Nghệ An hiện có 224.141 ha rừng trồng trong quy hoạch lâm nghiệp (QĐ số 2357/QĐ-BNN-KL, ngày 14 tháng 6 năm 2023 của Bộ Nông nghiệp và PTNT), trong đó rừng trồng Keo chiếm 63,7% tổng diện tích rừng trồng của cả tỉnh (Tô Xuân Phúc và cộng sự, 2021), tương ứng với diện tích 142.777 ha (phần lớn là Keo lai).
Với chu kỳ kinh doanh bình quân 5 năm, mỗi năm Nghệ An có khoảng 20.000 ha rừng trồng Keo khai thác (không kể rừng trồng ngoài quy hoạch lâm nghiệp). Với mật độ trồng rừng Keo ở Nghệ An bình quân 2.500 – 3.000 cây/ha, nhu cầu giống Keo để trồng rừng khoảng 50 – 60 triệu cây giống/năm. Giống cây lâm nghiệp có vai trò rất quan trọng, quyết định đến năng suất rừng trồng, theo ước tính, giống cây lâm nghiệp có thể quyết định trên 60% năng suất rừng trồng (Davidson, 1996). Vai trò quan trọng của giống cây lâm nghiệp càng được thể hiện rõ hơn khi trồng rừng theo hướng kinh doanh gỗ lớn. Đối với Keo lai, chủ yếu được trồng bằng cây hom, cây giống không đảm bảo chất lượng, cây sinh trưởng kém, phân cành thấp, không có thân chính, khả năng chống chịu bệnh kém. Theo TCVN 11570-2:2016, hom giống Keo lai phải được tạo ra từ vật liệu giống gốc (nhân lần đầu từ cây trội, cây đầu dòng của giống đã được công nhận hoặc phục tráng). Thời gian thu hoạch hom không quá 3 năm tính từ khi trồng. Tuy nhiên, theo khảo sát, Nghệ An hiện có trên 60 cơ sở sản xuất kinh doanh giống tập trung chủ yếu ở khu vực các huyện: Tân Kỳ, Thanh Chương, Đô Lương, Quỳnh Lưu công suất đạt trên 37 cây triệu/năm.
Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có 4 cơ sở có chứng nhận nguồn giống cho vườn cây đầu dòng (Theo số liệu cập nhật của Chi cục kiểm lâm), số còn lại là chưa đạt chuẩn (trồng từ cây hom đại trà, không rõ nguồn gốc) theo quy định. Hậu quả, nhiều diện tích rừng trồng Keo lai ở Nghệ An có chất lượng kém (cây sinh trưởng chậm, phân cành thấp), đặc biệt nhiều lô rừng đã xuất hiện bệnh chết héo do nấm Ceratocystis manigencans gây ra (một loại bệnh nguy hiểm nhất đối với rừng trồng Keo hiện nay).
Hình ảnh vườn cây đầu dòng Keo lai
Ngoại ra, nhiều cơ sở kinh doanh giống tự phát lấy giống từ nhiều vùng khác nhau (Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ, Đông Bắc Bộ) về để bán cũng chưa được kiểm soát chất lượng. Nghệ An đang thực hiện chủ trương, chính sách phát triển vùng nguyên liệu rừng trồng thâm canh chất lượng cao bền vững và phát triển chế biến lâm sản (Chỉ thị số 10/CT-TU, ngày 05/10/2021).
Để hiện thực hóa chủ trương chính sách của tỉnh, trước nhất cần quan tâm đến khâu cải thiện chất lượng giống cho cây Keo lai, một số giải pháp cụ thể là: (1) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác sản xuất - kinh doanh giống cây Keo lai, đảm bảo các cơ sở sản xuất kinh doanh ở địa phương phải tuân thủ theo đúng quy định hiện hành; (2) Hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất giống đủ tiêu chuẩn đăng ký chứng nhận nguồn giống; (3) Có chính sách hỗ trợ cho các cơ sở sản giống tiếp cận các giống Keo lai mới có năng suất và khả năng chống chịu bệnh tốt để thay thế dần các giống cũ đã được công nhận; (4) Cung cấp thông tin về các cơ sở sản xuất giống uy tín, tuân thủ các quy định của nhà nước về quản lý giống cây lâm nghiệp; (5) Tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về vai trò quan trọng của giống cây lâm nghiệp đến năng suất và chất lượng rừng trồng để người dân tránh mua giống trôi nổi ngoài thị trường.
Nguyễn Hảo -DA Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học - nguồn nnptnt.nghean.gov.vn
Ý kiến bạn đọc