Tháo gỡ khó khăn, tìm hướng đi bền vững cho mô hình nhà lưới, nhà màng công nghệ cao trong vụ sản xuất mới

Thứ ba - 26/05/2020 03:25 696 0
Mặc dù dịch bệnh Covid 19 gây ra không ít khó khăn cho đời sống nhưng bà con nông dân Nghệ An vẫn tranh thủ điều kiện thời tiết để ra quân sản xuất. Đáng chú ý, các mô hình nông nghiệp công nghệ cao và các nhà lưới, nhà màng vẫn tiếp tục được đầu tư để nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích.
Tháo gỡ khó khăn, tìm hướng đi bền vững cho mô hình nhà lưới, nhà màng công nghệ cao trong vụ sản xuất mới
Những tín hiệu mới từ mô hình nhà lưới, nhà màng
          Giữa tháng 4, chúng tôi về xóm 4, xã Nam Anh thăm mô hình sản xuất của anh Lê Cảnh Hiếu, một trong 2 mô hình nhà lưới ở Nam Anh. Đây là mô hình được tỉnh hỗ trợ năm 2018, theo đó, anh Hiếu đầu tư gần 500 triệu đồng lắp đặt 1.000 m2 nhà lưới. Từ đó đến nay, với 2.000 m2, Hiếu làm 2 vụ dưa lưới và dưa chuột trong nhà lưới và 1.000 m2 còn lại làm rau màu đại trà. Chỉ với chỉ 2 lao động/2.000 m2 mỗi năm lợi nhuận gần 200 triệu là thành quả ngoài mong muốn. Hiếu cho hay: lứa dưa lưới đầu tiên được 40 ngày nên chỉ cần hơn 1 tháng nữa là thu hoạch. Năm nay có nhuần 2 tháng 4 nên tranh thủ làm sớm để thuận lợi thì làm thêm 1 vụ nữa. Cùng với đó, Hiếu đang tiếp tục đầu tư thêm 1.000 m2 còn lại để làm nhà lưới nhằm tận dụng công chăm sóc và sẽ làm hồ sơ để tỉnh hỗ trợ sau.
          Ngoài mô hình của Lê Cảnh Hiếu ở xóm 4, tại xã Nam Anh còn có mô hình nhà lưới 800 m2 làm từ năm 2016 của anh Nguyễn Kim Nam ở xóm 3. Thời điểm chúng tôi đến, nhà lưới của Nam được chia làm 2 khu vực, 1 khu vực làm rau thủy cảnh và khu vực còn lại bắt đầu làm dưa lưới Hàn Quốc với hơn 20 ngày tuổi. Mẹ của
Nam cho biết: nhà lưới chủ yếu làm vào mùa hè, mùa đông chỉ làm rau thủy canh nhằm giữ vườn. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, thu nhập khoảng 100 triệu đồng.
          Ông Nguyễn Văn Thế - Phó Phòng Nông nghiệp huyện
Nam Đàn cho biết thêm: từ 2020 huyện không còn cơ chế riêng về hỗ trợ phát triển mô hình nhà lưới mà chỉ có nguồn sự nghiệp khuyến nông hàng năm và chính sách hỗ trợ của tỉnh. Hiện tại, huyện có 9 mô hình nhà lưới tại 5 xã, trong đó nhiều nhất là xã Nam Anh với 2 mô hình. Các mô hình nhà lưới chủ yếu sản xuất dưa lưới, dưa chuột…
Trong khi đó từ Diễn Hùng, một trong những xã mới gia nhập mô hình nông nghiệp công nghệ cao của huyện Diễn Châu, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đào – Chủ tịch UBND xã phấn khởi: đất nông nghiệp của xã thiếu nước tưới nên từ mấy năm nay xã đã động viên bà con và đăng ký với huyện làm mô hình nhà lưới, nhà màng công nghệ cao. Năm nay, sau khi được huyện chấp thuận, bà con rất phấn khởi và hộ ông Trần Ngọc Ánh, thôn Hùng Nghĩa là một trong 3 mô hình đăng ký làm nhà lưới của xã triển khai đầu tiên. Với 1.000 m2  đất, trước mắt gia đình ông Ánh đã bỏ vốn đầu tư gần 500 triệu đồng để lắp đặt nhà dàn và cải tạo đất theo quy trình. Nếu mọi việc đảm bảo, mô hình sẽ đưa vào sản xuất ngay trong tháng 5 tới.
Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết Diễn Châu, một trong những huyện có tốc độ phát triển mô hình nhà lưới mạnh nhất tỉnh. Ngoài cơ chế hỗ trợ của tỉnh 50 ngàn đồng/m2 nhà lưới, từ năm 2017, huyện còn hỗ trợ 100 triệu đồng/mô hình nhà lưới 1.000 m2 nên khích lệ được bà con nông dân. Ông Lê Thế Hiếu – Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Diễn Châu cho biết: năm 2019, huyện mới có 19 mô hình thì năm nay bà con đã đăng ký 20 mô hình, tăng gấp đôi. Ngoài các xã đã triển khai, nhiều xã ven biển như Diễn Xuân, Diễn Mỹ, Diễn Hải, Diễn Hùng… tham gia. Từ chỗ phải động viên khuyến khích, nay huyện có nhiều mô hình để lựa chọn hỗ trợ.
Cùng với Diễn Châu, một huyện khác là Quỳnh Lưu nhờ cơ chế hỗ trợ đã thu hút được nguồn lực của doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp công nghệ cao. Đến nay, huyện đã hỗ trợ 1,15 tỷ đồng cho 6 mô hình ứng dụng công nghệ cao, trong đó 4 mô hình nhà lưới và 2 mô hình cây có múi. Bà Vũ Thị Bích Hằng – Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện cho hay: ngoài mô hình cũ, năm 2020 huyện có 2 mô hình nông nghiệp công nghệ cao đưa vào sản xuất, đó là mô hình 5,5 ha nhà lưới của Công ty Đức Tài tại xã Quỳnh Giang và mô hình trang trại 600 con lợn giống ngoại của Công ty Đức Minh tại xã Tân Sơn. Các mô hình đã đi vào sản xuất và mở ra hướng đi mới cho nông nghiệp hàng hóa của huyện.
          Nỗi lo thiếu tính liên kết và đầu ra chưa bền vững
          Quá trình tìm hiểu về nông nghiệp công nghệ cao nói chung và nông nghiệp nhà lưới, nhà màng Nghệ An nói riêng, chúng tôi nhận thấy bên cạnh những tín hiệu tích cực từ chính sách hỗ trợ của tỉnh, mô hình nhà lưới, nhà màng trên địa bàn vẫn còn nhiều băn khoăn về hiệu quả đầu tư và tính bền vững.
 Trước tiên là bài toán về hiệu quả đầu tư. Nếu như các địa phương, để làm  500 đến 1.000 m2 nhà lưới, chỉ cần từ 150-200 trăm triệu/mô hình thì tại Nghệ An, bà con đầu tư gấp đôi, từ 300-500 triệu đồng. Trong khi suất đầu tư chỉ bằng 1 nửa nhưng các tỉnh bạn sản xuất quanh năm, không phụ thuộc điều kiện thời tiết, sản phẩm làm ra cơ bản vào được các chuỗi siêu thị, nhà hàng thì tại Nghệ An, các mô hình chỉ sản xuất 1-2 vụ và hiệu quả nhất là dưa lưới. Các mặt hàng rau củ quả khác sản xuất trong nhà lưới bán ra không thể cạnh tranh với rau củ quả sản xuất đại trà. Vì vậy, dù rất tiếc nhưng nhiều chủ mô hình nhà lưới tại xã Nghi Long (Nghi Lộc) hay Diễn Thành, Diễn Hồng (Diễn Châu) chấp nhận không sản xuất vào mùa đông hoặc nếu làm chỉ trồng rau, quả cho có lệ.
Bên cạnh đó, mặc dù mấy năm lại đây, diện tích nhà lưới, nhà màng Nghệ An khá phát triển, tổng cộng toàn tỉnh trên 1.472 ha sản xuất rau củ quả chất lượng cao và có 25 doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Tuy nhiên, xét ở phạm vi từng huyện, thị, mặc dù mỗi huyện ít nhất từ 5-7 mô hình, nhiều nhất là 30 mô hình nhưng tính liên kết, hỗ trợ gần như không có. Trong quá trình tìm hiểu, phỏng vấn các mô hình, chúng tôi nhận thấy một chi tiết khá thú vị là các chủ mô hình dù trong phạm vi một xã hoặc 1 huyện nhưng khi được hỏi về các mô hình bên cạnh trồng cây gì, có khó khăn nào không thì nhiều chủ mô hình thừa nhận không biết. Đây là dấu hiệu cho thấy tính chất nhỏ lẻ, manh mún và liên kết và tổ chức sản xuất đến kết nối cung – cầu của bà con đang rất yếu.
 Ông Phan Nguyên Hùng – Trưởng phòng Kế hoạch tài chính, Sở Nông nghiệp cho rằng: quy mô nhỏ lẻ, manh mún, thiếu tính liên kết là nguy cơ lớn đối với sản xuất nông nghiệp nhà lưới công nghệ cao bởi nếu không chủ động, nắm được sản lượng đầu vào thì khó hoạch định, tìm đầu ra bền vững được. Hiện nay, do quy mô sản xuất nhỏ, sản phẩm ít nên sản phẩm nhà lưới bán thông qua các mối quan hệ thân quen nhưng nếu quy mô lớn hơn sẽ như thế nào? Muốn phát triển mô hình nhà lưới bền vững, phải có những Hợp tác xã kiểu mới là bà đỡ, đủ năng lực, uy tín để giám sát quy trình sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm, an toàn và thay mặt bà con nông dân kết nối, giao dịch với các nhà phân phối sản phẩm...
Trên thực tế, các mô hình nhà lưới, nhà màng công nghệ cao trên địa bàn Nghệ An thời gian qua được đầu tư chủ yếu nhắm vào cây dưa lưới mùa hè vì được giá nhất; nếu hộ nào làm sớm thì làm được 2-3 vụ dưa và một vài loại rau củ quả khác như dưa chuột, cà chua, rau thủy canh... thì thu nhập khoảng 200 triệu/1.000 m2. Tuy nhiên, điểm yếu là sản phẩm chưa có nhãn hiệu nên dù có chất lượng, an toàn nhưng rất khó thâm nhập vào chuỗi siêu thị tiện lợi Vinrmax hay Big.C...
Vì lý do trên, theo ông Ngô Hoàng Anh – Trưởng phòng Quản lý Kỹ thuật và Khoa học công nghệ, Sở Nông nghiệp PTNT cho rằng: sắp tới, cùng với chính sách hỗ trợ cho bà con nông dân làm nhà lưới như hiện nay, Nghệ An đã có Quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao định hướng đến năm 2030, theo đó định hình từng vùng cho loại cây, con chủ lực. Hiện nay, tỉnh cũng có các cơ chế, chính sách để động viên, thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp nhà lưới.
Khi doanh nghiệp tham gia vào sản xuất nông nhiệp công nghệ cao, các mô hình không chỉ được đầu tư theo các tiêu chuẩn thực hành Global Gap, VietGap, Organic... mà còn có thể khâu nối, làm bà đỡ, đưa sản phẩm nhà lưới vào các chuỗi cửa hàng có phân khúc phù hợp với sản phẩm chất lượng cao. Khi đó, tỉnh chỉ cần tập trung vào hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, vùng sản xuất và cấp chứng nhận an toàn để sản phẩm của bà con kết nối với thị trường lớn sẽ bền vững hơn./.
                                                               Nguyễn Hải
                                                            Báo Nghệ An  - nguồn TSKN

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
anh-nam-1.jpg Lon-ban-dia-Ho-Ong-Dieu-tai-huyen-Que-phong-2.jpg rau-thom-2.jpg a1-5.jpg a7-6.jpg a1-4.jpg a8-6.jpg a4.jpg a5-3.jpg a6-4.jpg a2-3.jpg a12-3.jpg Nam-Nghia-1.jpg a8-2.jpg a9-1.jpg
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây