Giải pháp để mô hình nông nghiệp nhà lưới công nghệ cao ở Nghệ An phát triển bền vững
Chủ nhật - 22/09/2019 20:461.6010
Nông nghiệp nhà lưới là mô hình sản xuất mới mà trong đó các sản phẩm được sản xuất trong môi trường nhà màng hoặc nhà lưới, khác với sản xuất ngoài trời. Tại Nghệ An, do điều kiện thiên nhiên không ưu đãi nên chi phí đầu tư ban đầu cho mô hình nhà lưới khá tốn kém và mô hình nhà lưới đồng nghĩa với sản xuất các sản phẩm có giá trị cao, an toàn. Tuy nhiên, thực tế tại Nghệ An, mô hình nhà lưới đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Mô hình công nghệ cao, định mức đầu tư lớn Sở dĩ chúng tôi phải bắt đầu bằng chi tiết này là vì so với các địa phương có điều kiện thiên nhiên và thời tiết thuận lợi, việc đầu tư sản xuất nông nghiệp theo mô hình nhà lưới thấp khá hiệu quả và đầu tư ban đầu ít. Lý do là điều kiện thời tiết Nghệ An vào mùa hè, nền nhiệt độ quá cao phải mua loại nguyên liệu màng lưới là đương nhiên còn phải đầu tư hệ thống phun tưới bằng sương để điều tiết nhiệt độ nếu thời tiết quả nóng. Bên cạnh đó, không phải người dân nào muốn làm nhà lưới là được mà phải thuê hoặc liên danh để mô hình có nguồn nước tưới đạt chuẩn (tránh phèn hay mặn) và chỉ cần nước không đạt sẽ phải đầu tư thêm công nghệ lọc nước như mô hình nhà lưới ở xóm Bình Sơn, xã Hùng Tiến, Nam Đàn sẽ tốn kém hơn. Mặt khác, ở Nghệ An, khi làm nhà lưới thì điều đầu tiên nông dân phải tính toán là nhà phải khả năng chống chịu với bão gió cấp 10- cấp 11. Quá trình tìm hiểu, bà con nông dân đều cho biết, khi đặt vấn đề về chống bão, các nhà cung cấp nhà lưới đều cam kết bảo hành nhà lưới 3-4 năm và thiết kế để chịu được bão gió cấp 10. Tuy nhiên, để yên tâm, bà con nông dân Nghệ An phải tự tay mua khung thép để làm nhà lưới chắc chắn. Điều này lý giải vì sao nhà lưới các tỉnh như (Đà Lạt) Lâm Đồng hay Mộc Châu (Sơn La), hay Tam Đảo (Vĩnh Phú) chỉ khoảng vài trăm triệu cho mô hình 1.000 m2 và chỉ cần khung bằng tre hoặc thép mỏng sử dụng hàng chục năm thì ở Nghệ An phải mất từ 600- 700 triệu đồng và khung hoàn toàn bằng thép. Thế nhưng, khi không may bão đến thì mô hình nhà lưới vẫn mong manh. Trường hợp của Hoàng Văn Hướng xã Diễn Phúc, làm mô hình ở xã Diễn Thành (Diễn Châu) là ví dụ về sự khắc nghiệt đó. Anh Hướng là người đầu tiên làm nhà lưới ở Diễn Châu khi năm 2016, anh đầu tư gần 300 triệu đồng làm nhà lưới 500 m2. Thế nhưng chỉ mới sản xuất được 2 năm thì gặp cơn bão số 10 cuối năm 2017 khiến toàn bộ nhà lưới của gia đình bị đánh sập và lưới rách tươm. Nhìn cảnh trên, một chuyên gia của Sở Nông nghiệp & PTNT khi đi kiểm tra thiệt hại đều cảm nhận được những khó khăn, thách thức của nông dân khi mô hình nhà lưới công nghệ cao. Câu hỏi đặt ra là sau thất bại, bà con có đủ tự tin để gượng dậy làm tiếp… Từ thực tế trên cho thất, làm mô hình nhà lưới với kinh phí lớn đồng nghĩa với bà con nông dân phải chọn sản xuất mặt hàng có giá trị cao và luân canh gối vụ quanh năm. Tuy nhiên, tại Nghệ An không phải cây trồng nào cũng làm được và không phải mô hình nào cũng đủ điều kiện về kiến thức, kỹ thuật và nhân lực để luân canh trong nhà lưới. Sau hơn 4 năm, sản phẩm chủ yếu mà các nhà lưới Nghệ An làm và có giá trị nhất là dưa nhập ngoại. Tuy nhiên, hầu hết các mô hình chỉ sản xuất được 1-2 vụ dưa vào mùa hè. Mặc dù nhà lưới cho giá trị thu nhập cao gấp 3- 4 lần so với sản xuất thông thường nhưng vào mùa đông, sản phẩm trong nhà lưới phải chi phí cao, không cạnh tranh với rau quả sản xuất bên ngoài nên nhiều hộ không sản xuất và chấp nhận bỏ hoang nhà lưới. Giải pháp để mô hình nhà lưới phát huy hiệu quả và bền vững? Mặc dù còn không ít khó khăn và thách thức nhưng do giá trị thu nhập cao nhiều nông dân Nghệ An vẫn quyết tâm đầu tư. Trong vòng 4 năm lại đây, trên địa bàn toàn tỉnh khoảng 26,5 ha với khoảng 30 mô hình nhà lưới đã ra đời. Các huyện có mô hình nhà lưới khá phát triển là Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Anh Sơn, Nam Đàn, Nghi Lộc… Để hỗ trợ bà con nông dân, từ nửa cuối năm 2018, UBND tỉnh ban hành chính sách hỗ trơ theo đó mỗi mô hình nhà lưới từ 1.000 m2 trở lên, khi xây dựng và đăng ký được tỉnh hỗ trợ 50.000 đồng/m2. Năm 2018 là năm đầu tiên triển khai, tỉnh dành 500 triệu đồng nhưng chỉ có 5 mô hình được hỗ trợ với tổng mức kinh phí là 250 triệu đồng. Năm 2019, thống kê sơ bộ của Sở Nông nghiệp cho biết có 7 huyện, thành đăng ký với kinh phí hỗ trợ khoảng 1,5 tỷ đồng. Trên thực tế, do thấy hiệu quả cao nên bà con nhiều địa phương không chờ đến chính sách hỗ trợ của tỉnh mà đã tự mình đầu tư hoặc liên doanh, liên kết với các đối tác để làm nhà lưới. Để động viên bà con nông dân, từ năm 2017 một số huyện như Anh Sơn, Diễn Châu, Nghi Lộc hay Quỳnh Lưu đã ban hành cơ chế riêng để hỗ trợ mô hình nhà lưới. Cụ thể, Quỳnh Lưu hỗ trợ 150 triệu đồng, Diễn Châu 100 triệu đồng và Nghi Lộc gần 200 triệu đồng cho mỗi mô hình nhà lưới trên 1.000 m2. Nhờ vậy, bước đầu đã tạo được điểm nhấn trong chuyển đổi cây trồng, tăng giá trị sản xuất trên 1 đơn vị diện tích. Điển hình là các mô hình dưa lưới ở Quỳnh Lương (Quỳnh Lưu), Diễn Thành (Diễn Châu) hay Nghi Trường (Nghi Lộc)… khi mỗi năm cho thu nhập từ 1-1,5 tỷ đồng/ha nhà lưới. Tuy nhiên, từ thực tế tìm hiểu cũng như trao đổi với chuyên gia nông nghiệp tỉnh, chúng tôi nhận thấy các mô hình nhà lưới công nghệ cao ở Nghệ An dù phát triển nhưng có những yếu tố chưa thực sự bền vững. Mặc dù nguyên liệu lưới hoặc màng do các nhà cung cấp nước ngoài nhưng vì yêu cầu chống gió bão, mỗi mô hình có một thiết kế riêng, chưa chú ý đầy đủ đến việc lấy không khí từ bên ngoài và không mô hình nào giống mô hình nào. Mặt khác, do các cây trồng trong nhà lưới đều do nông dân làm nhà lưới tự mày mò trên cơ sở hướng dẫn, chuyển giao của các đơn vị cung ứng giống. Điều này dễ dẫn đến việc nếu thay đổi nhà cung ứng giống hoặc 2 bên không liên doanh nữa thì rất khó để có quy trình chuẩn. Bên cạnh đó, các mô hình nhà lưới ở từng vùng, từng huyện chưa có sự liên kết để cùng nhau xây dựng và giữ gìn chất lượng sản phẩm để từng bước hình thành chỉ dẫn địa lý hoặc tạo nguồn hàng đủ lớn để cung cấp vào chuỗi siêu thị thương mại lớn; làm nhiều sợ không có đầu ra nhưng cũng không dám ký hợp đồng cung ứng sản phẩm ổn định vì quy mô quá nhỏ. Chính vì thế, để mô hình nhà lưới phát huy hiệu quả và bền vững, theo chúng tôi, một mặt bà con khi đầu tư mô hình nhà lưới phải thực sự tâm huyết, ngay cả khi không may thất bại cũng phải tìm ra nguyên nhân để tiếp tục đầu tư làm lại. Theo Kỹ sư Đặng Ngọc Long – Trạm trưởng Trạm khuyến nông TP Vinh, sản xuất mô hình nhà lưới là đầu tư lớn và tiên tiến vào nông nghiệp. Vì vậy, sản phẩm sản xuất ra phải đạt tiêu chuẩn chất lượng cao và an toàn. Nếu đầu ra ổn định và giá cả tốt thì cho hiệu quả, thu nhập cao. Chủ mô hình nhà lưới phải thực sự tâm huyết, tìm tòi để chọn sản xuất những sản phẩm có chất lượng cao, luân canh gối vụ... Về phía tỉnh, xuất phát từ thực tế, ông Nguyễn Quý Linh – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho rằng: bên cạnh mức hỗ trợ cho mô hình nhà lưới hiện nay, nên chăng tỉnh cần nghiên cứu để ban hành cơ chế hỗ trợ bà con trong xây dựng nhãn hiệu hoặc hỗ trợ về giám sát, đánh giá quy trình sản xuất rau củ quả trong mô nhà lưới đạt chuẩn VietGap, trong đó tiêu chuẩn an toàn được đặt lên hàng đầu. Hiện nay, các sản phẩm nhà lưới dù được gán “mác” là hàng sạch và chất lượng cao nhưng thực tế chưa có gì đảm bảo. Ngay cả tiêu chí VietGap là tiêu chí phổ thông đối với các vùng hàng hóa nông nghiệp sản xuất nông nghiệp tập trung nhưng chưa mô hình nhà lưới nào có. Nguyên nhân là do mô hình nhà lưới hiện nay ở tỉnh ta còn khó khăn do quy mô còn nhỏ và mỗi huyện chỉ có một vài mô hình rải rác nên rất khó để xem xét, đánh giá theo VietGap. Dù biết là khó khăn nhưng để sản phẩm an toàn và có đầu ra bền vững, các chủ các mô hình nhà lưới nên chủ động áp dụng quy trình an toàn VietGap trong sản xuất và mời tổ chức có thẩm quyền đến đánh giá, công nhận thì chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả hơn./.