Hoa thiên lý được nhiều bà nội trợ lựa chọn làm thực phẩm vì chế biến được nhiều món ăn, có giá trị dinh dưỡng cao mà ít có loại rau nào sánh kịp. Được mệnh danh là rau cao cấp bởi hoa thiên lý ngoài chế biến thành các món ăn thanh mát như xào, luộc, nấu canh thì nó còn được sử dụng như một vị thuốc quý trong đông y chữa nhiều bệnh. Hiện nay cây hoa thiên lý tại xã Nam Anh - huyện Nam Đàn đang vào chính vụ thu hoạch.
Trên cánh đồng màu của xã ngoài màu xanh mướt của cây mướp ngọt, dưa chuột, mướp đắng còn là hương thơm nồng nàn của hoa thiên lý.
Trong những năm qua cây hoa thiên lý được xem là cây màu chủ lực của xã Nam Anh. Với diện tích trồng toàn xã gần 40 ha, cây hoa thiên lý thực sự mang lại giá trị kinh tế cao, nhiều hộ nông dân giàu lên nhờ trồng loại rau cao cấp này. Theo người dân Nam Anh cho biết nhu cầu thị trường về hoa thiên lý rất lớn, hàng ngày có xe tải trực sẵn để mua hoa thiên lý ngay trên đồng ruộng rồi vận chuyển ra thủ đô Hà Nội nên giá bán cao, đầu vụ 50.000 đ/kg, giữa vụ 35.000 - 40.000đ/kg. Mới 7 giờ sáng nhưng đã hái được gần 2 bì - chị Nguyễn Thị Cúc được mệnh danh là "đại gia hoa thiên lý" của xã Nam Anh vui vẻ cho biết: "Vợ chồng tui phải dậy từ lúc 4 giờ sáng để hái hoa lý tránh trời nắng nóng. Đang vào chính vụ nên 2-3 ngày thu hoạch 1 lứa hoa, trung bình mỗi lứa 30 - 40kg/sào hiện nay giá bán tại ruộng là 35.000đ/kg, gia đình tui thu được hơn 1 triệu đồng/lứa/sào". Chị Cúc chia sẻ thêm trước đây trên vùng đất này nhà chị đã trồng đủ loại cây màu như: mướp đắng, dưa chuột, cà tím, xu hào nhưng giá cả thất thường, có lúc xu hào rớt giá còn 500đ/kg. Nhận thấy cây hoa thiên lý khá dễ trồng, giá cả lại cao và ổn định, tiêu thụ thuận lợi nên mấy năm trở lại đây gia đình đã bố trí trồng loại cây này. Với nhiều kinh nghiệm chăm sóc hoa thiên lý nên nhà chị luôn trồng sớm (từ tháng 11 dương lịch) để có bán sớm đầu vụ giá cao, canh tác đúng kỹ thuật nên bông to, nụ nhiều, năng suất cao. Theo tính toán nếu thuận lợi vụ hoa lý này gia đình chị Cúc bỏ túi khoảng 25 - 30 triệu đồng/sào.
Cây hoa thiên lý tại xã Nam Anh cho thu hoạch chính khoảng từ tháng 4 đến tháng 7 dương lịch, đến tháng 8 khi có mưa nhiều thì hoa lý sẽ dần tàn. Trao đổi với chúng tôi ông Trần Văn Nam - Trưởng ban Nông Nghiệp xã Nam Anh cho biết: Cây hoa lý đã có từ rất lâu tại địa phương, trước đây cây hoa lý được trồng chủ yếu trồng trên vùng đất sỏi vườn đồi nhưng mấy năm gần đây bà con đã đưa trồng cả ở vùng đất ruộng cao và phát huy hiệu quả kinh tế. Có thể nói ít có sản phẩm rau màu nào dễ bán và có giá như hoa thiên lý, hàng được thương lái đến tận ruộng để thu mua, không bao giờ lo "ế" như những loại rau màu khác. Khoảng 5 năm trở lại đây nhiều hộ gia đình xã Nam Anh đã vươn lên làm giàu chính nhờ trồng cây hoa thiên lý. Mỗi vụ hoa thiên lý đã mang về nguồn thu hàng trăm triệu đồng/ha cho người dân xã Nam Anh. Bình thường cây hoa thiên lý mỗi vụ trồng có thể cho thu hoạch từ 3 - 4 năm mới phải trồng lại nhưng cho năng suất những năm sau thấp. Với việc trồng hoa lý trên đất ruộng thì đòi hỏi phải trồng mới hàng năm nhưng ưu điểm dây sinh trưởng phát triển tốt cho năng suất cao, giảm được sâu bệnh gây hại đáng kể.
Qua nhiều năm trồng, kinh nghiệm của người dân xã Nam Anh chỉ ra đó là: hoa thiên lý là cây ưa ẩm nhưng lại không chịu được úng nên phải chú ý tránh tình trạng nước đọng nếu không cây sẽ bị héo rũ và chết rất nhanh. Vào những ngày mưa to tháng 7 - tháng 8 cần phải tháo nước kịp thời nếu để ngập trong ruộng quá 2 ngày thì xem như mất trắng. Việc bón phân thúc tốt nhất khi dây leo cao được 2 - 2,5m, lúc này bộ rễ đã phát triển tốt. Đặc biệt không được tưới trực tiếp phân hóa học vào gốc mà phải cách khoảng 60cm nếu không cây sẽ bị ngộ độc phân. Về sâu bệnh trên cây hoa lý thì rệp là đối tượng nguy hiểm nhất gây hại trên nụ và hoa, tiếp đó là bệnh nấm đen phát triển trên lá và dây. Cần chú ý phát hiện và phòng trừ kịp thời để không ảnh hưởng đến năng suất hoa thiên lý.
Là địa phương có điều kiện thuận lợi để phát triển cây màu đa dạng, trồng hoa thiên lý đã và đang mang lại nguồn thu nhập cao cho bà con nông dân xã Nam Anh - huyện Nam Đàn. Tin tưởng rằng bằng bàn tay, sự cần cù chịu khó và kinh nghiệm của người dân sẽ góp phần làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.