Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới(NTM), tỉnh Nghệ An xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, là nội dung quan trọng trong thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng các cấp. Tỉnh đã yêu cầu các cấp các ngành phải nghiên cứu kỹ, quán triệt mục tiêu, nội dung của chương trình nhanh chóng có giải pháp thực hiện với tinh thần trách nhiệm và quyết tâm cao, đảm bảo hoàn thành kế hoạch đề ra. Trong xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, tỉnh và các huyện thành thị đã kịp thời đề ra chủ trương chính sách thông thoáng, hợp lý, đúng pháp luật, có chính sách ưu đãi về mặt bằng, thời gian sử dụng đất lâu dài, hỗ trợ kinh phí kịp thời để khảo sát quy hoạch xây dựng các công trình, nhà máy, khu công nghiệp . Nhờ vậy, cả 21 huyện thành thị và 431 xã trong tỉnh đã tiếp cận với các nguồn vốn xây dựng cơ sở hạ tầng của Trung ương, tỉnh. Mặt khác, tăng cường quảng bá, giới thiệu tiềm năng lợi thế của tỉnh và các địa phương, tạo môi trường thông thoáng kêu gọi các nhà đầu tư, nhất là mời gọi con em Nghệ An làm ăn xa đầu tư phát triển kinh tế, xây dựng nhà máy, khu công nghiệp nhỏ và vừa, các công trình phục vụ đời sống dân sinh cho quê hương, địa phương mình. Chỉ tính riêng huyện Diễn Châu đã có hơn 30 doanh nghiệp vào đầu tư xây dựng, trong đó tập đoàn Mường Thanh, do ông Lê Thanh Thản, tổng giám đốc, người con của quê hương đầu tư hơn 2.600 tỷ đồng để xây dựng khu sinh thái Mường Thanh Diễn lâm, Bệnh viện Đa khoa Phủ Diễn, Trường THPT Tư thục Nguyễn Du và Siêu thị Mường Thanh tạo không gian kinh doanh, làm dịch vụ thương mại, phục vụ học tập, khám chữa bệnh và nghỉ dưỡng cho nhân dân. Với tinh thần “Nhà nước, tập thể và nhân dân cùng làm”, mỗi năm tỉnh đã huy động hàng vạn ngày công, hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng đường, trường, trạm, đê sông, đê biển, cầu cống. Ngoài các nguồn vốn ngân sách địa phương, vốn lồng ghép từ các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn còn có sự huy động đóng góp rất lớn từ người dân, và các doanh nghiệp trên địa bàn. Ở các huyện có diện tích đất nông nghiệp nhiều, từ 7.500 ha đến 16.500 ha như Yên Thành, Diễn Châu, Đô Lương, Quỳnh Lưu, Thanh Chương, Nam Đàn, Nghi Lộc, mỗi hộ dân góp từ 60 – 100 ngày công, từ 3 -4 triệu đồng để dồn điền đổi thửa, làm giao thông thủy lợi, bê tông hóa kênh mương nội đồng, xây dựng nhà văn hóa, bãi rác thải tập trung.
Phát huy nội lực trong nhân dân và thực hiện tốt công tác tuyên truyền nên rất nhiều tiêu chí xây dựng NTM ở Nghệ An đã nhận được sự đồng thuận của nhân dân. Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó chủ tịch Hội nông dân tỉnh Nghệ An cho biết: “Chúng tôi làm thật kỹ công tác tư tưởng, giúp nhân dân và hội viên hiểu đúng đắn việc xây dựng NTM là do chính mình làm và chính mình thụ hưởng, sự hỗ trợ của nhà nước chỉ là đòn bẩy. Bà con nông dân các dân tộc trong tỉnh đồng lòng, đồng thuận thực hiện chương trình xây dựng NTM. Đặc biệt là chúng tôi mạnh dạn, kiên quyết thực hiện các giải pháp phát triển ngành nghề, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ, tạo nên những khẩu đột phá trong xây dựng NTM, nhiều xã đã chuyển được 50% số lao động thuần nông sang làm dịch vụ thương mại, đi xuất khẩu lao động, làm việc ở các khu chế xuất, khu công nghiệp. Chỉ tính trong 5 năm (từ 2013 – 2018), các cấp hội nông dân trong tỉnh đã đóng góp 5.242 tỷ đồng, góp 4.696.508 ngày công, hiến 5.828.569 m2 đất để xây dựng NTM”.
Là tỉnh có diện tích đất nông nghiệp, lâm nghiệp lớn nhất so với 6 tỉnh Bắc Trung Bộ, trong đó có 200.000 ha đất nông nghiệp. Thực hiện Nghị quyết 02 và Chỉ thị 08 của tỉnh ủy Nghệ An về tăng cường làm giao thông thủy lợi và dồn điền đổi thửa, xây dựng mô hình, cánh đồng thu nhập cao, các địa phương phát động toàn dân ra quân làm thủy lợi, chỉnh trang đồng ruộng, tôn cao bờ vùng bờ thửa, sản xuất, chế biến phân chuồng, phân xanh cải tạo đất bạc màu. Đối với 92.000 ha ruộng hai vụ lúa chiêm xuân và hè thu thì cơ cấu loại giống lúa chất lượng cao, hạt gạo thơm ngon, bán được giá như Khải Phong số I , Như ưu 986, AC5 và gần đây là Thái Xuyên 111, Thiên ưu 8, Bắc Thơm số 7, Nếp 97. Còn hơn 100.000 ha đất màu ở các huyện ven biển và dọc đôi bờ Sông Lam, Sông Con, Sông Hiếu thuộc các huyện Nam Đàn, Thanh Chương, Anh Sơn, Đô Lương, Tân Kỳ, Quỳ Hợp thì quy hoạch xây dựng vùng chuyên canh, rau màu tập trung, gieo trồng các loại cây nông sản hàng hóa như mía, cam, sắn, lạc, ngô, dưa hấu đỏ và rau sạch. Tám năm xây dựng NTM, bốn huyện Anh Sơn, Tân Kỳ, Thanh Chương, Quỳ Hợp đã trồng được 32.000 ha mía, 20.000 ha ngô và hơn 1.500 ha cam. Do thực hiện luân canh gối vụ, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, sử dụng quỹ đất đạt hệ số 2,8 lần/năm nên năng suất các loại cây trồng đạt cao (lúa vụ xuân đạt bình quân 70 tạ/ha, lạc 35 tạ /ha, ngô 48 tạ/ha/vụ). Còn rau sạch, cá lúa, dưa hấu thu từ 12 -15 triệu đồng/sào. Liên kết “4 nhà” nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp trong phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, đã góp phần quan trọng trong phát triển hạ tầng kinh tế, xã hội ở các địa phương. Bà con nông dân tích cực tham gia xóa đói giảm nghèo, nâng cấp xây dựng mô hình trang trại, gia trại, tổ hợp tác, phát triển kinh tế hộ thu nhập cao. Đến nay, trên tỉnh đã có 158.940 mô hình phát triển kinh tế hộ, trong đó có 32.479 mô hình chăn nuôi, 41.233 mô hình trồng trọt, 36.522 mô hình thương mại dịch vụ. Nhiều hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đã thành lập các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nông thôn, hoặc thành lập các tổ HTX liên kết mở rộng quy mô sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch, có sức cạnh tranh trên thị trường, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập cho người lao động.
Kinh tế phát triển dẫn đến công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ngày càng được nâng cao. Tỉnh thường xuyên duy trì hoạt động tuyên truyền phòng chống dịch bệnh đảm bảo cung cấp nước sạch và giữ gìn vệ sinh môi trường, tỷ lệ hộ dùng nước sạch đạt 96%, có 92% số hộ sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Hơn 250/431 xã xây dựng trạm y tế cao tầng, có bác sĩ làm trạm trưởng trạm y tế. Công tác dân số, KHHGĐ cũng đạt được nhiều kết quả tốt, hàng năm có 80% số xóm không có người sinh con lần ba, 100% trẻ dưới 6 tuổi được cấp thẻ BHYT kịp thời. Nhờ làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân nên bà con yên tâm lao động sản xuất công tác và học tập. Tám năm xây dựng NTM, mặc dù thời tiết không thuận lợi nhưng Nghệ An vẫn được mùa lớn, tổng sản lượng lương thực đạt mỗi năm 1,2 triệu tấn, sản lượng đánh bắt hải sản và nuôi trồng thủy sản đạt 100.000 tấn/năm, trong đó huyện Diễn Châu thu hơn 40.000 tấn/năm. Các huyện trung du, miền núi căn bản hoàn thành giao đất giao đồi và đãphủ xánh hơn 800.000 ha đồi núi trọc, độ che phủ của rừng đạt 60%. Nguồn lợi mà rừng và biển đem lại cho bà con nông dân trong tỉnh mỗi năm hàng nghìn tỷ đồng. Minh chứng rõ nét nhất là tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm từ 8% đến 9%, tỉnh xây dựng được 2 khu công nghiệp, có quy mô từ 60 ha đến 100 ha là Bắc Vinh (thành phố Vinh), Nam Cấm (huyện Nghi Lộc), thu hút hơn 70 doanh nghiệp trong và ngoài nước vào sản xuất kinh doanh. Các huyện Nam Đàn, Diễn Châu, Đô Lương, Quỳnh Lưu, Yên Thành, mỗi nơi xây dựng được 3 -4 nhà máy, 2 -3 khu công nghiệp. Về cơ cấu lao động lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp chiếm 40%, công nghiệp, thương mại chiếm 60% (Riêng ở các huyện trung du miền núi cơ cấu lâm nghiệp, nông nghiệp chiếm 50%). Hiện thu nhập bình quân ở các huyện đồng bằng, thành phố, thị xã đạt 40 triệu đồng/người/năm, các huyện miền núi thu nhập từ 26 triệu đồng đến 30 triệu đồng/người/năm. Hộ giàu và khá ở các huyện đồng bằng, thu từ 100 triệu đồng đến 300 triệu đồng/hộ/năm, chiếm 70%. Hộ nghèo chỉ còn 5%.
Về Nghệ An hôm nay, ai ai cũng bắt gặp sự trù phú bạt ngàn màu xanh cây trái. Bà con nông dân các huyện đồng bằng tập trung thâm canh tốt 100.000 ha lúa, màu với các loại giống mới năng suất cao. Còn bà con các dân tộc ở các huyện miền núi dồn sức phát triển kinh tế vườn đồi vườn nhà, với các loại cây có giá trị cao như cao su, cam, dứa, mía, nuôi gà đồi, lợn rừng, bò vàng để làm hàng hóa. Bên cạnh đó, các huyện đẩy nhanh tiến độ phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó đường giao thông gắn với đê bao chống lũ, triều cường dọc 92km bờ biển nối từ thị xã Cửa Lò đến thị xã Hoàng Mai. Hơn 200km đê sông ở các huyện Diễn Châu, Nghi Lộc, Nam Đàn, Anh Sơn, Thanh Chương, Tân Kỳ, Quỳ Châu, Quỳ Hợp khay dọc đôi bờ các con Sông Lam, Sông Hiếu, Sông Con, Sông Bùng, Sông Cấm. Mùa xuân năm 2019 này, 380/431 xã có xây dựng đường nhựa nối từ trung tâm xã tỏa ra các trục quốc lộ, tỉnh lộ, 100% số xã, phường ở các huyện đồng bằng, thành phố, thị xã, xây dựng được 3 trường cao tầng cho cả 3 cấp học. Tám năm quacác huyện đồng bằng, trung du, miền núi đã thực hiện hơn 250km đường liên huyện, 350km đường liên xã, hơn 1.200 km đường giao thông các xóm, tạo điều kiện cho nhân dân đi lại sản xuất, công tác, học tập được thuận tiện.
Từ cách làm linh động, quyết liệt, bài bản, sau 8 năm xây dựng NTM, Nghệ An đã có 3 đơn vị cấp huyện là thành phố Vinh, huyện Nam Đàn, thị xã Cửa Lò và 185 xã đạt chuẩn NTM, với 19/19 tiêu chí. Các huyện Yên Thành, Diễn Châu, Đô Lương, Quỳnh Lưu, Thanh Chương, Nghi Lộc, Anh Sơn có từ 15 đến 25 xã đạt chuẩn NTM. Rõ ràng nông thôn mới đã mang lại bộ mặt khang trang cho người dân trên quê hương xứ Nghệ, tạo điều kiện cho mọi người hưởng thụ tinh thần, cải thiện môi trường sống, chấm dứt cảnh đò ngang cách trở, có điện, trường, trạm phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt của người dân. Cả 21 huyện, thành phố, thị xã thường xuyên quan tâm và tổ chức thăm hỏi, tặng quà các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng, công tác chi trả chế độ phụ cấp đúng, đủ kịp thời. Tám năm qua, quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, “Vì người nghèo” của các huyện, thành, thị đã vận động hàng trăm tỷ đồng, xây dựng mới và sửa chữa hơn 1.500 ngôi nhà tình nghĩa. Hiện toàn tỉnh có hơn 80.000 con em đang lao động, làm việc ở nước ngoài và theo học ở các trường đại học trong và ngoài nước sẽ là những tiền đề quan trọng để Nghệ An hướng tới xây dựng thành công nông thôn mới./.
Lê Hoài Thung - nguồn TSKN