020, giao chỉ tiêu tiêm phòng cụ thể cho các địa phương theo tổng đàn thực tế. Tổ chức tiêm phòng vắc xin đầy đủ cho đàn vật nuôi theo đúng lịch của tỉnh; những huyện được hỗ trợ vắc xin, nếu số lượng không đủ cần hỗ trợ thêm kinh phí hoặc chỉ đạo người chăn nuôi mua thêm vắc xin để tiêm phòng đạt tỷ lệ bảo hộ.
- Tổ chức triển khai tốt tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng theo Kế hoạch số 3035/KH-SNN-CNTY ngày 14/9/2020 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc Triển khai khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở động vật đợt 3 năm 2020 trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
- Chỉ đạo phòng Nông nghiệp/Kinh tế, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp: Phân công cán bộ phụ trách các cụm xã; thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn công tác tiêm phòng, tiêu độc khử trùng, phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; kịp thời tháo gỡ vướng mắc tại cơ sở.
- Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền để người dân nhận thức rõ tính chất nguy hiểm của các loại dịch bệnh, đặc biệt là bệnh CGC, DTLCP, LMLM, tai xanh, dại... và các biện pháp phòng, chống. Yêu cầu người chăn nuôi thực hiện tốt “6 không” trong phòng chống bệnh DTLCP; đồng thời hướng dẫn chủ chăn nuôi gia súc, gia cầm áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.
- Thành lập Đoàn liên ngành cấp huyện thường xuyên kiểm tra, kiểm soát các tụ điểm kinh doanh, buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm; tăng cường quản lý hoạt động vận chuyển động vật, sản phẩm động vật từ vùng dịch, không rõ nguồn gốc lưu thông trên địa bàn.
- Chỉ đạo UBND cấp xã:
+ Rà soát, thống kê đầy đủ tổng đàn gia súc, gia cầm; kịp thời tổ chức tiêm phòng, tiêm phòng bổ sung cho đàn vật nuôi đảm bảo đạt 100% gia súc, gia cầm trong diện tiêm. Bố trí hoặc hợp đồng với cán bộ có chuyên môn thú y để triển khai tiêm phòng.
+ Tăng cường giám sát dịch bệnh động vật và báo cáo đầy đủ, kịp thời tình hình dịch bệnh cho UBND huyện, Chi cục Chăn nuôi và Thú y; xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, bán chạy, giết mổ, vứt xác động vật bệnh, nghi mắc bệnh ra môi trường dẫn đến dịch bệnh lây lan...
+ Chỉ đạo các trang trại, hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm: Tự giác thực hiện tiêm vắc xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm theo kế hoạch của chính quyền địa phương; khai báo việc nhập, xuất đàn và lịch tiêm phòng vắc xin để giám sát, quản lý.
- Những tổ chức, cá nhân chăn nuôi tự ý tái đàn khi chưa được sự cho phép của chính quyền địa phương, không chấp hành tiêm phòng vắc xin để phòng các bệnh bắt buộc theo quy định tại Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn, khi dịch xảy ra buộc tiêu hủy và không được hưởng chính sách hỗ trợ của nhà nước.
2.Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Thành lập các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo các huyện, thành, thị thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch; báo cáo UBND tỉnh tình hình công tác triển khai tại các địa phương.
- Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với các cơ quan liên quan và địa phương theo dõi chặt chẽ, tổng hợp tình hình bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh để kịp thời báo cáo, tham mưu phòng chống dịch phù hợp, hiệu quả; chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất, vắc xin phục vụ công tác tiêm phòng, tiêu độc khử trùng và xử lý ổ dịch.
3. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Nghệ An: Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền sâu rộng về tình hình dịch, các yếu tố nguy cơ, các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm để người dân không hoang mang, chủ động áp dụng các biện pháp phòng bệnh cho đàn vật nuôi hiệu quả.
4. Công an tỉnh, Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường: Chỉ đạo các lực lượng Cảnh sát giao thông Cảnh sát môi trường, An ninh kinh tế, Quản lý thị trường phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y, các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát, bắt giữ và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân buôn bán, vận chuyển động vật và sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.
5. Các Sở, Ban, Ngành liên quan: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND cấp huyện triển khai thực hiện các biện pháp quyết liệt, đồng bộ để phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm...
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị; Giám đốc các Sở; Thủ trưởng các Ban, Ngành cấp tỉnh, các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm Công điện này./.
PV - nguồn baonghean.vn
Ý kiến bạn đọc