Trò chuyện với chúng tôi, ông Phùng vui vẻ nói: Trồng keo nguyên liệu mang lại rất nhiều lợi ích thiết thực, vừa cho thu nhập tốt, ổn định, vừa chống xói mòn, giữ được mực nước ngầm không bị tụt sâu, điều tiết được khí hậu dễ chịu hơn rất nhiều nhất là về mùa Hè nóng bức. Dẫn chúng tôi đi thăm vườn keo ông Phùng cho biết: Những năm gần đây nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào trong sản xuất nên hiệu quả kinh tế được tăng lên rõ rệt, hiện gia đình ông đang trồng và chăm sóc 10 ha keo nguyên liệu. Keo sau khi trồng và chăm sóc trung bình từ 5 – 6 năm sẽ cho thu hoạch. Thời gian qua, gia đình ông đã thu hoạch được khoảng 8ha keo, với giá từ 70 – 80 triệu đồng/ha, cho thu nhập hơn 600 triệu đồng, trừ chi phí ông thu lãi khoảng 400 triệu đồng. Ngoài việc trồng rừng, gia đình ông còn làm chuồng trại phát triển chăn nuôi gà với quy mô 500 gà thịt thả vườn/lứa, mỗi năm nuôi 2 lứa. Hiện nay, ông đang nuôi giống gà Mía lai, đàn gà được nuôi đạt trọng lượng 2 – 2,5 kg mới xuất chuồng, với giá bán 95.000 – 100.000đ/kg, trung bình mỗi năm thu từ chăn nuôi đạt khoảng 200 triệu đồng, trừ chi phí lãi khoảng 80 triệu đồng. Để phát huy lợi thế của khu vườn đồi gia đình ông đang thả nuôi thêm 500 con gà đẻ trứng Ai Cập, hiện đàn gà sinh trưởng và phát triển tốt, đang ở giai đoạn hậu bị, chuẩn bị vào đẻ.
Chia sẻ về kinh nghiệm tổ chức sản xuất của mình ông Phùng cho biết thêm: Sản xuất nông nghiệp hiện vẫn còn những khó khăn, đầu ra sản phẩm chưa ổn định, giá cả vật tư đầu vào có lúc tăng cao làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế đầu tư. Để giảm chi phí trong quá trình chăn nuôi, ông cùng với một số hộ chăn nuôi đã liên kết với nhau để mua con giống, thức ăn chăn nuôi trực tiếp từ công ty vừa đảm bảo chất lượng và giá cả lại hợp lý hơn. Trong quá trình chăn nuôi phải thực hiện tốt việc vệ sinh chuồng trại, định kỳ tiêu độc khử trùng bằng vôi bột, thuốc khử trùng các loại và tiêm phòng vắc xin theo khuyến cáo của thú y mới đảm bảo an toàn dịch bênh. Đối với trồng cây keo nguyên liệu cần chọn giống tại cơ sở sản xuất uy tín, sạch bệnh, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, thực hiện tỉa cành tạo tán, phát dọn dây leo, cây bụi, làm cỏ, xới gốc cho keo nhất là trong năm đầu tiên để cây keo sinh trưởng phát triển tốt.
Rừng keo nguyên liệu của gia đình ông Phùng
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Cảnh Tuỵ chủ tịch hội nông dân phường Quỳnh Xuân cho biết: Những năm gần đây người nông dân trên địa bàn phường Quỳnh Xuân đã mạnh dạn thay đổi cách tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, có đầu tư và áp dụng các tiến bộ mới về khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, hiệu quả kinh tế. Mô hình trồng keo nguyên liệu kết hợp phát triển chăn nuôi của ông Lê Khắc Phùng là một hướng đi khá hiệu quả và bền vững, đã khai thác và phát huy được tiềm năng và lợi thế của vùng đất nơi đây. Ngoài việc tích cực phát triển sản xuất, ông còn từng là một cán bộ khuyến nông thôn bản, ban công tác mặt trận của xóm và giờ là chi hội trưởng hội nông dân của khối. Với vai trò của mình ông luôn tích cực trong các hoạt động tại khối xóm, nhiệt tình tư vấn chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cho bà con để cùng phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và xây dựng Nông thôn mới tại địa phương./.
Văn Sô – Trung tâm Khuyến nông - nguồn TSKN