Thứ tư, 22/01/2025, 18:19

Hiệu quả bước đầu của đề tài "Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình phục hồi và phát triển giống xoài bản địa Tương Dương"

Thứ ba - 06/07/2021 20:47 994 0
Xoài Tương Dương là cây trồng bản địa có nguồn gốc từ lâu đời có phẩm chất thơm ngon, trở thành đặc sản, thương hiệu riêng vùng miền của huyện, giá bán cao hơn các loại Xoài khác, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Hiệu quả bước đầu của đề tài "Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình phục hồi và phát triển giống xoài bản địa Tương Dương"
Tuy nhiên, người dân chưa quan tâm đầu tư phát triển Xoài Tương Dương thành sản phẩm hàng hóa, bên cạnh đó giống xoài đã trồng từ lâu bị sâu bệnh, bắt đầu bị thoái hóa nhưng chưa có giải pháp phục hồi nên năng suất vẫn còn thấp, chưa xứng với tiềm năng.
Từ thực tế đó thực hiện Quyết định số 2083/QĐ-UBND, ngày 05 tháng 6 năm 2019 của UBND tỉnh Nghệ An về việc phê duyệt thuyết minh dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ xây dựng mô hình phục hồi và phát triển giống Xoài bản địa Tương Dương”.
Sau gần 2 năm triển khai dự án khoa học “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình phục hồi và phát triển giống Xoài bản địa Tương Dương” đã đạt được một số kết quả bước đầu đáng ghi nhận như:
Thứ nhất, tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng về giống xoài bản địa Tương Dương ở các xã Tam Thái, Xá Lượng, và thị trấn Thạch Giám. Qua điều tra, diện tích Xoài hiện có khoảng 24,2 ha, tương đương 4.852 cây xoài, Xoài Tương Dương có những ưu điểm như: khả năng chịu hạn, phát triển tốt trên đất dốc, dễ trồng, dễ chăm sóc. Đây là giống cây gắn liền với giá trị văn hóa người dân bản địa vì vậy có ý nghĩa trong việc bảo tồn và phát triển. Tuy nhiên, các vườn xoài trên địa bàn huyện Tương Dương hiện đang trong thời kỳ kinh doanh, độ tuổi trung bình là 25 năm tuổi, vườn xoài lớn nhất 30-35 tuổi, vườn xoài nhỏ nhất 4-5 tuổi. Cây Xoài chủ yếu trồng từ hạt, cây rất cao, kỹ thuật trồng chăm sóc chủ yếu theo truyền thống và kinh nghiệm của từng hộ gia đình, không ứng dụng khoa học kỹ thuật làm cho năng suất thấp, chất lượng xoài ngày càng giảm sút, mẫu mã quả không đẹp.
Thứ hai, tổ chức được 3 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật, đào tạo kỹ thuật nhân giống và trồng chăm sóc cho 4 cán bộ kỹ thuật, 25 hộ nông dân tham gia mô hình.
Thứ ba, tuyển chọn 15 cây ưu tú, trong đó chọn được 10 cây đầu dòng đã được Sở NN&PTNT công nhận tại Quyết định số 928/QĐ-SNN.QLKTKHCN.
Thứ tư,  xây dựng được vườn ươm giống quy mô 800m2, sản xuất được trung bình 3000 cây/năm giống xoài bản địa Tương Dương và vườn cây mẹ với 40 cây để lấy mắt ghép nhân giống tại hộ Ông Phạm Công Hạnh, Khối Hòa nam, thị trấn Thạch Giám. Cùng với đó, đã tiến hành ghép được hơn 3600 cây giống xoài Tương Dương phục vụ cho nhân rộng mô hình trồng xoài. Cây giống sinh trưởng phát triển khỏe, đạt tiêu chuẩn xuất vườn sau ghép 4 tháng.
Lãnh đạo sở Khoa học & Công nghệ kiểm tra vườn ươm giống tại hộ anh Phạm Công Hanh- Khối Hòa Nam
Thứ năm, đáng ghi nhận, đến nay đề án đã xây dựng thành công mô hình trồng giống xoài thương phẩm quy mô 3 ha với 1.500 cây tại các hộ Trần Công Chính- Bản Cửa Rào 2, xã Xá Lượng, hộ Lô Văn Thuyết, bản Khổi xã Tam Thái, hộ Nguyễn Sỹ Châu Khối Hòa Nam, thị trấn Thạch Giám…, sau 15 tháng trồng đạt chiều cao 1,5-1,8 m, đường kính gốc 2-3 cm, đường kính tán trung bình 1,7 m, một số cây đã có quả. Ngoài diện tích mô hình thí điểm, đề án cũng đã mở rộng quy mô trồng xoài thêm 1 ha, trồng rải rác ở các hộ dân trên địa bàn.
Thứ sáu, đặc biệt, đã thực hiện có hiệu quả mô hình phục hồi, cải tạo 250 cây xoài Tương Dương 25-30 tuổi, trong đó 165 cây phục hồi áp dụng kỹ thuật đốn tỉa cành, bón phân, phòng trừ sâu bệnh, cho năng suất tăng 20% so với các cây xoài khác chất lượng quả cao như hộ anh Chu Ngọc Đình, Nguyễn Quốc Bắc, Trần Thị Loan địa chỉ Khối Hòa Nam, thị trấn Thạch Giám cho thu hoạch 2- 2,5 tấn xoài/hộ/năm; 35 cây cải tạo, 50 cây xoài lai ghép cải tạo cây đang sinh trưởng và phát triển tốt, cho 3 lứa chồi/năm dự kiến năm 2022 sẽ cho quả. Hiện nay, tỷ lệ mất mùa xoài do sâu bệnh, thiên tai những năm qua đã giảm hẳn, các vùng thích hợp cho sự phát triển, đem lại năng suất, chất lượng xoài được xác định quả ngọt thơm, độ Brix đạt hơn 19%.
Qua thời gian nghiên cứu đề tài đã đạt được mục tiêu đề ra. Nhưng để “đặc sản” xoài Tương Dương có được một chỗ đứng vững chắc trên thị trường và phát huy được giá trị kinh tế, các cấp chính quyền phải quan tâm đến việc tuyên truyền, nhân rộng, ngoài việc phải bảo tồn nguồn gen, các cây Xoài hiện có hàng năm sau khi thu hoạch phải đốn tỉa cành, bón phân, tưới nước, làm tốt công tác phòng trừ sâu bệnh, tìm những địa điểm có nước tưới quy hoạch và trồng mới xoài bản địa Tương Dương tập trung chủ yếu ở xã Tam Thái, Xá Lượng và Thị trấn Thạch Giám. Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu, nhãn mác, bao bì, tem truy xuất nguồn gốc, quan tâm việc tiêu thụ và đưa sản phẩm xoài ra bên ngoài, có sự bảo hộ về pháp lý để khách hàng mọi nơi có thể biết đến Xoài Tương Dương./.
Niềm vui Xoài được mùa của hộ gia đình chị Chu Thị Mùi, khối Hòa Nam, thị trấn Thạch Giám.
Nguyễn Thị Bình - TTDVNN huyện Tương Dương - Nguồn TSKN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
35.jpg 36.jpg 34-2.jpg a123.jpg a125-1.jpg 02.png 06.png 09.png 05-2.png 04.png 07-2.png a22.jpeg a23-1.png 12.jpg 14-1.jpg
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây