Nhiều năm qua, loại cây này đã góp phần không nhỏ trong công tác xóa đói giảm nghèo ở các huyện miền núi nói chung và xã Thành Sơn nói riêng. Cây keo được người dân xã Thành Sơn trồng từ nhiều năm trước, tuy nhiên lúc bấy giờ diện tích còn nhỏ lẻ, tự phát nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Nhận thấy thị trường tiêu thụ cây keo ngày càng tăng và hiệu quả kinh tế thiết thực từ trồng keo, người dân đã mạnh dạn, tích cực mở rộng diện tích trồng. Từ đây, phong trào trồng keo phát triển mạnh, thu nhập các hộ tăng lên, cuộc sống có thay đổi khởi sắc hơn. Hiện nay toàn xã có khoảng 972,21 ha đất rừng trồng, trong đó chủ yếu là cây keo nguyên liệu. Để phát triển lâm nghiệp nói chung trong đó có trồng keo nguyên liệu hiệu quả bền vững UBND xã Thành Sơn đã có chương trình, chính sách như: thành lập Ban chỉ đạo về chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững xã, phối hợp với các đơn vị Kiểm Lâm, TTDV Nông nghiệp huyện…tổ chức các lớp tập huấn về trồng rừng, kỹ thuật chăm sóc, biện pháp phòng trừ sâu bệnh cho cây keo kết hợp tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật về bảo vệ rừng; đồng thời tăng cường công tác thông tin tuyên truyền pháp luật các văn bản liên quan đến lâm nghiệp như: Chỉ thị số 13- CT/TW ngày 12/01/2017 Chỉ thị của Ban bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, Nghị định số 35/2019/NĐ-CP ngày 25/04/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp, Nghị định số 07/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính Phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp, bảo vệ và kiểm dịch thực vật, thú y, chăn nuôi;Thông tư số 30/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ NN&PTNT quy định danh mục loài cây trồng lâm nghiệp chính; công nhận giống và nguồn giống; quản lý vật liệu giống cây trồng lâm nghiệp chính... để giúp người dân nắm rõ và tuân thủ phát triển kinh tế từ trồng rừng, keo nguyên liệu bền vững
Hiện toàn xã có khoảng 500 hộ có diện tích trồng keo nguyên liệu, hộ nhiều nhất 20-30 ha, hộ ít nhất gần 1 ha; tập trung nhiều ở xóm Hùng Thành, Cầu Đất… Điển hình có hộ chị Lê Thị Hợi ở thôn Cầu Đất với 30 ha diện tích đất trồng keo nguyên liệu. Chị Hợi cho biết: Trước đây, người dân trồng keo một cách tự phát; tự ươm cây keo giống bằng hạt gieo ươm tự phát hoặc mua giống trôi nổi để trồng nên đến chu kỳ khai thác rừng hiệu quả không cao, cây con hay bị chết, sản lượng gỗ thấp. Nhờ được tập huấn, tiếp cận khoa học kỹ thuật, người dân dần thay tập quán canh tác cũ lạc hậu, lựa chọn cây giống sạch bệnh, trồng và chăm sóc cây keo tốt hơn. Mỗi ha keo nguyên liệu sau 4-6 năm cho thu hoạch, giá bán từ 90-120 triệu đồng/ha. Từ 30 ha keo gia đình tôi có thu nhập ổn định, cuộc sống khá giả hơn.
|
|
|
|
Người dân xã Thành Sơn- Anh Sơn kiểm tra, chăm sóc, khai thác rừng keo nguyên liệu |
Cũng là một trong những hộ trồng keo nguyên liệu lâu năm của xã, ông Trần Hữu Phượng- thôn Hùng Thành vui vẻ chia sẻ: Trồng keo nguyên liệu trong khoảng 3 năm đầu cần đầu tư công trồng, chăm sóc, bón phấn, phát dọn thực bì… những năm sau đó chủ yếu là quản lý và bảo vệ. Thời gian gần đây giá keo nguyên liệu tăng, người dân rất phấn khởi. Sau khi trừ đi chi phí mỗi ha keo cho lãi từ 60 – 90 triệu, thời điểm được giá có khi trên 100 triệu. Với 22 ha keo của gia đinh mang lại khoản thu nhập không nhỏ.
Bà Lê Thị Trâm – công chức nông nghiệp xã Thành Sơn cho biết: Xã Thành Sơn có gần 50% dân số là người dân tộc thiểu số (dân tộc Thái). Trồng keo nguyên liệu đã giúp nhiều hộ dân vươn lên xóa đói giảm nghèo. Bên cạnh đó trồng rừng sản xuất (keo nguyên liệu) tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương, nâng cao thu nhập và góp phần phủ xanh đất trống đồi trọc, chống sạt lở đất. Gần đây giá keo nguyên liệu tăng, sức mua mạnh, thị trường tiêu thụ thuận lợi khiến người trồng keo rất phấn khởi. Tuy nhiên người dân cần tuân thủ, nâng cao kiến thức về kỹ thuật trồng keo, lựa chọn cây giống chất lượng tại các nhà vườn uy tín, tuân thủ đúng mật độ trồng và không nên khai thác non rừng keo tránh làm ảnh hưởng đến năng suất, giá trị cây keo và những hệ luỵ về sau.
Nhiều năm qua, việc trồng keo nguyên liệu đã góp phần giúp người dân xã miền núi Thành Sơn phát huy được lợi thế địa phương, tăng thu nhập, từng bước vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần làm cho bộ mặt nông thôn miền núi ngày càng khởi sắc. Không chỉ mang lại lợi ích giá trị kinh tế, trồng rừng keo nguyên liệu mang lại lợi ích về môi trường phủ xanh đất đồi núi trọc... Đây cũng là động lực để người dân an tâm gắn bó với nghề trồng rừng, trồng keo nguyên liệu hơn nữa.
Kim Dung - Nguồn TSKN