Thứ bảy, 28/12/2024, 04:24

Mục tiêu và giải pháp sản xuất trồng trọt vụ đông năm 2020

Thứ hai - 31/08/2020 21:24 1.288 0
Vụ Đông năm 2019 sản xuất trong điều kiện thời tiết cực đoan, không thuận lợi. Tuy nhiên, với sự vào cuộc kịp thời, quyết liệt của các ban ngành từ tỉnh đến địa phương, đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, khuyến cáo nông dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật, các giải pháp khôi phục sản xuất, chuyển đổi cây trồng theo hướng có giá trị cao và giữa đến cuối vụ sản xuất thời tiết tương đối thuận lợi tạo điều kiện cho các cây trồng vụ Đông sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao nên sản xuất vụ Đông 2019 đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Mục tiêu và giải pháp sản xuất trồng trọt vụ đông năm 2020
Vụ Đông năm 2020, được nhận định theo Trung tâm khí tượng thủy văn Bắc Trung Bộ, thời tiết trong vụ Đông vẫn hết sức phức tạp, khó lường, trong khi hệ thống thủy lợi ở một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu tiêu úng, ảnh hưởng đến thời vụ gieo trồng cũng như tâm lý e ngại hay chờ hết mưa lụt mới tiến hành sản xuất vụ Đông. Công tác xúc tiến thị trường, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân còn gặp khó khăn. Nhân lực lao động sản xuất vụ Đông thiếu, do có xu hướng chuyển dịch sang công việc khác và ngày càng già hóa. Nguy cơ chuột, sâu keo mùa thu sẽ gây hại nặng và các đối tượng cào cào, châu chấu, rệp, sâu xanh, sâu khoang, ... luôn tiềm ẩn phát sinh gây hại đối với cây trồng vụ Đông. Dịch bệnh covid 19 đang diễn biến phức tạp trên thế giới và trong nước nên sẽ ảnh hưởng đến việc tiêu thụ nông sản. Nhưng với tinh thần quyết tâm cao, ngành nông nghiệp đang tập trung chỉ đạo, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch mà ngành đã đặt ra cho vụ Đông năm 2020.
I. PHƯƠNG HƯỚNG, MỤC TIÊU
1.1. Phương hướng
- Tập trung chỉ đạo phấn đấu sản xuất đạt mức cao nhất về diện tích, năng suất, sản lượng theo kế hoạch đề ra với phương châm sản xuất an toàn và phát huy mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển sản xuất vụ Đông theo hướng sản xuất hàng hóa, có hiệu quả kinh tế cao, gia tăng giá trị sản xuất. Trong đó, tăng cường đẩy mạnh diện tích rau các loại trong vụ Đông, nhất là các cây rau mang lại giá trị cao.
- Đẩy mạnh liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm nhằm nâng cao giá trị và ổn định sản xuất.
- Khuyến khích ưu tiên, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân quan tâm đầu tư vào lĩnh vực trồng trọt ở các khâu vừa sản xuất, dịch vụ gắn với tiêu thụ sản phẩm.
1.2. Mục tiêu
Toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng trên 37.635 ha cây trồng vụ Đông các loại (Ngô, lạc, rau đậu các loại, khoai lang, khoai tây). Cụ thể như sau:
TT Loại cây trồng Diện tích (ha) Năng suất (tạ/ha) Sản lượng (tấn)
1 Cây ngô 21.500,0    
  Trong đó: Ngô trên đất 2 lúa 4.250,0    
1.1 Cây ngô lấy hạt 16.500,0 48,5 80.025,0
1.2  Ngô lấy thân lá làm thức ăn cho bò 5.000,0 300,0 150.000,0
2 Cây lạc 1.500,0 24,5 3.675,0
3 Rau đậu các loại 12.500,0 140,0 175.000,0
   Trong đó: Diện tích rau trên đất lúa 700,0 150,0 10.500,0
4 Khoai lang 2.000,0 75,0 15.000,0
5 Khoai tây 135,0 144,0 1.944,0
           II. MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
2.1. Giải pháp bố trí vùng sản xuất
- Đối với sản xuất trên đất 2 lúa: Bố trí sản xuất trên những vùng chủ động tưới tiêu, thoát nước tốt nhằm sản xuất an toàn và đảm bảo thời vụ lúa Xuân năm sau. Ưu tiên sử dụng các loại cây trồng có giá trị như bầu bí, dưa chuột,... hoặc ngô sinh khối làm thức ăn cho bò để đảm bảo thời vụ lúa Xuân năm sau.
- Đối với những vùng đất màu ven biển: các huyện Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, TX Hoàng Mai, ... nông dân có trình độ cũng như kinh nghiệm thâm canh các loại rau, củ, quả hàng hóa, cần có các giải pháp để khuyến khích mở rộng diện tích các loại rau ăn lá, lấy củ, quả an toàn theo VietGAP, hữu cơ,...
- Đối với vùng đất bãi ven sông dễ ngập lụt: các huyện Anh Sơn, Đô Lương, Thanh Chương, Tân Kỳ, ... phải căn cứ thời tiết hết mưa lụt mới tiến hành gieo trồng.
2.2. Giải pháp về kỹ thuật
          2.2.1. Bố trí cơ cấu giống và thời vụ
a) Về thời vụ:
* Cây ngô:
- Trên đất 2 lúa:
+ Trên những diện tích đã gieo trồng lúa vụ Hè thu vùng đồng bằng, tiến hành làm đất và gieo trồng ngô ngay sau khi thu hoạch lúa Hè thu và phải thúc gieo trồng trước ngày 15/9 để đảm bảo thời vụ lúa Xuân năm sau.
+ Trên những diện tích bị hạn không gieo trồng được hoặc bị thiệt hại do nắng hạn vụ Hè thu - Mùa: Đối với những vùng không bị ngập lụt thì tiến hành gieo trồng ngay khi đất có đủ độ ẩm và muộn nhất phải kết thúc gieo trồng trước ngày 15/9.
- Trên vùng đất cát ven biển thoát nước tốt, vùng đồi vệ, vùng lúa cao cưỡng chuyển sang làm màu: Tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi, đất đủ ẩm, … tiến hành gieo trồng ngay và kết thúc gieo xong trước ngày 10/9.
- Trên vùng đất màu bãi cao ven sông, suối:
+ Đối với vùng cao không bị ngập lụt: Gieo từ ngày 20/8 - 20/9;
+ Vùng thấp, ngập lụt dễ xẩy ra: Căn cứ vào tình hình thực tế để ra giống khi hết ngập lụt và phải kết thúc gieo trồng trước ngày 30/10; Đối với những vùng gieo muộn phải sử dụng các giống có thời gian sinh trưởng ngắn.
* Cây lạc:
- Trên những diện tích bị hạn không gieo trồng được hoặc bị thiệt hại do hạn vụ Hè thu - Mùa, có thể tiến hành gieo trồng sớm khi đất đủ độ ẩm.
- Trên những diện tích không bị hạn, tiến hành gieo trồng từ ngày 15/8-10/9.
* Cây rau, đậu các loại:
- Trên những diện tích đất màu và trên những diện tích lúa vùng cao cưỡng bị hạn không gieo trồng được hoặc bị thiệt hại do nắng hạn vụ Hè thu - Mùa có thể tiến hành làm vụ Đông sớm khi điều kiện về đất đai, thời tiết, ... cho phép.
- Trên đất 2 lúa, căn cứ vào thời gian sinh trưởng của từng loại rau để gieo trồng sao cho không ảnh hưởng đến thời vụ lúa Xuân năm sau.
- Trên những diện tích đất màu không bị hạn, tuỳ từng loại cây như hành, tỏi, xu hào, cải bắp, rau ăn lá, rau lấy củ, cà chua, … có thể trồng rải rác từ đầu tháng 9 trở đi và gieo trồng nhiều lứa/vụ.
* Cây Khoai lang: Trồng từ 10/9 - 05/10. Trên đất lúa, kết thúc trồng trước ngày 15/9 để đảm bảo lúa Xuân năm sau.
* Cây khoai tây: Trồng từ ngày 20/10 đến 30/10.
* Cây ăn quả, cây công nghiệp lâu năm: Tranh thủ lúc có thời tiết thuận lợi, tập trung chỉ đạo tổ chức trồng mới hoàn thành kế hoạch đề ra và chuẩn bị nhân giống phục vụ trồng mới kế hoạch năm 2021.
b) Về sử dụng giống:
* Cây ngô:                                       
- Mỗi địa phương lựa chọn cơ cấu từ 4 - 6 loại giống với phương châm ưu tiên sử dụng các giống có tiềm năng năng suất cao, chất lượng, có khả năng chống chịu tốt với sâu bệnh. Đối với sâu keo mùa thu trên cây ngô, ưu tiên sử dụng những giống ngô chuyển gen nhằm hạn chế gây hại của sâu keo mùa thu.
+ Cây ngô trồng lấy hạt, sử dụng các giống chủ lực như: DK6919S, NK66, DK6919,VN5885, CP511, LVN14, …
+ Các giống ngô có sinh khối lớn như: NK7328, CP111, … các địa phương liên hệ với các Công ty chăn nuôi bò sữa, bò thịt như Công ty TH true milk, Vinamilk, … để ký hợp đồng sản xuất.
+ Ngô lấy bắp ăn tươi sử dụng các giống: HN68, …
- Đối với các diện tích ngô trên đất 2 lúa: Ưu tiên sử dụng các giống có thời gian sinh trưởng ngắn, lấy bắp ăn tươi hoặc trồng ngô sinh khối với các giống nói trên.
- Những vùng trồng ngô sinh khối làm thức ăn xanh cho bò có hợp đồng thu mua với các đơn vị bao tiêu sản phẩm: Sử dụng các giống ngô có sinh khối lớn, nhưng phải đảm bảo thời gian gieo trồng và tiến độ thu hoạch thích hợp.
* Cây lạc: Sử dụng giống L14, L23, L26, TB 25, sen lai 75/23, TK10, L20.
* Cây khoai lang: Sử dụng các giống: Khoai lang KLC266, K4,Hoàng Long, KL20-209,…
* Cây khoai tây: Có thể sử dụng các giống khoai tây Mariela, Solara, Diamond, KT1, KT2; KT3, Giống VT2( phải có kế hoạch chuẩn bị nguồn giống chất lượng),...
* Các loại rau đậu: Có thể sử dụng các giống rau như:
+ Rau cải: Cải ngọt, cải bẹ dưa, cải bẹ mào gà, cải bó xôi, cải ngồng,....
+ Bắp cải: KK cross, Thúy Phong,...
+ Súp lơ: Mantop, Green Magic, Thanh Hoa,...
+ Bí xanh: Bí xanh số 1, bí xanh thiên thanh 5, Nova 209, An Điền 686,...
+ Cà rốt: Takii 103, Takii 108, Takii 444,...
+ Su hào: Worldcol B52, Winner
+ Cà chua: Savior, VT10, NH 2764, C95, Tre việt 10,...
+ Dưa chuột: PC4, Hoa sen 636, Hoa sen 639, Xuân Yến,...
2.2.2. Đảm bảo mật độ thích hợp cho từng loại giống và chân đất
- Cây ngô: Tuỳ vào từng giống, điều kiện đất đai, hình thức canh tác để có khoảng cách cho phù hợp, đảm bảo mật độ: Ngô lấy hạt 60.000 - 65.000 cây/ha đối với đất màu, bãi và trên 55.000cây/ha đối với đất 2 lúa. Ngô làm thức ăn chăn nuôi từ 65.000 - 75.000 cây/ha đối với đất màu, bãi và 65.000 cây/ha đối với đất 2 lúa. 
- Cây lạc: Mật độ 30 - 35cây/m2 và 100% diện tích phải áp dụng phủ nilon.
- Cây Khoai lang: Mật độ 42.000 - 45.000 cây/ha trên đất màu bãi và 38.000-40.000 cây/ha trên đất lúa.
- Cây khoai tây: Mật độ 50.000 - 55.000 cây/ha.
- Cây rau các loại: Tùy vào từng loại rau mà gieo trồng với mật độ thích hợp theo khuyến cáo của nhà sản xuất giống.
2.2.3. Đầu tư phân bón cân đối, hợp lý
Bón đủ, bón đúng theo hướng dẫn của quy trình thâm canh từng giống đảm bảo cho cây sinh trưởng, phát triển tốt.
- Thực hiện nguyên tắc bón phân cân đối, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ giúp cây trồng sinh trưởng, phát triển khoẻ chống chịu tốt với điều kiện bất lợi của ngoại cảnh.
- Để giảm hiện tượng mất phân do mưa lớn nên chọn thời điểm bón tuỳ theo điều kiện thời tiết trong từng thời điểm, từng chân đất và đối tượng cây trồng cụ thể theo quy trình từng cây.
- Sử dụng các chế phẩm hữu cơ sinh học bổ sung phân bón cho cây trồng.
2.2.4. Phòng trừ sâu bệnh hại
- Trên ngô:
+ Tập trung phòng trừ sâu keo mùa thu ngay từ khi sâu đang ở tuổi 1-2, sử dụng giống ngô chuyển gen để hạn chế sâu keo mùa thu gây hại. Tiến hành diệt chuột một cách đồng bộ, ngay từ đầu vụ Đông để hạn chế sự phá hoại. Ngoài ra thường xuyên chú ý các đối tượng khác cào cào, châu chấu, sâu xám gây hại, ...
- Trên lạc: Chú ý phòng trừ sâu xám, rệp và đặc biệt là sâu khoang, sâu xanh.
- Trên cây rau đậu các loại: Chú ý phòng trừ sâu xanh, sâu tơ, rệp, bệnh héo xanh vi khuẩn, lở cổ rễ, đốm lá, thán thư, bệnh xoăn lá cà chua,…
Tăng cường các biện pháp phòng trừ tổng hợp theo hướng sản xuất rau an toàn theo VietGAP, hữu cơ, hạn chế sử dụng thuốc BVTV, ưu tiên sử dụng các loại thuốc có nguồn gốc sinh học để phòng trừ và chỉ được sử dụng các loại thuốc có trong danh mục thuốc được phép sử dụng trên rau.
2.2.5. Thực hiện tốt việc tưới và thoát nước tiêu úng
- Có phương án chủ động thoát nước để chống úng cục bộ đối với cây trồng vụ Đông, trong đó cần quan tâm nhất là lạc,rau màu và một số vùng ngô, rau trên đất 2 lúa trong mùa mưa bão.
- Đẩy nhanh tiến độ các công trình thủy lợi đang thi công để kịp thời phục vụ công tác tưới tiêu cho sản xuất.
- Giải quyết tốt nhu cầu nước tưới cho cây rau và ngô trên đất 2 lúa (nhất là thời kỳ ngô trỗ cờ, phun râu).
2.3. Công tác ứng dụng các tiến bộ KHCN; nhân rộng các mô hình an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP
- Đẩy mạnh việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, KHCN, các quy trình sản xuất rau, củ, quảan toàn theo tiêu chuẩnVietGAP, hữu cơ.
- Tổng kết, nhân nhanh các mô hình hiệu quả sản xuất rau, củ, quảvà duy trì, phát triển các diện tích theo tiêu chuẩn VietGAP.
2.4. Đẩy mạnhliên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm
- Các địa phương căn cứ vào các chính sách tại "Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/ 2018 của Chính phủ   "Nghị Quyết số 13/2018/NQ-HĐND ngày 12/12/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An để tổ chức thực hiện.
- Nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp kiểu mới. Tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm vàmô hình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP đã được khẳng định.
- Các địa phương cần tích cực trong việc kêu gọi, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân vào liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho người dân.
2.5. Công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, chất lượng sản phẩm
- Tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước, thanh kiểm tra về sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật,...
- Sử dụng các giống đã được công nhận và có trong danh mục cơ cấu theo Đề án tổ chức sản xuất vụ Đông 2020 của Sở Nông nghiệp và PTNT; Sử dụng phân bón và thuốc BVTV nằm trong danh mục được phép lưu thông của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
2.6. Giải pháp cơ chế chính sách
- Thực hiện đầy đủ các chính sách của Chính phủ và UBND tỉnh về hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An và các chính sách khác về hỗ trợ khắc phục thiên tai, phòng trừ dịch bệnh của UBND tỉnh như: Quyết định số 48/2017/QĐ-UBND ngày 05/6/2017; Quyết định số 08/2015/QĐ-UBND ngày 22/01/2015; Nghị quyết số 14/2017/NQ-HĐND ngày 20/12/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh; Quyết định số 15/2018/QĐ-UBND ngày 30/3/2018 của UBND tỉnh Nghệ An; Nghị Quyết số 13/2018/NQ-HĐND ngày 12/12/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An,..
- Các huyện, thành, thị cần chủ động trích ngân sách địa phương, khai thác tối đa mọi nguồn lực để thực hiện các chính sách của địa phương, hỗ trợ nông dân đầu tư phát triển sản xuất, đặc biệt là mở rộng mô hình có hiệu quả tại địa phương.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
3.1. Sở Nông nghiệp và PTNT
 Thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước trên địa bàn Tỉnh về nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Phối hợp với các ngành, các địa phương, các tổ chức trong việc chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Đề án sản xuất vụ Đông. Thành lập các đoàn kiểm tra, chỉ đạo việc sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, nông sản phẩm theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT và UBND tỉnh. Tập trung chỉ đạo các đơn vị chuyên môn của Sở và các đơn vị ngành hàng liên quan thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đề ra.
