Trồng sen - mô hình kinh tế mới từ nguồn vốn vay ngân hàng chính sách xã hội của người nông dân huyện Yên Thành
Thứ ba - 18/08/2020 04:391.1460
Trong những ngày hè nắng nóng gay gắt giữa tháng 6 với nhiệt độ bình quân lên đến 38 - 39 độ C, không ai nghĩ rằng khi về huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An ta lại được hưởng một không khí mát mẻ dễ chịu và thoang thoảng hương sen khắp mọi miền quê, từng được mệnh danh là “vựa lúa của miền trung” này.
Phải nói rằng, nông dân Yên Thành trước đây, đất không đủ cho họ sản xuất gieo trồng mùa vụ quanh năm, nào lúa, nào khoai, nào ngô, lạc, đậu, vừng, rau, cà, dưa, bầu, bí… mùa nào thứ ấy chất thành đống trong mỗi gia đình để sử dụng quanh năm. Thủa đó, bất cứ nơi nào còn chút đất là người nông dân khai hoang, tăng gia rồi thả giống cây xuống, thực hành bài học từ lớp một: “…một tấc đất mấy hạt ngô…”. Ấy vậy mà những năm gần đây ở nhiều vùng quê Yên Thành đất bỏ hoang ngày càng nhiều, không những đất ở vùng cao, vùng xa thiếu nước, mà ngay cả những cánh đồng màu mỡ, gần nhà, giao thông thuận lợi cho sản xuất và thu hoạch cũng bị bỏ hoang với nhiều diện tích đáng kể. Tình trạng này đã làm cho các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương – đặc biệt là ngành Nông nghiệp không khỏi trăn trở, lo lắng. Đất nông nghiệp bỏ hoang một phần là do người nông dân sau khi đầu tư chăm sóc nhưng thu nhập không cao, thậm chí “thu không đủ bù chi” nên họ không mặn mà với sản suất nông nghiệp; một phần là do nhân lực lao động có ruộng nhưng lại đi làm ăn ở xa có thu nhập cao hơn mặc cho ruộng bỏ hoang năm này qua năm khác. Tuy nhiên “trong cái khó lại ló cái khôn”, thời tiết càng ngày càng khắc nghiệt, nhu cầu thức ăn sạchvà nước uống giải nhiệt đảm bảo sức khỏe và vệ sinh an toàn ngày càng tăng cao, trong đó Sen được coi là cây trồng số một mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể cho người nông dân trên vùng đất Yên Thành. Ngày đầu tháng 7 năm 2020, trên đường về xã Phúc Thành, vừa mới đến xóm 11 mà hương Sen đã ngào ngạt làm dịu đi cái nắng nóng gay gắt giữa mùa hè ở một xã miền núi. Dừng xe trước cổng Đền Hoàng, tôi bước xuống và thong thả dạo giữa vô vàn những gánh, những rổ, những thùng, những chậu đựng Sen; nào búp, nào gương, nào hạt Sen, rồi cả những bì, những gói ngó Sen, thân Sen, lá Sen, tâm Sen đã được cắt nhỏ phơi khô thơm lừng để làm nước giải nhiệt mùa hè và còn có tác dụng làm cho những người khó ngủ được dễ dàng chìm vào giấc ngủ sâu mỗi tối.
Các sản phẩm từ Sen được nhân dân rất ưa chuộng vào những ngày nắng nóng.
Vừa thưởng thức những hạt Sen non, ngọt, bùi, thơm được bóc ra từ gương Sen mới hái, tôi vừa hỏi chuyện trồng Sen ở xã Phúc Thành, bất chợt có chị đứng bên cạnh nói với tôi: “… chú muốn biết trồng Sen từ đầu đến cuối ra răng thì xuống cuối xóm 11 hỏi anh Lưulà biết liền…”. Bản tính tò mò trong tôi bỗng trỗi dậy, tôi liền lên xe tìm về nhà anh Lưu; vừa đến cổng nhà, một bà cụ khoảng hơn 80 tuổi – mẹ anh Lưu, tay bưng rá ngô hạt đang dở cho ngan, gà ăn, vui vẻ ra mở cổng mời chúng tôi vào nhà. Vừa đứng xem bà cho ngan, gà ăn, vừa hỏi chuyện về anh Lưu chúng tôi mới biết – Gia đình hội viên Hội Nông dân Nguyễn Văn Lưu thuộc diện hộ nghèo liên tục nhiều năm của xóm 11 xã Phúc Thành. Năm 2018 vợ chồng anh được Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) huyệnYên Thành cho vay 50 triệu đồng để tạo việc làm phát triển kinh tế. Vợ chồng anh quyết định đấu thầu một phần bàu Diệu Ốc ở xóm 11 để trồng Sen. Năm 2019 nhờ Sen mà gia đình anh đã thoát nghèo và bắt đầu có cuộc sống kinh tế ổn định và đầu tư chuồng trại chăn nuôi gia súc gia cầm. Cuối năm 2019, vợ chồng anh tiếp tục được NHCSXH cho vay 12 triệu đồng để đầu tư hệ thống nước sạch và vệ sinh môi trường, nhờ món vay này mà việc chăn nuôi của gia đình anh phát triển và có thu nhập đáng kể. Năm 2020, khi đã có chút “vốn giắt lưng”, vợ chồng anh Lưu lại tiếp tục làm đơn đấu thầu vùng bàu Diệu Ốc mênh mông còn lại từ xóm 11 ra tận chân đê cầu Diệu. Khi đã được Ủy ban nhân dân xã Phúc Thành chấp thuận, vợ chồng anh Lưu lại tiếp tục làm đơn xin vay 50 triệu đồng từ nguồn Tín dụng của NHCSXH và được NHCSXH chấp thuận giải ngân ngay. Có 50 triệu đồng được vay từ NHCSXH cùng với số vốn vợ chồng anh gom góp được vài năm nay, anh Lưu mạnh dạn thuê nhân công vớt bèo tây và cải tạo vùng bàu Diệu Ốc hàng tháng trời.
Gia đình CCB Nguyễn Văn Lưu cải tạo bàu Diệu Ốc trồng Sen thương phẩm.
Cuộc sống không phụ công người siêng năng có chí; ngồi trên con thuyền làm bằng tôn để sang bên kia bờ Nam của bàu Sen bát ngát rộng khoảng 30 ha, tôi hỏi anh Lưu: Hiện nay anh chị thuê bao nhiêu người làm công cho hàng tháng? Vừa chống sào đẩy con thuyền lao đi, anh Lưu vừa nói: “Hiện tại vợ chồng tôi thuê 5 người anh ạ, còn sau mùa mưa lũ, nhà tôi phải thuê hàng chục người để vớt bèo, nhổ lác suốt cả tháng trời…”. Thế tiền thuê nhân công hết nhiều không anh? Anh Lưu với cặp mắt đang nhìn ra xa vừa trả lời: “Tiền công trả cho người làm theo mùa vụ là ba trăm ngàn một ngày, còn tiền công trả cho năm người làm thường xuyên là bốn triệu đồng một tháng…”. Giống sen anh trồng là giống sen mới hay giống truyền thống mà thơm vậy anh? – Tôi hỏi tiếp. Anh Lưu cho biết: “Sen của nhà tôi nói riêng và của cả huyện Yên Thành nói chung đều là giống sen truyền thống, nên mới thơm như thế anh ạ…”. Tôi tặc tặc lưỡi rồi hỏi tiếp: Vậy thu nhập của gia đình anh từ việc trồng Sen một năm được nhiều không? Vừa cắm mạnh sào tre xuống bùn sâu để ghìm thuyền lại cho tôi lên bờ, anh Lưu vừa nói: “Tổng thu nhập từ vùng bàu Diệu Ốc này của gia đinh tôi – vừa cá vừa Sen… sau khi trừ chi phí đầu tư, nộp thuế, trả tiền thuê nhân công thì một năm thu về khoảng 90 đến 100 triệu đồng anh ạ…”, rồi một nụ cười tươi rói nở trên khuôn mặt đen bóng của anh làm cho ánh nắng chiều như vàng hơn, như dịu hơn giữa bạt ngàn Sen ở miền quê với những con ngườigiàu nghị lực.
Sen bàu Diệu Ốc của gia đình anh Nguyễn Văn Lưu sau 4 tháng tuổi.