Thứ ba, 03/12/2024, 13:01

Giải pháp nào ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn

Thứ hai - 09/03/2020 22:14 1.075 0
Theo kết quả dự báo mới nhất của Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương và Đài Khí tượng - Thủy văn Bắc Trung Bộ cho biết: Hiện tượng ENSO ở trạng thái trung tính nhưng vẫn nghiêng về pha nóng từ nay đến giữa năm 2020.
Giải pháp nào ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn
Tuy nhiên do ảnh hưởng của giải hội tụ nhiệt đới sẽ có mưa ở các tháng 12 và tháng 01/2020, nhưng lượng mưa không đáng kể. Sang tháng 02 và 03 phổ biến không mưa, tháng 04 lượng mưa khả năng thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN) từ 10 - 20% và sang thứ 5 lượng mưa xấp xỉ TBNN. Về nguồn nước hiện tại ở các hồ đập cho thấy: Trong số 96 hồ đập lớn do các doanh nghiệp thủy nông quản lý có 50 hồ đập đang đầy nước, 16 hồ đập mức nước khoảng 70% dung tích thiết kế, 30 hồ đập còn lại mức nước chỉ ở mức trên dưới 50% dung tích thiết kế. Các hồ đập nhỏ do UBND xã và HTX NN quản lý 529 hồ đập, trong đó có 363 hồ, đập đang đầy nước, còn lại 166 hồ, đập, mức nước trong hồ chỉ có khoảng 50 - 60% dung tích thiết kế.
Các hồ đập thủy điện như hồ Bản Vẽ, Khe Bố - mức nước hiện tại đều thấp thua cùng kỳ này năm ngoái và phải liên tục xả nước để phát điện thì việc tích nước trên các hồ đập thủy điện sẽ giảm dần theo thời gian.
Tóm lại có thể nói tình hình diễn biến của thời tiết những tháng sắp tới và khả năng nguồn nước để phục vụ sản xuất vụ xuân 2020 sẽ gặp khó khăn, nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn có thể xảy ra sớm trên quy mô lớn vào các tháng từ cuối tháng 3 trở đi.
Trước tình hình như vậy, để hạn chế thiệt hại do hạn hán và xâm nhập mặn gây ra, đề nghị:
Một: Tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng đến tận người dân để tất cả mọi người đều có ý thức tích trữ nước, dự phòng nước trong ao hồ, đầm đìa, mương máng để phòng chống hạn và hết sức tiết kiệm nước khi tưới cho cây trồng và cả nước trong sinh hoạt. Đặc biệt chống tình trạng khá phổ biến xưa nay ở các vùng tưới nước từ nguồn tự chảy ở hệ thống bara Đô Lương, qua Yên Thành, xuống Diễn Châu, ra Quỳnh Lưu và những địa phương tưới nước hồ đập… tưới nước chảy tràn vào ruộng, nước thừa chảy tràn xuống mương tiêu vô cùng lãng phí.
Hai: Khảo sát, đánh giá vùng nào, cánh đồng nào sẽ có nguy cơ bị hạn, quy mô diện tích bao nhiêu ha dể có biện pháp xử lý phù hợp. Nếu khả năng bị hạn có thể xảy ra nghiêm trọng mà không có khả năng ứng cứu (bất khả kháng), nhất là vùng tưới nước cuối kênh; vùng tưới nước hồ đập, nhưng nguồn nước trong hồ, đập hiện đã khô cạn thì nên chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng ngay từ bây giờ, từ gieo cấy lúa chuyển sang trồng các loại cây hoa màu khác như ngô, đậu, lạc, rau màu các loại… Nếu khả năng bị hạn vào giai đoạn cuối vụ, má không có nguồn nước tưới bổ sung hoặc trời không có mưa thì tìm giải pháp tích trữ nguồn nước vào trong các ao, hồ, mương máng, tưới nước tiết kiệm, đắp bờ giữ nước tại ruộng thật tốt v.v…
Ba: Khuyến khích bà con nông dân hạn chế đến mức thấp nhất gieo sạ lúa (gieo thẳng). Vì trước khi gieo sạ, ruộng phải có nước sâu từ 3-4 cm để cày, bừa đất nhuyễn kỹ, sau đó tháo nước ra cạn kiệt để trang phẳng mặt ruộng rồi mới gieo lúa xuống. Như vậy khối lượng nước mất đi bình quân trên mỗi ha lúa trước khi gieo sạ từ 300 - 400 m3 nước, một lượng nước không nhỏ, nếu chúng ta không gieo sạ sẽ tiết kiệm được cho công tác phòng chống hạn rất tốt.
Bốn: Riêng những vùng có khả năng bị ảnh hưởng của nước mặn như: Vùng gần các cửa Sông Lam, sông Cấm, kênh Hoàng Cần, sông Hoàng Mai… Ở những vùng này phải thường xuyên kiểm tra chất lượng nước. Nếu nước ở các con sông này có độ mặn vượt quá 1/1.000 thì các trạm bơm trên những con sông này phải ngừng hoạt động ngay, nếu không cây trồng nói chung, cây lúa nói riêng sẽ chết.
Năm: Tuyên truyền, chỉ đạo, hướng dẫn nông dân áp dụng phương pháp tưới nước cho lúa tiết kiệm nhất, bằng cách: Tưới nông, lộ, phơi; tưới khô, ướt luân phiên; tưới nông thường xuyên. Tuyệt đối không nên tưới nước quá sâu, tưới nước tràn gây lãng phí nước.
Sáu: Đối với các loại cây công nghiệp, cây ăn quả… thì hướng dẫn bà con nông dân tấp tủ quanh gốc cây bằng rơm, rạ, lá cây cỏ khô hoặc phủ kín ni lon ở phần đất quanh gốc cây để chống hạn rất có hiệu quả.
Các Công ty thủy nông quản lý nguồn nước tưới đầu nguồn cần có lịch đóng, mở cống dẫn nước tưới cho từng con kênh trong từng thời gian cụ thể để tránh tình trạng các cơ sở sản xuất tranh chấp nhau lấy nước, vừa gây ra hiện tượng nơi thừa nước, nơi thiếu nước như đã xẩy ra trong các vụ sản xuất trước đây.
Sản xuất vụ xuân năm nay đang đứng trước nguy cơ hạn hán có thể xẩy ra nghiêm trọng. Vì vậy, các địa phương và từng cơ sở sản xuất phải chủ động có phương án phòng chống hạn thật cụ thể để hạn chế thất thiệt do hạn hán gây ra.

                                                                                         Doãn Trí Tuệ
                                                                            Thành phố Vinh - nguồn TSKN

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
mo-hinh-che-huu-co.jpg hoi-nghi-thang-9-6.jpg mo-hinh-ga-2.jpg mo-hinh-luon-4.jpg Kiem-tra-san-xuat.jpg tap-huan-tinh-huyen-5.jpg mo-hinh-buoi-1.jpg a12-6.jpg a26-4.jpg a23-1.jpg image-20240813150406-1-6.png a24-2.jpg a11-3.jpg a25-4.jpg h3-13.jpg
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây