Chủ động phòng chống dịch bệnh vật nuôi trong mùa mưa bão
Thứ năm - 12/10/2023 05:141.3570
Nghệ An là tỉnh có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước, với đa dạng phương thức canh tác cây trồng, vật nuôi. Trong đó, có ngành chăn nuôi khá phát triển với tổng đàn gia súc gia cầm thuộc thuộc tốp đầu cả nước. Tuy nhiên Nghệ An nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, đặc biệt là vào mùa mưa bão thường có thời tiết cực đoan, diễn biến khó lường, khó dự báo, gây mưa to, lũ lụt, ngập úng dẫn đến nguy cơ khan hiếm thức ăn, phát sinh, phát tán dịch bệnh, từ đó làm cho gia súc, gia cầm giảm sinh trưởng, phát triển, sức đề kháng, nguy cơ xảy ra nhiều loại dịch bệnh, nhất là đối với gia súc gia cầm non, già yếu.
Vì vậy,để phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, hạn chế phát sinh dịch bệnh, giảm thiệt hạitrước những tác động bất lợi của thời tiết vào mùa mưa bão,chúng ta cần thực hiện tốt các biện pháp sau: - Thường xuyên cập nhật, theo dõi diễn biến dự báo thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động xây dựng phương án, kế hoạch phòng, chống phù hợp trước khi có mưa bão xuất hiện. - Chuồng nuôi, bố trí ở những nơi cao ráo, thoáng mát, dễ thoát nước, không có nguy cơ ngập úng. Nên xây dựng chuồng trại kiên cố, chắc chắn và phải chuẩn bị đầy đủ bạt, cây cột chống, bao cát, dây néo. Dự trữ hoá chất tiêu độc khử trùng, thuốc thú y cần thiết, vitamin, khoáng, men tiêu hoá, thuốc trợ sức, trợ lực,... Chủ động khơi thông cống rãnh thoát nước trong khu vực nuôi, thường xuyên quét dọn, vệ sinh sạch sẽ chuồng trại, máng ăn, máng uống, các dụng cụ chăn nuôi. Định kỳ phun thuốc sát trùng tẩy uế, kể cả khu vực xung quanh chuồng nuôi 1-2 lần/tuần để tiêu diệt mầm bệnh. Khi mưa bão xuất hiện, phải thường xuyên kiểm tra chuồng trại, gia cố, chằng chống, che chắn cẩn thận, không để ngập lụt nơi chứa chất thải vì sẽ làm nguy cơ ô nhiễm môi trường. Nếu nguy cơ ngập lụt phải di chuyển gia súc gia cầm đến nới khô ráo. Sau mưa bão tiến hành kiểm tra chuồng trại để khắc phục, sửa chữa những nơi hư hỏng, tổ chức thu gom chất thải, vệ sinh và tẩy uế chuồng trại đảm bảo mới đưa vật nuôi trở lại hoặc nhập đàn mới. - Thức ăn, do mùa mưa bão sẽ khan hiếm hơn, nhất là thức ăn thô xanh, cho nên cần dự trữ đầy đủ cả về số lượng và chất lượng, thức ăn phải cân đối chất dinh dưỡng và bảo quản ở những nơi khô ráo, sạch sẽ để tránh ẩm mốc do mưa, bão. Cung cấp nguồn nước uống sạch cho gia súc, gia cầm, nếu nước bị ô nhiễm sử dụng Cloramin-B, T để khử trùng trước khi sử dụng. - Nuôi dưỡng, chăm sóc: Cho gia súc gia cầm ăn đủ chất, đủ số lượng, đủ bữa để đảm bảo sinh trưởng phát triển, nâng cao thể trạng, sức đề kháng, có thể bổ sung thêm trong khẩu phần ăn các loại vitamin, khoáng chất, men tiêu hóa và kháng sinh vào thức ăn khi thời tiết thay đổi nhằm tăng sức đề kháng chống lại các tác động bất lợi của thời tiết và hạn chế dịch bệnh phát sinh, lây lan. - Biện pháp phòng bệnh: Chủ động làm tốt công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng. Quản lý tốt vận chuyển, giết mổ gia súc gia cầm, không dấu dịch, không vứt xác chết vật nuôi bừa bãi. Tiêm phòng vắc xin đầy đủ, đúng lịch theo khuyến cáo cơ quan chuyên môn Thú y là biện pháp hiệu quả và kinh tế nhất để chủ động phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, thường xuyên theo dõi, kiểm tra sức khỏe đàn vật nuôi nhằm phát hiện sớm, để nuôi cách ly, điều trị kịp thời. Trường hợp gia súc, gia cầm ghi mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm hoặc chết nhiều không rõ nguyên nhân phải báo ngay với thú y xã/phường/thị trấn hoặc chính quyền địa phương nơi gần nhất để xử lý kịp thời. Mùa mưa bão luôn là mối nguy trực tiếp gây thiệt hại cho ngành chăn nuôi, nên công tác phòng chống dịch bệnh cần được các cấp, các ngành chức năng quan tâm đúng mức, chỉ đạo sát sao để tổ chức phòng chống kịp thời, hiệu quả nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do mưa bão và dịch bệnh gây nên./. Nông dân ủ chua mía cây làm thức ăn dự trữ cho trâu bò xã Nghĩa Hoàn - huyện Tân kỳ Trang trại nuôi bò thịt anh Võ Văn Giai - xã Nghĩa Hoàn - huyện Tân Kỳ
Cao Tuấn - Trung tâm Khuyến nông Nghệ An
Nguồn: Tập san Khuyến nông Nghệ An