Thứ bảy, 23/11/2024, 15:49

Thực trạng sản xuất vừng tại Nghệ An hiện nay

Chủ nhật - 07/06/2020 21:20 2.358 0
Vừng là cây lấy dầu có giá trị kinh tế cao, có thời gian sinh trưởng ngắn, là cây dễ tính, ít phải chăm sóc, vốn đầu tư thấp.
Thực trạng sản xuất vừng tại Nghệ An hiện nay
Đặc biệt, là cây chống chịu hạn rất tốt nên là đối tượng được lựa chọn để chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay nhằm cho hiệu quả kinh tế cao trên đơn vị diện tích. So với cây lúa, vừng cho hiệu quả kinh tế cao gấp 5 lần. Ngoài ra, vừng còn có nhiều chất dinh dưỡng rất tốt cho sức khỏe và xuất hiện nhiều trong các món ăn của người Việt Nam. Chính vì vậy, nó được trồng ở khắp các vùng sinh thái trong cả nước, tuy nhiên vùng tập trung của nó là ở các tỉnh Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.
Nghệ An có diện tích đất nông nghiệp lớn, điều kiện khí hậu thổ nhưỡng rất phù hợp để phát triển cây vừng, là một trong những tỉnh có quy mô vừng lớn nhất, chiếm 30% diện tích và gần 40% sản lượng cả nước. Tại đây vừng được trồng trên các vùng đất cát pha, đất ven biển, đất đồi núi, tập trung nhiều ở một số huyện như: Diễn Châu, Nghi Lộc, Nam Đàn, Thành phố Vinh, Tân Kỳ, Quỳnh Lưu… trong đó nhiều nhất là huyện Diễn Châu chiếm 50 – 60% diện tích toàn Tỉnh; sản xuất ở cả 3 vụ Đông Xuân, Hè Thu, Mùa. Tổng diện tích sản xuất vừng trước năm 2006 ở Nghệ An khá cao lên đến 10 nghìn ha. Từ năm 2006 đến nay diện tích vừng đã giảm dần. Theo số liệu thống kê 3 năm trở lại đây, diện tích vừng toàn tỉnh năm 2017 là 3.653 ha, năng suất bình quân 7,44 tạ/ha, sản lượng 1991 tấn. Năm 2018 diện tích là 3.270,96 ha; năng suất bình quân 3,97 tạ/ha, sản lượng 1.300 tấn. Năm 2019 diện tích trồng toàn tỉnh là 2.974,24 ha, năng suất bình quân đạt 7,41 tạ/ha, sản lượng 2196,69 tấn. Qua số liệu ta thấy, trong giai đoạn 3 năm 2017 – 2019 diện tích trồng vừng có giảm đi, năng suất biến động, thấp nhất là năm 2018 chỉ đạt 3,97 tạ/ha, sản lượng năm 2019 đạt cao nhất là 2.196,69 tấn.
Những năm trở lại đây, diện tích sản xuất vừng ở Nghệ An giảm dần do nhiều nguyên nhân sau:
Một là, thị trường tiêu thụ khó khăn, không ổn định do các cơ sở, doanh nghiệp liên kết tiêu thụ và cơ sở thu mua chế biến sản phẩm còn ít. Tổ chức thị trường chưa tốt, mối liên kết 4 nhà trong sản xuất chưa được phát huy hiệu quả, giá cả thị trường không ổn định, thường “được mùa rớt giá” vì vậy nông dân không an tâm sản xuất, tình trạng hàng bị ép giá thường diễn ra gây tâm lý lo ngại cho người nông dân.
Hai là, người dân sản xuất theo tập quán cũ và chủ yếu tự để giống nên giống dễ thoái hóa, nhiễm sâu bệnh nhiều, năng suất thấp.
Ba là, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến bất thường và khắc nghiệt: hạn hán kéo dài, mưa lụt thất thường gây khó khăn từ khâu gieo trồng đến thu hoạch sản phẩm nên người nông dân không còn mặn mà với cây vừng.
Về tình hình sử dụng giống, hiện nay giống vừng ở Nghệ An chủ yếu sử dụng các giống vừng địa phương (vừng đen, vừng vàng...) và các giống vừng V6; VĐ11; VĐ16... Giống vừng địa phương là do dân tự để giống, để lại từ vụ trước, do đó giống bị thoái hóa, dễ nhiễm sâu bệnh, năng suất không cao. Các giống vừng như V6; VĐ11; VĐ16 là các giống vừng được chọn lọc từ tập đoàn vừng, năng suất cao và có khả năng ổn định năng suất cao trong các mùa vụ và địa bàn khác nhau, có thể đạt từ 50 -100kg/sào, tuỳ theo giống và mức độ thâm canh; có thời gian sinh trưởng từ 80 – 95 ngày; không phân cành (VĐ11, VĐ16) hoặc ít phân cành (V6); có khả năng chống chịu bệnh trong đó giống VĐ11 vượt trội về chống chịu bệnh héo xanh vi khuẩn, chống tách quả, chống đổ và chống chịu hạn khá.
Như vậy giống vừng đưa vào sản xuất tại Nghệ An còn nghèo nàn, chủ yếu là giống vừng địa phương tự để giống có nhiều nhược điểm nên năng suất bình quân cả tỉnh còn thấp. Các giống vừng mới thường cho năng suất cao, có khả năng kháng bệnh hơn so với các giống địa phương nhưng diện tích trồng còn ít.
Về tình hình thu hoạch, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm thì cũng còn rất nhiều khó khăn. Ở Nghệ An thu hoạch, bảo quản còn sử dụng phương pháp thủ công. Vừng được thu hoạch bằng liềm, sau đó đem về phơi khô, quạt sạch và bán cho thương lái với giá giao động từ 20-30.000đ/kg, do bảo quản vừng rất khó nên bà con nông dân thường bán ngay sau khi thu hoạch khoảng 15 – 20 ngày. Với những vùng người dân trồng với diện tích ít, sản phẩm tạo ra chủ yếu là phục vụ cho gia đình, buôn bán nhỏ lẻ tại chợ quê hoặc chế biến thành dầu vừng cho gia đình. Với những vùng trồng với diện tích lớn thì được thương lái thu mua hoặc được một số cơ sở tư nhân thu mua, chế biến để tạo ra các sản phẩm khác nhau từ vừng. Ngoài ra vừng cũng được thu mua để xuất đi các tỉnh khác với mục đích khác nhau.
Hiện nay trên địa bàn Tỉnh có một số cơ sở thu mua, chế biến nằm rải rác ở các huyện nhưng tập trung ở một số huyện như: Đô Lương, Yên Thành, Hưng Nguyên, Thành phố Vinh….Số cơ sở thu mua toàn tỉnh là 35, số cơ sở chế biến là 35. Điển hình nhiều nhất tại Đô Lương có 26 cơ sở thu mua, 15 cơ sở chế biến. Như vậy, số cơ sở thu mua chế biến của toàn Tỉnh tương đối nhiều tuy nhiên quy mô cơ sở còn nhỏ chủ yếu là của tư nhân mở ra với mục đích sản xuất các sản phẩm từ vừng như bánh đa, kẹo, dầu vừng, vừng sấy khô làm thực phẩm phục vụ trong chế biến thức ăn. Ngoài ra có nhiều cơ sở thu mua để xuất bán đi các tỉnh khác. Hiện chưa có cơ sở hay doanh nghiệp công ty có quy mô lớn trên địa bàn Tỉnh để liên kết với người dân sản xuất thu mua bao tiêu sản phẩm. Đồng thời những cơ sở chế biến thường tập trung ở những huyện diện tích trồng vừng ít, với những huyện có diện tích trồng vừng nhiều lại có rất ít cơ sở chế biến nên khó khăn cho sản xuất cũng như tiêu thụ, vì vậy diện tích vừng trong những năm qua có xu hướng giảm.
Để mở rộng diện tích trồng vừng, giúp nghề trồng vừng ở Nghệ An phát triển trong thời gian tới cần có nhiều giải pháp như:
- Tỉnh cần có nhiều chính sách hỗ trợ và thu hút nguồn vốn từ các nhà đầu tư, các dự án nông nghiệp lớn để giúp người dân có điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Đặc biệt, trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay ưu tiên phát triển những cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu mà vẫn đem lại hiệu quả kinh tế. Với những ưu điểm vượt trội thì cây vừng là một lựa chọn phù hợp trong cơ cấu sản xuất nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu.
-Tăng cường việc chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trong trồng vừng cho nông dân và có cơ chế chính sách phù hợp giúp người dân mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích vừng. Sử dụng các giống vừng có năng suất cao, chất lượng tốt đưa vào sản xuất.
- Tỉnh cần có sự quy hoạch vùng vừng nguyên liệu với quy mô lớn, tập trung và liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm thì cây vừng mới có thể phát triển ổn định và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất.
- Cần xây dựng các mô hình áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới để mở rộng vùng sản xuất vừng thành vùng tập trung trong thời gian tới giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm vừng, hỗ trợ liên kết bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân.
- Đưa cây vừng vào công thức luân canh, xen canh, gối vụ để tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích và góp phần vào mở rộng diện tích trồng vừng toàn Tỉnh, xây dựng thành thương hiệu vừng Nghệ An phát triển mạnh hơn trong thời gian tới. Với các diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả nên vận động người dân chuyển đổi sang trồng vừng.
- Đề nghị các nhà khoa học nghiên cứu và thử nghiệm rộng rãi các giống vừng mới để kiểm tra tính thích ứng của chúng nhằm thay thế giống cũ lâu đời tại địa phương góp phần tăng năng suất, chất lượng.
                                                         Nguyễn Thị Kim Ly - nguồn TSKN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
mo-hinh-che-huu-co.jpg hoi-nghi-thang-9-6.jpg mo-hinh-ga-2.jpg mo-hinh-luon-4.jpg Kiem-tra-san-xuat.jpg tap-huan-tinh-huyen-5.jpg mo-hinh-buoi-1.jpg a12-6.jpg a26-4.jpg a23-1.jpg image-20240813150406-1-6.png a24-2.jpg a11-3.jpg a25-4.jpg h3-13.jpg
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây