Kết quả thực hiện chương trình Khuyến nông giai đoạn 2021 - 2025
Thứ ba - 08/07/2025 05:25130
Thực hiện Quyết định số 4027/QĐ-UBND ngày 11/11/2020 của UBND tỉnh Nghệ An về việc phê duyệt chương trình khuyến nông tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025. Hoạt động khuyến nông có nhiều thuận lợi, nhưng cũng phải đối diện với nhiều khó khăn thách thức như: Hệ thống khuyến nông có sự đứt gãy, biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, bão lũ và dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi diễn biến phức tạp, khó lường, giá cả vật tư sản xuất tăng, nguồn lực tài chính dành cho các chương trình, đề án, dự án nông nghiệp hạn chế,...
Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và Môi trường, Trung tâm Khuyến nông đã tổ chức triển khai thực hiện nhiều chương trình, dự án đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng năng suất, sản lượng, chất lượng các loại cây trồng, vật nuôi, từng bước giúp nông dân phát triển kinh tế, tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân. Một số nét nổi bật đó là: - Về chương trình xây dựng mô hình: Đã tổ chức thực hiện 20/22danh mục chương trình đạt 90,9% với 84dạng mô hình, trong đó: lĩnh vực trồng trọt 34 mô hình; chăn nuôi 19 mô hình; lâm nghiệp 4 mô hình; thủy sản 17 mô hình và chương trình đặc thù 10 mô hình. Nhiều mô hình thành công, phát huy hiệu quả được các địa phương, người dân ghi nhận, đánh giá cao và được tiếp tục nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh. Điển hình một số chương trình, mô hình nổi bật: + Lĩnh vực trồng trọt: Chương trình “Ứng dụng tiến bộ KHKT trong sản xuất các giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm” với mô hình “Trồng thâm canh giống lúa thuần chất lượng cao NA6 gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm” tại huyện Thanh Chương với quy mô 12 ha, tăng hiệu quả kinh tế trên 15% so với ngoài mô hình; Chương trình “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao trong sản xuất rau, cây màu các loại đạt theo tiêu chuẩn VietGAP gắn liên kết sản xuất, chế biến và thị trường với mô hình trồng thâm canh cà rốt tiêu chuẩn VietGAP, quy mô 4 ha tại Thị xã Hoàng Mai, năng suất đạt 35 tấn/ha; Chương trình “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ cao trong sản xuất hoa, cây cảnh, các loại rau màu,… tiến tới phát triển nông nghiệp đô thị” với mô hình trồng hoa cúc vụ Đông sử dụng công nghệ chiếu sáng bằng đèn LED tại xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn;xã Hội Sơn và Cao Sơn, huyện Anh Sơn; xã Nghi Liên, Thành phố Vinh; Chương trình “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất bền vững cây công nghiệp chủ lực phục vụ chế biến và xuất khẩu” với mô hình trồng thâm canh ổi lê Đài Loan theo tiêu chuẩn VietGAP, quy mô 4,5 ha, tại xã Thanh Lâm và Thanh Xuân, Huyện Thanh Chương; Chương trình “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng nâng cao giá trị sản phẩm“ với mô hình sản xuất dưa chuột theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang sản xuất rau màu quy mô 0,8 ha tại huyện Yên Thành cho năng suất đạt 20 tấn/ha. Các mô hình chuyển đổi đều cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với trồng cây lúa từ 15 - 20%; Chương trình “Ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới về phân bón, công nghệ tưới tiết kiệm cho cây trồng và sản xuất nông nghiệp hữu cơ” với các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ tưới tự động trong nhà màng, ngoài trời trên các loại cây trồng như: Dưa lưới, các loại cây ăn quả, các loại rau màu,… Tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng, nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường,… + Lĩnh vực chăn nuôi: Chương trình “Phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng nâng cao giá trị và thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với chuỗi giá trị” với mô hình vỗ béo bò thịt kết hợp trồng cỏ có liên kết tiêu thụ sản phẩm tại huyện Nam Đàn; Mô hình vỗ béo bò thịt giống mới (giống bò BBB) thực hiện tại huyện Diễn Châu quy mô 25 con; Mô hình chăn nuôi dê sinh sản tại huyện Con Cuông, quy mô 23 con. Chương trình “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới trong chăn nuôi lợn sinh sản, lợn thịt theo chuỗi giá trị” với mô hình chăn nuôi lợn thịt an toàn sinh học thực hiện tại 02 điểm là xã Châu Thuận, huyện Quỳ Châu và xã Hùng Tiến, huyện Nam Đàn, Chương trình “Phát triển chăn nuôi gia cầm, thuỷ cầm hàng hoá (Thịt, trứng) theo chuỗi giá trị” với mô hình nuôi gà thịt an toàn sinh học sử dụng chế phẩm sinh học Probiotic, quy mô 1.500 con tại xã Hùng Tiến huyện Nam Đàn; Mô hình nuôi vịt Grimaud theo hướng thịt an toàn sinh học gắn kết tiêu thụ sản phẩm, quy mô 850 con tại xã Nghĩa Dũng huyện Tân Kỳ, trọng lượng vịt xuất chuồng đạt 3,5kg/con và đã mở rộng quy mô lên 15.000 con/lứa và nhân rộng ra các địa phương khác. Chương trình “Bảo tồn và phát triển vật nuôi đặc sản bản địa (Lợn địa phương, vịt bầu quỳ, gà Hmông, nhím…) và vật nuôi khác có tiềm năng thị trường” với mô hình nuôi vịt bầu quỳ thương phẩm quy mô 500 con tại xã Châu Đình, huyện Quỳ Hợp, vịt xuất chuồng đạt 2,2 kg/con. Chương trình “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới trong chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô trang trại, nông hộ có kiểm soát dịch bệnh bảo vệ môi trường sinh thái gắn với liên kết sản xuất, chế biến và thị trường” với mô hình nuôi gà thương phẩm theo tiêu chuẩn VietGAHP, ứng dụng công nghệ Blockchain, quy mô 2.700 con tại xã Thịnh Sơn huyện Đô Lương, trọng lượng xuất chuồng 2,6 kg/con, đã được cấp chứng nhận VietGAHP. Mô hình “Chăn nuôi lợn thịt thương phẩm trên nên chuồng sàn theo tiêu chuẩn VietGAHP, xử lý chất thải bảo vệ môi trường” tại huyện Nghi Lộc, quy mô 80 con và nhiều mô hình khác.
Trang trại bò thịt hộ bà Đậu Thị Ngọc Xóm Đức Thịnh, xã Thanh Thịnh, huyện Thanh Chương
+ Lĩnh vực lâm nghiệp: Chương trình “Thâm canh cây rừng nguyên liệu gỗ lớn; xây dựng các mô hình nông lâm kết hợp thích ứng với biến đổi khí hậu” với mô hình trồng thâm canh cây Dổi ghép lấy hạt tại huyện Tân Kỳ và Con Cuông nhằm xây dựng mô hình kinh tế có hiệu quả, giúp người dân trồng rừng nhanh chóng ứng dụng vào sản xuất để vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Chương trình “Trồng thâm canh cây lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu có giá trị gắn với phát triển rừng bền vững” với mô hình trồng cây Đảng sâm và mô hình trồng cây dược liệu sa nhân tím tại huyện Kỳ Sơn. + Lĩnh vực thuỷ sản: Chương trình “Sản xuất giống thủy sản” với mô hình nuôi lươn khép kín theo tiêu chuẩn VietGAP” tại huyện Yên Thành. Chương trình “Nuôi trồng thủy sản trong môi trường nước ngọt theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm“ với mô hình nuôi Cua và Chạch đồng trong ruộng lúa quy mô 5.000 m2 tại xã Quang Sơn, huyện Đô Lương, thu hoạch bình quân 31g/con, sản lượng 1,98 tấn; Chương trình “Nuôi trồng thủy sản trong môi trường mặn lợ theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm” với mô hình nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng 3 giai đoạn bằng hệ thống tuần hoàn nước khép kín, quy mô 1.800 m2 tại xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu; Chương trình “Nuôi thủy, hải đặc sản và đối tượng mới theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm” với mô hình nuôi cá mú trân châu trong ao đất quy mô 2.500 m2 tại xã Quỳnh Lộc, thị xã Hoàng Mai… + Dạng mô hình đặc thù: Chương trình “Phát triển mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái gắn với dịch vụ, du lịch” với mô hình Trồng dưa chuột theo hướng hữu cơ áp dụng công nghệ tưới tự động với quy mô 08 ha tại xã Long Xá, huyện Hưng Nguyên; Chương trình “Phát triển mô hình sinh kế để giảm nghèo bền vững cho các đối tượng yếu thế tại địa bàn khó khăn và đặc biệt khó khăn” với mô hình nuôi cá lăng thương phẩm trong ao tại xã Tà Cạ huyện Kỳ Sơn; Mô hình nuôi gà bản địa, quy mô 1.400 con tại xã Nậm Giải, huyện Quế Phong, .. - Về chương trình đào tạo, tập huấn khuyến nông Giai đoạn 2021-2025, thực hiện 5/5 chương trình đào tạo, tập huấn đạt 100% kế hoạch đề ra. Cụ thể: Đào tạo nâng cao nghiệp vụ chuyên ngành cho 55 lượt cán bộ tham gia; Tập huấn nâng cao năng lực nghiệp vụ, kiến thức KHKT cho cán bộ Khuyến nông tỉnh, Trung tâm DVNN các huyện, Thành phố, thị xã tổ được 19 lớp với 660 lượt cán bộ tham gia; Tập huấn chuyển giao tiến bộ KHKT mới về nông, lâm, ngư nghiệp và cơ chế chính sách phát triển nông nghiệp cho cán bộ chủ chốt của xóm/thôn/bản và các tổ liên kết, tổ hợp tác và HTX sản xuất được 455 lớp, với 18.875 lượt cán bộ tham gia; Tập huấn cho nông dân, các đối tượng khác vùng tái định cư, vùng đặc biệt khó khăn được 162 lớp với 7.628 lượt người tham gia; Tập huấn chuyển giao tiến bộ KHKT cho nông dân được 4.736 lớp với 210.560 lượt nông dân tham gia.
Cán bộ KT Trung tâm Khuyến nông hướng dẫn nông dân thực hành nhận biết sâu bệnh trên đồng ruộng tại xã Hưng Nhân, huyện Hưng nguyên.
- Về chương trình thông tin tuyên truyền đã thực hiện 7/8 chương trình đạt 87,5% so với kế hoạch. Trên tinh thần đổi mới, nâng cao chất lượng vàđẩy mạnh hoạt động thông tin tuyên truyền với nhiều nội dung phong phú, sâu rộng, hình thức đa dạng như: + Phối hợp với Báo Nghệ An xây dựng 120 trang báo viết và báo điện tử với nhiều bài viết về gương điển hình, các mô hình, cách làm hay và nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất nông nghiệp đã được truyền tải một cách nhanh nhất đến với người sản xuất. + Phối hợp với đài truyền hình tỉnh xây dựng, quay và phát 52 trang trên truyền hình tỉnh Nghệ An trong đó có 30 chuyên đề; 22 phóng sự nhằm giúp người dân trong tỉnh, đặc biệt là vùng cao, vùng sâu, vùng xa nắm bắt được nhanh các chủ trương chính sách nông nghiệp. Hiểu và làm theo những khuyến cáo khoa học kỹ thuật tiên tiến về khuyến nông, nông nghiệp và phát triển nông thôn bền vững.
+ Duy trì trang Website khuyến nông với 1.370 tin/bài các loại được đăng tải với nhiều nội dung về sản xuất nông nghiệp, hoạt động khuyến nông, góp phần hỗ trợ nông dân sản xuất và hiện thực hóa các cơ chế chính sách phát triển Nông nghiệp, nông dân và nông thôn tỉnh nhà. Đáng chú ý là số lượt người truy cập hàng ngày duy trì từ 5.000 - 10.000 lượt, có ngày lên trên 10.000 lượt người truy cập tìm hiểu, học tập.
+ Xuất bản 60 số Thông tin Khuyến nông với 34.980 cuốn, góp phần đưa nhanh thông tin và các tiến bộ khoa học kỹ thuật đến nông dân sản xuất. + Phối hợp với báo Nông nghiệp thường trú đóng trên địa bàn cung cấp 126.294 tờ báo Nông nghiệp Việt Nam cho khuyến nông viên xã 6 huyện miền núi. + Tổ chức 09 cuộc tham quan ngoại tỉnh để tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ khuyến nông và nông dân có điều kiện tiếp cận các mô hình mới, có hiệu quả trong và ngoài tỉnh nhằm nâng cao nhận thức, đưa nhanh vào thực tế, nâng cao hiệu quả sản xuất. +Tổ chức 25 cuộc hội nghị chuyên đề khuyến nông để đánh giá tổng kết, phân tích kết quả đạt được những tồn tại khó khăn của hoạt động khuyến nông theo định kỳ, từ đó bàn các giải pháp thực hiện các nhiệm vụ thực hiện trong thời gian tiếp theo đảm bảo hiệu quả. Như vậy, giai đoạn 2021 - 2025, Trung tâm khuyến nông đã triển khai được 32/35 chương trình, đạt 91,43% theo Quyết định số 4027/QĐ-UBND ngày 11/11/2020 của UBND tỉnh Nghệ An với nhiều kết quả nổi bật, đáng ghi nhận, tạo được nhiều chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp, nhiều mô hình khuyến nông hiệu quả được nhân rộng trên địa bàn, góp phần giảm từ 20 - 30% chi phí sản xuất, tăng hiệu quả từ 15 - 40% so với sản xuất đại trà. Công tác đào tạo tập huấn đã có nhiều đổi mới cả về phương pháp, kỹ năng và nội dung đáp ứng đúng mong đợi của người sản xuất, phù hợp đặc thù sản xuất nông nghiệp của từng vùng, từng địa phương. Công tác thông tin tuyên truyền thì đa dạng, phong phú, góp phần truyền tải nhanh đến cán bộ khuyến nông, khán thính giả và độc giả những thông tin về gương sản xuất giỏi, mô hình sản xuất tiên tiến, hiệu quả để giúp người dân tiếp cận, áp dụng nhanh các tiến bộ KHKT vào thực tiễn sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế. Có thể khẳng định rằng, chương trình Khuyến nông giai đoạn 2021 - 2025 được Trung tâm Khuyến nông cụ thể hoá, xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện hàng năm đã cơ bản hoàn thành các nội dung, chương trình đề ra, góp phần vào thành tích chung của ngành nông nghiệp tỉnh nhà. Giai đoạn 2026 - 2030, hoạt động Khuyến nông tiếp tục đứng trước những thời cơ và thách thức mới, do vậy cần phải đẩy mạnh, đổi mới một cách toàn diện nhằm đáp ứng nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của nông dân và xã hội. Với mục tiêu chung là: Tăng cường củng cố và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác Khuyến nông; Công tác khuyến nông gắn liền với quá trình chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, trên cơ sở tăng cường ứng dụng công nghệ cao, công nghệ chuyển đổi số, các quy trình sản xuất theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn, sản xuất đa giá trị; Đẩy mạnh xã hội hóa khuyến nông, kết hợp giữa khuyến nông Nhà nước với khuyến nông doanh nghiệp, khuyến nông cộng đồng, khuyến nông xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng ngày càng tăng của sản xuất, thị trường, phấn đấu mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”./.
Cao Xuân Tuấn – Trung tâm Khuyến nông - nguồn TSKN