Thứ hai, 20/01/2025, 21:22

Giá trị hữu ích của phân hữu cơ sinh học

Thứ ba - 03/08/2021 21:49 1.830 0
Trong những năm gần đây, công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ theo hướng khai thác sinh học phát triển rất mạnh đã đưa vào sản xuất nhiều sản phẩm hữu ích giúp nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững và an toàn cho con người và môi trường; trong đó, phân hữu cơ sinh học là một trong các sản phẩm điển hình.
Giá trị hữu ích của phân hữu cơ sinh học

Thế nào là phân hữu cơ sinh học.

Phân hữu cơ sinh học (HCSH) có nhiều dạng, nhiều loại; tựu chung là nhóm phân được chế biến từ nguồn nguyên liệu hữu cơ tương tự như loại phân hữu cơ thông thường; điểm khác là trong quá trình chế biến, phân HCSH được bổ sung một số chất dinh dưỡng, men và vi sinh vật nhằm nâng cao giá trị dinh dưỡng mà trong phân hữu cơ thông thường có ít hoặc không có. Ngoài ra, một số yếu tố bổ sung trong phân HCSH còn có tác dụng bảo vệ cây trồng hoặc tăng sức chống chịu cho cây trồng khi gặp các bất lợi do thời tiết hoặc khi bị sâu, bệnh xâm hại.    

Đặc điểm, tính chất của phân HCSH

Tùy theo mục tiêu sử dụng của nơi sản xuất, ngoài thành phần cơ bản thường có là các chất hữu cơ và một số loại khoáng, các loại phân HCSH có thể bổ sung ít nhiều các yếu tố có lợi cho đất và cây trồng như: humat (hoặc polyhumate), polysaccarite, acid amin, vitamin, men (enzym) và các vi sinh vật hữu ích. Hàm lượng và thành phần các yếu tố bổ sung có sự chọn lọc và cân đối cần thiết để đảm bảo cùng lúc hiệu quả tác dụng và yêu cầu an toàn cho người sử dụng, môi trường, cây trồng và nhất là đảm bảo các tiêu chí an toàn vệ sinh nông sản sau khi thu hoạch.

Tùy theo đối tượng cây trồng sử dụng, phân HCSH có thể được chế biến ở dạng chất lỏng (dung dịch) hoặc rắn (bột, hạt, viên) dùng bón vào đất hoặc phun trên lá. Với quy trình chế biến theo hướng thu về tinh chất nên phần lớn các loại phân HCSH có thể bón với khối lượng ít nhưng giàu dinh dưỡng và rễ cây có thể hấp thu nhanh, vì vậy phân HCSH mang lại hiệu quả tác dụng cao hơn so với phân hữu cơ thông thường vốn hàm lượng dinh dưỡng không cao, thành phần dưỡng chất không đầy đủ, cần thời gian phân giải lâu trong đất trước khi được cây trồng hấp thu và nhất là cần bón với khối lượng lớn.

Những tác động của phân HCSH đối với môi trường đất

Nhiều phân tích đã khẳng định việc thâm canh tăng năng suất, sản lượng nông sản sử dụng một lượng lớn, thường xuyên phân vô cơ và khai thác triệt để tài nguyên đất là nguyên do gây ra tình trạng mất cân bằng về thành phần dưỡng chất tự nhiên trong đất; rõ ràng nhất là chất hữu cơ càng lúc càng thiếu hụt nên kết cấu đất bị phá vỡ, đất càng lúc càng chai cứng, dễ bị xói mòn, chất dinh dưỡng lại càng dễ bị rửa trôi và hệ vi sinh vật tự nhiên trong môi trường đất cũng kiệt quệ. Riêng việc sử dụng quá nhiều phân đạm còn là nguyên nhân gây tích tụ cao hàm lượng nitrat trong nông sản ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu thụ.

Vì vậy, việc sử dụng phân HCSH là rất cần thiết bởi trả lại cho đất chất mùn hữu cơ và các yếu tố dinh dưỡng khác giúp tái tạo sự cân bằng dưỡng chất và cấu trúc của đất, duy trì nhiệt độ và độ ẩm thích hợp cho cây trồng hấp thu hiệu quả các chất dinh dưỡng và nhất là nếu sử dụng loại phân HCSH có chứa vi sinh vật có lợi sẽ còn giúp khử nhiều độc tố, cây trồng tăng trưởng tốt và môi trường đất mau chóng phục hồi độ phì.     

Hiệu quả kinh tế khi sử dụng phân HCSH so với phương thức thâm canh

Việc cổ súy sử dụng thường xuyên và đủ lượng phân HCSH khi canh tác bất kỳ loại cây trồng nào đều có cùng mục đích là giúp cho đất lưu giữ độ phì, giảm các tác động gây ô nhiễm môi trường, đảm bảo nguồn tài nguyên đất được khai thác hợp lý cho lợi ích bền vững và giảm nguy cơ tồn lưu các chất độc trong nông sản thực phẩm. Nói cách khác, sử dụng phân HCSH không phải là biện pháp để tăng lợi nhuận tức thời nên nếu so sánh năng suất, sản lượng, hiệu quả kinh tế trong phạm vi thời gian ngắn một vài vụ sản xuất thì giải pháp sử dụng phân HCSH như một nguồn dinh dưỡng chính cho cây trồng sẽ thấp hơn cách thức thâm canh sử dụng chủ yếu phân vô cơ. Còn nếu so sánh về lâu dài thì ngược lại, bởi sử dụng phân HCSH là một trong các biện pháp xây dựng nền nông nghiệp hiệu quả và bền vững. Bên cạnh đó, cần nhấn mạnh khía cạnh lợi ích về bảo vệ môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm khi sử dụng phân HCSH luôn là yếu tố hữu ích vượt trội.

Lợi ích đạt được trên bình diện xã hội nếu áp dụng việc phân HCSH rộng rãi

Nếu việc áp dụng phân HCSH trở nên phổ biến thì trước tiên phải tính đến lợi ích lâu dài với riêng từng nông hộ và khi tập hợp lợi ích riêng của từng nông hộ chúng ta có được lợi ích chung cho đông đảo nông dân vốn là cộng đồng chiếm tỷ lệ lấn át trong các thành phần kinh tế của nước ta hiện nay. Kế đến khi sử dụng phổ biến phân HCSH còn là cơ hội phát triển kinh tế cho các tổ chức, cá nhân nghiên cứu khoa học và công nghệ, sản xuất và thương mại về phân HCSH, dịch vụ thu mua và chế biến ưu tiên nông sản tiếp cận hữu cơ và cả người tiêu dùng cũng được cung cấp nhiều hơn khối lượng và chủng loại nông sản đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, cũng cần nhắc lại các mặt hữu ích mang lại trong trách nhiệm chung của xã hội về yêu cầu gìn giữ tài nguyên đất nước và giảm thiểu tác động gây ô nhiễm môi trường sống.  

Nếu nhìn xa hơn nữa, nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu về nông sản thực phẩm chất lượng cao và đảm bảo an toàn vệ sinh sẽ ngày càng tăng cao, đó vừa là động lực thúc đẩy vừa là yếu tố bắt buộc phải xây dựng nền nông nghiệp sản xuất theo phương thức hữu cơ. Do vậy, việc phổ biến sử dụng phân HCSH ở giai đoạn hiện thời có ý nghĩa như bước khởi điểm cho xu thế phát triển tất yếu nêu trên./.   

Lương Lễ Dũng

Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Long An - nguồn khuyennongvn.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
35.jpg 36.jpg 34-2.jpg a123.jpg a125-1.jpg 02.png 06.png 09.png 05-2.png 04.png 07-2.png a22.jpeg a23-1.png 12.jpg 14-1.jpg
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây