Thứ hai, 18/11/2024, 04:17

Khuyến nông Nghệ An: Nhiệm vụ và giải pháp năm 2019

Thứ tư - 24/04/2019 22:05 762 0
Hoạt động khuyến nông Nghệ An trong những năm qua luôn nhận được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các ban ngành và Sở Nông nghiệp và PTNT. Đặc biệt năm 2018, hoạt động khuyến nông đã đạt được nhiệt kết quả nổi bật đáng khích lệ, trở thành cầu nối quan trọng không thể thiếu trong việc chuyển giao các tiến bộ khoa học đến cho nông dân.
Khuyến nông Nghệ An: Nhiệm vụ và giải pháp năm 2019
Nhất là có sự phối hợp tích cực của các địa phương trong năm qua nên hoạt động khuyến nông đã được tăng cường và phát triển sâu rộng. Đồng thời, có sự song hành, tham gia tích cực của một số doanh nghiệp vào quá trình tổ chức xây dựng mô hình, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa nên tạo được động lực yên tâm cho nông dân trong quá trình tổ chức sản xuất, nhân rộng các mô hình. Từ đó góp phần từng bước thực hiện thành công đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và chương trình xây dựng nông thôn mới. Một số kết quả hoạt động khuyến nông nổi bật năm 2018 đó là:
 - Xây dựng mô hình trình diễn: 
 + Từ nguồn kinh phí tỉnh đã xây dựng 29 dạng mô hình với 42 điểm trình diễn khuyến nông. Trong đó: Trồng trọt 14 dạng mô hình, 20 điểm trình diễn; Chăn nuôi 3 dạng mô hình, 5 điểm trình diễn; Lâm nghiệp 4 dạng mô hình, 5 điểm trình diễn; Thủy sản 8 dạng mô hình, 12 điểm trình diễn. Các mô hình cơ bản đều thành công, cho hiệu quả kinh tế và tính nhân rộng cao. Điển hình một số mô hình như Trồng thâm canh giống lúa nếp CLC N97 vụ xuân tại huyện Kỳ Sơn; Trồng rau đạt chuẩn vệ sinh ATTP ứng dụng quy trình VietGap tại Thị xã Thái Hòa; Trồng thâm canh Lạc ứng dụng phòng trừ tổng hợp tại huyện Nghi Lộc; Trồng thâm canh ổi nữ hoàng tại huyện Yên Thành; Trồng cây Lùng, Lát hoa, Sa nhân tại huyện Quỳ Châu; Nuôi gà bằng thức ăn thảo dược tại huyện Nam Đàn; Nuôi gà thịt giống mới theo Hướng VietGap có sử dụng đệm lót sinh học tại huyện Diễn Châu; Nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa; Nuôi cá trắm giòn, chép giòn theo VietGap; Nuôi cá trắm đen bằng thức ăn công nghiệp; Nuôi cá Leo trong lồng; Nuôi chạch quế gắn với bao tiêu sản phẩm; Nuôi tôm thẻ thâm canh bằng công nghệ Biofloc,... Ngoài ra, Trung tâm còn triển khai chương trình khuyến nông cho người nghèo ở 4 huyện: Anh Sơn Tương Dương, Nghĩa Đàn và Thị xã Hoàng Mai với 32 con bê lai cái, 8 con nghé cái cho 20 hộ nghèo nhằm chuyển giao nhanh các tiến bộ KHKT mới, giải quyết một phần công lao động nhàn rỗi của hộ nghèo, tạo thêm việc làm, nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi, tăng thu nhập tiến tới thoát nghèo bền vững sau 02 - 03 năm thực hiện chương trình.
 + Từ nguồn kinh phí Trung ương đã thực hiện 3 dự án khuyến nông: Dự án "Xây dựng mô hình và chuyển giao quy trình sản xuất Cam bưởi an toàn gắn với chuỗi giá trị tại các tỉnh miền trung" do Trung tâm Khuyến nông Nghệ An làm chủ trì thực hiện ở 5 tỉnh thuộc vùng Bắc Trung bộ từ Nghệ An đến Thừa thiên - Huế với quy mô 89 ha, 4 điểm liên kết tiêu thụ nông sản, 13 lớp tập huấn ngoài mô hình, 35 cuộc hội thảo đầu bờ và hội nghị tổng kết. Dự án "Xây dựng và phát triển mô hình áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật trồng rừng gỗ lớn mọc nhanh tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung" thực hiện tại 3 điểm: Quỳ Hợp, Tân Kỳ và Thanh Chương với quy mô 116 ha. Dự án "Xây dựng mô hình liên kết nuôi cá rô phi theo VietGap gắn với tiêu thụ sản phẩm" quy mô 03 ha tại 3 điểm trình diễn trong tỉnh. Ngoài ra Phối hợp với Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thuỷ sản Bắc Trung Bộ sản xuất giống Nghêu (Meretrix lyrata) quy mô hàng hóa, diện tích 1.000 m2.
+ Từ nguồn kinh phí theo Nghị định 35/2015/NĐ-CP về quản lý sử dụng đất trồng lúa, các huyện/Thành phố/ Thị xã đã giao cho các Trạm khuyến nông tổ chức thực hiện xây dựng thành công 146 mô hình, với kinh phí hỗ trợ trên 18 tỷ đồng. Điển hình có một số mô hình được triển khai vụ xuân cho năng suất cao hơn so với sản xuất đại trà từ 5- 10%, hiệu quả kinh tế cao hơn 10- 20% như: Mô hình thâm canh lúa SRI và ICM cho năng suất từ 76 – 82 tạ/ha; Mô hình trình diễn giống lúa Thái Xuyên 111 theo quy trình lúa cải tiến SRI cho năng suất đạt 76 – 80 tạ/ha; Mô hình trình diễn giống lúa N97 đạt 72 tạ/ha; Mô hình cánh đồng mẫu lớn cho năng suất 76 tạ/ha; Mô hình liên kết sản xuất lúa giống NA6 cho năng suất 76,8 tạ/ ha,… Đặc biệt một số mô hình có sự liên kết với Tổng Công ty Vật tư Nông nghiệp; Công ty Khang Long, Công ty Quang Minh, Công ty Thắng Hoa, Công ty giống Thái Bình, tập đoàn TH Trumilk để tiêu thụ sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người sản xuất. 
 - Công tác Thông tin tuyên truyền: Thực hiện 12 trang phát thanh, 10 trang chuyên đề, phóng sự trên truyền hình, 12 trang khuyến nông trên Báo Nghệ An với nhiều nội dung chuyên đề, kỹ thuật sát đúng với từng giai đoạn mùa vụ và tình hình sản xuất của địa phương. Biên tập và in ấn, phát hành 12 số tập san khuyến nông với 9.000 cuốn chuyển đến các xã trong tỉnh và 63 tỉnh thành trên cả nước. Duy trì trang Website khuyến nông Nghệ An với nhiều thông tin nông nghiệp kịp thời, tin cậy cho người sản xuất truy cập. Hàng năm cung cấp 101 số Báo Nông nghiệp cho các xã đặc biệt khó khăn ở 6 huyện miền núi, ..
 - Công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Khuyến nông tỉnh huyện, khuyến nông xã, thôn bản và nông dân. Năm 2018 đã tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ khuyến nông tỉnh, huyện 4 lớp với 200 lượt cán bộ tham gia; cán bộ khuyến nông xã 40 lớp với 1.292 lượt người tham gia; cộng tác viên khuyến nông; cán bộ thôn/ bản  60 lớp với 2.959 lượt người tham gia; nông dân 37 lớp với 1.848 lượt người tham gia. Đặc biệt, tổ chức 01 Hội thi tập huấn viên khuyến nông giỏi năm 2018 với 50 thí sinh là cán bộ khuyến nông tỉnh, huyện để nâng cao năng lực, trao đổi chia sẻ kinh nghiệm về phương pháp, kỹ năng, chuyên môn trong công tác chuyển giao tiến bộ KHKT. Bên cạnh đó Trung tâm còn giao nhiệm vụ cho các Trạm khuyến nông huyện/ Thành phố/ Thị xã tổ chức tập huấn cho nông dân 1.000 lớp với 70.000 người tham gia để tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước và các tiến bộ KHKT mới đến cho người dân. Ngoài ra, các Trạm khuyến nông huyện còn phối hợp với UBND huyện, thành phố, thị xã; các công ty, doanh nghiệp tổ chức hàng trăm lớp tập huấn, hội thảo để chuyển giao các giống cây, con và tiến bộ kỹ thuật mới ứng dụng vào sản xuất.
- Đào tạo nghề nông nghiệp cho Lao động nông thôn: Đã tổ chức được 6 lớp nghề tại 6 huyện, 199 học viên tham gia; số học viên được cấp giấy chứng nhận nghề 183/199 đạt 91,9%; tỉ lệ có việc làm, tăng thu nhập đạt trên 70%. Xây dựng, biên soạn trình cấp có thẩm quyền phê duyệt bổ sung cấp phép nghề “Trồng chanh leo” để nâng tổng số nghề được cấp phép đào tạo lên 20 nghề. Việc đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn hiện nay đang là hướng đi hoàn toàn phù hợp với tâm tư nguyện vọng và nhu cầu của lao động làm nông nghiệp; giúp lao động nông nghiệp có thêm cơ hội học nghề, nâng cao năng lực, kỹ năng tay nghề, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống. 
- Công tác tư vấn, dịch vụ: Đã chủ động tư vấn cho một số tổ chức và nông dân về xây dựng dự án, quy trình kỹ thuật, phương pháp triển khai xây dựng mô hình, giới thiệu các địa chỉ cung ứng sản phẩm đầu vào và đầu ra… Phối hợp với một số công ty để thực hiện mô hình sản xuất thử giống lúa thuần Tiền Hải 1, thử nghiệm phân bón Lactofol trên cây dưa hấu, giống ngô mới Thịnh Vượng 9999. Đồng thời từ nguồn kinh phí xây dựng nông thôn mới tổ chức xây dựng mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm rau và cá chép giòn theo tiêu chuẩn VietGap đã được đánh giá và cấp chứng nhận VietGap.
Bên cạnh những hoạt động khuyến nông thường xuyên, Trung tâm còn tích cực thực hiện nhiệm vụ quản lý đội ngũ cộng tác viên cơ sở và bố trí công tác kịp thời đáp ứng các nhiệm vụ công tác do Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT giao theo từng năm, từng quý và đột xuất. 
Phải khẳng định rằng, năm 2018 cùng với những thuận lợi và đứng trước những khó khăn chung của ngành nông nghiệp, nhưng với sự nỗ lực quyết tâm cao của toàn thể cán bộ, cộng tác viên khuyến nông tỉnh nhà, hoạt động  khuyến nông đã đạt được nhiều kết quả thành công, ấn tượng và được các ban, ngành, địa phương đánh giá cao; Sở Nông nghiệp và PTNT Nghệ An ghi nhận và xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tuy nhiên, hoạt động khuyến nông vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục như: Nguồn kinh phí hoạt động khuyến nông hàng năm chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế; chưa xây dựng được nhiều các mô hình áp dụng công nghệ cao, quy mô lớn; Nhiều mô hình trình diễn có hiệu quả nhưng chưa được nhân ra diện rộng nhiều; Công tác khâu nối, liên kết với các doanh nghiệp trong việc tiêu thụ sản phẩm, giải quyết việc làm sau học nghề còn nhiều hạn chế, bất cập,...vv.
Năm 2019, là năm thứ 4 thực hiện kế hoạch 5 năm ngành nông nghiệp và PTNT 2016 - 2020, Nghị quyết tỉnh đảng bộ lần thứ XVIII; hoạt động khuyến nông cần phải tiếp tục không ngừng đổi mới toàn diện theo hướng đa dạng, chất lượng và hiệu quả cả về tư duy lẫn phương pháp tiếp cận, nhất thiết sản xuất nông nghiệp phải gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cơ chế thị trường, với điều kiện hội nhập Quốc tế, với liên kết chuỗi giá trị theo quy mô lớn, lấy hiệu quả giá trị gia tăng làm thước đo nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn về công tác khuyến nông phục vụ sản xuất nông nghiệp, nông dân. Một trong những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm được đặt ra đó là:
Thứ nhất, thực hiện tốt Nghị quyết số 19 NQ/TW (khóa XII) và Đề án đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy theo sự chỉ đạo của Sở Nông nghiệp&PTNT. Tiếp tục xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công tác viên khuyến nông có đủ năng lực, kỹ năng nghiệp vụ, chuyên môn và kinh nghiệm để trở thành chuyên gia giỏi, làm tốt vai trò tham mưu, chuyển giao, tư vấn dịch vụ, hỗ trợ phục vụ sản xuất và phát triển nông nghiệp nông thôn.
Thứ hai, bám sát Quyết định số 3395/QĐ.UBND ngày 06/8/2015 của UBND tỉnh về việc phê duyệt chương trình Khuyến nông giai đoạn 2016 - 2020 để tổ chức xây dựng mô hình theo quy mô lớn (trang trại, gia trại), sản xuất hàng hóa gắn với công nghệ cao, bảo quản, chế biến và liên kết tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu; nhất là chủ động liên kết ”bốn nhà“ nhằm tạo ra sự đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả trong phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn. 
Thứ ba, phương pháp đào tạo, tập huấn, truyền thông đổi mới theo hướng đa dạng, linh hoạt phù hợp với đối tượng, nội dung và điều kiện cụ thể. Đào tạo nghề, tập huấn phải gắn với mô hình trình diễn khuyến nông, mô hình sản xuất có hiệu quả, áp dụng các phương pháp giảng dạy tiên tiến, đưa nội dung thực hành, tham quan thực tế vào chương trình nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động đào tạo tập huấn.
Thứ tư, chủ động thu hút nguồn lực đầu tư, hỗ trợ trong nước và Quốc tế qua các chương trình, dự án về nông nghiệp, nông thôn; rà soát, phân loại các chương trình, dự án để có cơ chế sử dụng lồng ghép hợp lý nguồn vốn theo từng chương trình, dự án nhằm thu hút tối đa nguồn lực của xã hội vào lĩnh vực khuyến nông, tạo đà cho nông nghiệp phát triển, nâng cao giá trị gia tăng và bền vững./.


                                                 Cao Tuấn - Nguồn TSKN
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
mo-hinh-che-huu-co.jpg hoi-nghi-thang-9-6.jpg mo-hinh-ga-2.jpg mo-hinh-luon-4.jpg Kiem-tra-san-xuat.jpg tap-huan-tinh-huyen-5.jpg mo-hinh-buoi-1.jpg a12-6.jpg a26-4.jpg a23-1.jpg image-20240813150406-1-6.png a24-2.jpg a11-3.jpg a25-4.jpg h3-13.jpg
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây