Thứ bảy, 23/11/2024, 06:26

Nghệ An: Nuôi hươu, nghề chăn nuôi an nhàn, hiệu quả và ít rủi ro

Thứ hai - 07/09/2020 21:27 1.554 0
Nhắc đến con hươu sao, nhiều người thường mặc định đây là vật nuôi có giá trị kinh tế cao và khó chăm sóc. Tuy nhiên, từ thực tế của bà con nông dân Quỳnh Lưu, Hoàng Mai hay mới đây là Diễn Châu đã chứng minh điều ngược lại. Hươu là vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế, dễ nuôi và ít rủi ro nhất.
Nghệ An: Nuôi hươu, nghề chăn nuôi an nhàn, hiệu quả và ít rủi ro
 
 Dễ và nhanh nhân rộng đàn vì ít rủi ro

Nhắc đến nghề nuôi hươu, nhiều người nghĩ ngay đến thời điểm những năm 90 của thế kỷ trước khi con hươu bị làm giá, có lúc “sốt” lên tới 60 -70 triệu đồng/con. Vậy nên, ngoại trừ hộ khá giả mới sở hữu một vài con, một số hộ muốn nuôi chỉ “cổ phần”. Sau cơn sốt, con hươu đã trở về giá trị thực khi có giá 1-2 triệu đồng, thậm chí xuống vài trăm ngàn đồng/con. Gần đây, sau khi dịch bệnh liên tục xảy ra trên đàn lợn, trâu bò hoặc gia cầm thì hươu vẫn chứng tỏ là vật nuôi an toàn, ít rủi ro và hiệu quả cao nên bà con đã đầu tư nuôi trở lại.

Để tìm hiểu, chúng tôi về phường Quỳnh Xuân, một trong những “thủ phủ” nghề nuôi hươu của Tx Hoàng Mai. Đến nhà ông Vũ Văn Nhậm ở khối 1, ông không chỉ là người nuôi hươu quy mô lớn nhất hiện nay mà còn là người nuôi hươu sớm nhất vùng nên chứng kiến hết cung bậc “thăng trầm” của nghề nuôi hươu. Gương mặt lão nông Vũ Văn Nhậm bỗng trở nên ưu tư hơn và nhớ lại: năm 2007, khi đang nuôi lợn đẻ mà quá vất vả và giá lại bấp bênh, sau khi suy tính, ông bán hết và dồn toàn bộ tiền mua 30 con hươu. Cộng với số hươu còn trước đây, ông đã có đàn hươu trên 50 con, trong đó 16 con lấy nhung (lộc) và còn lại là hươu cái sinh sản. Do tuyển được chất lượng con giống tốt nên sau khi trừ chi phí, mỗi năm đàn hươu 50 con, ông bà thu lãi hơn 300 triệu đồng.      

“Sở dĩ gia đình ông chỉ 2 lao động đã hết tuổi nhưng vẫn nuôi được nhiều hươu như trên vì chi phí thức ăn thấp, đặc biệt là chi phí chỉ bằng 1/3 và nhàn hơn nuôi lợn rất nhiều” – Ông Nhậm cho biết thêm.

Ông Hồ Văn Bình – Chủ tịch Hội nông dân phường Quỳnh Xuân cho biết: toàn phương có khoảng 500 con hươu lớn nhỏ, trong đó nhà nhiều nhất là 50 con, còn lại phổ biến từ 5-7 con. So với các vật nuôi khác, nuôi hươu nhàn và hiệu quả vì rất ít khi bị bệnh dịch. Với mức đầu tư khoảng từ 10 đến 20 triệu đồng/con, tùy vào chất lượng con giống (bố mẹ), sau 1 - 2  năm nuôi, bình quân mỗi con hươu sẽ cho cặp lộc từ 0,8-1,2 kg tương đương từ 8-10 triệu đồng/kg nhung; nếu chăm sóc tốt và cắt lộc 2 lần/năm thì giá trị tăng gấp rưỡi. Nếu là hươu cái thì thời gian dài hơn nhưng nếu hươu sinh được con đực thì lãi gấp đôi. Đây là mức lãi mà không phải vật nuôi nào cũng đạt được.

Ngoài Quỳnh Xuân, Thị xã Hoàng Mai còn có Quỳnh Vinh là có đàn hươu lớn nhất với khoảng 700 con, trong đó hộ nuôi nhiều nhất là 80 con, còn lại bình quân từ 5-7 con/hộ. Tổng cộng Thị xã Hoàng Mai có đàn hươu trên 1.500 con, sau khi trừ chi phí, mỗi năm đàn hươu mang lại cho nông dân thị xã từ 6-7 tỷ đồng.

Tại huyện Quỳnh Lưu, sau một thời gian tạm lắng, gần đây nhờ chính sách hỗ trợ động viên của huyện, theo đó hộ nào nuôi từ 20 con trở lên sẽ được hỗ trợ 5 triệu đồng để làm chuồng. Nhờ “cú hích” này cộng với hiệu quả kinh tế thấy rõ nên bà con mạnh dạn đầu tư mở rộng đàn. Đến thời điểm này, toàn huyện có đàn hươu khoảng 13.000 con, trong đó nhiều nhất là các xã Quỳnh Yên, Quỳnh Tân, Quỳnh Thắng, Tân Thắng, Quỳnh Lương, Quỳnh Nghĩa… mỗi xã xấp xỉ 1.000 con.

 Ngoài địa bàn Quỳnh Lưu và Hoàng Mai, gần đây người dân xã Diễn Hùng, huyện Diễn Châu cũng bắt đầu chuyển mạnh sang nuôi hươu. Ông Nguyễn Đào- Chủ tịch UBND xã cho biết: trong khi nuôi lợn hay gia cầm gần đây đều gặp khó vì dịch bệnh thì con hươu, nhờ dễ nuôi và ít rủi ro nên bà con đã mạnh dạn mở rộng đàn hươu. Hiện nay, toàn xã có đàn hươu 853 con, lớn nhất Diễn Châu, mỗi năm thu nhập từ hươu xấp xỉ 2 tỷ đồng.

Giải pháp để nghề nuôi hươu phát triển bền vững?

 Quá trình tìm hiểu về tiềm năng nghề nuôi hươu, chúng tôi thấy hươu là vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao và ít rủi ro. Sản phẩm nhung hươu dù chưa được tiêu dùng rộng rãi và xuất khẩu nhưng không bị ế ẩm. Theo các hộ nuôi hươu lâu năm cho biết: ưu điểm của nghề nuôi hươu là chi phí thức ăn thấp, hươu ít khi bị bệnh, sản phẩm là nhung hươu không bao giờ ế ẩm và bất kỳ khi nào cắt lộc đều có người đến đặt vấn đề mua. Mặt khác, do nhu cầu nhân rộng đàn còn lớn nên hươu đực (lấy lộc) hay hươu nái (sinh sản) đều được giá, bình quân từ 15-17 triệu và thậm chí có con lên tới 25-30 triệu đồng/con nếu giống tốt.

Đến thời điểm hiện tại, nếu tính sơ bộ thì Nghệ An có tổng đàn hươu khoảng 15.000 con, trong đó Quỳnh Lưu 13.000 con, Hoàng Mai trên 1.500 con và Diễn Châu gần 1.000 con.

Ông Hồ Văn Bình – Chủ tịch Hội nông dân phường Quỳnh Xuân chia sẻ: nuôi hươu chi phí thấp và tận dụng được nguồn thức ăn ở nông thôn nên khả năng nhân rộng đàn khá cao. Hiện nay, nhu cầu làm chuồng trại của bà con khá lớn, Hội được giao cùng với khuyến nông động viên bà con phát triển mô hình cây con nhưng do chưa có chính sách hỗ trợ và cơ chế chuyển giao kỹ thuật cho bà con nên quá trình triển khai cũng gặp không ít khó khăn, lúng túng.

 Cùng chung suy nghĩ trên, ông Tô Huy Đạo – Phó Chủ tịch Hội nông dân Quỳnh Lưu còn chia sẻ: nghề nuôi hươu mang lại hiệu quả kinh tế và phù hợp với nông dân đã rõ nhưng hiện tại chủ yếu do bà con nông dân vẫn tự xoay xở, học hỏi. Trước đây, huyện đã có đề án, kế hoạch động viên bà con nhưng phương án tìm đầu ra bằng cách xây dựng nhãn hiệu nhung hươu Quỳnh Lưu nhưng vì lý do đây là động vật xuất phát môi trường hoang dã, không được khai thác lộc nên rơi vào bế tắc.

Tìm hiểu một số tỉnh bạn cho thấy, để hỗ trợ bà con nuôi hươu, bên cạnh chính sách hỗ trợ cho các hộ nuôi quy mô lớn lớn, một số tỉnh như Hà Tĩnh, Quảng Bình chính sách khuyến khích thành lập HTX, tổ hợp tác để chế biến hoặc kết nối với các Hội đông y và các Công ty dược xây dựng nhãn hiệu, quảng bá sản phẩm và lo đầu ra cho nhung hươu nên ngành nông nghiệp Nghệ An nên tham khảo.

Hiện tại, theo bà con nông dân, mặc dù giá nhung hươu ổn định và làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó nhưng để nghề nuôi hươu phát triển phát triển bền vững, tránh vết xe đổ trước đây, nên chăng tỉnh cần có định hướng về chế biến, tiêu thụ phù hợp với quy mô phát triển đàn hươu. Bên cạnh đó, cần có giải pháp vừa động viên bà con nông dân mở rộng đàn để mang giá trị thu nhập cho nông dân nhưng cũng tránh tình trạng phát triển quá nóng như trước đây. Hiện tại, sản phẩm nhung hươu chủ yếu tiêu thị trường nội địa và dành để bồi bổ sức khỏe cho người ốm nhưng về lâu dài, nên có hiệp hội để các Hội y dược và các Công ty dược để nghiên cứu về giá trị dinh dưỡng và hướng dẫn chuẩn về cách bào chế, chế biển để tiêu dùng phổ biến hơn./.


                                                                                      Nguồn tin: Trích Báo Nghệ An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
mo-hinh-che-huu-co.jpg hoi-nghi-thang-9-6.jpg mo-hinh-ga-2.jpg mo-hinh-luon-4.jpg Kiem-tra-san-xuat.jpg tap-huan-tinh-huyen-5.jpg mo-hinh-buoi-1.jpg a12-6.jpg a26-4.jpg a23-1.jpg image-20240813150406-1-6.png a24-2.jpg a11-3.jpg a25-4.jpg h3-13.jpg
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây