Người tiên phong ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất chè sạch ở Anh Sơn

Thứ năm - 09/05/2019 21:00 728 0
Đó là mô hình của anh Võ Văn Sáng và gia đình ở xóm 5 xã Hùng Sơn, huyện Anh Sơn. Sinh ra trong gia đình có nghề làm chè mấy chục năm, dù năm nay mới 23 tuổi và chưa lập gia đình nhưng qua các chuyến tham quan học hỏi kinh nghiệm và tham gia hội chợ giới thiệu quy trình sản xuất chè và sản phẩm chè nên Sáng luôn đau đáu một câu hỏi vì sao cũng là cây chè như nhau nhưng sản phẩm của họ có giá trị rất cao.
 Nguyên nhân là vì trong khi bà con Anh Sơn đang sản xuất chè nguyên liệu theo kiểu truyền thống, khá xô bồ thì các tỉnh bạn đã sản xuất theo quy trình chè sạch, thân thiện với môi trường, sản phầm dùng vừa bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và mang lại giá trị kinh tế cao.
 Sau khi đi tận các vùng đồi chè Thái Nguyên, Lâm Đồng… để tìm hiểu, năm 2015, Sáng về đặt vấn đề và thuyết phục bố là ông Vò Văn Đồng và mẹ là Trần Thị Lý mạnh dạn đổi mới quy trình sản xuất theo hướng chè sạch. Trước hết đối với 5 ha chè của gia đình được đầu tư thâm canh từ năm 2001 lâu nay được sản xuất theo phương thức truyền thống. Để chè có năng suất cao, các hộ thường dùng phân vô cơ hoặc thuốc kích thích để chè đâm chồi nhanh, nhiều lứa hơn, thậm chí khi bị sâu rầy thì dùng thuốc để phun; khi thu hoạch thì cắt bằng máy thì nay chuyển sang chăm sóc chè bằng quy trình thuận theo tự nhiên là để chè mọc theo lứa, tưới nước sạch, tuyệt đối không dùng phân vô cơ hoặc thuốc kích thích phun để tạo chồi, đọt. Thay vào đó, khi chè bị sâu hoặc rầy, gia đình chỉ dùng chế phẩm sinh học do khuyến nông giới thiệu và cung cấp; khi thu hoạch chỉ hải hái bằng tay. 
Cùng với chuyển đổi quy trình sản xuất, Sáng và gia đình cũng đầu tư trên 600 triệu đồng để làm lại nhà xưởng phơi chè, lắp đặt 4 máy sấy chè mới, hiện đại để chế biến, đảm bảo chè sản xuất ra luôn sạch sẽ, ít tạp chất nhất. Song song với đó, gia đình Sáng và một số hộ gia đình anh em xúc tiến thành lập Hợp tác xã để làm cơ sở xây dựng và đăng ký nhãn hiệu chè sạch mang nhãn hiệu HTX Minh Sáng ở xã Hùng Sơn. Sản phẩm trà (chè) xanh sạch xứ Nghệ tại Hùng Sơn (Anh Sơn) trên thị trường hiện nay chính là ý tưởng, nỗ lực của chàng trai trẻ Võ Văn Sáng và gia đình. 
Tuy nhiên, để có “đặc sản trà xanh xứ Nghệ” sạch mang thương hiệu hôm nay, ngoài quá trình thai nghén, tìm hiểu, học hỏi khá lâu, khi mới đầu đi vào sản xuất, gia đình cũng chịu nhiều thách thức và không ít áp lực. Nguyên nhân là sản xuất theo phương thức truyền thống dễ dàng hơn, dù giá rẻ nhưng lứa được nhiều hơn; bên cạnh đó, khi thu hoạch dùng bằng máy nên tiết kiệm được chi phí lao động. Trong khi đó, sản xuất theo quy trình chè sạch, thời gian đầu lứa chè theo tự nhiên khá chậm và hái bằng tay nên chi phí nhân công cao. Khi sản phẩm mới bán ra thị trường, mặc dù đã giới thiệu, quảng bá nhưng giá chè sạch (các mức từ 100, 120, 150,200 đến 250 ngàn đồng/kg chè khô, tùy theo lượng và chủng loại bao bì) cao hơn gấp 2-3 lần chè thông thường nên khó bán và nhiều người cũng tỏ ý nghi ngại.
    Bà Trần Thị Lý, mẹ của Sáng cho biết: thời gian đầu mới ứng dụng quy trình sản xuất mới, quả thực gia đình gặp một số khó khăn vì giá thành cao, chi phí công lao động hái chè tăng lên…. Tuy nhiên, gia đình cũng xác định đây là hướng đi mới, vì tương lai lâu dài, bền vững của cây chè nên phải kiên trì đầu tư và theo đuổi. 
Sau khi áp dụng quy trình sản xuất chè theo hướng hữu cơ và đầu tư àm lại nhà xưởng, lắp máy hấp, sấy chè theo công nghệ mới, gia đình cùng một số thành viên trong gia đình thành lập HTX và đầu tư xây xây dựng nhãn hiệu và đa dạng hóa mẫu mã, bao bì để đưa ra thị trường… Nhờ thế, đến nay, sau 3 năm, sản phẩm chè sạch xứ Nghệ của gia đình Sáng tại xã Hùng Sơn đã khẳng định được thương hiệu và sản phẩm đã đến được một số thị trường lớn trong và ngoại tỉnh. 
Võ Văn Sáng chia sẻ: sau khi chuyển đổi sang sản xuất chè (trà) sạch, từ năm 2015 đến nay, với 5 ha chè nguyên liệu ban đầu, bình quân mỗi năm gia đình bán từ 4,5 đến 5 tấn chè khô sạch, doanh thu từ 750 - 800 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, HTX có lãi khoảng 200 triệu đồng/năm. Từ khi chuyển sang quy trình sản xuất mới, chất lượng chè tốt hơn, đầu ra khá ổn định và gia đình cũng yên tâm vì sản xuất thân thiện với môi trường xung quanh, an toàn cho người tiêu dùng. Hiện HTX sản xuất và đóng gói 3 loại trà xanh là gói ép ni lông, đóng hộp và chè rời. Tương ứng với từng chủng loại là mức giá bán thấp nhất từ 100.000/kg đến loại cao cấp nhất là 250.000 đồng/kg. So với trước đây, sản lượng chè giảm một ít nhưng bù lại giá bán cao hơn 2-3 lần nên HTX vẫn có lãi và quan trọng nhất là yên tâm lâu dài.
 Chia sẻ với chúng tôi, Sáng cho hay là giá chè sạch của HTX Minh Sáng nói riêng và Anh Sơn nói chung dù cao nhưng vẫn còn thấp hơn nhiều so với các các nhãn hiệu trà sạch của Thái Nguyên hay Lâm Đồng (Đà Lạt) bán trên thị trường. 
Sau khi chuyển sang sản xuất chè theo quy trình hữu cơ để cho ra đời sản phẩm chè sạch, tiếng lành đồn xa, một số anh em gia đình và bà con trong xóm đã xin tham gia HTX để hình thành vùng nguyên liệu sản xuất chè sạch rộng lớn hơn. Hiện tại, HTX có diện tích chè sản xuất theo quy trình sạch trên 10 ha. Sau thành công bước đầu này, không chỉ các gia đình trong vùng đến tham quan, học hỏi mà còn bà con một số vùng khác ở Thanh Chương, Đô Lương đến tham quan, học hỏi.
Hiện tại, cùng với nỗ lực gia đình, huyện Anh Sơn tổ chức nhiều đoàn đến tham quan học hỏi tại mô hình, sản phẩm chè của HTX cũng được huyện giới thiệu tại các hội nghị, hội chợ. Mới đây,  Sở Công thương Nghệ An đang xúc tiến làm thủ tục hỗ trợ kinh phí khoảng 300 triệu đồng để HTX Minh Sáng đầu tư mở rộng nhà xưởng gian phơi sấy chè, lắp đặt chuyển công nghệ chế biến chè sang dùng gas (hiện tại đang sấy bằng củi than) để đảm bảo chè thành phẩm được sạch hơn, giảm tối đa các tạp chất hay bụi bẩn…
Với những nỗ lực trên, Võ Văn Sáng không chỉ là tấm gương trẻ tiêu biểu của Anh Sơn tiên phong xung kích trong ứng dụng công nghệ vào sản xuất, cho ra đời sản phẩm sạch thân thiện với môi trường mà còn góp phần mở ra hướng đi mới, nâng tầm thương hiệu và giá trị cho cây chè, một trong những cây công nghiệp mũi nhọn ở Anh Sơn. Hy vọng trong thời gian tới, từ mô hình điểm đầu tiên và tiên phong của HTX Minh Sáng, diện tích chè sạch trên địa bàn Anh Sơn sẽ tiếp tục được nhân rộng để làm tiền xây dựng vùng nguyên liệu cho nhãn hiệu chè sạch bền vững hơn, ngày càng có nhiều sản phẩm chè sạch đến tay người tiêu dùng./.
 
                                             Hải Hà - nguồn TSKN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
anh-nam-1.jpg Lon-ban-dia-Ho-Ong-Dieu-tai-huyen-Que-phong-2.jpg rau-thom-2.jpg a1-5.jpg a7-6.jpg a1-4.jpg a8-6.jpg a4.jpg a5-3.jpg a6-4.jpg a2-3.jpg a12-3.jpg Nam-Nghia-1.jpg a8-2.jpg a9-1.jpg
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây