Theo Chi cục trồng trọt và BVTV (Sở NN & PTNT) tính đến nay toàn tỉnh đã gieo cấy được trên 58.000 ha/59.000 ha KH, đạt xấp xỉ 100% KH. Trong đó vùng lúa các huyện: Diễn Châu, Yên Thành và Quỳnh Lưu là những địa phương có diện tích lúa hè thu nhiều nhất tỉnh, với 27.250 ha lúa được gieo cấy xong cơ bản trước ngày 5 tháng 6. Đặc biệt vùng lúa này chủ yếu bà con nông dân gieo mạ để cấy sau khi lúa xuân thu hoạch xong với mục đích cho thu hoạch sớm trước khi mùa mưa, lụt, bão chưa đến.
Vấn đề cấp thiết hiện nay là kịp thời chăm bón lúa sau khi đã gieo cấy được từ 10 - 12 ngày để cây lúa phát triển sớm, nhanh và cho năng suất cao. Theo dự báo của Tổng cục khí tượng thủy văn quốc gia (Bộ Tài nguyên - Môi trường) thì mùa mưa, bão, lụt năm nay dự báo có từ 12 - 14 cơn bão hoạt động trên biển Đông, trong đó có 5 - 7 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Riêng mưa sẽ nhiều hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN). Từ tháng 9 trở đi mưa lớn, bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) sẽ hoạt động mạnh, gây ảnh hưởng lớn đến khu vực Bắc Trung Bộ trở vào, trong đó có Nghệ An.
Như vậy việc chăm bón vụ lúa hè thu năm nay có mấy lưu ý sau đây:
Việc bón phân thúc sớm kịp thời cho vụ lúa hè thu hiện nay sẽ làm cây lúa tốt sớm, tốt nhanh, không kéo dài thời gian sinh trưởng (TGST) về sau để cho thu hoạch càng sớm càng tốt trước mùa mưa bão lụt.
Với đặc điểm của vụ sản xuất lúa hè thu là: đầu vụ từ khi gieo cấy đến khi lúa làm đòng là khoảng thời gian nắng nóng, nhiệt độ không khí cao. Cuối vụ hè thu là mùa mưa to, gió lớn, bão nhiều và úng lụt xẩy ra thường xuyên. Vì vậy việc chăm bón cây lúa cho vụ sản xuất hè thu cần thực hiện tốt các biện pháp sau đây:
Một: Đối với diện tích lúa vừa qua bị ảnh hưởng của cơn bão số 2 gây ngập úng nặng trên diện tích khoảng 2000 ha tập trung ở các vùng đồng bằng sâu trũng ở một số địa phương như: Hưng Tây, Hưng Yên Bắc, Hưng Trung… huyện Hưng Nguyên. Diễn Nguyên, Diễn Thái, Minh Châu… huyện Diễn Châu, Long Thành, Vĩnh Thành, Khánh Thành, Nhân Thành… huyện Yên Thành. Trong số diện tích nói trên phần lớn chỉ ngập úng tạm thời, sau đó nước rút, nên ảnh hưởng không đáng kể. Còn lại một số ít diện tích từ 450 - 500 ha thuộc diện lúa gieo sạ ở một số xã nói trên của huyện Hưng Nguyên khả năng hạt giống sau khi gieo bị ngập từ 2 - 3 ngày sẽ bị thối hết. Vì vậy trên diện tích này tốt nhất phải tiến hành gieo sạ lại ngay sau khi nước rút hết để đảm bảo thời vụ và chỉ nên gieo lại bằng các giống lúa rất ngắn ngày như: Khang dân đột biến, Khang dân cải tiến, TBR 279, VT-NA2. Riêng đối với loại lúa cấy, lúa gieo sạ được trên 10 ngày trước khi có mưa to gây ngập úng thì sau khi nước rút, tiếp tục cho nước trong ruộng cạn từ 5 - 7 cm, chưa vội bón phân đạm thúc lúa đẻ, phải chờ 5-6 ngày sau để cây lúa hồi phục lại bình thường khi đó mới bón thúc đợt 1 cho lúa đẻ nhánh. Trên diện tích này khi bón thúc cần bón bình quân mỗi sào từ 4 - 5 kg Urê +2-3 kg Kali để cây lúa khôi phục nhanh trở lại.
Hai: Trên diện tích vừa qua lúa không bị mưa to gây ngập úng: khi lúa đã gieo cấy được 10-12 ngày cần kịp thời bón phân thúc để cây lúa đẻ nhánh sớm, đẻ tập trung, có được số bông hữu hiệu cao, sẽ cho năng suất lúa cao. Ngược lại bón càng chậm năng suất càng thấp và dẫn đến kéo dài TGST về sau dễ gặp thiên tai bất lợi làm giảm năng suất lúa.
Nhưng do thời gian này trời nắng nóng, nhiệt độ không khí cao, lượng nước bốc hơi lớn. Phân bón xong lại hòa tan trong nước ngay, nhất là đạm. Vì vậy bón phân lúc này cần áp dụng phương châm bón lượng ít, bón nhiều lần để hạn chế mất đạm trong tự nhiên khó tránh khỏi. Vì vậy phân bón thúc cho lúa đẻ nhánh nên chia làm 2 lần bón, lần 1 bón bình quân cho mỗi sào từ 2-3 kg Urê. Khi bón nên để nước trong ruộng cạn 3-5 phân, bón vào buổi chiều tối. Lần 2 bón cách lần 1 khoảng 7-8 ngày, bón tiếp 2-3 kg đạm Urê +1-2 kg Kaly. Sau lần bón thúc lúa đẻ nhánh nói trên được khoảng 13-14 ngày (đối với giống lúa có TGST dưới 100 ngày) và từ 18 - 20 ngày (đối với giống lúa có TGST từ 105 - 110 ngày) tiếp tục bón thúc đòng. Lần bón này chỉ cần bón bình quân cho mỗi sào từ 1,5 - 2,00 kg phân đạm Urê +3-4 kg Kali Clorua.
Ba: Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để phát hiện sớm các loại sâu bệnh gây hại. Trong đó đáng lưu tâm là sâu cuốn lá, sâu đục thân, rầy nâu và bệnh khô vằn.
Để phòng trừ tốt các loại sâu bệnh nói trên trong vụ hè thu, bà con nông dân cần lắng nghe khuyến cáo của Trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành, thị về phương pháp phòng chống các loại sâu bệnh thông qua dự tính, dự báo để biết mà phòng trừ kịp thời. Tốt nhất bà con nông dân nên thường xuyên thăm đồng, kiểm tra tại ruộng để chủ động phát hiện có sâu bệnh phòng trừ ngay, phòng trừ càng sớm càng tốt. Nếu là sâu cuốn lá, sử dụng thuốc Ammate 150 EC, Virtako 40 WG, Regan 800 WG… Nếu là sâu đục thân dùng thuốc: Virtako 40 WG, Tango 80 WG, Padan 95 EC… Nếu là rầy nâu dùng thuốc Dragon 585 EC, Bassa 50 EC… Nếu là bệnh khô vằn dùng thuốc Til super 300 EC, tất cả các loại thuốc khi sử dụng phun theo hướng dẫn có ghi ở ngoài bao bì./.
Bà con nông dân Yên Thành bón phân thúc lúa hè thu
Doãn Trí Tuệ
Thành phố Vinh - nguồn TSKN