Tham gia các điểm cầu, ở Trung ương có Cục Trồng trọt, Cục Chăn nuôi, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Viện nghiên cứu Ngô và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia; ở địa phương có Đại diện Lãnh đạo Sở Nông nghiệp & PTNT, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Trung tâm Khuyến nông và nông dân của 12 tỉnh/thành phố: Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nam, Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình và Tuyên Quang; Ngoài ra có lãnh đạo một số doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất và thu mua ngô sinh khối, một số cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương.
Hội nghị đã được nghe các báo cáo tham luận đánh giá tình hình phát triển chăn nuôi đại gia súc và sản xuất ngô sinh khối phục vụ cho chăn nuôi trâu, bò của cả nước và của vùng Bắc Trung bộ; các kết quả sản xuất cũng như nghiên cứu giống ngô có sinh khối cao… Hội nghị cũng đã tập trung thảo luận các giải pháp phát triển sản xuất ngô sinh khối về chính sách hỗ trợ, phát triển sản xuất, về quy hoạch sản xuất tập trung, hạ tầng dịch vụ thủy lợi, giải pháp tổ chức sản xuất, chế biến và kết nối tiêu thụ sản phẩm …
Tham luận với Hội nghị, Trung tâm Khuyến nông Nghệ An đã đánh giá trồng ngô sinh khối để làm thức ăn cho chăn nuôi trâu bò được tỉnh Nghệ An và các địa phương quan tâm, là hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm rút ngắn thời gian sản xuất, hạn chế được sâu bệnh, rủi ro trên đồng ruộng, giảm công chăm sóc, chủ động được thời vụ cho cây trồng sau, tăng hệ số sử dụng đất và tăng thu nhập cho bà con nông dân.
Hiện tại có một số trang trại chăn nuôi có nhu cầu thu mua cây ngô lớn như trang trại bò sữa Vinamilk; trang trại bò sữa TH True milk; trang trại bò Úc tại Nghi Lộc và một số trang trại chăn nuôi bò thịt khác. Vì vậy, có nhiều huyện đã chuyển đổi sang trồng ngô sinh khối với diện tích lớn như: Anh Sơn, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Nam Đàn, Thanh Chương, Diễn Châu, Nghi Lộc,... và trồng ở vụ Đông là chủ yếu. Tổng diện tích ngô sinh khối cả tỉnh Nghệ An năm 2020 là hơn 4.000 ha, năng suất đạt 40-60 tấn/ha, tùy giống, đất đai và khả năng đầu tư thâm canh; Tại huyện Anh Sơn: khoảng 800-900 ha; Nghĩa Đàn: khoảng 600-700 ha, Tân Kỳ 400-500; Thanh Chương khoảng 200 ha. Giá bán từ 800.000-1.000.000 đồng/tấn; thu nhập từ 30-50 triệu/ha/vụ, lãi từ khoảng 17-34 triệu đồng/ha, cao hơn so với để lấy hạt từ 12-17 triệu đồng/ha (khoảng 1,5 lần) mà thời vụ rút ngắn được 30-45 ngày.
Đối với sản xuất ngô sinh khối vụ Đông năm 2021 có những khó khăn như ruộng đồng manh mún, muốn hình thành vùng trồng tập trung lớn để đưa cơ giới hóa vào sản xuất thì phải có sự thống nhất chung của nhiều hộ dân. Mỗi hộ sử dụng một giống khác nhau, bán ngô cho các thương lái khác nhau; thời tiết bất thường gây mưa bão đầu vụ, những con gió lốc bất thường gây đổ gãy; nguy cơ bệnh sâu keo mùa thu, chuột … gây hại; giá cả phân bón tăng; nhân lực lao động thiếu; không ổn định trong tiêu thụ… Nhất là tình hình dịch bệnh Covid diễn biến phức tạp ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất vụ Đông 2021 nói chung và đối với sản xuất ngô sinh khối nói riêng.
Nhằm đảm bảo mục tiêu diện tích sản xuất vụ Đông năm 2021 toàn tỉnh đạt 35.545 ha, trong đó kế hoạch sản xuất cây ngô sinh khối phục vụ chăn nuôi là 5.000 ha, Trung tâm Khuyến nông nghệ An cũng đã chia sẻ các giải pháp sản xuất cây ngô sinh khối ở Nghệ An như: Bố trí vùng sản xuất phù hợp về điều kiện đất đai, theo từng vùng đất như trên đất 2 lúa, trên đất cát ven biển thoát nước tốt, vùng đất đồi vệ, đất bãi bồi ven sông; Cùng với đó là bố trí giống ngô phù hợp, ưu tiên giống có sinh khối lớn, thích hợp gieo dày; Bố trí mùa vụ gieo trồng phù hợp với thời tiết, với từng vùng, với cây trồng vụ sau; Chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, tiêu úng …; Xây dựng các mô hình sản xuất ngô sinh khối gắn với tiêu thụ sản phẩm; Có các cơ chế chính sách như Quyết định số 48/2017/QĐ-UBND ngày 05/6/2017 về hỗ trợ nông dân có cây trồng bị thiệt hại do thiên tai dịch bệnh; Nghị quyết số 13/2018/NQ-HĐND ngày 12/12/2018 của HĐND tỉnh; ngoài ra các chính sách khác của các huyện; Đồng thời tiến hành chỉ đạo sát với thực tế sản xuất như: chuyển đổi cơ cấu cây trồng vụ Đông sát với thực tế, lịch thời vụ sát với dự báo thời tiết, khí tượng thủy văn, sản xuất sát với nhu cầu của thị trường, công tác chỉ đạo sản xuất sát với cơ sở, xuống tận ruộng, tận nhà…
Đối với Trung tâm Khuyến nông Nghệ An và hệ thống khuyến nông huyện xã đã tiến hành các hoạt động tuyên truyền đề án sản xuất vụ đông 2021, các chính sách hỗ trợ, các giải pháp về kỹ thuật, một số huyện xây dựng các mô hình liên kết sản xuất ngô sinh khối… Để tiếp tục phát triển ngô sinh khối trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Nghệ An đề nghị Trung tâm Khuyến nông Quốc gia làm đầu mối cho các tỉnh, xây dựng chương trình phát triển ngô sinh khối, hỗ trợ các tỉnh xây dựng các dự án, mô hình liên kết tiêu thụ đảm bảo bền vững, các chương trình thông tin tuyên truyền để đẩy mạnh chuyển đổi một số cây trồng kém hiệu quả sang trồng ngô sinh khối.
Điểm cầu ở Nghệ An
Hội nghị cũng được nghe các chuyên gia trả lời thỏa đáng các câu hỏi của bà con nông dân về các loại giống ngô sinh khối, quy trình, biện pháp kỹ thuật, các cơ chế chính sách hỗ trợ và định hướng phát triển trong thời gian tới. Tiếp thu các ý kiến chia sẻ của các điểm cầu, Đồng chí Lê Quốc Thanh – Giám đốc trung tâm Khuyến nông Quốc Gia ghi nhận các ý kiến và tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho Bộ Nông nghiệp & PTNT, đồng thời sẽ là cầu nối giữa các đơn vị quản lý Nhà nước, các đơn vị nghiên cứu, các tỉnh và các đơn vị sản xuất, thu mua, chế biến ngô sinh khối, để tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, đưa các tiến bộ kỹ thuật, các giống mới, xây dựng được chuỗi liên kết tiêu thụ bền vững trong sản xuất ngô sinh khối tại các địa phương của 12 tỉnh phía Bắc ./.
Nguyễn Hồng Giang - Trung tâm KNNA