3.2. UBND các huyện, thành, thị
          Trên cơ sở Đề án sản xuất cây trồng vụ Đông 2020 của Sở Nông nghiệp và PTNT, căn cứ vào đặc điểm địa hình, đất đai, khí hậu và trình độ thâm canh, … của địa phương mình để xây dựng Đề án sản xuất vụ Đông cụ thể, sát với thực tế địa phương nhằm phát huy tối đa các lợi thế sẵn có. Đề án phải có tinh thần tiến công, chủ động, vượt trội so với chỉ tiêu kế hoạch của Tỉnh. Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước và công tác chỉ đạo sản xuất ở địa phương trên các phương diện. Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, tìm kiếm, hỗ trợ mở rộng các mô hình liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm cây trồng vụ Đông để phát huy hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho người nông dân. Phối hợp với các Chi cục thống kê để thống kê, thống nhất số liệu định kỳ báo cáo tiến độ sản xuất về Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật hàng tuần để tổng hợp tham mưu Sở báo cáo UBND tỉnh và Cục Trồng trọt. Trường hợp cần thiết và đột xuất Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật sẽ có công văn gửi các địa phương.
3.3. Các ngành và đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội
- Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT: Tạo mọi điều kiện thuận lợi, đơn giản cho nông dân được vay đủ vốn để phục vụ sản xuất.
- Đối với các tổ chức chính trị xã hội: Căn cứ nhiệm  chức năngnhiệm vụ chính trị của mình xây dựng chương trình hành động thiết thực để lãnh đạo các cấp hội vận động hội viên, đoàn viên tham gia thực hiện tốt kế hoạch sản xuất vụ Đông 2020.
3.4. Các đơn vị cung ứng, doanh nghiệp, HTX
- Các đơn vị cung ứng giống và vật tư, phân bón, Thuốc BVTV: Chủ động ký hợp đồng và chuẩn bị đủ giống, phân bón, nilon, ... đảm bảo chất lượng, đúng cơ cấu đã được phê duyệt trong Đề án này, cung ứng kịp thời phục vụ tốt nhất cho sản xuất.
- Các doanh nghiệp, HTX bao tiêu sản phẩm cần tăng cường mở rộng các mô hình liên kết và bao tiêu các sản phẩm cây trồng vụ Đông với nông dân hoặc tổ chức đại diện nông dân như Hợp tác xã để ổn định đầu ra, nâng cao hiệu quả sản xuất.
3.5. Các cơ quan thông tin đại chúng
Đài phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Nghệ An và các cơ quan thông tấn báo chí đóng trên địa bàn giành thời lượng ưu tiên cho công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, các tiến bộ khoa học kỹ thuật và tình hình diễn biến sâu bệnh hại cây trồng,…đến người dân một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất. Tăng cường thông tin trên đài phát thanh - truyền hình huyện, đài truyền thanh các xã phường, thị trấn về sản xuất vụ Đông. Đồng thời, phối hợp tốt hơn nữa với cơ quan khí tượng, thủy văn để nắm bắt và thông tin kịp thời các nguy cơ về thiên tai để người dân né tránh.
Vụ Đông năm 2020 là vụ sản xuất đối mặt với rất nhiều khó khăn thách thức như thiên tai (bão lụt) và các loại dịch hại có nguy cơ phát sinh gây hại nặng. Do đó, để đảm bảo giành được thắng lợi, Sở Nông nghiệp và PTNT kính đề nghị UBND tỉnh cần có các chính sách hỗ trợ; Ban hành Chỉ thị về tăng cường sản xuất vụ Đông năm 2020 để huy động các nguồn lực, tập trung chỉ đạo hoàn thành thắng lợi sản xuất Đông năm 2020. Chỉ đạo các ngành, các cấp và UBND huyện, thành, thị tăng cường công tác chỉ đạo một cách quyết liệt, thường xuyên như: Ban hành các văn bản; Thành lập ban chỉ đạo sản xuất vụ Đông; Đồng thời trích ngân sách huyện để khuyến khích, chia sẻ với nông dân trong sản xuất. Đặc biệt, Sở Nông nghiệp và PTNT rất mong nhận được sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh uỷ, HĐND, UBMTTQ, các Đoàn thể, UBND Tỉnh, sự phối hợp tạo điều kiện của các ngành, các huyện, thành, thị và sự hưởng ứng nhiệt tình của nông dân trên toàn tỉnh nhằm mục tiêu đạt được kết quả cao trong vụ Đông 2020./.
CaoTuấn - Trung tâm KNNA

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
hh6-2.jpg hh2.jpg hh7-1.jpg hh3-1.jpg hh4-2.jpg hh1.jpg hh5-3.jpg Nuoi-cac-long-cua-song-cua-ho-Vu-Van-Manh-xa-Nghi-Quang-huye z6098847690463-7001a19e38215bdbc3068ea76aa3cc89-1.jpg a3-7.jpg a2-9.jpg Kiem-tra-san-xuat.jpg mo-hinh-luon-4.jpg mo-hinh-buoi-1.jpg tap-huan-tinh-huyen-5.jpg
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây