Thứ hai, 23/12/2024, 13:15

Chủ động chăm sóc, bảo vệ cây ăn quả  vào mùa mưa bão

Thứ ba - 03/08/2021 21:40 1.776 0
Nghệ An là tỉnh có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước (1.648.162ha), địa hình đa dạng phong phú (có đồi núi, đồng bằng, biển đảo); khí hậu nhiệt đới gió mùa, địa hình bị chia cắt mạnh nên hình thành nhiều tiểu vùng khí hậu phù hợp phát triển nhiều loại cây ăn quả có nguồn gốc nhiệt đới (chuối, dứa, xoài...), á nhiệt đới (cam, quýt, vải, nhãn...), ôn đới (táo, mận…) trong đó nhiều loại cây ăn quả có năng suất cao, chất lượng tốt, có tiềm năng phát triển sản phẩm hàng hóa.
Chủ động chăm sóc, bảo vệ cây ăn quả  vào mùa mưa bão
Theo số liệu của Cục Thống kê Nghệ An, tính đến năm 2020, tổng diện tích cây ăn quả toàn tỉnh đạt 22.802ha. Đã hình thành một số vùng trồng cây ăn quả tập trung có quy mô lớn như: cam, quýt ở Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Yên Thành,…; chanh ở Nam Đàn, Hưng Nguyên; dứa ở Quỳnh Lưu, …
Những năm qua, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, bên cạnh những thay đổi thất thường, không theo quy luật của các yếu tố nhiệt độ, lượng mưa, gió, độ ẩm không khí thì Nghệ An luôn chịu ảnh hưởng nặng nề của bão và áp thấp nhiệt đới. Trung bình mỗi năm có 2-3 cơn bão và thường xuất hiện vào tháng 8-10, bão thường kèm theo mưa lớn cùng với sự tàn phá của sức gió gây ra lũ lụt, lốc xoáy, làm cho nhiều diện tích cây ăn quả bị đổ gãy, thiệt hại lớn đến sản xuất.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ nay đến hết năm 2021 còn khoảng 10 đến 12 cơn bão và ATNĐ hoạt động trên biển Đông, trong đó có 4 đến 6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Đề phòng các cơn bão mạnh, có hướng di chuyển phức tạp trên khu vực biển Đông và các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, sét, mưa đá trong các tháng mùa mưa bão, đặc biệt mưa lớn có khả năng xảy ra dồn dập trong các tháng 10 và 11/2021 ở các tỉnh miền Trung, đặc biệt là khu vực Trung và Nam Trung Bộ.
Trước tình hình đó, để chủ động phòng, chống bão, lũ lụt cho cây ăn quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão lũ gây ra, bà con nông dân cần chủ động thực hiện các biện pháp sau:
Ø Trước bão, lũ lụt:
  • Tiến hành tỉa bỏ những cành tăm, cành khô, cành bị sâu bệnh, cành vượt... để tập trung dinh dưỡng nuôi cành chính và loại bỏ được nguồn sâu bệnh, giảm được diện tích hứng mưa gió, tạo cho cây vững vàng hơn khi gặp bão và hạn chế cạnh tranh dinh dưỡng ở những cành không cần thiết.
- Đối với cây đang mang trái nếu đã đến thời kỳ thu hoạch cần chủ động thu hoạch sớm khi có những cảnh báo của cơ quan khí tượng, tỉa bỏ bớt trái trên chùm để tránh va đập gây hư hỏng hoặc rụng trái.Những cây lá rộng thân mềm, cần tỉa bỏ những lá già đã giảm chức năng quang hợp. Với loại cây thân giả như chuối thì dùng cây chống, những cây có thân yếu, có bộ tán nặng, cây đang ra quả cần phải cắm cọc để giữ cây. Cọc cắm gồm 3 chiếc cắm lệch góc 120 độ, choãi chân ra ngoài bóng tán và điểm chụm khoảng 2/3 thân cây, buộc bằng dây mềm chắc dai, chịu nước có bảng rộng để thân cây không bị xơ xước.
- Những vườn đang trong thời kỳ kiến thiết, đã trồng các loại cây ăn quả là cây ghép (xoài ghép, chanh ghép, cam ghép, mít....), cần chú ý mắt ghép hoặc cành ghép nếu trùng với hướng gió thì rất dễ tách, gãy rời khỏi cây mẹ khi có gió to. Đặc biệt cành ghép, mắt ghép đã và đang liền sẹo nhưng chưa vững chắc thì cần phải được buộc cố định với thân cây chủ hay cắm cọc giữ cố định không để gió dịch chuyển gãy cành ghép, mắt ghép.
- Đối với vườn có hệ thống đê bao và mương tốt thì nên khống chế mực nước trong mương thấp hơn mặt lip dưới 40cm. Hệ thống thoát nước trong vườn phải tiêu nước kịp thời hoặc xẻ mương, rãnh thoát nước để tăng tiêu thoát nước, tránh gây ngập úng cục bộ, đắp đất cứng vào xung quanh gốc cây để làm tăng thêm mối liên kết giữa cây và đất nền. Vườn cây ở vùng trung du, miền núi, nơi có độ dốc lớn hơn 10 độ thì trồng xen các loại cây như sả, dứa, rau ngót... theo đường đồng mức để hạn chế xói mòn, rửa trôi đất.
- Đối với những vườn đang trong giai đoạn xử lý khô hạn để tạo mầm hoa: sử dụng màng nilong không thấm nước làm mái che trên mặt lip, đồng thời chuẩn bị tốt khâu thoát nước trong vườn nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng của mưa bão đến việc xử lý ra hoa.
Ø Một số biện pháp khắc phục sau mưa bão:
- Đào rảnh, tập trung bơm hút nước rút nhanh ra khỏi vườn cây; Đối với những vườn bị gãy cành, nghiêng gốc: Dùng cưa chuyện dụng cưa cành gãy, vệ sinh đồng ruộng. Tại vị trí cưa nên dùng nước vôi hoặc dung dịch thuốc nấm gốc đồng quét vào vết cưa để hạn chế tác hại của nấm xâm nhập vào cành cây gây hại.
- Xới nhẹ, phá váng ở lớp đất mặt (vùng tán cây) giúp đất thông thoáng, tạo sự trao đổi khí vùng bên trên và xung quanh rễ; Không nên xử lý ra hoa đối với cây bị ảnh hưởng do mưa bão như nghiêng ngả, gãy cành, gãy nhánh.
- Đối với những cây thiệt hại nặng như trốc gốc, gẫy nhánh nặng khó phục hồi, cần có kế hoạch sử dụng cây giống chất lượng cho trồng mới; Riêng đối với vườn chuối bị gãy thân chính: cần dọn và xử lý tàn dư cây gẫy đổ, có thể chọn từ 1 đến 2 chồi khỏe nhất trong khóm để chăm sóc thành cây thay thế cây chính đã bị gãy đổ.
- Đối với những vườn xử lý trái vụ đang ra hoa, bị ảnh hưởng từ nhẹ đến trung bình: tăng cường chăm sóc, phun phân bón lá có chứa Bo hoặc các chất điều hòa sinh trưởng như Naphthalene acetic acid (NAA), Gibberellic acid (GA3), giảm rụng quả và tăng tỷ lệ đậu quả. Nếu bị ảnh hưởng toàn bộ (cây không thể ra hoa được hoặc hoa bị thối rụng): cắt bỏ các trục (phát) hoa, tiếp tục chăm sóc, dưỡng cây để chuẩn bị cho đợt xử lý ra hoa kế tiếp.
Ø Chủ động phòng chống các loại bệnh hại (đặc biệt là bệnh do nấm và vi khuẩn):
- Mưa liên tục, độ ẩm cao, mật độ sâu hại sẽ giảm đáng kể nhưng một số bệnh hại gây hại cây trồng lại tăng lên, nhất là các bệnh do nấm gây bệnh thán thư, thối rễ, nứt và thối trái. Đối với nấm bệnh tấn công chủ yếu ở các chồi lá non thì việc thúc lá nhanh thành thục cũng là biện pháp làm hạn chế nấm bệnh. Đồng thời cần tỉa cành già cỗi, cành vượt tạo độ thông thoáng cho cây, thu gom và tiêu hủy những bộ phận bị bệnh để tránh lây lan, phun các loại thuốc gốc đồng để phòng trừ nấm bệnh tấn công vườn. Bên cạnh đó nếu có điều kiện thì sau mỗi cơn mưa phải dùng nước tưới phun hoặc rung cây để rửa nước mưa, vừa có tác dụng loại bỏ môi trường thích hợp phát triển của nấm, vừa làm cho bào tử nấm bệnh bám vào trên mặt lá, cành theo nước rơi xuống.
- Đối với nấm bệnh hại rễ thì có thể ngừa bằng cách rải vôi hoặc quét vôi vùng thân gốc cây từ mặt đất lên 0,5 – 2m tùy loại và chiều cao cây. Mỗi năm thực hiện 1 lần vào đầu mùa mưa.
- Đối với những vườn cây đang đậu quả non hoặc quả trong giai đoạn phát triển: Phun phân bón lá có chứa canxi (Ca), đồng (Cu), boron (B), kẽm (Zn) để tránh hiện tượng nứt quả. Theo dõi thường xuyên vườn cây, đặc biệt là các cây bị long gốc để kịp thời phát hiện bệnh rễ do nấm gây ra và có biện pháp phòng trừ kịp thời. Có thể dùng các loại thuốc nấm như Ridomil hoặc Aliette,…tưới gốc 2 – 3 lần cách nhau 20 – 25 ngày, nồng độ theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Khi bộ rễ cây đã ổn định trở lại, mới tiến hành bón phân cho vườn cây ăn quả (khoảng 20 – 30 ngày sau).
Trên đây là một số biện pháp chăm sóc, bảo vệ cây ăn quả mà bà con nông dân cần áp dụng để tăng “sức khỏe” cho cây, giúp cây trồng sinh trưởng phát triển tốt, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh và điều kiện thời tiết bất lợi khi mùa mưa bão đang đến gần./.
Nguyễn Hữu – Trung tâm Khuyến nông Nghệ An nguồn TSKN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
hh3-1.jpg hh7-1.jpg hh4-2.jpg hh1.jpg hh5-3.jpg hh2.jpg hh6-2.jpg z6098847690463-7001a19e38215bdbc3068ea76aa3cc89-1.jpg a3-7.jpg a2-9.jpg Nuoi-cac-long-cua-song-cua-ho-Vu-Van-Manh-xa-Nghi-Quang-huye mo-hinh-buoi-1.jpg tap-huan-tinh-huyen-5.jpg mo-hinh-che-huu-co.jpg hoi-nghi-thang-9-6.jpg
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây