Thứ bảy, 28/12/2024, 20:41

Nguy cơ vùng cam Vinh mất nhiều diện tích

Chủ nhật - 03/11/2019 19:59 1.410 0
Nguồn thu lớn từ cây cam mang lại cho người trồng cam, nhất là vùng cam Vinh ở các huyện Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Thị xã Thái Hòa, Tân Kỳ… vào những năm 2017 về trước đã và đang giảm mạnh.
Nguy cơ vùng cam Vinh mất nhiều diện tích
Do có nguồn thu nhập lớn từ cây cam đem lại, nên người dân ở các huyện thị nói trên đua nhau trồng cam ồ ạt. Từ năm 2005 - 2013 toàn tỉnh có diện tích cam ổn định là 2400 - 2600 ha, trong đó diện tích cho thu hoạch là 1800 - 2100 ha. Đến năm 2016 diện tích cam lên đến 4.757 ha, trong đó diện tích cho thu hoạch 2082 ha. Đến năm 2017 tăng lên đến 5.096 ha, trong đó có 2.500 ha cam cho thu hoạch và hôm nay rất nhiều diện tích cam đã bị chặt bỏ vì bệnh tật, vì già nua, vì chăm sóc kém v.v… nhưng chủ yếu là do bệnh vàng lá, thối rễ đã làm cho hơn 1000 ha cam bị chặt bỏ.
Một thời giàu có nhờ cam:
Kể từ năm 2016 trở về trước, cứ đến cuối tháng 11 trở đi, trên các vùng cam thuộc các huyện Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Thị xã Thái Hòa.. nhộn nhịp người và xe ô tô của nhiều doanh nghiệp và tư thương đến mua cam.
Toàn tỉnh năm 2016 đã có đến 4.757 ha cam, trong đó có 2.082 ha cam cho thu hoạch. Năng suất cam lúc bấy giờ đạt được 16 - 18 tấn/ha, sản lượng từ 33.000 - 37.000 tấn cam quả, giá bán cam quả hàng năm từ 32.000 đến 35.000 đồng/kg.
Doanh thu cam từ những năm 2016 trở về trước đạt trên dưới 1.000 tỉ đồng.
Một trong những huyện có diện tích cam lớn nhất tỉnh là huyện Quỳ Hợp. Hầu hết diện tích cam ở Quỳ Hợp được trồng bằng giống cam xã Đoài, cam V2.
Tổng diện tích cam ở huyện Quỳ Hợp lên đến 2.780 ha, trong đó có 1.227 ha cam cho thu hoạch, năng suất cam đạt bình quân 17,92 tấn/ha, sản lượng 22.000 tấn quả, doanh thu đạt 600 - 700 tỉ đồng, doanh thu trung bình 1 ha cam từ 550 - 570 triệu đồng.
Trong huyện Quỳ Hợp, xã Minh Hợp có gần 1.800 ha cam của với 200 hộ dân, là xã có diện tích cam nhiều nhất huyện Quỳ Hợp và nhiều nhất tỉnh.
Một trong số nhiều người có doanh thu từ cây cam lớn nhất, đó là gia đình chị Nguyễn Thị Kim Ngân ở xóm Minh Hồ, xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp. Gia đình chị trồng được 3 ha cam cho thu hoạch khoảng 54 - 55 tấn quả mỗi năm, doanh thu hàng năm trên 1,5 tỉ đồng.
Theo ông Hoàng Minh - Giám đốc Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành đóng trên địa bàn huyện Quỳ Hợp cho biết: Trung bình mỗi hộ trong công ty được nhận khoán ít nhất 1,2 ha đất trồng cam, hộ nhiều nhất 3 ha. Nhờ có cây cam mà doanh thu và lợi nhuận của Công ty liên tục tăng trưởng với tốc độ cao, kinh tế các hộ thành viên phát triển nhanh. Chỉ tính riêng giai đoạn 2010 - 2015 doanh thu hàng năm của Công ty đạt từ 95 - 100 tỉ đồng. Năm 2015 và 2016 toàn Công ty đã có trên 95 hộ có thu nhập bình quân 300 triệu đồng/người/năm, có hơn 50 hộ có mức thu nhập từ 400 - 700 triệu đồng/năm và có 25 hộ có mức thu nhập trên 1 tỉ đồng/1 năm. Nhờ doanh thu lớn từ cây cam, nên phần lớn các hộ dân ở đây đều có nhà cao tầng và đã có hàng chục hộ mua sắm xe ô tô từ 4 - 7 chỗ ngồi là chuyện bình thường.
Nhiều diện tích cam bị chặt bỏ:
Bắt đầu từ cuối năm 2017, sang năm 2018 và cả năm nay 2019, nếu đến vùng cam các huyện Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, nơi được mệnh danh là "Thủ phủ" cam Vinh, vùng trọng điểm cam của tỉnh thì sẽ thấy nhiều vườn cam bị chặt bỏ, người trồng cam vừa lo lắng cho những cây cam còn lại, vừa buồn bã vì nguồn lợi nhuận thu được từ cây cam không còn như ngày xưa.
Tại huyện Quỳ Hợp năm 2017 đã có 2.787 ha cam, chiếm 54,68%, tổng diện tích cam toàn tỉnh và theo quy hoạch đến năm 2020 huyện sẽ có 3000 ha cam. Nhưng hiện tại toàn huyện chỉ còn lại 1.300 ha cam còn cho thu hoạch. Riêng từ đầu năm 2019 lại nay đã có 800 ha cam bị chặt bỏ.
Đến vườn cam nhà ông Lê Quang Hòa ở xóm Minh Đình, xã Minh Hợp có vườn cam rộng chừng 4-5 ha, cam đã vào thời kỳ kinh doanh cho quả nhiều. Nhưng, theo ông Hòa 1-2 năm nay hơn một nửa diện tích cam của nhà ông phải chặt bỏ do bị bệnh vàng lá chè (lá vàng, gân lá có sọc xanh), cây ra hoa ít, quả nhỏ, quả rụng dần và rụng hết. Theo ông Hòa cho biết, không phải chỉ có cam nhà ông bị bệnh, mà cả xã Minh Hợp đều bị loại bệnh này phá hoại mạnh và họ cũng chặt bỏ nhiều như tôi.
Không riêng gì ở huyện Quỳ Hợp, đến xã Nghĩa Mai, huyện Nghĩa Đàn vườn cam nhà ông Nguyễn Văn Tám rộng 1 ha được trồng bằng giống cam xã Đoài, cam Vân Du, cả vườn cam có khoảng 500 - 550 ha, hầu như cây nào cũng bị bệnh vàng lá, quả nhỏ, ít quả, quả đang rụng dần và theo ông, chặt bỏ thì tiếc, để lại không xong.
Nguyên nhân gì:
Trên lá cam, lá bưởi, lá quýt… (họ cam quýt) từ màu xanh chuyển dần sang màu vàng (vàng bã chè), gân lá sọc xanh. Loại bệnh này được các nhà khoa học trên thế giới và cả trong nước gọi là bệnh vàng lá gân xanh greening, do chủng vi khuẩn Candidatus loài Liberibacter Aciaticus (Las) Châu Á gây ra. Vi khuẩn gây bệnh tấn công vào và sống trong mạch dẫn Libe của cây rồi lây qua mắt ghép hoặc do con rầy chổng cánh truyền vi khuẩn từ cây bị bệnh sang gây bệnh cho các cây cam khác. Bệnh Greening hiện nay chưa có thuốc đặc trị nào phòng trừ có hiệu quả.
Triệu chứng khi cây bị nhiễm bệnh, chúng ta quan sát sẽ thấy:
Trên lá, phiến lá hẹp, lá nhỏ và ngắn lại, lá có màu vàng, giữa lá gân lá có màu xanh.
Trên quả, quả nhỏ lại, quả có hình méo mó, bổ dọc quả cam sẽ thấy tâm quả lệch sang một bên, quả có quầng đỏ từ dưới đít quả lên, hạt trong múi quả thường bị thối và có màu nâu.
Ở rễ, rễ bị thối dần, rễ tơ thối trước, rễ chính thối sau.
Câu hỏi đặt ra là, tại sao bệnh vàng lá gân xanh greening ở cây cam tại Nghệ An lại phát triển nhanh như vậy ?
Thực sự mà nói, cây cam đem lại hiệu quả quá lớn cho người trồng. Từ đó người dân ở vùng đất đỏ bazan Phủ Quỳ, chủ yếu các huyện: Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Thị xã Thái Hòa, một phần Phủ Quỳ và Tân Kỳ… đổ xô vào trồng cam và hầu hết trồng bằng cây giống được ghép từ mắt ghép lấy ở cây đã bị bệnh mà không hề biết trước.
Đã thế, hiện nay công tác quản lý giống cây ăn quả nói chung, cây cam nói riêng đang thả nổi, nhà nhà làm giống, mạnh ai nấy làm, bát nháo thị trường giống cây ăn quả được bày bán khắp nơi, ai cần thì mua. Riêng ở huyện Quỳ Hợp có đến 9 cơ sở tư nhân chuyên sản xuất giống cam bằng phương pháp lấy mắt ghép ở cành cam ghép vào thân cây trấp để bán với giá từ 10.000 - 12.000 đ/cây giống.
Một trong số 9 cơ sở tư nhân chuyên sản xuất giống cam để bán là gia đình Trần Văn Quang ở xóm Nam Lợi, xã Văn Lợi. Khi chúng tôi đến hỏi mua giống cam, ông Quang tự giới thiệu: "Ở đây chúng tôi nhận ghép mắt giống và bán cây giống cam các loại đã được ghép mắt. Ai nhờ ghép thì 1 mắt ghép phải trả 1.000 đồng, nếu mua cây đã ghép để trồng thì phải trả 12.000 đồng. Bình quân 1 năm gia đình tôi bán ra thị trường khoảng 2 vạn cây giống cam". Khi được hỏi cách chọn cây cam để lấy mắt ghép thì ông nói: "Tôi chỉ lấy mắt ghép ở những cây cam nào phát triển tốt nhất trong cả vườn cam". Chúng tôi lại hỏi tiếp, vậy khi ông chọn cây cam tốt nhất để lấy mắt ghép, ông có biết trong cả vườn cam ấy đã có cây nào bị bệnh vàng lá gân xanh chưa ? Không ngần ngại, ông Quang nói ngay: "Tôi chỉ lấy mắt ghép ở cây cam khỏe chưa bị bệnh, thế thôi". Nhân đây, chúng tôi cũng thông báo cho ông Quang biết, có nhiều hộ dân ở các xã quanh đây mua cây giống của ông về trồng được vài ba năm nay bây giờ đã bị bệnh vàng lá gân xanh rồi. Ông Quang thản nhiên trả lời: "Bệnh vàng lá ấy là do thời tiết, do chăm sóc, do đất đai, đâu phải tại cây cam".
Ngoài nguyên nhân chủ yếu nói trên, còn có một nguyên nhân không kém phần quan trọng nữa là có nhiều vườn cam đã quá già cỗi cần phải được thanh lý để trồng lại chưa được quan tâm. Cây cam càng già cỗi, gặp hạn hán nặng, đầu tư thâm canh không đầy đủ càng tạo điều kiện cho các loại sâu bệnh phát triển gây hại nhất là bệnh vàng lá gân xanh greening.
Cây cam trồng bằng cây giống ghép mắt, sau khi trồng sớm nhất là 3 năm, bình thường là 4 năm thì ra quả cho thu hoạch và kể từ khi thu hoạch vụ thứ nhất đến vụ thứ 10, 11 và tối đa là vụ thứ 13, nếu là đất tốt, tầng canh tác dày từ 50 - 60 cm trở lên, bón phân đầy đủ hàng năm thì sau đó nên chặt bỏ, trồng lại cây giống non trẻ để trẻ hóa vườn cam. Nếu đất có tầng canh tác mỏng dưới 50cm, đất kém màu mỡ, đầu tư thâm canh không đầy đủ thì kể từ khi thu hoạch quả vụ thứ nhất đến vụ thứ 7, 8 nên chặt bỏ đi trồng lại cây giống trẻ.
Làm gì để khắc phục và hạn chế bệnh vàng lá gân xanh greening:
Một: Tuyệt đối không sử dụng vườn cam đã có cây bị bệnh để lấy mắt ghép nhân giống hoặc để chiết cành.
UBND tỉnh nên đầu tư hỗ trợ kinh phí cho một Công ty TNHH MTV nông nghiệp đóng ở vùng trọng điểm cam hiện nay của tỉnh xây dựng vườn cam giống sạch bệnh đảm bảo đúng quy trình sản xuất và tiêu chuẩn sạch bệnh để cung ứng cây giống cho các tổ chức và cá nhân có nhu cầu cây giống mua về để trồng.
Đồng thời người trồng cam phải luôn luôn có ý thức, đã trồng cam là phải trồng cây giống khỏe, sạch bệnh, cây giống phải được mua ở nơi sản xuất được cấp phép, có địa chỉ, có bảo lãnh .
Hai: Phát hiện sớm, chặt bỏ ngay những cây cam đã nhiễm bệnh đem tiêu hủy hết để ngăn không cho bệnh lan truyền sang cây khác. Nếu cả vườn cam có tỉ lệ bị nhiễm bệnh vàng lá gân xanh greening nhiều (trừ 50% trở lên) thì chặt bỏ cả vườn cam, trồng lại cây trồng khác, sau đó khoảng 1,5 - 2 năm cày bừa, vệ sinh lại đất đai, đào hố; bón vôi đầy đủ trước khi trồng lại vụ cam mới.
Ba: Quanh vườn cam nên trồng cây chắn gió bằng các cây: xoài, dâm bụt hoặc tốt nhất trồng cây ổi để hạn chế rầy chổng cánh là môi giới xâm nhập vào truyền bệnh từ cây bị bệnh sang cây khỏe rất nhanh.
Bốn: Thường xuyên tạo tán, tỉa cành để vườn cam thông thoáng, hạn chế giao tán giữa cây này với cây khác làm cầu nối cho rầy chổng cánh có điều kiện di chuyển và hoạt động tốt.
Năm: Bón phân đủ, cân đối, hạn chế đạm bón quá nhiều dễ làm cho cây cam ra lộc non tập trung mạnh, là cơ hội để rầy chổng cánh tập trung đẻ trứng và chích hút đi gây truyền bệnh.
Sáu: Thường xuyên thăm vườn cam, nếu phát hiện có rầy chổng cánh xuất hiện ngay lập tức mua các loại thuốc: Trebon 0,15 - 0,02%, Sherpa 0,1 - 0,2%, Sherzol 0,1 - 0,2%, Bassa, Confidor… phun từ 25 - 30 lít nước thuốc đã pha cho 1 sào (500 - 600 lít nước thuốc đã pha cho 1 ha). Nên phun định kỳ để bảo vệ các đợt cây cam ra lá non, nhất là vào mùa xuân. Vì rầy luôn chọn các đọt non của cam để đẻ trứng.
Bảy: Các cơ quan có trách nhiệm về quản lý giống cây trồng cần có kế hoạch và biện pháp thanh kiểm tra và xử phạt những tổ chức, cá nhân tự do sản xuất, kinh doanh giống cây trồng nói chung, giống cam nói riêng không có giấy phép hoạt động, không đảm bảo chất lượng và tiêu chuẩn giống theo luật giống cây trồng quy định thì xử lý theo quy định của luật giống cây trồng hiện hành.

                                                            Doãn Trí Tuệ - nguồn TSKN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
hh6-2.jpg hh2.jpg hh7-1.jpg hh3-1.jpg hh4-2.jpg hh1.jpg hh5-3.jpg Nuoi-cac-long-cua-song-cua-ho-Vu-Van-Manh-xa-Nghi-Quang-huye z6098847690463-7001a19e38215bdbc3068ea76aa3cc89-1.jpg a3-7.jpg a2-9.jpg Kiem-tra-san-xuat.jpg mo-hinh-luon-4.jpg mo-hinh-buoi-1.jpg tap-huan-tinh-huyen-5.jpg
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây