* Ảnh hưởng của nắng nóng đến tôm nuôi.
Nắng nóng kéo dài làm nhiệt độ nước tầng mặt tăng cao nhưng tầng đáy không thay đổi nhiệt độ làm tôm dễ sốc nhiệt độ. Tôm dễ bị mẫn cảm với mầm bệnh.
Với tôm nuôi nhiệt độ trên 30°C tôm phát triển nhanh nhưng rất dễ mắc bệnh. Vì thế khi nuôi tôm người nuôi cần quản lý tốt để nhiệt độ không thay đổi đột ngột, nhiệt độ trong ngày nếu biến động hơn 5oC sẽ làm cho tôm giảm ăn. Để hạn chế dịch bệnh cũng như đề phòng một số bệnh thường xẩy ra vào mùa nắng nóng bà con nên sử dụng biện pháp phòng bệnh bệnh tổng hợp như sau:
+ Làm sạch môi trường nước và ao nuôi:
- Nguồn nước lấy vào ao phải sạch.
- Trước khi thả tháo cạn nước, phơi đáy ao và tẩy ao bằng thuốc diệt khuẩn .
+ Tăng sức đề kháng cho tôm:
- Chọn giống phải khoẻ mạnh, kích cỡ đồng đều, không dị hình.
- Thường xuyên bổ sung Vitamin và khoáng cho tôm.
- Tránh không làm tôm bị sốc: bằng cách ngâm cả túi tôm xuống ao 15 phút để cho nhiệt độ trong túi và nước ao cân bằng nhau, rồi thả tôm ra ao.
+ Ngăn ngừa bệnh:
- Chọn con giống đã qua kiểm dịch.
- Tuân thủ lịch mùa vụ.
- Không thả cỡ tôm quá nhỏ, không nên nuôi với mật độ quá dày.
- Định kỳ dùng vôi rải quanh bờ và xuống ao nuôi.
*. Một số bệnh thường gặp vào mùa nóng.
Vào mùa nóng tôm chân trắng thường nhiễm những bệnh liên quan Gan-Ruột như: Bênh gan tụy (Hội chứng gan tụy cấp tính EMS), bệnh phân trắng, bệnh đục cơ kết hợp với cong thân.
1 Bệnh gan tụy ( Hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính EMS )
Trong suốt quá trình nuôi, tập trung nhiều ở giai đoạn 10 - 45 ngày sau khi thả nuôi.
- Dấu hiệu bệnh:
+ Giai đoạn đầu, triệu chứng của bệnh chưa rõ ràng. Tôm chậm lớn, lờ đờ, bỏ ăn, tấp mé bờ và chết ở đáy ao nuôi.
+ Giai đoạn tiếp theo, tôm bệnh có hiện tượng vỏ mềm, màu sắc cơ thể biến đổi, gan tụy mềm nhũn, sưng to hoặc bị teo lại.
- Biện pháp phòng bệnh:
+ Tuân thủ lịch mùa vụ thả nuôi và chọn con giống thả nuôi đảm bảo chất lượng.
+ Thực hiện đúng quy trình cải tạo ao; quytrình nuôi (chỉ sử dụng chế phẩm sinh học và thức ăn thích hợp, đảm bảo chất lượng, không để dư thừa thức ăn) theo hướng dẫn của cơ quan quản lý thủy sản.
+ Khử trùng bằng các phương pháp như dùng iodine hay ozon…
+ Quản lý chặt chẽ chất lượng nước và bùn đáy ao, các yếu tố môi trường, duy trì màu nước ổn định là cách phòng bệnh hiệu quả nhất.
+ Cần thường xuyên theo dõi sức khoẻ tôm để phát hiện tôm bị bệnh sớm nhằm đưa ra giải pháp điều trị thích hợp.
2. Bệnh Phân trắng
- Tác nhân gây bệnh:
+ Bệnh này do nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu do virus vi khuẩn, ký sinh trùng, yếu tố môi trường, trong đó tác nhân chủ yếu là vi bào tử thuộc giống Plexstophora và vi khuẩn thuộc giống Vibrio.
+ Bệnh thường xuất hiện trong mùa nắng nóng, nhiệt độ nước cao, mật độ nuôi cao; tôm dễ bị bệnh khi nuôi được từ 40 đến 90 ngày. Đặc biệt, bệnh thường xuất hiện khi thời tiết bất thường (nắng nóng, mưa kéo dài hoặc khi thời tiết thay đổi). Bệnh xuất hiện cả trên tôm sú và tôm thẻ chân trắng.
- Dấu hiệu bệnh:
Khi tôm bị bệnh, kiểm tra sàn/nhá/vó sẽ thấy phân dài > 1cm là có dấu hiệu bệnh, phân tôm màu trắng trên sàn ăn hoặc nổi trên mặt nước dọc bờ ao, góc ao là bệnh đã xuất hiện (cuối hướng quạt nước, cuối hướng gió). Tôm bị phân trắng sẽ giảm ăn hoặc ăn không tăng theo tuổi. Kiểm tra tôm sẽ thấy ruột tôm không đầy thức ăn, có những đốm màu vàng cát ở phần cuối ruột. Tôm bị óp, vỏ mỏng, teo nhỏ dần và chậm lớn.
- Cách phòng ngừa:
+ Để phòng ngừa bệnh này, cần phải chuẩn bị ao nuôi sạch sẽ ngay từ đầu. Không sử dụng thức ăn bị nấm, mốc;
+ Trong quá trình nuôi quản lý chặt chẽ các yếu tố môi trường; định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học làm sạch môi trường. Thay nước định kỳ đặc biệt trong những thời điểm nắng nóng.
+ Tăng cường men vi sinh tiêu hóa, giúp tôm hấp thụ thức ăn tốt hơn. Bổ sung vitamin và khoáng chất giúp tôm tăng cường sức khỏe và giảm căng thẳng (stress). Đối với những con tôm bị chết phải vớt ra khỏi ao để tránh tình trạng bệnh lây lan do tôm khỏe ăn tôm bệnh.
- Cách trị bệnh:
+ Áp dụng triệt để biện pháp phòng bệnh tổng hợp
+ Sử dụng vi sinh và một số men tiêu hóa trộn cho ăn để tăng cường hệ vi sinh đường ruột và giúp tôm tiêu hóa tốt, kết hợp làm sạch môi trường ao nuôi bằng một số loại diệt khuẩn nhẹ như: Iodine, nano bạc ...
3. Bệnh cong thân, đục cơ:
Bệnh thường bị nhiễm bệnh chủ yếu ở giai đoạn từ 10 ngày tuổi trở lên, nếu không có biện pháp chữa trị kịp thời sẽ ảnh hưởng lớn đến tỉ lệ sống và gây thiệt hại lớn về tiền và của.
*. Tác nhân gây bệnh:
+ Nguyên nhân gián tiếp gây hiện tượng cong thân, đục cơ là thiếu các loại khoáng vi lượng và đa dạng.
+ Trong môi trường ao nuôi không cung cấp đủ khoáng cho tôm hoặc độ mặn cao diễn ra quá trình cạnh tranh ion làm tôm khó hấp thu khoáng dẫn đến tôm bị bệnh.
+ Bệnh xảy ra khi nhấc nhá lên khỏi mặt nước vào ban ngày, chài tôm khi trời nóng tôm sẽ bị sốc do sự chênh lệch nhiệt độ.
+ Khi bật và tắt quạt làm tôm giật mình phản ứng lại hoặc trường hợp thu tỉa làm tôm bị stress khiến cơ bị đục một phần hay tòn bộ cơ thể.
+ Việc ao thiếu oxy cũng là nguyên nhân khiến môi trường thay đổi, nắng mưa xen kẽ làm tôm bị sốc nhiệt dễ mắc bệnh cong thân và đục cơ.
- Ngoài ra, một số trường hợp tôm bị đục thân là do virus gây ra, có thể là do vi bào tử trùng (EHP) hoặc cũng có thể là do virus IMNV gây ra. Khi bị nhiễm bệnh tôm có các dấu hiệu bị đục cơ ở phần đuôi sau đó lan ra toàn thân, tỷ lệ chết có thể lên đến từ 40 – 60% tôm trong ao nuôi.
- Ngoài ra, một số nguyên nhân khác có thể kể đến như: tôm thả nuôi với mật độ cao, không phù hợp với diện tích và mực nước ao nuôi, thức ăn kém chất lượng, thiếu dinh dưỡng.
*. Dấu hiệu bệnh lý:
- Phần mô cơ chạy dọc theo cơ thể trở nên trắng đục kèm theo đó là hiện tượng cong thân (giống con tôm chín).
- Khi đưa tôm trở lại ao thân tôm vẫn bị cong và không duỗi thẳng lại được, tôm chết sau một thời gian ngắn.
*.Cách trị bệnh cong thân, đục cơ trên tôm
- Đối với trường hợp tôm bị cong thân, đục cơ nên bổ sung các loại khoáng chất cần thiết và Vitamin cho tôm để khắc phục tình trạng thiếu dinh dưỡng và phòng ngừa một số loại bệnh khác như bệnh đường ruột trên tôm…
- Ngăn ngừa sự hình thành các loại virus và vi bào tử trùng, có thể sử dụng một số loại chế phẩm tự nhiên để ức chế vi bào tử trùng cho ao nuôi.
- Lựa chọn con giống sạch, chất lượng và không bị nhiễm bệnh.
*. Một số giải pháp khắc phục khi nhiệt độ thay đổi đột ngột, nắng nóng.
- Luôn giữ mực nước 1,5-1,7m để ổn định nhiệt độ cho ao nuôi ở những nơi có điều kiện. Ương nuôi tôm trong nhà bạt để kiểm soát nhiệt độ nước.
- Tăng cường chạy quạt để giảm sự phân tầng nhiệt độ và cung cấp đầy đủ oxy cho ao nuôi.
- Bổ sung chất dinh dưỡng cho tôm trong những ngày nắng gắt hoặc mưa âm u. Bổ sung Vitamin C, βglucan… nhằm tăng cường sức đề kháng cho tôm trong những ngày thời tiết bất thường.
-Giảm 30-50% lượng thức ăn khi thời tiết thay đổi đột ngột hoặc nắng gắt, mưa âm u nhiều ngày.
- Bổ sung men vi sinh+mật đường ủ trong 3-6 tiếng để cung cấp vi khuẩn có lợi và kiểm soát vi khuẩn có hại trong ao nuôi.
Cao Lệ Hằng - nguồn TSKN