Nhìn lại sau 5 năm thực hiện chương trình khuyến nông người nghèo
Thứ tư - 31/03/2021 04:401.7060
Thực hiện Quyết định số 3736/QĐ-UBND ngày 25/8/2015 của UBND tỉnh Nghệ An về việc phê duyệt kế hoạch thực hiện các mô hình khuyến nông phục vụ người nghèo trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016-2020 với mục tiêu chung đó là Từ nguồn lực chính của khuyến nông lồng ghép với hoạt động truyền thông (Đài PTTH; Báo Nghệ An...) nhằm kêu gọi sự hỗ trợ của các doanh nghiệp để hỗ trợ các hộ nghèo thông qua việc đầu tư con giống, cây giống, vật tư, kỹ thuật, giúp người nghèo tiếp cận các chính sách, nguồn lực thị trường (vốn, lao động, đất đai, khoa học kỹ thuật - công nghệ và hàng hóa đầu vào, đầu ra...) hướng đến phát triển sản xuất và dịch vụ, tăng nhanh thu nhập,... tiến tới giảm nghèo bền vững.
Sau 5 năm triển khai thực hiện chương trình khuyến nông phục vụ người nghèo được đánh giá là thành công và cơ bản đạt được nhiều kết quả nổi bật, đáng ghi nhận. Để đạt được mục tiêu và hiệu quả chương trình, hàng năm Trung tâm đã chủ động xây dựng kế hoạch, đồng thời căn cứ vào Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 để lựa chọn hộ nghèo tham gia theo đúng mục tiêu, yêu cầu của mô hình khuyến nông người nghèo đề ra. Phối hợp với Phòng Lao động và TBXH, Nông nghiệp & PTNT lựa chọn xã/phường đủ điều kiện tham gia chương trình. Từ đó cùng với Lãnh đạo, Mặt trận Tổ quốc, Hội nông dân, Hội Phụ nữ xã và các xóm trưởng trên nguyên tắc công khai, dân chủ, minh bạch và tiêu chuẩn để tổ chức họp bình xét lựa chọn hộ nghèo tham gia. Kết quả đã có 100 hộ nghèo của 19 xã thuộc 19 huyện/thành/thị được tham gia chương trình với 3 dạng mô hình đó là mô hình chăn nuôi trâu, bò kết hợp trồng cỏ, nuôi dê sinh sản, trồng cây bobo, đây là những mô hình được hộ nghèo lựa chọn, phù hợp với tiêu chí, điều kiện sản xuất, khả năng chăn nuôi, trồng trọt và kinh tế gia đình. Chương trình đã thực hiện hỗ trợ cho các hộ nghèo 100% giống bò, nghé, dê, giống cây bo bo, giống cỏ và vật tư phân bón trồng cỏ, cụ thể là đã hỗ trợ 168 con bò, 10 con trâu giống, 39 con dê, 10 ha cây bo bo, 45.000m2 cỏ. Tính đến nay có 89 con bò và 3 con trâu đã đẻ, 62 con bò và 6 con trâu đang có chửa, còn một số con chưa phối giống do mới cấp. Cây bo bo sinh trưởng phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt trung bình 93%, chiều cao cây từ 119 cm-123cm, 3-4 cây/khóm. Cỏ trồng làm thức ăn cho trâu, bò, dê là giống cỏ VA06 sinh trưởng phát triển mạnh, ước tính đạt 250-300 tấn/ha, đủ cung cấp nguồn thức ăn xanh cho vật nuôi quanh năm. Qua kiểm tra, theo dõi đã có 57/100 hộ thoát nghèo, trong đó có những hộ nghèo thực hiện mô hình chăn nuôi trâu, bò kết hợp trồng cỏ cho thu nhập từ bán bò khoảng 8-47 triệu đồng/năm, nhiều hộ đã tăng quy mô đàn lên từ 4-8 con. Mô hình dê sinh sản đều có số lứa đẻ bình quân 1,3 lứa/ con, thu nhập từ 12-52 triệu đồng/năm và đưa tổng đàn dê sinh sản hiện nay lên trên 200 con. Mô hình trồng xen cây Bo bo dưới tán rừng tuy mới trồng chưa cho thu hoạch, nhưng dự kiến sau 3 năm sẽ cho thu nhập từ 15- 20 triệu đồng/1ha, giúp đồng bào dân tộc phát triển kinh tế, bảo vệ rừng và bảo vệ môi trường. Trao đổi với chúng tôi, Anh Lang Văn Bán Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Con Cuông (tiền thân là Trạm khuyến nông) là một trong những đơn vị trong tỉnh được tham gia chương trình khuyến nông phục vụ người nghèo cho biết: Mô hình khuyến nông người nghèo rất thiết thực, hiệu quả, có tính vượt trội hơn các chương trình khác đó là mỗi hộ nghèo được hỗ trợ 2 bò cái sinh sản, 1 sào cỏ trồng để làm thức ăn, được tập huấn kỹ thuật để biết cách nuôi dưỡng chăm sóc, phòng trị bệnh, biết xác định thời điểm động dục, phối giống thích hợp, đặc biệt trong quá trình nuôi được cán bộ khuyến nông, thú y thường xuyên quan tâm hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn, giải quyết những khó khăn gặp phải nên các hộ nghèo nuôi bò rất phấn khởi, tin tưởng, bò sinh trưởng phát triển khỏe mạnh, sinh sản thành công cho thu nhập kinh tế sau 1-2 năm nuôi, hiện nay cơ bản các hộ đã thoát nghèo. Song song với triển khai mô hình, Trung tâm khuyến nông đã phối hợp với Đài phát thanh - truyền hình Nghệ An thực hiện được 10 trang phóng sự phát trên sóng truyền hình, đây là kênh tuyên truyền nhằm phản ánh và đánh giá hiệu quả, tác động của chương trình khuyến nông phục vụ người nghèo, từ đó làm cơ sở cho các địa phương tuyên truyền, khuyến cáo để các hộ nghèo khác học tập và áp dụng. Từ kết quả đạt được, hàng năm đều tiến hành tổ chức sơ kết, tổng kết cùng với sự tham gia của các hộ trong, ngoài mô hình để đánh giá hiệu quả, rút ra bài học kinh nghiệm, đề xuất giải pháp khắc phục khó khăn, biện pháp nhân rộng và duy trì tính bền vững của mô hình. Phải nói rằng, thông qua chương trình khuyến nông người nghèo đã đem lại hiệu quả hết sức thiết thực, hoàn toàn phù hợp với nguyện vọng của chính quyền các cấp và hộ nghèo trên địa bàn tỉnh đó là đã giúp cho hộ nghèo có vật liệu sản xuất ban đầu (con giống, cây giống, thức ăn, phân bón, ..) để áp dụng tiến bộ KHKT, phát triển sản xuất nâng cao hiệu quả, giải quyết một phần công lao động nhàn rỗi của hộ nghèo, tạo công ăn việc làm, nâng cao giá trị lao động, góp phần tăng thu nhập, tiến tới thoát nghèo bền vững sau 02 - 03 năm thực hiện mô hình. Đặc biệt, đối với các mô hình chăn nuôi, các hộ nghèo tham gia mô hình đã được tiếp cận các tiến bộ KHKT, phương thức kỹ thuật nuôi dưỡng chăm sóc theo hướng an toàn sinh học, đảm bảo vệ sinh môi trường, có sự quản lý chặt chẽ về thú y, góp phần hạn chế dịch bệnh và bảo vệ môi trường sống. Tuy nhiên, quá trình triển khai chương trình khuyến nông người nghèo vẫn còn hạn chế nhất định như hộ nghèo còn mang nặng phương thức chăn nuôi truyền thống, chưa tuân thủ chặt chẽ quy trình kỹ thuật được cán bộ chỉ đạo hướng dẫn, chuyển giao nên đàn trâu, bò, dê sinh trưởng phát triển chưa đồng đều, tỉ lệ động dục, phối giống và sinh sản chưa được như mong đợi, vẫn còn tình trạng bệnh trên vật nuôi xảy ra. Công tác tuyên truyền hiệu quả chương trình khuyến nông người nghèo còn hạn chế, chưa có sự khâu nối, vận động thu hút các nguồn kinh phí xã hội hóa từ các doanh nghiệp, chương trình, dự án khác để lồng ghép, đầu tư nên chưa nhân rộng được mô hình, .. Do vậy để chương trình khuyến nông phục vụ người nghèo được duy trì, có tính nhân rộng và lan tỏa cao cần có sự quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa của ban ngành các cấp, doanh nghiệp và các tổ chức chính trị xã hội. Đặc biệt là vai trò UBND xã trong việc xác định, lựa chọn đối tượng hộ nghèo đủ điệu kiện về cơ sở vật chất, lao động, có quyết tâm vươn lên và mong muốn thoát nghèo. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để có biện pháp giải quyết, hỗ trợ hộ nghèo trong quá trình thực hiện mô hình. Chủ động liên kết, kêu gọi huy động hỗ trợ nguồn lực từ nhiều phía để tuyên truyền vận động phát triển và nhân rộng mô hình. Từ kết quả trên minh chứng chương trình khuyến nông phục vụ người nghèo 5 năm qua đã thực hiện đảm bảo tiến độ, hiệu quả và mục tiêu đề ra. Ngoài hiệu quả kinh tế, xã hội đem lại nó còn mang tính nhân văn sâu sắc đó là chung tay và tạo cơ hội cho hộ nghèo được hỗ trợ cây trồng, vật nuôi, tiếp cận các tiến bộ KHKT để chủ động trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững. Sự thành công của các mô hình khuyến nông người nghèo sẽ là mô hình mẫu để chính quyền các cấp vận động, tuyên truyền, áp dụng linh hoạt hình thức tiếp cận tuỳ theo điều kiện địa phương nhằm giúp người nghèo tìm ra giải pháp phù hợp phát triển kinh tế, giảm dần tỉ lệ nghèo và thoát nghèo bền vững./. Giao bò giống sinh sản cho hộ nghèo Hộ nghèo nuôi dê sinh sản tại xã Chi Khê huyện Con Cuông tại xã Tân Xuân huyện Tân Kỳ Cao Tuấn Trung tâm Khuyến nông