Nông dân Thanh chương Nghệ An nuôi tôm càng xanh trúng lớn
Chủ nhật - 03/05/2020 20:551.4920
Tôm càng xanh có tên khoa học là Macrobrachiumrosenbergii chủ yếu sinh trưởng ở các nước Nam Á và Đông Nam Á, Tây Thái Bình Dương, Bắc Châu Úc, Nam Trung Quốc và Đài Loan, từ vùng nhiệt đới đến cận nhiệt đới. Trong tự nhiên, tôm càng xanh phân bố ở môi trường nước ngọt lẫn nước lợ nên chúng có mặt hầu hết các thủy vực nội địa như sông, hồ, kênh, rạch, ao, đầm và vùng cửa sông.
Ở Việt Nam, tôm càng xanh phân bố từ Khánh Hòa trở vào, tập trung chủ yếu ở vùng đồng bằng Sông Cửu Long, là đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao và ngày càng được ưa chuộng tại Việt Nam. Nhận thấy tiềm năng của đối tượng nuôi này, anh Nguyễn Văn Số, xã Thanh Lĩnh, Thanh Chương đã mạnh dạn tìm hiểu thông qua một số mô hình nuôi thành công của Trung tâm Khuyến nông tỉnh xây dựng tại một số địa phương lân cận mấy năm trước nên năm 2019, anh quyết định đầu tư xây dựng 02 bể ương nổi có diện tích 100 m2 để ương gièo giai đoạn tôm bé sau đó bung ra diện tích ruộng khoảng 1 ha. Với diện tích 01 ha ruộng nuôi, được thiết kế mương (hình chữ L chiếm 30% tổng diện tích, độ sâu so với mặt ruộng 1 m), thả 20.000 con tôm càng xanh giống toàn đực, cỡ giống thả P15, nguồn giống từ Viện nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản II được cán bộ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh giới thiệu, thức ăn cho tôm của hãng Deheus Hà lan và một số thuốc phòng, trị bệnh, khoáng nguyên liệu được anh lấy thông qua đại lý Trần Thị Phương tại thành phố Vinh. Sau gần 4 tháng nuôi, tỷ lệ sống bình quân đạt 60%, cỡ tôm bình quân đạt 20 con/kg, cho sản lượng tôm thương phẩm là 600 kg, giá bán tại ruộng bình quân 350 ngàn đồng/kg, gia đình anh Số thu về 210 triệu đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí tôm giống 14 triệu đồng (20.000 con, giá 700 đồng/con); thức ăn 21,6 triệu đồng (800 kg nhân giá bình quân 27.000 đồng/kg) và chi phí khác 10 triệu đồng, gia đình anh Số thu lãi ròng 164 triệu đồng. Đây thực sự nguồn thu không nhỏ đối với một mô hình ở miền quê thuần nông, đặc biệt là trong lúc nhiều hộ dân nuôi một số đối tượng cá nước ngọt trên ruộng lúa trong tỉnh hiệu quả không, giá trị kinh tế thấp và thị trường không ổn định. Anh Số chia sẻ: có được kết quả trên là nhờ trong suốt quá trình nuôi, tôi luôn đề cao vai trò của kỹ thuật, ngay từ khâu cải tạo ruộng. Anh đã tháo cạn nước trong ruộng và mương, dọn sạch cỏ rác ven bờ, tu sửa lại bờ, cống ruộng, đăng chắn; vét bùn và để lại lớp bùn đáy mương 20 - 30 cm; dùng vôi bột rải đều đáy mương với lượng 5 - 10 kg/100 m2 để tẩy mương, khử trùng, diệt tạp. Sau khi rải vôi được trang lộn vôi với bùn đáy mương. Phơi đáy 5 - 7 ngày (tùy thuộc chất đáy mà phơi nhiều hay ít). Tiến hành thả chà tạo nơi trú ẩn cho tôm như tàu dừa, cây tre không có lá… được phơi khô và dìm xuống nước. Đối với lúa có thể sạ hay cấy nhưng cấy thì tốt hơn vì tôm có thể di chuyển dễ dàng. Bên cạnh đó, khâu chọn và thả giống cũng được anh rất quan tâm.Theo anh Số thành công hay thất bại quyết định rất nhiều ở khâu này, nên anh đã phải tìm hiểu rất kỹ thông qua người quen và sau đó anh quyết định nhờ cán bộ của Trung tâm Khuyến nông Tỉnh đặt giống tôm toàn đực từ Viện nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản II về thả. Phải chọn tôm giống khỏe mạnh, có kích cỡ đồng đều, màu sắc tươi sáng, không bị nhiễm bệnh, có đủ các phụ bộ. Tùy theo kích cỡ tôm giống mà định ra mật độ thả cho phù hợp. Theo anh, tôm giống càng nhỏ thì mật độ thả càng cao: Cỡ tôm giống P15 nếu thả trực tiếp thì thả từ 3-5 con/m2, nếu qua ưng gièo trước khi đưa ra ruộng được trên 30 ngày thì chỉ thả từ 1-2 con/m2 là vừa. Những vùng như Nghệ An và các tỉnh phí Bắc có mùa lạnh thì nên thả trong bể gièo lên cỡ lớn sau đó mới san ra ruộng nuôi đến lúc thu hoạch để có thể rút ngắn thời gian nuôi là tốt nhất. Trước khi thả giống cần kiểm tra các yếu tố môi trường nằm trong khoảng thích hợp (pH nước từ 6,5 - 8,5, nhiêt độ trong khoảng 20 - 340C, tốt nhất là từ 26 - 310C…), thả tôm lúc trời mát và thả đều khắp mương. Về chăm sóc và quản lý, anh cho tôm ăn bằng thức ăn công nghiệp của hãng Deheus từ nhiều kích cỡ khác nhau (theo cỡ tôm) nhưng độ đạm trung bình phải trên 35%, tỷ lệ cho ăn trung bình khoảng 2% trọng lượng tôm và được chia làm hai lần trong ngày (sáng sớm và chiều mát, thời điểm thích hợp nhất là cho tôm ăn lúc buổi chiều tối và lượng thức ăn buổi chiều bằng 70% lượng thức ăn trong ngày). Thức ăn được rải đều xung quanh mương để tôm khỏi tranh nhau. Dùng sàng ăn để kiểm tra sức ăn của tôm. Sau 2 – 3 h kiểm tra sàng ăn, nếu tôm đã ăn hết thức ăn trong sàng thì có thể tăng lượng thức ăn 20 - 30% so với lượng thức ăn trong ngày, nếu thức ăn vẫn còn thì giảm lượng thức ăn xuống 50% và ngừng cho ăn trong những ngày thời tiết thay đổi hay có mưa lớn. Ngoài ra, nên thay nước trong mương hàng ngày khoảng 20 - 30% để giữ môi trường trong sạch (khoảng 1 tuần thì tiến hành thay toàn bộ nước 1 lần và vào giai đoạn cuối vụ nuôi thì thay nước thường xuyên). Định kỳ 15 ngày bón vôi CaCO3 hoà nước tạt và bổ sung khoáng nguyên liệu nhằm ổn định các yếu tố môi trường giúp cho tôm sau khi lột xác nhanh cứng vỏ; thường xuyên kiểm tra xung quanh bờ, cống, lưới chắn tránh thất thoát. Trong thời gian nuôi khoảng 2 tuần/lần bắt tôm cân đo để xem sinh trưởng của tôm, nếu có hiện tượng bị bệnh thì có biện pháp xử lý kịp thời và cuối cùng anh chia sẻ là cần phải có kế hoạch mùa vụ xuống giống hợp lý, như vừa qua do anh đã căn vụ, thu hoạch vào đúng dịp Tết nguyên đán Canh Tý (thu từ ngày 23 đến ngày 25 tháng chạp) nên giá tôm thương phẩm của anh bán được cao. Với những kinh nghiệm rút ra từ thành công của mô hình, anh Số cho biết sẽ tiếp tục đầu tư để mở rộng diện tích nuôi tôm càng xanh trong năm 2020 và những năm tiếp theo. Mong tiếp tục được hỗ trợ, chia sẻ và hướng dẫn của cán bộ khuyến nông các cấp về nguồn gốc tôm giống càng xanh để bà con cùng học tập, làm ăn./. Nguyễn Hải (Báo Nghệ An) - nguồn TSKN