Thứ tư, 22/01/2025, 18:15

Hiệu quả từ mô hình trồng măng tây xanh tại thị xã Thái Hòa

Thứ tư - 07/07/2021 22:45 2.087 0
“Bén duyên” với xã Tây Hiếu, thị xã Thái Hòa từ đầu năm 2020, măng tây xanh đang dần trở thành cây trồng chính, mang lại giá trị kinh tế cao cho các thành viên của HTX Nông nghiệp xanh Thái Hòa. Thấy được hiệu quả mang lại từ cây trồng này, HTX đang định hướng mở rộng diện tích, chế biến trà từ gốc măng tây để tăng hiệu quả kinh tế.
Hiệu quả từ mô hình trồng măng tây xanh tại thị xã Thái Hòa
 
                     Mô hình măng tây xanh của chị Nguyên Minh Huyền, xã Tây Hiếu, Thị xã Thái Hoà
Nằm vắt ngang đôi bờ sông Hiếu hiền hòa nơi miền Tây xứ Nghệ, vùng đất Thái Hòa được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho vùng đất đỏ ba gian rộng lớn, màu mỡ. Người dân Thái Hòa từ lâu đã có nhiều kinh nghiệm sản xuất với các sản phẩm cây công nghiệp, cây ăn quả như bơ, ổi, cao su, cam,….Còn cái tên măng tây xanh – một loại rau được ví là “vua của các loại rau” này giường như đang còn quá lạ lẫm với người dân nơi đây.
Đứng trước hơn 1ha măng tây, nghe chị Nguyễn Minh Huyền say sưa nói về cây măng tây, hiệu quả kinh tế của loại cây trồng này, chúng tôi không khỏi thán phục trước tư duy, tình yêu với nông ngiệp của người phụ nữ này. Sau bao trăn trở, tìm tòi để trả lời cho câu hỏi: “ Phải trồng cây gì để nâng cao hiệu quả kinh tế?”, chị đã quyết định lựa chọn cây măng tây.
Chị Huyền chia sẻ: thời gian đầu triển khai chị cũng gặp phải những khó khăn nhất địnhnhư chưa biết nguồn mua giống chuẩn, kỹ thuật trồng và chăm sóc còn nhiều hạn chế, gieo mật độ dày nên cây sinh trưởng phát triển kém, chậm cho thu hoạch.Sau nhiều ngày nghiêu cứu, chị quyết định vào Ninh Thuận tham quan học hỏi mô hình trồng măng tây của một người bạn. Trở về áp dụng trên ruộng măng tây của mình, sau 9 tháng, mô hình của chị đã cho những đồng lợi nhuận đầu tiên.
                                           Chị Nguyễn Minh Huyền bên ruộng măng tây của gia đình
Khi được hỏi về kỹ thuật trồng măng tây, chị Huyền cho biết: Cây măng tây có thể trồng vào 2 thời vụ, gieo cuối tháng 8 đến đầu tháng 9 để trồng tháng 2, tháng 3 hoặc gieo cuối tháng 2 đến tháng 4 để trồng từ tháng 4 đến tháng 6 dương lịch. Trồng 1 ha măng tây cần khoảng 500g hạt giống, mật độ khoảng 18.000 – 20.000 cây/ha. Là loại cây trồng ưa khí hậu mát và cần được tưới nhiều nước nhưng lại chịu rét và ngập úng kém nên để cây măng tây sinh trưởng phát triển tốt cần chọn đấtcó độ tơi xốp cao, giàu mùn, giàu chất hữu cơ, cao ráo, dễ thoát nước. Ngoài ra một trong những yếu tố quyết định đến sinh trưởng, phát triển và năng suất cây măng tây đó chính là việc làm đất kỹ, bón lót phân đầy đủ với lượng 12-15 tấn phân hữu cơ hoai mục kết hợp Trichoderma, 150kg NPK, 1200-1500kg vôi cho 1ha. Thời gian chăm sóc chưa thu hoạch được chia làm 4-6 lần bón thúc, lần đầu sau trồng 15-20 ngày; trung bình mỗi tháng bón một lần với lượng phân bón cho 1ha là 150 kg NPK loại 16-16-8 cho mỗi lần bón. Đồng thời vun gốc sau mỗi lần bón phân để bảo vệ cổ rễ. Trước khi vào thời kỳ thu hoạch măng bón thêm 15-20 tấn phân chuồng + 200 kg NPK loại 15-15-15/ha nhằm cung cấp thêm dinh dưỡng cho cây mẹ đẻ nhiều măng.
Chị Huyền cho biết thêm măng tây sau trồng từ 6 đến 9 tháng sẽ cho thu hoạch. Mỗi đợt thu hoạch măng tây kéo dài khoảng 45 ngày, sau đó nghỉ để tái tạo, chăm sóc khoảng 10 ngày lại cho thu hoạch. Tuy nhiên vào những ngày thời tiết quá lạnh hoặc quá nóng cây măng tây đều giảm sản lượng rõ rệt. Dịp tết 2020, bình quân mỗi ngày gia đình chị thu hoạch 70 – 80 kg/ha, với giá bán tại vườn từ 70.000 – 100.000 đ/kg,mỗi ngày cho thu nhập từ 5 đến 8 triệu đồng/ha. Hiện tại do thời tiết nắng nóng nên mỗi ngày chỉ thu hoạch được từ 20 – 30kg măng, giá bán bình quân 50.000 đ/kg, trừ mọi chi phí sản xuất mỗi ngày chị còn “bỏ túi” được khoảng 600.000 đồng/ha.
Sau thành công trên mô hình của mình, chị Huyền đã chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật cho các thành viên khác trong hợp tác xã. Hiện nay tổng diện tích măng tây của hợp tác xã đã tăng lên hơn 3ha.Theo chị Huyền, với chi phí đầu tư ban đầu cho 1 ha tương ứng khoảng 300 triệu đồng/ha, sau khi trồng từ 6 đến 7 tháng cây sẽ cho năng suất ổn định khoảng từ 10 – 15 tấn/ha. Với giá bán sản phẩm như hiện nay 50 ngàn đồng/kg thì người nông dân có thể tạo ra một giá trị khoảng 500 triệu đến 700 triệu đồng/ha/năm. Sau khi trừ chi phí, có thể cho lợi nhuận khoảng 200 – 400 triệu đồng/ha/năm.
Trao đổi với chúng tôi, bà Ngô Thị Hồng – Giám đốc HTX Nông nghiệp xanh Thái hòa cho biết: Để đảm bảo chất lượng măng tây, các thành viên HTX phải cam kết sản xuất theo hướng sạch, an toàn nên sản phẩm luôn đạt chất lượng. Măng tây xanh đã và đang mở ra một hướng phát triển kinh tế mới cho người dân xã Tây Hiếu, góp phần vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng của Thị xã, giúp người dân vươn lên làm giàu chính đáng. Thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục mở rộng diện tích, đầu tư thêm trang thiết bị để sản xuất chế biến trà từ gốc măng tây, góp phần tăng thêm hiệu quả kinh tế./.
                                           Nguyễn Văn Hữu - Trung tâm KNNA - nguồn TSKN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
35.jpg 36.jpg 34-2.jpg a123.jpg a125-1.jpg 02.png 06.png 09.png 05-2.png 04.png 07-2.png a22.jpeg a23-1.png 12.jpg 14-1.jpg
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây