Thứ bảy, 28/12/2024, 04:20

Giải pháp nào cho cây trồng sau mưa bão số 2

Thứ hai - 31/08/2020 21:27 700 0
Do ảnh hưởng của cơn bão số 2 đã gây mưa khá lớn khắp cả khu vực Bắc miền Trung, trong đó có Nghệ An. Đợt mưa này xảy ra từ ngày 31/7, nhưng thật sự có mưa vào các ngày 1 và 2 tháng 8, với lượng mưa trên dưới 100mm. Do nắng nóng và hạn hán kéo dài quá  nhiều ngày nên với lượng mưa ở Nghệ An vừa qua thật sự không nhiều, đa phần lượng mưa đổ xuống được ngấm sâu xuống đất, số còn lại có dư trên mặt ruộng không nhiều như hi vọng của bà con nông dân.
Giải pháp nào cho cây trồng sau mưa bão số 2
Dẫu sao trận mưa vừa qua cũng đã cứu vãn được hàng ngàn ha cây trồng các loại thoát được cơn khát đang có nguy cơ bị chết khô, chết cháy.
Đặc biệt những cây trồng ngắn ngày như cây lúa, vốn là cây trồng sống nhờ nước. Đợt nắng hạn vừa qua đã làm cho hơn 5000 ha lúa hè thu và lúa vụ mùa bị chết cháy. Những diện tích lúa hè thu và vụ mùa còn sống sót lại hôm nay tuy số lượng cây bị chết do nắng, hạn không nhiều, nhưng cây lúa gần như không phát triển được, phần lớn vẫn chưa đẻ, không tốt lên được. Riêng đối với cây ăn quả, chủ yếu là cây cam nắng nóng và hạn hán vừa qua sinh trưởng, phát triển kém, rất ít ra lộc non mới, phần lớn lá trên cành cây già hóa nhanh, lá chuyển sang màu vàng khô. Quả trên cây nhỏ, vỏ quá dày, vỏ sần sùi.
Để nhanh chóng khôi phục lại sự phát triển của cây trồng sau mưa của cơn bão số 2, chủ yếu là cây lúa và cây cam, chúng ta cần làm tốt mấy biện pháp sau:
Đối với cây lúa:
Cần tiến hành phân loại lúa để có biện pháp chăm sóc hợp lý, cụ thể là:
Một: Đối với lúa hè thu vùng thấp chạy lụt có khoảng 12.000 ha tập trung chủ yếu ở các huyện: Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu và một phần ở Hưng Nguyên, Thanh Chương… trên diện tích này được gieo cấy sớm nên hiện nay lúa đã và đang trổ. Đề nghị các địa phương chỉ đạo bà con nông dân tiến hành phun Tilsuper (tin su pe) để vừa giảm tỉ lệ lép, vừa hạn chế bệnh khô vằn ở giai đoạn lúa trổ bông. Nồng độ và liều lượng sử dụng theo chỉ dẫn có ghi ở ngoài vỏ bao thuốc.
Hai: Đối với lúa hè thu vùng mưng vàn ít nhiều có nước tưới, lúa vẫn phát triển khá có khoảng 20.000 - 22.000 ha, tập trung ở các huyện có nguồn nước tưới thuộc hệ thống bara Đô Lương, các hồ đập lớn và vùng đầu nguồn bơm điện. Trên diện tích này hiện nay lúa đã bắt đầu làm đòng. Lúc này cần đắp bờ giữ nước và bón cho mỗi sào 1,5 - 3,0 kg đạm Urê tùy lúa tốt xấu và 2-3 kg Kali, hoặc 5-6 kg NPK loại 15-5-20. Sau khi lúa trổ được 7-10% số bông cần tiến hành phun Tilsuper để giảm tỷ lệ lép.
Ba: Đối với lúa hè thu bị hạn hán quá nặng ngay từ sau khi gieo cấy đến ngày có mưa vừa qua khoảng 18.000 - 20.000 ha và hơn 17.000 ha lúa mùa. Trên diện tích này do bị hạn hán quá nặng nên lúa không phát triển được, thậm chí lúa chưa qua giai đoạn đẻ nhánh. Sau khi có mưa lúa đã hồi xanh trở lại rất nhanh chóng. Trên diện tích này, đề nghị các địa phương chỉ đạo bà con nông dân khẩn trương ra đồng vừa đắp bờ giữ nước đề phòng nắng hạn tiếp tục những ngày tới và tiến hành bón cho mỗi sào lúa 3-4 kg đạm Urê + 2-3 kg Kali hoặc 8-10 kg NPK loại 15-5-20. Bón sớm, bón đủ số lượng để giúp cây lúa hồi phục nhanh và tiếp tục đẻ thêm nhánh trước khi làm đòng.
Bốn: Đối với diện tích đất lúa vụ mùa chưa gieo cấy được vì hạn hán còn lại hơn 4.600 ha. Trên diện tích này cần khẩn trương gieo cấy tiếp nếu còn mạ. Trường hợp không còn mạ thì chuyển sang gieo trồng ngô sinh khối phục vụ  chăn nuôi hoặc chuyển sang gieo trồng ngô, lạc thu đông.
Năm: Thường xuyên đề cao cảnh giác về phòng chống sâu bệnh trong vụ này với các đối tượng sâu bệnh dễ xuất hiện như: sâu cuốn lá, sâu đục thân, rầy nâu và bệnh khô vằn. Tất cả các loại sâu bệnh này cần được phòng chống kịp thời khi có thông báo và hướng dẫn cách phòng trừ của các trạm BVTV ở các huyện, thành, thị.
Đối với cây cam:
Tăng cường chăm bón ngay sau mưa để giúp cây sớm phục hồi sinh trưởng và phát triển, cụ thể:
Nếu cây cam nào có cành trên cây do nắng nóng và hạn hán kéo dài mà bị chết khô thì phải tiến hành cưa cắt cành bị chết, lát cắt khi cưa có độ xiên so với mặt phẳng của cành khoảng 20 - 250, cưa cắt xong nên bôi vôi hoặc dùng nilon bịt kín lại để đảm bảo an toàn cho cành và cây sau đó.
Tiến hành bón phân thúc cho cam bằng loại phân NPK 13-13-13, bón vào mỗi gốc từ 3 - 3,5 kg. Giai đoạn này cam đang cho quả, quyết định chất lượng nên bón thêm phân Kali 0,2-0,3kg/1 gốc để cho quả ngọt và chắc quả.
Trước khi bón, chiếu theo tán lá cây ra đến đâu thì cuốc đất theo hình tán cây đến đó, cuốc sâu 20 - 30 cm tùy theo tuổi cây (cây trồng được nhiều năm thì cuốc sâu hơn cây mới trồng). Xong, bón phân rải đều vào rãnh đã cuốc và trộn kỹ đất với phân thật đều, sau đó lấp đất khỏa bằng và tưới nước vào để rễ cây nhanh chóng hấp thụ được phân.
Cần chú ý: thời điểm giao mùa, nắng mưa thất thường, cần chú ý đến công tác BVTV. Cần phun phòng trị một số sâu bệnh: bệnh nấm trên lá và quả như: bệnh rỉ sắt, sâu đục thân, ruồi vàng…..
Để đề phòng hạn hán có thể tiếp tục xẩy ra trong những ngày tiếp theo, bà con nông dân cần sử dụng rơm rạ, cỏ, lá cây khô tấp tủ kín quanh gốc cây nhằm hạn chế bốc hơi nước làm đất khô cằn (chú ý bón thêm vôi bột sau khi tủ gốc để phòng trị nấm hại phát triển).

                                                  Doãn Trí Tuệ - nguồn TSKN

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
hh6-2.jpg hh2.jpg hh7-1.jpg hh3-1.jpg hh4-2.jpg hh1.jpg hh5-3.jpg Nuoi-cac-long-cua-song-cua-ho-Vu-Van-Manh-xa-Nghi-Quang-huye z6098847690463-7001a19e38215bdbc3068ea76aa3cc89-1.jpg a3-7.jpg a2-9.jpg Kiem-tra-san-xuat.jpg mo-hinh-luon-4.jpg mo-hinh-buoi-1.jpg tap-huan-tinh-huyen-5.jpg
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây