Thành phần tham dự có đại diện Vụ Hợp tác Quốc tế - Bộ Nông nghiệp và PTNT; các Doanh nghiệp, hiệp hội, hội, hợp tác xã, các tổ chức Quốc tế, các tổ chức phi Chính phủ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, các cơ quan truyền thông, báo chí.
Thành phần tham dự tại điểm cầu tỉnh Nghệ An có đại diện Lãnh đạo Sở nông nghiệp và PTNT; Phòng Quản lý Kỹ thuật và KHCN, các chuyên viên liên quan, các Chi cục: Trồng trọt và BVTV; Chăn nuôi và Thú y; Kiểm Lâm; Thuỷ Sản;Phát triển nông thôn; Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản và Trung tâm Khuyến nông.
Tại hội nghị các đại biểu được nghe cácbáo cáo tham luận về nhu cầu, xu hướng thế giới đối với than sinh học và cụ thể ứng dụng than sinh học tại Việt Nam nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức về lợi ích và tiểm năng ứng dụng của than sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp, đồng thời kết nối và hợp tác thúc đẩy ứng dụng, thương mại hoá công nghệ nhiệt phân tại Việt Nam trong chuyển đổi chất thải nông nghiệp (vỏ trấu, vỏ cà phê) thành nguồn năng lượng sạch và than sinh học giá trị.
Than sinh học được mệnh danh là “vàng đen” vì những tác dụng quý báu của nó đối với nông nghiệp và môi trường. Than sinh học có đặc tính như một bể chứa Cacbon tự nhiên, cô lập và giữ khí CO2 trong đất và đặc tính xốp giúp đất giữ nước, dưỡng chất và bảo vệ vi khuẩn có lợi cho đất. Khi chôn dưới đất, sau phân hủy sẽ cho ra một loại phân bón hữu cơ, đây là một loại phân bón tốt và thân thiện môi trường. Bên cạnh đó, than sinh học còn có tác dụng khử mùi và khử trùng hoặc có thể sử dụng kết hợp với chế phẩm vi sinh để làm lớp thảm sinh học cho các trại chăn nuôi gia cầm,...vv.
Chủ trì và phát biểu kết luận Hội thảo đồng chí Nguyễn Hà Huế-Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế - Bộ Nông nghiệp và PTNT nhấn mạnh: Trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm, dư lượng hóa chất độc hại ngày càng trở thành một vấn đề lớn gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng và tuổi thọ sống của con người. Hiện nay nguồn nguyên liệu sản xuất than sinh học ở Việt Nam rất phong phú và giá thành rẻ như: Xương động vật, vỏ cua, vỏ ốc hến, tro bếp, xác của các loại động thực vật, các loại cây thủy sinh (tảo, bèo..), vỏ trấu, vỏ cà phê, vỏ đậu phụng, bã mía, vỏ dừa, vỏ ca cao cho đến cây tre, lau sậy, phế thải từ khai thác rừng, cùng rất nhiều các chất thải xanh khác. Để giải quyết vấn đề này thì than sinh học là một sự lựa chọn tất yếu cho tương lai vì nó đem lại hiệu quả cho người trồng trọt đồng thời an toàn tuyệt đối cho người sử dụng thực phẩm hàng ngày, giảm bớt bệnh tật và ô nhiễm môi trường, tạo thêm công việc làm cho lao động nhàn rỗi vùng nông thôn, có được nguồn phân bón tốt, hiệu quả lâu dài đối với môi trường; Tận dụng được nguồn nguyên liệu phong phú, sẵn có, rẻ tiền, đáp ứng được nhu cầu trong nước và tiến tới xuất khẩu sang các nước dựa trên yếu tố cạnh tranh về chi phí. Đã đến lúc đưa những giá trị của than sinh học đến với Việt Nam để bảo vệ tài nguyên đất đai, môi trường sống và sức khỏe của con người, góp phần vào sự phát triển bền vững, xanh, sạch, đẹp./.
Ảnh Hội thảo trực tuyến “Ứng dụng than sinh học trong phát triển nông nghiệp bền vững”
Cao Tuấn - Trung tâm KNNA