Trồng bí xanh cho thu nhập 100 triệu đồng/ha
Bằng sự năng động, nhạy bén trong chuyển đổi cây trồng, anh Nguyễn Phùng Khởi xóm 7 xã Trung Sơn (Đô Lương) đã biến vùng đất không hiệu quả bằng việc đưa cây bí xanh vào trồng cho thu nhập mỗi héc ta trên 100 triệu đồng.
Diện tích 5 héc ta vùng đất Trung Sơn được UBND xã Trung Sơn giao khoán cho một hộ nông dân trong xã làm mô hình trồng sả lấy tinh dầu, qua mấy năm canh tác không có hiệu quả nên đã bỏ hoang khá lâu. Mỗi lần đi qua nhìn mảnh đất nằm phơi mưa, phơi nắng, anh Nguyễn Phùng Khởi về bàn với vợ xin thuê lại để trồng bí xanh.
Đầu năm 2017, được UBND xã tạo điều kiện, anh Khởi đã ký hợp đồng thuê lại vùng đất này để canh tác. Trồng bí xanh mùa đầu tiên phải đầu tư lớn lại chưa có kinh nghiệm nên gia đình anh chỉ trồng thử gần 1 héc ta, sau 3 tháng trồng đúng quy trình kỹ thuật, bí sai quả, đạt chất lượng theo yêu cầu của tư thương, với giá bán 7 ngàn đồng/kg, gia đình anh đã thu được 150 triệu đồng, trừ chi phí giống, phân, nứa, lưới làm giàn và công lao động đã cho anh thu lãi ròng trên 100 triệu đồng.
Khi đã có vốn và kinh nghiệm nên sang vụ hè thu anh mạnh dạn mở rộng diện tích lên 5 héc ta, với chi phí đầu tư trên 200 triệu đồng để làm giàn bằng nứa, lưới bao, thuê nhân công, tiền giống, phân … Hai vợ chồng ngày đêm lăn lộn với đất, với bí, nào là che sương, phủ ni lông cho bí, rồi bắt sâu, phun thuốc … Đất không phụ công người chịu khó, vụ hè thu vừa qua, gia đình anh thu hoạch từ bí xanh hơn 600 triệu đồng, trừ chi phí, anh lãi ròng hơn 400 triệu đồng. Bên cạnh trồng bí xanh, anh Khởi còn trồng thêm các loại cây rau màu khác như dưa chuột gai, rau cải, súp lơ …
Sau hai vụ bí xanh thắng lợi trên vùng đất Trung Sơn, anh quyết định trồng cả 5 héc ta bí xanh trái vụ từ tháng 11/2017. Khi chúng tôi đến thăm quan cánh đồng bí xanh của gia đình anh cũng là lúc cả hai vợ chồng đang thuê máy làm đất, lên luống cho vụ bí xanh trái vụ.
Anh Khởi cho biết: Sau khi làm bầu đất để ươm giống, phủ ni lông để chống rét khắc nghiệt của mùa đông, đến nay những luống bí đầu tiên đã bén xanh. Khác với vụ trước, lần này anh thuê máy làm đất, lên luống, rải phân, so sánh thì mức chi phí rẻ hơn nhiều so với thuê nhân công lao động thủ công. Tận dụng được giàn nứa và lưới từ vụ trước nên mức đầu tư của vụ này ít hơn. Theo như tính toán của anh Khởi thì bí trái vụ sẽ bán được giá hơn, thu hoạch đến đâu bán hết đến đó. Tuy nhiên, do làm trái vụ nên phải bỏ nhiều công chăm sóc và thời gian có quả để thu hoạch sẽ kéo dài hơn gần một tháng.
Thấy được hiệu quả của cây rau màu , đầu năm 2018 này, anh Khởi nhận thêm 7 héc ta đất bãi bồi ven sông Lam để trồng bí xanh, bí đỏ. Đây là vùng đất không thuận lợi giao thông, nước tưới lại thấp trũng, mùa mưa lụt phải bỏ không, mỗi năm chỉ trồng được một vụ, sau khi trừ chi phí thì thu nhập không cao nên xã khuyến khích các hộ canh tác cây trồng rau màu chất lượng cao với mức thu thuế 9 triệu đồng/7 héc ta/năm (trong khi đó, vùng đất Trung Sơn có thể thâm canh 2 vụ/năm có mức thu thuế 7 triệu đồng/ha/năm). Tại vùng đất này, anh ưu tiên trồng 6 héc ta bí đỏ và một héc ta bí xanh vì cây bí đỏ dễ trồng, đầu tư ít, chênh lệch khoảng một nửa so với bí xanh.
Anh Khởi chia sẻ: ngoài giống tốt, kỹ thuật chăm bón, phòng trừ sâu bệnh thì việc bón phân đúng định lượng, đúng thời điểm để nuôi bộ rễ cho cây là rất quan trọng. Để tránh sâu bệnh, anh làm bầu, gieo hạt và phủ ni lông để ủ giống. Tiến hành rải phân NPK Phú Mỹ trên đất rồi mới làm luống, phủ ni lông để tránh cỏ mọc và giữ độ ẩm cho đất. Sau khi đưa vào trồng cây có 5 lá thật thì tiến hành bấm ngọn để cây đẻ nhánh, chọn 3 nhánh khỏe để lại còn lại tỉa bỏ rồi tiến hành làm giàn nứa và giăng lưới, đây là công đoạn chiếm nhiều thời gian để nhánh cây bám giàn để leo. Việc làm giàn lưới vừa thoáng, vừa không sợ bị giàn đổ, các cọc chống được đổ xi măng nên không phải thay. Từ khi trồng đến khi thu hoạch bón thúc 3 lần, nếu trời nắng phải hòa phân NPK để tưới, nếu trời mưa thì bón đạm gần gốc kích thích phát triển bộ rễ, rễ tốt mới có dinh dưỡng nuôi quả. Theo ước tính năm 2017, mỗi héc ta cho thu hoạch 40 tấn quả, (có thời điểm 60 tấn), trừ chi phí mỗi héc ta có lãi trên 100 triệu đồng.
Ông Đoàn Văn Linh - Chủ tịch UBND xã Trung Sơn cho biết: Cả xã chỉ có 2 xóm trồng bí xanh, nhưng trồng nhiều chỉ có xóm 7. Riêng gia đình anh Khởi là hộ trồng bí xanh nhiều nhất và cho mức thu nhập cao, việc anh mạnh dạn trồng cây trái vụ thể hiện sự năng động, nhạy bén vì vụ trái giá cao, bí ngọt để được lâu, chủ động thị trường, tiêu thụ dễ. Tuy là điển hình tiên tiến nhưng rất khó để nhân rộng vì xã không có quỹ đất. Với các hộ dân làm rau màu chất lượng cao xã hỗ trợ 1 triệu đồng để khoan giếng và khuyến khích nhiều gia đình đổi đất cho nhau để làm khoanh vùng tập trung. Để khuyến khích và động viên các gia đình, huyện cũng đã đầu tư 100 triệu đồng để kéo điện ra đồng cho các hộ bơm nước, dùng bóng điện thắp sáng để kích thích cây nhanh phát triển.
Đạm Phương - nguồn TSKN