Chủ nhật, 22/12/2024, 04:25

Giải pháp nâng cao hiệu quả chính sách hỗ trợ nông nghiệp ở Nghệ An

Thứ ba - 29/10/2019 20:53 1.137 0
So với các quy định trước đây, Quyết định số 15-QĐ.UB năm 2018 của UBND tỉnh cùng với tiếp nối trên 20 chính sách hỗ trợ đã có, tỉnh còn bổ sung hỗ trợ đối với các cây con phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Sau gần 2 năm triển triển khai, bên cạnh kết quả tích cực, một số chính sách đã bộc lộ vướng mắc cần sớm có giải pháp tháo gỡ để mang lại hiệu quả tối đa.
Giải pháp nâng cao hiệu quả chính sách hỗ trợ nông nghiệp ở Nghệ An
Những chính sách tạo hiệu ứng tích cực
          Đến thăm mô hình cam, kết hợp ổi Đài Loan của ông Trương Công Sơn, xóm Phú Thắng, một trong những mô hình được hưởng hỗ trợ bơm tưới của xã Nghĩa Phú, Nghĩa Đàn. Mô hình từng là vùng đất đồi khô cằn trồng keo, cách đây 4 năm, ông Sơn đầu tư cải tạo đã trở thành vườn cây ăn quả cho thu nhập khoảng 200 triệu mỗi năm. Ông Sơn cho biết: trước đây, khi có hệ thống bơm tưới, gia đình chỉ dám trồng ổi là giống chịu hạn được. Từ nhà nước có chính sách hỗ trợ bơm tưới, gia đình đầu tư hơn 100 triệu đồng để khoan giếng, mua máy bơm và đường dây đưa nước từ giếng lên ao chứa trên đỉnh đồi để bơm tưới xuống. Nhờ có hệ thống bơm tưới nên từ năm 2018, mỗi vụ ổi thu nhập khoảng 200 triệu đồng và để sử dụng hiệu quả đất, ông được nhà nước hỗ trợ nên trồng xen thêm 900 gốc cam. Hiện gia trại cây ăn quả 1,6 ha được bơm tưới thường xuyên nên cam phát triển rất tốt.
Ông Hồ Hữu Hoài – Phó Chủ tịch UBND xã, cũng là chủ một mô hình quýt và ổi ở Nghĩa Phú cho biết: năm 2018, toàn xã có 11 mô hình được hỗ trợ khoan giếng và hàng chục hộ gia đình được hỗ trợ cải tạo giống mía mới. Nhờ các chính sách hỗ trợ mà toàn xã trồng được gần 200 ha cây ăn quả và 410/410 ha mía đều bằng giống mới. Từ xã nghèo thuần nông, đến nay, mỗi năm Nghĩa Phú thu hàng tỷ đồng từ cây ăn quả, năng suất mía tăng từ 310.000 tấn lên 440.000 tấn/năm.
Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, ngoài chính sách hỗ trợ của tỉnh, Nghĩa Đàn còn hỗ trợ khoảng 700 triệu đồng cho bà con nông dân. Nhờ vậy, trong bối cảnh năng suất và diện tích mía giảm dần nhưng sản lượng vẫn đảm bảo; huyện đã phát triển vùng cây công nghiệp và ăn quả gồm cam, quýt, bưởi và ổi gần 2.000 ha.
Chính sách hỗ trợ nông nghiệp nữa phát huy hiệu ứng tích cực đó là mô hình nuôi tôm công nghệ cao 2 giai đoạn. Về Diễn Trung (Diễn Châu), một trong 3 địa phương có mô hình nuôi tôm công nghệ cao được tỉnh hỗ trợ. Ông Ngô Xuân Đại, chủ mô hình cho biết: trước đây, khi chưa có công nghệ nuôi 2 giai đoạn, gia đình đầu tư theo hướng VietGap nhưng vụ được vụ không. Từ sau khi được tỉnh khảo sát và chọn triển khai, cuối năm 2018 ông đầu tư thêm 1,5 tỷ đồng cải tạo ao đầm theo mô hình nuôi 2 giai đoạn là ương dèo sau đó thả ra ao nuôi. Qua 2 vụ cho thấy, so với trước đây, năng suất tôm đạt bình quân từ 10-12 tấn/ha, ổn định hơn. Hiện nay, ông đang cải tạo tiếp trong số diện tích 5 ha ao đầm nuôi gối vụ tôm quanh năm.
Có thể nói chuyển từ nuôi tôm sú sang nuôi tôm thẻ là bước chuyển thành công nhất của nuôi tôm Nghệ An những năm gần đây. Nền tảng trên là cơ sở để Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai mô hình nuôi tôm thẻ theo hướng semi –biofloc tại Quỳnh Bảng, Quỳnh Minh (Quỳnh Lưu) và Diễn Trung (Diễn Châu). Từ vài mô hình điểm ban đầu của ông Nguyễn Văn Khánh ở Quỳnh Minh và ông Hồ Đức Tài ở Diễn Trung, đến nay Quỳnh Lưu đã có 15 mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn với diện tích khoảng 50 ha; tương tự, tại Diễn Châu đã có 13 chủ đầm cải tạo ao đầm chuyển sang nuôi 2 giai đoạn theo semie-biofloc với diện tích trên 15 ha. Hiện tại, ngoài mô hình ông Đại ở Diễn Trung, tỉnh còn hỗ trợ Hoàng Văn Tin ở xã Quỳnh Bảng và Nguyễn Văn Thuyên ở xã Quỳnh Thanh nuôi tôm theo công nghệ mới.
Cùng với chính sách hỗ trợ bơm tưới hay nuôi tôm công nghệ cao, chính sách hỗ trợ mô hình nhà lưới công nghệ cao và hỗ trợ làm lúa thuần chất lượng cao khá hiệu quả, tạo hứng khởi cho bà con. Từ 5 mô hình nông nghiệp nhà lưới được hỗ trợ năm 2018, đến nay đã có 7 huyện, thành đăng ký với kinh phí khoảng 1,5 tỷ đồng; toàn tỉnh hiện có 30 mô hình nông nghiệp nhà lưới với diện tích trên 35 ha.
Đến những hạn chế, bất cập cần tháo gỡ
Bên cạnh kết quả tích cực trên, sau gần 2 năm thực hiện Nghị quyết 14 của HĐND tỉnh và Quyết định 15 của UBND tỉnh cũng phát sinh một số vướng mắc.
Trước hết là chế độ hỗ trợ về bơm tưới: theo quy định, mỗi mô hình cây ăn quả, khi lắp đặt hệ thống bơm tưới được nhà nước hỗ trợ 40% giá trị, tối không quá 30 triệu đồng cho công trình được quyết toán do cấp có thẩm quyền phê duyệt; hỗ trợ 40% giá trị công trình nhưng tối đa không quá 20 triệu đối với hồ đập nhỏ có dung tích từ 30.000 m3 đến 70.000 m3 nằm trong vùng quy hoạch phát triển cây công nghiệp hoặc cây ăn quả...  
Đại diện chủ một mô hình cho biết: áp dụng quy định trên, để được hỗ trợ bơm tưới, chủ mô hình phải xuất trình hóa đơn chứng minh 40% giá trị đồng nghĩa với mức từ 130-150 triệu/công trình thì mới được xem xét hưởng đến 30 triệu. Điều này vô tình làm khó nông dân vì lấy hóa đơn đồng nghĩa với bà con phải mất 10% giá trị tương đương từ 13 - 15 triệu và số tiền bà con nhận chỉ còn 50%. Ông Nguyễn Ngọc Lan, xóm Phú Tiến, xã Nghĩa Phú chia sẻ: gia đình được hỗ trợ 30 triệu bơm tưới nhưng ông phải đầu tư trên 100 triệu và thủ tục nhận khá phức tạp. Băn khoăn trên cũng được ông Lâm Văn Thắng, Trưởng Phòng Nông nghiệp Nghĩa Đàn đồng cảm, quy định hỗ trợ khá chặt nên năm 2018, huyện hỗ trợ 37/50 mô hình đã đăng ký. Năm 2019 này, do thủ tục quá chặt nên khá ít chủ mô hình đăng ký; nếu hồ sơ hỗ trợ không được cải tiến, cuối năm chi không hết thì huyện phải trả về ngân sách.
Tương tự, chính sách hỗ trợ nuôi tôm công nghệ cao dù mới triển khai nhưng để được hỗ trợ là không dễ chút nào. Chủ mô hình ngoài điều kiện là hộ có vốn, kỹ thuật và tâm huyết, phải có diện tích ao đầm hợp pháp và nằm trong vùng quy hoạch và đăng ký từ đầu với UBND địa phương mới được chọn. Khi nuôi theo công nghệ mới, chủ đầm phải làm bài bản, từ màng lưới làm mát phía trên, hệ thống ao nuôi phải có ao lắng lọc, ương dèo; hệ thống cung cấp nước vào/ra riêng; khi tôm lớn quạt gió chạy 24/24h. Mặt khác, trong quá trình nuôi và chuyển giao công nghệ, từ con giống đến thức ăn, chế phẩm phải chọn đơn vị có uy tín theo chỉ định…
Ông Lê Văn Hướng – Phó Chi cục Trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh thẳng thắn: để nuôi tôm công nghệ cao, chủ đầm đầu tư khoảng 1,2 tỷ đồng/ha để cải tạo lại ao đầm. Theo quy định, chủ đầm được hỗ trợ 30% chi phí nên phải mua hóa đơn 700 triệu thì mới được xem xét, hỗ trợ đến tối đa là 200 triệu đồng. Vì vậy, thay vì được hỗ trợ 200 triệu thì chủ mô hình chỉ được130 triệu vì hóa đơn đã 70 triệu.
Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết, toàn tỉnh hiện có gần 1.000 ha đầm và do người dân đã chuyển sang nuôi tôm thẻ nên bình quân được 3 vụ/năm. Hiện nay, mặc dù hỗ trợ của tỉnh chỉ 3 mô hình/năm, kèm theo đó là kinh phí chuyển giao 30 triệu/mô hình/năm nhưng nhiều hộ đã đầu tư nuôi theo hướng 2 giai đoạn, diện tích khoảng 60-65 ha. Mặc dù nhu cầu hỗ trợ rất lớn nhưng với điều kiện khắt khe trên, chỉ các hộ nuôi có điều kiện và nguồn lực tài chính dồi dào thì mới được hỗ trơ.
Ngoài hạn chế, bất cập trên, qua tìm hiểu tại địa bàn Quỳnh Lưu và Diễn Châu, việc triển khai chính sách hỗ trợ đất lúa rất khó khăn. Nguyên nhân là do bà con nông dân không còn mặn mà với cây lúa. Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp 2 huyện, vụ hè thu này có trên 1.000 ha lúa đã bị bỏ hoang. Ông Phan Huy Hảo - Trạm trưởng Trạm khuyến nông Diễn Châu chia sẻ: theo quy định mới, địa bàn các huyện đồng bằng như Diễn Châu, người dân khi đăng ký làm giống lúa thuần chất lượng cao thì hỗ trợ 50% giống lúa và 50% chi phí vật tư phân bón. Tuy nhiên, do bà con không mặn mà với cây lúa nên cả khi hỗ trợ 100% giống bà con cũng không làm và thực tế hàng năm huyện rất khó giải ngân chế độ hỗ trợ đất lúa.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Duy Thiều – Phó Phòng Tài chính Kế hoạch, Sở Nông nghiệp & PTNT chia sẻ: so với trước đây, quy định mới của tỉnh giới hạn về số lượng và mức tiền cho mỗi mô hình hỗ trợ. Nguyên nhân là vì kinh phí hỗ trợ nông nghiệp còn hạn hẹp, phải khống chế nếu không nợ sẽ phát sinh. Quá trình triển khai, tỉnh cố gắng tháo gỡ các vướng mắc phát sinh từ thực tiễn. Theo chu kỳ, từ 2-3 năm, trên cơ sở tổng hợp, tỉnh sẽ đánh giá và điều chỉnh cho phù hợp. Hy vọng các vướng mắc trên sẽ được tỉnh xem xét, sửa đổi trong thời gian tới./.
 Sau hơn 1 năm thực hiện Quyết định số 15/QĐ.UB về hỗ trợ chính sách nông nghiệp, về trồng trọt và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tỉnh có 41 mô hình được hỗ trợ với tổng diện tích 150, 3 ha. Về chăn nuôi, có 14 mô hình với 4.617 con lợn, 18.100 con gà được hỗ trợ. Về lâm nghiệp, có 16 mô hình với tổng diện tích 29,5 ha. Về thủy sản, đã hỗ trợ 23 mô hình với tổng diện tích 13,7 ha; 2 máy dò ngang, 2 ra đa hàng hải và 1 máy thông tin liên lạc tầm xa cho bà con ngư dân.

                                                                      Nguyễn Hải  - nguồn TSKN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
a2-9.jpg Nuoi-cac-long-cua-song-cua-ho-Vu-Van-Manh-xa-Nghi-Quang-huye z6098847690463-7001a19e38215bdbc3068ea76aa3cc89-1.jpg a3-7.jpg mo-hinh-ga-2.jpg mo-hinh-luon-4.jpg Kiem-tra-san-xuat.jpg tap-huan-tinh-huyen-5.jpg mo-hinh-buoi-1.jpg hoi-nghi-thang-9-6.jpg mo-hinh-che-huu-co.jpg a23-1.jpg image-20240813150406-1-6.png a24-2.jpg a25-4.jpg
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây